Bão số 4 đe dọa miền Bắc - Lo mưa lũ lớn

Trước diễn biến khá bất thường của bão số 4 đang hướng thẳng qua bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) vào khu vực vùng biển Quảng Ninh - Hải Phòng, ngày 23-7, tại cuộc họp khẩn của Ban chỉ đạo PCLB Trung ương tổ chức ở Hà Nội, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo các tỉnh miền Bắc, miền Trung sẵn sàng chuẩn bị đón bão.

Trước diễn biến khá bất thường của bão số 4 đang hướng thẳng qua bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) vào khu vực vùng biển Quảng Ninh - Hải Phòng, ngày 23-7, tại cuộc họp khẩn của Ban chỉ đạo PCLB Trung ương tổ chức ở Hà Nội, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo các tỉnh miền Bắc, miền Trung sẵn sàng chuẩn bị đón bão.

Theo ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng-thủy văn Trung ương, chiều qua, vị trí tâm bão đã ở vào khoảng 20,8 độ vĩ Bắc và 114,5 độ kinh Đông, chỉ còn cách Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 710km về phía Đông Đông Nam. So với một ngày trước đó, bão đang mạnh lên. Sức gió mạnh nhất ở vùng tâm bão đạt cấp 11-12, giật tới cấp 13-14.

Trong ngày 24-7, bão số 4 sẽ di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20km, vượt qua bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) vào vịnh Bắc bộ, rồi hướng thẳng về phía biển Quảng Ninh - Hải Phòng. Nhận định tại cuộc họp khẩn của Ban chỉ đạo PCLB Trung ương, ông Bùi Minh Tăng cho rằng, sau khi đi vào bán đảo Lôi Châu, bão số 4 sẽ chạy dọc theo tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) rồi đi vào miền Bắc. Khoảng chiều và đêm 24-7, bão số 4 sẽ tiếp cận bờ biển các tỉnh phía Bắc, tâm bão đi sát Móng Cái (Quảng Ninh). Rạng sáng 25-7, bão sẽ đổ vào đất liền, sau đó nhanh chóng suy yếu thành áp thấp và vùng thấp, gây mưa lớn. Các tỉnh ven biển từ Thanh Hóa trở ra là vùng hoàn lưu bão.

Từ chiều 24-7, bão bắt đầu gây mưa vừa đến mưa to ở miền Bắc, lượng mưa trung bình từ 100-300mm, một số nơi sẽ mưa tới 400mm và kéo dài khoảng 2 ngày. Cộng thêm với lượng mưa trong hai ngày qua, nhiều nơi sẽ có tổng lượng mưa lên tới 500-600mm. Vùng mưa tập trung ở các khu vực Đông Bắc, Việt Bắc, Tây Bắc. Cũng theo ông Bùi Minh Tăng, từ lúc hình thành, cơn bão có hướng di chuyển thay đổi liên tục, vì vậy sẽ khó lường.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho rằng, vùng biển hai tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng là nơi đang nuôi trồng nhiều thủy hải sản, ngoài ra tàu thuyền du lịch cũng như vận tải neo đậu rất nhiều. Vì vậy, từ ngày 24-7, chính quyền các tỉnh phải đưa người dân vào bờ. Đặc biệt, Quảng Ninh, Hải Phòng cần chủ động lệnh cấm biển, không vì đã đăng ký tour du lịch mà bỏ qua cảnh báo bão do bài học từ nhiều năm nay là không chìm tàu cá mà chìm tàu du lịch neo đậu tại bến. Do bão sẽ gây mưa lớn nên trên bờ cũng có nhiều việc đáng lo khi bão vào như sạt lở các bãi thải than gây chết người, triều cường kết hợp nước biển dâng...

Chỉ đạo cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu đặc biệt cảnh giác với tình hình mưa, không để mưa bão chia cắt giao thông. Yêu cầu các đô thị như Hà Nội, Hải Phòng sẵn sàng phương án chống ngập. Phó Thủ tướng cũng nhắc nhở: “Đặc biệt các tỉnh cần phải đề phòng mưa lớn sau bão, có thể gây ra sạt lở, lũ quét ở vùng Đông Bắc bộ. Các mỏ than nhỏ, lộ vỉa rất dễ sập, bục nước khi có mưa lớn”. Khi bão vào, việc đầu tiên cần làm là phải cứu tàu, cứu dân. Các địa phương nằm trong vùng bị ảnh hưởng phải khẩn trương kêu gọi tàu thuyền di chuyển vào bờ hoặc xuống phía Nam.

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, trong ngày 24-7, Ban chỉ đạo PCLB Trung ương sẽ cử 2 đoàn công tác đi Quảng Ninh và Hải Phòng để trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống bão số 4. “Nếu chúng ta không kiên quyết thì rất dễ có sự cố đáng tiếc xảy ra. Vì vậy, cần phải kiểm tra tất cả các vùng dân cư có nguy cơ bị đe dọa, tàu thuyền neo đậu, chằng chống nhà cửa, tàu thuyền du lịch…” - Phó Thủ tướng nói.

