Bão số 4 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

* Lũ trên các sông đang lên nhanh
Bão số 4 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

* Lũ trên các sông đang lên nhanh

(SGGPO).- Theo bản tin phát lúc 9h30 của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng sớm nay, 27-9, sau khi đi vào vùng ven biển các tỉnh Quảng Trị - Thừa Thiên Huế, bão số 4 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Hồi 7 giờ, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 16,9 độ Vĩ Bắc; 107,6 độ Kinh Đông, trên vùng ven bờ các tỉnh Quảng Bình - Quảng Trị. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49 km một giờ), giật cấp 7, cấp 8.

Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc mỗi giờ đi được khoảng 20km, đi vào đất liền và suy yếu nhanh thành một vùng áp thấp và tan trên địa phận Trung Lào.

Vị trí và đường đi của áp thấp nhiệt đới. Ảnh: TTDBKTTVTƯ

Vị trí và đường đi của áp thấp nhiệt đới. Ảnh: TTDBKTTVTƯ

Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, khu vực vịnh Bắc Bộ ngày hôm nay, 27-9, còn có gió cấp 6, giật 7, cấp 8. Biển động. Vùng ven biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị có gió giật cấp 6, cấp 7. Ở các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.

Ngoài ra do ảnh hưởng kết hợp với hoạt động của gió mùa tây nam nên khu vực giữa và Nam biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển các tỉnh từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7 và có mưa dông mạnh. Biển động. Trong cơn dông cần đề phòng có lốc xoáy.

Đến sáng nay, lũ trên sông Kiến Giang tại Lệ Thủy (Quảng Bình) là 1,34m, trên báo động (BĐ) 1: 0,14m; mực nước các con sông ở Thừa Thiên-Huế đang ở mức cao. Sông Hương và sông Bồ trên báo động 2, sông Ô Lâu xấp xỉ có báo báo động 3. Theo đó, một số vùng thấp trũng ở các huyện Phong Điền, Quảng Điền bị ngập nặng.

Lũ trên sông Hương tràn đập đá. Ảnh: Phan Lê

Lũ trên sông Hương tràn đập đá. Ảnh: Phan Lê

Ngay trong sáng nay, các địa tiếp tục triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 4, tổ chức di dời dân vùng ven biển, vùng trũng thấp đến nơi an toàn.  

Theo báo cáo của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Thừa Thiên-Huế, do chủ động phòng chống tốt nên bão số 4 đã đi qua kèm theo mưa to không gây thiệt hại về người và tài sản. Ngay từ chiều 26-9, Thủy Điện Hương Điền (sông Bồ) đã xã điều tiết nước qua 4 cửa van theo lưu lượng nước về hồ để phòng lũ lớn, đồng thời thông báo cho người dân các xã, thị trấn dọc theo sông Bồ và vùng thấp trũng biết để chủ động ứng phó. Trước tình hình bão lũ còn phức tạp Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn tăng cường triển khai phòng chống lụt bão tại các hồ chứa, hồ thủy điện; phối hợp với các UBND huyện ven biển, đầm phá, chỉ đạo người dân neo đậu tàu thuyền an toàn.

Chiều 27-9, Ban quản lý xây dựng công trình Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, hơn 30 công nhân các đơn vị thi công với sự hỗ trợ của hàng trăm chiến sĩ bộ đội địa phương tham gia ứng cứu, gia cố đập chính hồ chứa nước Thọ Sơn bằng 8.000 bao đất đá và đào một con kênh thoát nước rộng 10 mét và dài khoảng 200 mét nhằm tránh nguy cơ vỡ đập.

Mặc dù nước sông Hương, sông Bồ đang ở mức cao nhưng hàng chục người dân vẫn bất chấp nguy hiểm bơi ghe giữa dòng nước xoáy để vớt củi từ thượng nguồn trôi về. Hiện tỉnh Thừa Thiên-Huế đang tập trung chỉ đạo ứng phó với lũ dâng và đối phó với lũ và bão số 5.

Bất chấp nguy hiểm nhiều người vẫn vớt củi trên sông Hương trong dòng nước chảy xiết. Ảnh: Phan Lê

Bất chấp nguy hiểm nhiều người vẫn vớt củi trên sông Hương trong dòng nước chảy xiết. Ảnh: Phan Lê

Theo báo cáo của Bộ Tham mưu - Bộ Đội biên phòng, đến 6 giờ sáng nay đã thông báo được tổng số 31.459 tàu, thuyền/147.290 người biết vị trí, diễn biến của bão để chủ động di chuyển, phòng tránh hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm. Hiện vẫn còn 4 tàu/155 lao động của Quảng Ngãi đang hoạt động tại khu vực quần đảo Hoàng Sa. Trong khi đó, 30 tàu/413 người của Quảng Nam và Quảng Ngãi dang di chuyển về bờ.

Sáng nay, theo tin từ Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn TP Đà Nẵng, vào lúc 17h30 ngày 26-9, Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2 Đà Nẵng (Danang MRCC) đã đưa 2 thuyền viên của tàu ĐNa 00234  của Công ty trục vớt Quang Thọ (đường Trần Quang Khải, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) vào bờ an toàn sau 1 ngày, 1 đêm mất tích trên biển. Ông Nguyễn Đăng Vinh, chủ tàu Đna 00234 đã cho biết, 2 thuyền viên gặp nạn và mất tích do tàu bị sóng lớn đánh vỡ mạn tàu và chìm xuống biển, nhưng đã may mắn bám vào các vách đá tại vùng đảo Cù Lao Chàm sống sót.

Tại tỉnh Hà Tĩnh, do ảnh hưởng của cơn bão số 4, suốt từ ngày 28 đến chiều 27-9, liên tiếp có mưa to đến rất to trên diện rộng. Mưa lớn cộng với trữ lượng nước từ vùng thượng nguồn đổ về dồn dập khiến cho mực nước trên sông Ngàn Phố, Ngàn Sâu…lên xấp xỉ báo động 1.

