* ĐBSCL: Lũ tiếp tục “nuốt” đê
Chiều 30-9, tâm bão số 5 (Nesat) đã đổ bộ vào khu vực giữõa Hải Phòng và Quảng Ninh, rồi đi sâu vào đồng bằng Bắc bộ. Mặc dù chưa có thiệt hại về người nhưng bão cấp 10 khi chạm đất liền đã làm hàng trăm ngôi nhà bị tốc mái, gây chìm nhiều tàu bè trên biển.
Bão bắt đầu đổ bộ vào Hải Phòng và Quảng Ninh từ trưa qua, song phải tới 4 giờ chiều qua mới ngớt gió giật. Do mưa bão lớn, gió giật cấp 10-13 nên từ sáng sớm 30-9, toàn bộ Khu du lịch Cát Bà thuộc huyện đảo Cát Hải (Hải Phòng) nằm ở “mũi” bão đi qua đã bị mất điện. Phà Cát Hải cũng dừng hoạt động vì nước biển dâng cao, mưa mù mịt. Nơi gánh chịu thiệt hại nặng là thị xã Cẩm Phả và TP Hạ Long (Quảng Ninh). Khi bão vào, gió giật tới cấp 10-11, gầm rít liên hồi đã làm sập đổ nhiều biển quảng cáo, biển hiệu, mái tôn của các nhà dân, gây chập điện tại nhiều khu vực. Tại TP Hạ Long, từ trưa 30-9, các cửa hàng, chợ búa, trường học phải đóng cửa để tránh bão. Nhiều con đường cây xanh bật gốc, đổ ngổn ngang trong mưa.
Tại huyện đảo Cô Tô, một trong những tâm điểm bão quét qua, đã có 5 tàu và 10 bè mảng bị sóng đánh chìm khi neo đậu tại vụng Kho Gạo. Trong đó, một tàu công suất 120 CV neo ở gần đảo Thanh Lân, với 7 thủy thủ đã bị sóng đánh trôi. Bộ đội Biên phòng của huyện Cô Tô đã kịp thời cứu 7 thủy thủ trên tàu, đưa đi sơ cứu. Tại Hạ Long và Vân Đồn, sáng qua vẫn còn hàng trăm hộ dân nán lại trên vịnh để giữ hải sản. UBND TP Hạ Long phải đưa tàu ra khu vực làng chài Vung Viêng cưỡng chế, đưa vào bờ 120 hộ dân.
Ngoài ra, bão còn làm tốc mái nhiều nhà dân trên đảo Vân Đồn, thị xã Cẩm Phả và TP Hạ Long. Đặc biệt tại huyện Hải Hà, khi bão tràn qua đã thổi tung mái 28 căn nhà ở các xã Quảng Phong, Tiến Tới, Quảng Long, Quảng Sơn, Quảng Đức và 14 ngôi nhà trên đảo Cô Tô. Tại thị xã Móng Cái cũng có hơn 10 ngôi nhà dân bị tốc mái. Tại khu vực tổ 4B, phường Cao Xanh, mưa lớn đã làm sụt lún, sạt lở đất nặng, một hầm than cũng bị sập. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc đã có mặt để chỉ đạo di chuyển các hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Chiều 30-9, ông Đỗ Trung Thoại, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết, tàu hàng Hoàng Anh thuộc Công ty TNHH Hoàng Anh (Hải Hậu, Nam Định) chở 700 tấn bột mì trên hành trình từ Đà Nẵng về cảng Hải Phòng, đã bị đứt neo tại khu vực cách đảo Hòn Dáu (Đồ Sơn) 20 hải lý. Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 1 đã cử tàu 411 ra lai dắt tàu Hoàng Anh.
Theo ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND kiêm Trưởng ban PCLB tỉnh Quảng Ninh, chiều và tối qua, bão số 5 đã suy yếu khi đi qua địa bàn tỉnh. Trên địa bàn tỉnh có 300 nhà dân bị tốc mái, 10 tàu thuyền và 1 sà lan chở than 500 tấn bị chìm, 33 bè nuôi bị vỡ làm mất trắng cả trăm tấn cá và thủy sản các loại, 1.700ha hoa màu nông nghiệp bị thiệt hại. Rất may, không có thiệt hại về người. Tổng thiệt hại về vật chất khoảng 50 tỷ đồng.
Tại Hà Nội, chiều và đêm qua mưa cũng đã tạnh. Tuy nhiên, không khí lạnh làm gió càng thêm mạnh và nhiệt độ giảm sâu xuống chỉ còn 18 - 20°C, trời trở rét.
Chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo PCLB Trung ương chiều 30-9, sau khi cơn bão đổ bộ, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Đào Xuân Học cho biết, để tránh bão, các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Quảng Ninh và TP Hải Phòng đã di dời tổng cộng hơn 24.000 người. Thống kê thiệt hại ban đầu do bão số 5 gây ra gồm có 293 nhà bị tốc mái, 44 tàu thuyền, bè mảng bị chìm, vỡ, 1.669ha lúa, hoa màu bị hư hại.
