Bão số 4 vào đất liền, lũ lên nhanh

Ngày 29-11, Ban Phòng chống lụt bão - Tìm kiếm cứu nạn (PCLB - TKCN) các tỉnh Nam Trung bộ đã huy động tất cả các lực lượng trực bão 24/24 để cố gắng giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã trực tiếp đến các tỉnh Nam Trung bộ chỉ đạo công tác phòng chống lụt bão.
Bão số 4 vào đất liền, lũ lên nhanh

Ngày 29-11, Ban Phòng chống lụt bão - Tìm kiếm cứu nạn (PCLB - TKCN) các tỉnh Nam Trung bộ đã huy động tất cả các lực lượng trực bão 24/24 để cố gắng giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã trực tiếp đến các tỉnh Nam Trung bộ chỉ đạo công tác phòng chống lụt bão.

Biển động dữ dội tạo những cột sóng cao hơn 4m dội vào bờ ở TP Quy Nhơn.

Gọi tàu thuyền vào bờ, đảm bảo an toàn hồ chứa

Từ chiều tối ngày 29-11, vùng tâm bão từ Bình Định đến Khánh Hòa đã xuất hiện mưa nhiều nơi. Đặc biệt, tại các huyện miền núi các địa phương Nam Trung bộ đã có mưa trên diện rộng, dự báo sẽ xuất hiện lũ quét nếu bão vào sâu đất liền và gây mưa to. Do đó, Ban PCLB đã chỉ đạo các địa phương theo sát các vùng dân cư xung yếu. Trong trường hợp cần thiết phải tiên lượng tình hình để di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Chiều 29-11, sau khi kiểm tra công tác phòng chống bão tại Bình Định, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã đến thị xã Sông Cầu (Phú Yên) để kiểm tra một số khu neo đậu tại các vùng biển xung yếu, vùng neo đậu tàu thuyền các bến cảng, vùng bãi ngang. Bộ trưởng Cao Đức Phát chỉ đạo, trước mắt các tỉnh liên hệ với tất cả các ngư dân còn đánh bắt hải sản trên biển, nghiêm cấm tất cả các tàu bè ra khơi hoạt động trên biển. Đồng thời, Ủy ban PCLB các địa phương khẩn trương kêu gọi các hộ nuôi trồng thủy sản trên biển nhanh chóng vào bờ, tìm nơi trú ẩn an toàn. Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng chỉ đạo các địa phương kiểm tra lại tình hình các hồ đập chứa nước, thủy điện trên địa bàn. Nếu xả lũ phải có lộ trình, thông báo rõ ràng để tránh ngập cục bộ, khiến dân trở tay không kịp…

Bộ đội biên phòng gia cố đoạn kè xóm Rở, phường Phú Đông, Tuy Hòa, Phú Yên chống bão số 4.

Tại Phú Yên, địa phương này cũng ghi nhận hiện có khoảng 1.200 lao động với khoảng 200 tàu cá đang đánh bắt trên biển, tuy nhiên hầu hết các thuyền đã tìm nơi neo đậu để tránh bão. Phú Yên hiện có khá nhiều vùng biển bãi ngang nên khi bão đổ vào đây sẽ có gió rất mạnh, tàu thuyền neo đậu tại khu vực này rất dễ bị đánh chìm.

Phương tiện du lịch trên biển phải ngưng hoạt động

Theo thống kê chưa đầy đủ của Ban PCLB tỉnh Khánh Hòa, vẫn còn 624 tàu cá gần 4.000 lao động đang đánh bắt hải sản trên các vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa và các vùng biển giáp ranh các tỉnh bạn.

Dù biển động, sóng to nguy hiểm nhưng nhiều du khách vẫn ra tắm biển.

Do ảnh hưởng của bão nên ngày 29-11 trên nhiều vùng biển đã có sóng to gió lớn. Tại biển Nha Trang đã có gió mạnh, kéo theo đó là những con sóng cao 2-3m ầm ầm đập vào bờ, rất nguy hiểm. Tuy vậy, nhiều du khách đến Nha Trang vẫn mải mê tắm biển dù các lực lượng cứu hộ đã khuyến cáo và cấm khách tắm biển trong thời điểm này. Riêng đối với các cơ sở kinh doanh du lịch trên biển, UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu các cơ sở nói trên báo cáo gấp tình hình để có sự chỉ đạo. Từ trưa ngày 29-11, các phương tiện du lịch trên biển phải ngưng hoạt động; đối với hệ thống cáp treo của Khu du lịch Vinpearl, các cơ quan chức năng xem xét ngừng hoạt động nếu gió to và không đảm bảo an toàn.