Nông dân Hà Tĩnh gặt lúa chạy bão, lũ. Ảnh: D. Quang

Nông dân Hà Tĩnh gặt lúa chạy bão, lũ. Ảnh: D. Quang

Một số tuyến đường giao thông liên xã, liên thôn và nhiều nhà dân tại các xã nằm dọc sông Lam và ở vùng ngoài đê La Giang, như Đức Quang, Đức La, Đức Tùng, Đức Châu, Đức Vĩnh…(huyện Đức Thọ), xã Xuân Giang 2 (Nghi Xuân) bị ngập lụt cục bộ.

Tại các hồ chứa thủy lợi, hồ thủy điện lớn nhất trên địa bàn Hà Tĩnh cho đến chiều 27-9, vẫn đang ở mức an toàn, trong đó Nhà máy thủy điện Hố Hô, mực nước 57,3m/cao trình mực nước dâng bình thường 70,0m, cao trình tràn xả sâu 57,0m. Nhà máy Thủy điện Hương Sơn, mực nước 801,5m/cao trình mực nước dâng bình thường 804,0m, dung tích 2,5 triệu m³, đạt 78,2% so với dung tích thiết kế. Hồ Kẻ Gỗ mực nước 20,17m/cao trình mực nước dâng bình thường 32,5m, dung tích 77,8 triệu m³, đạt 22,6% so với dung tích thiết kế…

Trong khi đó, các địa phương cũng tập trung thu hoạch lúa hè thu đang bị ngập úng. Tỉnh Nghệ An đã thu hoạch được 36.000/96.000ha, Hà Tĩnh đã huy động 1.646 cán bộ chiến sĩ, công an, quân sự, biên phòng, đoàn thanh niên và cho học sinh các trường Phổ thông Trung học, dạy nghề xuống các địa phương giúp dân thu hoạch lúa hè thu. Đến nay đã thu hoạch được 16.700ha/41.190ha. Tỉnh Quảng Nam đã thu hoạch được 700/700ha diện tích lúa muộn ở các huyện Thăng Bình, Điện Bàn, Phú Ninh.

* Chiều 27-9, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, ông Nguyễn Văn Dương đã ký công điện khẩn về việc ứng phó với lũ đặc biệt lớn. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các ban ngành, UBND các huyện, thị… huy động mọi nguồn lực, vật lực bảo vệ an toàn tính mạng người dân, hơn 25.634 ha lúa vụ 3 chưa thu hoạch…

Hiện tại lũ từ thượng nguồn kết hợp với triều cường đổ về Đồng Tháp rất mạnh, mực nước lũ nhiều nơi ở tỉnh lên rất nhanh với cường suất từ 6- 17 cm/ngày. Mực nước ở các huyện chỉ còn thấp hơn đỉnh lũ năm 2000 từ 0,22-1,28 m. Nước lũ lên cao đã tràn qua một đoạn thuộc Quốc lộ 30, làm sụp mố cầu Trà Đư trên tuyến tỉnh lộ 841; lũ làm ngập nhiều nhà dân ở các huyện Tân Hồng, Tam Nông… gây sạt lở bờ nhiều nơi dọc sông Tiền…

Trước tình hình lũ lên nhanh, các địa phương đang khẩn trương huy động lực lượng, phương tiện gia cố đê bao cống đập, bơm tiêu úng, tuần tra canh gác xử lý các tình huống bảo vệ lúa vụ 3 chưa thu hoạch. Đồng Tháp đã điều động khoảng 1.000 người gồm công an, bộ đội, biên phòng... tập trung chống lũ cho tuyến biên giới Tây Nam gồm huyện Tân Hồng, huyện Hồng Ngự và thị xã Hồng Ngự.

Bộ đội giúp dân xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp gia cố đê bao. Ảnh: HUỲNH LỢI

Bộ đội giúp dân xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp gia cố đê bao. Ảnh: HUỲNH LỢI

Trao đổi nhanh với phóng viên Báo SGGPO vào chiều 27- 9, ông Dương Nghĩa Quốc, Phó Ban PCLB- TKCN tỉnh Đồng Tháp cho biết, dù liên tục gia cố nhưng do mực nước lên nhanh nên rất nhiều tuyến đê tiếp tục bị lũ uy hiếm, tình hình hết sức nguy hiểm; trong đó hơn 8.000 ha lúa vụ 3 ở huyện Tân Hồng đang căng như dây đàn. Đến nay, đã đầu tư trên 38 tỷ đồng gia cố đê bao chống lũ và trung ương vừa đồng ý hỗ trợ tiếp 25 tỷ đồng. Quan điểm của Đồng Tháp là cố gắng hết sức bảo vệ an toàn cho 25.634 ha lúa vụ 3. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền người dân ý thức phòng chống lũ đang diễn biến rất phức tạp, nhất là giữ trẻ tránh xảy ra chết đuối.

Đến nay, ngành Giáo dục- Đào tạo Đồng Tháp đã cho 36 điểm trường gồm 228 lớp với 5.509 học sinh mầm non, tiểu học, THCS tại huyện Hồng Ngự và thị xã Hồng Ngự nghỉ học tránh lũ.

Khoảng 4 giờ chiều 27- 9, tuyến đê bao ở ấp Đuôi Tôm, xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng bị vỡ hơn 4m. Trong đê hiện có trên 355 ha lúa vụ 3 khoảng 30 ngày tuổi bị ngập. Chính quyền địa phương đang huy động khẩn cấp hơn 600 người để cứu đê.

Nhóm phóng viên

Tin cùng chuyên mục