Sáng qua, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã trực tiếp xuống làm việc với UBND TP Hải Phòng và đi thị sát, chỉ đạo việc phòng tránh bão tại các tuyến đê biển xung yếu thuộc quận Đồ Sơn, Thủy Nguyên, Kiến Thụy. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang công tác ở nước ngoài cũng điện thoại về Hải Phòng động viên các lực lượng tích cực chống bão, chủ động có phương án khắc phục nhanh, hiệu quả hậu quả ngay sau khi bão tan.
* Quảng Bình: Chiều 30-9, ông Đinh Quý Nhân, Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa (Quảng Bình) cho biết, mưa to kéo dài suốt 2 ngày qua khiến nhiều tuyến đường bị cô lập, hàng ngàn hộ dân bị lũ bao vây. Tuyến đường Hồ Chí Minh qua thôn Phú Nhiêu, xã Thượng Hóa và xã Hóa Tiến, Hóa Thanh bị chìm trong lũ. Tại xã Thượng Hóa, đường vào ba bản Ón, Yên Hợp, Mò O Ồ Ồ bị lũ chia cắt hơn 7km, phải tiếp tế muối, dầu thắp sáng cho đồng bào Rục bằng thuyền. Đồn biên phòng 585 cùng huyện Minh Hóa đã đưa vào 3 tấn gạo hỗ trợ bà con. Ông Cao Thanh Bình, Bí thư Đảng ủy xã Tân Hóa cho biết, đã hỗ trợ người dân xây dựng 310 nhà phao, đưa vào đó heo, gà, vật dụng cần thiết khi nước lũ đang lên. * Quảng Trị: Ông Hoàng Văn Sơn, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Trung, Vĩnh Linh, Quảng Trị, cho biết, hồi 12 giờ hôm qua 30-9, một cơn lốc xoáy dữ dội đã quét qua địa bàn xã làm bị thương 14 người, gây tốc mái hoàn toàn khoảng 400 ngôi nhà, trụ sở UBND xã và trường mầm non; làm gãy đổ hoàn toàn 60ha cây cao su đang cho khai thác; 22 ha cây hồ tiêu và cây công nghiệp; phá hủy 40ha cây hoa màu. Điện lưới bị đứt, tê liệt trong nhiều giờ; giao thông bị ách tắc… Đến 16 giờ 20 cùng ngày, địa phương thông được các tuyến đường và nối lại hệ thống điện lưới cho người dân. * Thừa Thiên-Huế: Ngày 30-9, Chi cục Nuôi trồng thủy sản Thừa Thiên-Huế cho biết, liên tục những ngày qua, gần 500 lồng cá hồng và cá mú được nuôi ở đầm Lăng Cô, huyện Phú Lộc chết hàng loạt, gây thiệt hại hơn 14 tỷ đồng. Bước đầu xác định cá chết là do mưa trong nhiều ngày qua khiến môi trường nuôi thay đổi, cộng với ô nhiễm nguồn nước thải sinh hoạt của người dân sống xung quanh đầm. |
- ĐBSCL: Lũ tiếp tục “nuốt” đê
Theo Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Đồng Tháp, đến chiều 30-9, mực nước lũ các nơi trong tỉnh tiếp tục lên nhanh và vượt báo động 3 khoảng 0,21- 0,36m; tại trạm Hồng Ngự mực nước đã cao hơn đỉnh lũ năm 2000. Dự báo mực nước đầu nguồn sẽ đạt đỉnh trong vài ngày tới và sau đó xuống chậm.
Lũ lên cao đã làm ngập nhiều tuyến đường giao thông nông thôn trong tỉnh. Tại các huyện Tân Hồng, Hồng Ngự, Thanh Bình và Cao Lãnh có 371km đường giao thông bị sạt lở, khối lượng đất đá bị trôi 823.929m³, 10 cầu cống bị hư hỏng, thiệt hại ước tính hơn 51 tỷ đồng. Đến nay, Đồng Tháp đã có 1.628 căn nhà bị ngập lũ, 15 căn bị nước cuốn trôi, 352 căn hư hỏng nặng, 159 hộ phải di dời khẩn cấp. Gần 2.000ha vườn cây ăn trái và hoa màu bị ngập, nguy cơ thiệt hại rất lớn. Trên 24.102ha lúa thu đông ở các huyện Tân Hồng, Hồng Ngự, Tam Nông, Thanh Bình… bị lũ đe dọa nghiêm trọng, nhiều tuyến đê bao bị rò rỉ nước tràn vào, nguy cơ vỡ rất cao.
