Tại cuộc họp khẩn chỉ đạo các giải pháp ứng phó với bão số 6 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức ngày 7-10, các chuyên gia khí tượng và cơ quan liên quan đến công tác phòng chống bão nhận định, đây là cơn bão nguy hiểm và lạ vì hoạt động kiểu “dùng dằng” trên biển Đông.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương, trong 3 ngày tới (tính đến 10-10), bão số 6 gần như ít di chuyển với vận tốc chỉ 5km/giờ, vị trí cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 550km về phía Đông Bắc. Tuy nhiên, sức bão có thể phát triển lên cấp 10-11. Chiều 7-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,8 độ vĩ Bắc - 116,1 độ kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 610km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 - 10, giật cấp 11 - 12. Trong ngày 8-10, bão di chuyển chậm theo hướng Bắc Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5km và còn tiếp tục mạnh thêm.
Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương cho biết, hoàn lưu của bão số 6 khác với các cơn bão khác là tương đối hẹp, khoảng 150km, các cơn bão khác thường 200km. Còn theo dự báo của một số đài khí tượng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới như Hồng Công (Trung Quốc), Mỹ, Nhật Bản… thì bão số 6 có xu hướng mạnh lên trong 48 giờ tới và di chuyển chậm theo hướng Tây. Ông Hoàng Đức Cường cho rằng: “Đến thời điểm này, quỹ đạo của bão rất phức tạp, có thể đi về phía Nam hoặc có thể phân tán một nửa vào Trung Quốc, một nửa vào Việt Nam. Thậm chí còn có phương án, bão số 6 sẽ suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và “chết” trên biển”. Tuy nhiên, khả năng cao trong những ngày tới là bão liên tục mạnh lên, mạnh nhất có thể đạt cấp 11, giật cấp 13, sau đó sẽ suy yếu dần.
Do bão số 6 là cơn bão lạ nên theo ông Hoàng Đức Cường, lượng mưa do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 6 rất khó dự báo, bởi ngày 11 và 12-10 sẽ có một đợt không khí lạnh cường độ mạnh tăng cường xuống nước ta. Dự báo, vùng ven biển Đông Bắc bộ (Thanh Hóa đến Quảng Ngãi) từ giữa tuần sau có 1 đợt mưa lớn diện rộng. Cơn bão số 6 tương đối đặc biệt, trong lịch sử dự báo chưa ghi nhận cơn bão nào vào biển Đông ở thời điểm này lại đi lên phía Tây như sơ đồ hiện tại.
Theo Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, điều đáng lo là bão kết hợp áp thấp nhiệt đới, nên cần theo dõi sát cơn bão và đánh giá hết tác động của gió mùa Đông Bắc tác động đến đất liền.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT kiêm Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường nhận định đây là cơn bão muộn ở phía Bắc, thường theo quy luật thì bão dịch dần về Trung bộ nên đặc biệt lưu ý để tránh tâm lý chủ quan. Trong 1 - 2 ngày tới, hướng di chuyển của bão có thể còn thay đổi phức tạp do tác động của nhiều hình thái. Tốc độ bão sẽ đi rất chậm, thậm chí có thời điểm đứng yên.
Trước mắt, ông Nguyễn Xuân Cường yêu cầu lực lượng bộ đội biên phòng và kiểm ngư phải liên tục bám sát để đưa ra cảnh báo về vùng nguy hiểm để tất cả tàu thuyền nắm được thông tin, đảm bảo an toàn cho ngư dân.
VĂN PHÚC