Ngày 23-7, Ban chỉ đạo PCLB Trung ương lại có thêm công điện khẩn gửi UBND các tỉnh, thành ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa và cả các tỉnh vùng núi phía Bắc triển khai ngay các biện pháp cấp bách đối phó với bão số 4. Các tỉnh ven biển cần di dời người dân lên bờ, kiên quyết không để ở lại lồng bè, tàu thuyền neo đậu. Các tỉnh vùng núi phía Bắc cũng chủ động sơ tán dân, phòng lũ quét, sạt lở đất ở những điểm xung yếu…

Trước diễn biến phức tạp và bất thường của cơn bão số 4, chiều qua 23-7, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã có công điện yêu cầu các sở GD-ĐT các tỉnh, thành phố, các trường ĐH-CĐ thuộc các tỉnh phía Bắc từ Thanh Hóa trở ra chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức bộ phận trực ban, huy động lực lượng, cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật sẵn sàng ứng phó với các tình huống thiên tai xảy ra; theo dõi sát diễn biến của bão, lũ để có biện pháp ứng phó kịp thời.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT yêu cầu kiểm tra, rà soát toàn bộ cơ sở vật chất của đơn vị để có biện pháp phòng tránh có hiệu quả, đặc biệt là các công trình đang thi công dở dang, các công trình trọng yếu, các công trình có độ an toàn thấp, chú trọng đến các phòng thí nghiệm, phòng máy vi tính, thư viện, phòng học bộ môn, các xưởng thực hành; có biện pháp sơ tán ngay các trang thiết bị dạy học, các kho sách đến những nơi an toàn, tránh ngập nước.

Cũng theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương, trong 2 ngày qua, ở miền Bắc đã xảy ra mưa lớn. Tổng lượng mưa đo được phổ biến từ 50-100mm, có nơi trên 100mm như: Mường Lay: 116mm, Bình Lư: 135mm, Vĩnh Yên: 116mm, Phú Lương: 101mm. Vì vậy, mực nước trên sông Lô, sông Gâm, sông Thao và sông Đà đang lên nhanh. Ngày 23-7, mực nước trên sông Thao tại Yên Bái là 28,29m, sông Lô tại Tuyên Quang là 19,09m và ở dưới mức báo động I. Lũ cũng đưa lưu lượng nước về hồ Sơn La lên mức 4.200 m³/giây và còn đang tăng.

Trong 2-3 ngày tới, do ảnh hưởng mưa của hoàn lưu bão số 4, khu vực Bắc bộ sẽ còn xảy ra mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Vì vậy, trên sông Hồng, sông Thái Bình sẽ xuất hiện một đợt lũ vừa. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên các sông Thao, Lô, Gâm, thượng lưu sông Cầu, Thương, Lục Nam, hạ lưu sông Thái Bình tại Phả Lại có khả năng ở mức báo động I đến báo động II, có nơi trên báo động II. Tại các tỉnh như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang… rất dễ xảy ra lũ quét, sạt lở đất.

Chiều 23-7, Ban chỉ huy PCLB tỉnh Yên Bái cho biết, cơn mưa lớn xảy ra từ đêm 22 kéo dài tới sáng 23-7 trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã gây sạt lở cục bộ và ách tắc tại nhiều tuyến đường giao thông. Tại Km 297+100 thuộc quốc lộ 2 đi qua địa bàn xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải đã có khoảng 300m3 đất đá từ các ta luy dương đổ xuống lòng đường gây ách tắc giao thông trong nhiều giờ. Tuy nhiên, sáng sớm 23-7, Công ty Quản lý và xây dựng đường bộ 1 thuộc Sở GTVT tỉnh Yên Bái và lực lượng cứu hộ của huyện Mù Cang Chải đã khẩn trương tổ chức dọn đường để sớm thông xe. Ngoài ra, mưa lớn kèm theo gió lốc còn làm tốc mái 2 ngôi nhà ở xã Cẩm Ân, huyện Yên Bình. Rất may không có thiệt hại về người.

Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Hải Phòng, đến 18 giờ ngày 23-7, đã có 3.877 tàu thuyền, lồng bè với 15.840 lao động về bến neo đậu an toàn. Tại đảo Bạch Long Vĩ đã đưa 124 thuyền nan lên bờ tránh trú bão, 18 phương tiện tàu thuyền đã neo đậu tại âu cảng; 36 phương tiện khác với 278 lao động là người dân địa phương và các tỉnh bạn tiếp tục di chuyển vào đất liền tránh trú bão số 4. Hiện ngoài khơi còn 433 phương tiện với 978 lao động đang trên đường di chuyển vào nơi tránh bão. Tại các cảng ở Hải Phòng, 128 tàu vận tải (17 tàu nước ngoài và 110 tàu trong nước) với 1.314 thuyền viên đã neo đậu và thực hiện chằng chống bão.

Rạng sáng 23-7, tại khu vực các xã ven sông Thái Bình thuộc huyện Tiên Lãng đã xảy ra trận giông lớn với sức gió cấp 8, cấp 9 giật cấp 10 gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp. Trong đó, gió lớn làm hơn 2.000 cây, chủ yếu là chuối bị gãy đổ; khoảng 1.200 con gia cầm bị chết.

Nhóm PV

Tin cùng chuyên mục