Lũ ở các sông lên nhanh

Đêm 29-11, bão đổ bộ vào Bắc Phú Yên. Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, ở Quy Nhơn có gió giật mạnh cấp 9; ở Tuy Hòa và An Nhơn có gió giật mạnh cấp 6 - 7; ở Bình Định - Phú Yên có mưa vừa, mưa to đến rất to. Lúc này, vị trí tâm bão ở vào khoảng 13,4 độ vĩ Bắc; 109,3 độ kinh Đông, trên vùng bờ biển Bình Định - Phú Yên. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74km/giờ), giật cấp 9, cấp 10. Sau đó bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15km/giờ, vào đất liền Nam Bình Định - Phú Yên sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là vùng thấp.

Khoảng 10 giờ ngày 30-11, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 13,4 độ vĩ Bắc; 107,0 độ kinh Đông, trên đất liền Campuchia. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 39km/giờ). Do ảnh hưởng của bão, vùng biển các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa có gió mạnh cấp 6 - 7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 9 - 10. Sóng biển cao từ 2 - 4m. Biển động rất mạnh (cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3). Vùng ven biển các tỉnh từ Bình Định đến Phú Yên có gió mạnh cấp 6 - 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9 - 10 (cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3). Ở vùng ven biển Quảng Ngãi và sâu trong đất liền các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Đắk Lắk có gió giật mạnh cấp 6. Các tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to đến rất to.

Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, vùng áp thấp này tiếp tục di chuyển về phía Tây, suy yếu và tan dần. Ở Các tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên vẫn còn mưa vừa, có nơi mưa to.

Do ảnh hưởng của mưa bão, đêm 29-11 và ngày 30-11, lũ các sông từ Nam Quảng Ngãi đến Bắc Phú Yên và Gia Lai, Kon Tum sẽ lên nhanh và có khả năng đạt mức báo động 1 đến báo động 2. Đề phòng nguy cơ ngập úng ở vùng đồng bằng ven biển và vùng trũng các tỉnh từ Nam Quảng Ngãi đến Bắc Phú Yên; lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi các tỉnh từ Nam Quảng Ngãi đến Bắc Phú Yên và Gia Lai, Kon Tum .

VĂN NGỌC - NGỌC MINH

Chủ động ứng phó với không khí lạnh và gió mạnh trên biển

Ngày 29-11, Văn phòng Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão (PCLB) Trung ương - Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn (TKCN) đã có công điện gửi Ban Chỉ huy PCLB - TKCN các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Định, Ban Chỉ huy PCLB-TKCN các bộ: Quốc phòng, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngoại giao.

Theo đó, đêm 30-11, một bộ phận không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh Bắc bộ và các tỉnh Trung bộ. Từ đêm 30-11 và ngày 1-12, ở vịnh Bắc bộ và khu vực Bắc biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 7, giật cấp 8, 9. Vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7, 8. Biển động mạnh. Các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Định có mưa vừa, mưa to đến rất to và dông.

Để chủ động ứng phó với không khí lạnh và gió mạnh trên biển, Văn phòng Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương - Văn phòng Ủy ban Quốc gia TKCN đề nghị Ban Chỉ huy PCLB-TKCN các tỉnh, thành phố các bộ, ngành: Thông báo cho chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển biết tin về gió mạnh trên biển để chủ động phòng, tránh. Theo dõi chặt chẽ diễn biến tin về gió mạnh trên biển, giữ liên lạc thường xuyên với chủ các tàu, thuyền để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra. Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ cảnh báo dân cư sống ở vùng ven sông, suối, hạ lưu các hồ, đập, vùng trũng thấp biết thông tin để chủ động phòng tránh. Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để ứng cứu khi có yêu cầu. Tổ chức trực ban nghiêm túc, chủ động nắm bắt tình hình, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương và Văn phòng Ủy ban Quốc gia TKCN.

LINH NGỌC

Tin cùng chuyên mục