Tại cuộc họp khẩn về các giải pháp ứng phó cơn bão số 4 tổ chức chiều và tối qua 28-11, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương và Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn xác định, bão số 4 đang di chuyển khá nhanh và nhằm thẳng hướng Nam Trung bộ.
Bão cuối mùa nên nhiều bất thường
Khoảng 10 giờ sáng 28-11, áp thấp nhiệt đới trên biển Đông đã mạnh lên thành bão, có tên quốc tế là Sinlaku, trở thành cơn bão số 4 hoạt động ở vùng biển Đông trong năm nay.
Phía Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương và các đài dự báo trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đều chung dự báo bão số 4 nhiều khả năng đổ bộ vào khu vực Bình Định - Khánh Hòa. Thời gian đổ bộ của bão có thể vào 3 giờ sáng ngày 30-11. Do ảnh hưởng của bão số 4, từ tối 29-11, các tỉnh Nam Trung bộ sẽ có mưa vừa, mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 70-120mm, một số nơi có thể lên trên 200mm. Mưa từ các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên sau đó lan sang cả vùng Tây Nguyên. Do bão đổ bộ vào đúng thời điểm triều cường đạt đỉnh nên sóng biển có thể cao từ 3-5m. Khu vực ven biển tâm bão đổ bộ sẽ xảy ra ngập lụt. Các chuyên gia của trung tâm dự báo khí tượng cũng khẳng định đây là cơn bão cuối mùa và thường đổ bộ vào miền Nam, tiềm ẩn nhiều sự bất thường.
Triển khai các biện pháp đối phó
Chỉ đạo đối phó với cơn bão số 4, ông Vũ Văn Tú, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương cho biết, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng đã chỉ đạo các tuyến biển từ Đà Nẵng đến Cà Mau và các hải đoàn biên phòng triển khai các biện pháp đối phó bão. Đến nay đã hướng dẫn cho hơn 45.000 phương tiện với 237.000 ngư dân và lao động trên tàu bè biết vị trí và đường đi của bão số 4 để chủ động phòng tránh.
Số liệu cập nhật từ Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn cũng cho biết, vào lúc 12 giờ 30 ngày 28-11, tàu cá PY 96182 với 7 lao động do ông Lê Văn Sơn ở Tuy Hòa hành nghề câu cá ngừ đại dương điều khiển đang trên đường chạy vào bờ tránh bão thì bị vỡ hộp số không khắc phục được. Khu vực tàu bị nạn ở 13,15 độ vĩ Bắc - 111,7 độ kinh Đông, có gió mạnh cấp 6-7. Ngay sau khi nhận được thông tin, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển điều động tàu 2009 xuất phát từ vịnh Vân Phong - Nha Trang đi cứu nạn. Ngoài ra, từ khu vực Đà Nẵng đến Cà Mau đã huy động lực lượng khoảng 55.000 cán bộ chiến sĩ, hơn 1.700 phương tiện sẵn sàng tham gia ứng phó bão số 4.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát yêu cầu, mặc dù cơn bão số 4 dù không phải là cơn bão mạnh nhưng rất nguy hiểm vì đi vào phía Nam. Các địa phương nằm trong vùng ảnh hưởng của bão như Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa phải khẩn trương kêu gọi tàu thuyền, sơ tán ngư dân, cấm biển. Mọi công việc chuẩn bị phải xong trước 17 giờ ngày 29-11. Ngoài ra, đối với trên bờ, khu vực ven biển cần đề phòng mưa lớn gây ngập lụt. Trong ngày 29-11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT sẽ vào Bình Định và Phú Yên để trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống bão số.
|
PHÚC HẬU - NGUYỄN HÙNG