Trước đó, tuyến đê bao ở khu vực Bắc Viện, xã Tân Thành A, huyện Tân Hồng bị vỡ khoảng 3m, hơn 400ha lúa vụ 3 trong đê có nguy cơ mất trắng. UBND huyện Tân Hồng cấp tốc huy động hàng trăm người và nhiều phương tiện khẩn trương hàn đê cứu lúa. Hàng loạt bao đất, cát được chèn xuống cứu đê nhưng nước lũ quá mạnh đã cuốn trôi tất cả… Lực lượng cứu hộ buộc phải nhấn chìm chiếc phà dài hơn 8m, nặng trên 12 tấn lấp miệng đê bị vỡ mới giảm được áp lực dòng chảy. Phải hơn 3 tiếng đồng hồ vật vã với nước lũ, lực lượng cứu hộ mới hàn được tuyến đê, ngăn dòng nước lũ bảo vệ 400ha lúa vụ 3.
Trước tình hình lũ diễn biến phức tạp, Đồng Tháp tiếp tục huy động trên 3.692 người gồm lực lượng công an, bộ đội, biên phòng, người dân… túc trực xuyên suốt ở các điểm nóng để gia cố đê bao bảo vệ sản xuất nông nghiệp, di dời dân, khắc phục sự cố các công trình giao thông. Do lũ gây ngập trên diện rộng, nên Đồng Tháp tiếp tục cho học sinh tạm nghỉ học để bảo toàn tính mạng. Đến chiều 30-9, toàn tỉnh đã có 443 điểm trường gồm 7.761 lớp, với 217.940 học sinh mầm non, tiểu học, THCS nghỉ học tránh lũ.
Đến thời điểm này, toàn tỉnh An Giang đã xảy ra 8 vụ vỡ đê nhấn chìm hàng ngàn ha lúa. Thiệt hại nặng nề nhất là huyện Châu Phú với 5 tiểu vùng sản xuất bị vỡ đê, lũ nhấn chìm gần 3.000ha lúa, thiện hại khoảng 80 tỷ đồng. Tối 29-9, tỉnh An Giang quyết định đã tạm thời cho đóng 2 đập tràn kiểm soát lũ Tha La và Trà Sư. Việc đóng đập nhằm giảm thiểu lưu lượng và áp lực nước lũ đổ về vùng tứ giác Long Xuyên và các tỉnh cuối nguồn sông Hậu, cứu hàng trăm ngàn ha lúa đang gặp nguy hiểm, nghiêm trọng nhất là 100.000ha lúa của tỉnh An Giang.
- Chính phủ hỗ trợ 170 tỷ đồng khắc phục mưa lũ
Trước tình hình mưa lũ ở ĐBSCL, hôm qua 30-9, Thủ tướng đã quyết định trích 170 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2011 hỗ trợ 8 tỉnh thuộc ĐBSCL đối phó với mưa lũ, củng cố đê bao, bờ bao bảo vệ sản xuất, đảm bảo an toàn dân cư.
Cụ thể, hỗ trợ tỉnh An Giang 60 tỷ đồng, Đồng Tháp 25 tỷ đồng, Kiên Giang 20 tỷ đồng, Tiền Giang 15 tỷ đồng, Hậu Giang 15 tỷ đồng, Long An 10 tỷ đồng, Vĩnh Long 10 tỷ đồng, thành phố Cần Thơ 15 tỷ đồng. Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành trên chịu trách nhiệm quản lý, phân bổ và sử dụng số kinh phí được hỗ trợ đúng mục đích, đúng quy định hiện hành. Đồng thời, chủ động sử dụng dự phòng ngân sách của địa phương và huy động các nguồn tài chính hợp pháp khác theo quy định để khắc phục thiên tai.
- Lại lo ứng phó bão số 6
Chiều 30-9, sau khi đi vào bờ biển giữa Quảng Ninh - Hải Phòng, bão số 5 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đêm 30-9, áp thấp nhiệt đới đã suy yếu thành một vùng áp thấp. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp đã giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 39km/giờ). Vùng áp thấp này tiếp tục di chuyển về phía Tây, suy yếu và tan dần. Do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp ở các tỉnh phía Đông Bắc bộ, còn có gió giật cấp 6, cấp 7. Ở các tỉnh Bắc bộ và Bắc Trung bộ có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to. Cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng.
ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, hiện bão Nalgae đã tiến sát Philippines. Khoảng đêm 1-10, bão sẽ đi vào biển Đông, trở thành cơn bão số 6. Khoảng 80% là bão số 6 sẽ lại đổ bộ trực tiếp vào nước ta. Hiện bão Nalgae đang đạt cấp 12. Sau khi đi vào biển Đông, bão sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam vào khoảng ngày 4 đến 5-10. Do vậy, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Đào Xuân Học cho rằng cơn bão số 5 và 6 sẽ cùng gây mưa trên diện rộng, các địa phương cần phải chủ động theo dõi để tránh các nguy cơ ngập lụt và sạt lở đất, duy trì lực lượng thường trực tìm kiếm cứu nạn để xử lý khi có tình huống xấu xảy ra.
| |
Nhóm PV
>> Chống chọi bão số 5, cứu lúa hè thu