* TPHCM di dời người dân xã đảo Thạnh An
Chiều tối 5-11, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp khẩn của Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão (PCLB) Trung ương để chỉ đạo các biện pháp khẩn cấp ứng phó với cơn bão số 13.
Tại cuộc họp, ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương cho biết, bão số 13 là một cơn bão “siêu tốc” đang ào ạt đổ vào bờ với vận tốc lên tới 30km/giờ và dự báo chỉ khoảng chiều 6-11 sẽ cập đất liền, đe dọa nhiều tỉnh, thành ở Nam Trung bộ, Đông Nam bộ và Tây Nam bộ. Hiện bão số 13 di chuyển nhanh theo hướng lệch Tây Tây Bắc. Vào chiều tối 5-11, bão số 13 ở cấp 8 - 9, giật cấp 10 - 11. “Sớm thì 15 - 16 giờ chiều 6-11 hoặc muộn thì 19 - 20 giờ tối 6-11 bão sẽ đổ bộ vào đất liền” - ông Bùi Minh Tăng cho biết như vậy tại cuộc họp. Do vậy, mọi công tác chuẩn bị phòng chống bão phải hoàn thành trước 12 giờ trưa 6-11. Bão số 13 sẽ đổ bộ vào các tỉnh từ Phú Yên đến Cà Mau, nhiều nơi có giông, lốc xoáy.
Theo lãnh đạo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương, do bão đổ bộ vào chiều tối gặp triều cường lớn nhất trong tháng 11, vì vậy các địa phương ven biển như TPHCM đề phòng ngập lớn. Ngoài ra, đề phòng mưa cục bộ, dồn dập ở Tây Nguyên, Nam bộ, lượng mưa từ 100 - 300mm. Trong khi đó, cơn bão Haiyan (Hải Âu) vào khoảng từ ngày 8 đến 9-11 sẽ vào biển Đông, ở cấp 11 - 12. Và từ ngày 13 đến 14-11 sẽ có một cơn bão nữa ở khu vực Nam biển Đông. Như vậy, bão sẽ lại chồng bão, đe dọa các tỉnh miền Nam.
Chỉ đạo tại cuộc họp Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương với các tỉnh, thành tối qua, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các địa phương, bộ đội biên phòng phối hợp với Bộ NN-PTNT tập trung thông báo cho tất cả tàu thuyền, cứu người ra khỏi khu vực nguy hiểm. “Các tỉnh, thành nằm trong vùng ảnh hưởng trực tiếp của bão là từ Bình Định đến Khánh Hòa, Tây Ninh thực hiện cấm biển từ hôm nay. Ngoài ra, các địa phương phải lưu ý, tại những khu vực dân cư có khả năng bị đe dọa phải chuẩn bị sơ tán dân”. Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Công an toàn quyền quyết định trong việc cấm đường khi có bão lớn, không cho các phương tiện xe khách di chuyển khi bão đổ bộ, để đảm bảo an toàn về người.
Ngay sau cuộc họp trực tuyến với Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân cho biết, TP xem xét khả năng di dời người dân xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ vào đất liền an toàn. Ban Chỉ huy PCLB và Tìm kiếm cứu nạn TP cần liên hệ, phối hợp với các nơi về khả năng xã lũ của các hồ thủy điện và thủy lợi. Những quận, huyện ven sông như Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Bình Chánh, quận 12, Thủ Đức, Bình Thạnh đặc biệt quan tâm đến khả năng mưa tại chỗ, triều cường, xả lũ cùng xảy ra. Các địa phương phải hết sức chú ý, nếu chủ quan có thể gây ra thiệt hại bất ngờ.
Cũng chiều qua, TPHCM có công văn hỏa tốc chỉ đạo việc khẩn trương triển khai các phương án, biện pháp phòng, tránh, ứng phó cơn bão số 13 ảnh hưởng trực tiếp đến TP; đảm bảo an toàn cho người, tàu thuyền hoạt động trên biển và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do ảnh hưởng của cơn bão gây ra, Ban Chỉ huy PCLB và Tìm kiếm cứu nạn TP yêu cầu: Huyện Cần Giờ yêu cầu ngư dân và các chủ phương tiện tàu thuyền chấp hành lệnh nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi hoạt động thủy sản kể từ 19 giờ ngày 5-11 cho đến khi có lệnh mới. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tại cửa sông, cửa biển, kiên quyết không cho tàu thuyền ra khơi theo lệnh cấm này.
Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản TP và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP tiếp tục thông báo các chủ phương tiện và tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, tốc độ, hướng di chuyển của bão số 13 để chủ động phòng tránh, không đi vào vùng nguy hiểm, đồng thời kêu gọi các tàu thuyền đang trong khu vực nguy hiểm thoát ra khỏi hoặc tìm nơi tránh trú an toàn, khu vực nguy hiểm được xác định trong 3 ngày (ngày 5, 6 và 7-11) là vùng biển từ vĩ tuyến 8 đến vĩ tuyến 15, vùng biển nguy hiểm sẽ được điều chỉnh theo diễn biến của bão; khẩn trương bố trí lực lượng hướng dẫn neo chặt lồng bè nuôi trồng thủy sản, sắp xếp tàu thuyền neo đậu đúng kỹ thuật tại khu neo đậu tàu, thuyền đảm bảo an toàn; tuyệt đối không để người trên tàu thuyền, lồng bè, sở đáy, chòi canh, khu nuôi trồng thủy sản ven sông, ven biển.
Tối 5-11, UBND huyện Cần Giờ cho biết, dự kiến có khoảng 2.000 người dân xã đảo Thạnh An sẽ được đưa vào đất liền từ sáng nay 6-11.
VĂN PHÚC - CÔNG PHIÊN