Bão số 8 (Sơn Tinh) không đổ bộ trực tiếp vào các tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An như dự báo ban đầu mà ngược lên phía Bắc, hướng vào khu vực đồng bằng Bắc bộ, gây mưa to gió giật rất mạnh trên một dải rộng.
Tỉnh Quảng Ninh đã phát lệnh cấm ra biển, toàn bộ 1.260 tàu phải về neo đậu tại bến, trong đó có 160 tàu đánh bắt xa bờ và 1.100 tàu đánh bắt ven bờ. Tại Hải Phòng, 4.020 tàu thuyền và lồng bè nuôi trồng thủy sản với 13.270 người cũng đã về bờ tránh bão. Nhận định có thể xảy ra mưa to sau khi bão đổ bộ, Ban chỉ huy PCLB TP Hải Phòng đã chỉ đạo di chuyển 6.168 hộ với 15.629 dân tại các vùng thấp trũng thuộc huyện Cát Hải và quận Đồ Sơn. Các tỉnh Thái Bình, Ninh Bình, Nam Định… cũng đều ra lệnh cấm biển.
Từ trưa và chiều qua, trên địa bàn các tỉnh Quảng Ninh, Thái Bình, Hải Phòng, Ninh Bình… đã có mưa rất to. Vì vậy, lực lượng Hải quân Việt Nam đã cho tàu HQ 452 và xuồng 1163 thuộc Vùng 1 Hải quân cùng các chiến sĩ ra tuyên truyền vận động ngư dân và tổ chức sơ tán bà con ở làng chài Cửa Vạn (Quảng Ninh) vào đất liền theo đề nghị của UBND tỉnh Quảng Ninh.
Trung đoàn 952, Vùng 1 Hải quân cũng phối hợp với các lực lượng chức năng sắp xếp, bố trí tránh bão cho 251 phương tiện và 1.392 lao động tại âu tàu của đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), đưa 61 phương tiện cùng 83 lao động trên tàu vào bờ. Vùng 3 Hải quân đã chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm cho các tàu tránh trú bão, bố trí 3 ca nô, xuồng máy, 3 tàu và các lực lượng ứng trực, sẵn sàng ứng phó cơ động theo tình huống đột xuất có thể xảy ra, tổ chức giúp ngư dân tránh bão.
Chủ tịch UBND xã Kim Trung (Kim Sơn) Trần Văn Nhân cho biết, địa phương có 90 hộ gồm 195 nhân khẩu nằm trong diện phải di dời. UBND xã đã huy động 100% cán bộ trực tiếp xuống địa bàn theo dõi, chỉ đạo, bố trí nhân lực cảnh báo trên các tuyến đường trọng yếu, không cho dân ra khỏi đê Bình Minh 2 để bảo đảm an toàn.
Tại TP Hà Nội, từ chiều và tối qua cũng bắt đầu có mưa to kéo dài. Để chủ động ứng phó với cơn bão số 8, đặc biệt là mưa sau bão, Ban chỉ huy PCLB và tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội đã có công điện khẩn yêu cầu Công ty Thoát nước Hà Nội tập trung kiểm tra, rà soát các công trình chống úng ngập, triển khai biện pháp tăng cường tiêu thoát nước, chống úng ngập khu vực nội thành. Các công ty thủy lợi trên địa bàn chủ động thực hiện tiêu nước đệm để hỗ trợ chống úng ngập.
Đặc biệt, Công ty Công viên cây xanh Hà Nội bảo đảm xử lý nhanh các sự cố cây đổ. Tổng Công ty Điện lực Hà Nội bảo đảm an toàn về điện, kịp thời khắc phục sự cố, cung cấp đủ nguồn điện ổn định cho các trạm bơm tiêu hoạt động hết công suất phục vụ tiêu úng.
Tại cuộc họp khẩn của Ban chỉ đạo PCLB Trung ương vào sáng 28-10, ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương nhận định, bão số 8 đi sát dọc bờ biển các tỉnh từ miền Trung ra vịnh Bắc bộ nên phạm vi ảnh hưởng rộng.
Bão men theo bờ biển, tâm bão có thể không vào đất liền Sáng qua, Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương cho rằng, bão số 8 có sự đổi hướng, đi vào khu vực các tỉnh Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình nhưng chiều và tối 28-10, ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương lại nhận định: tâm bão số 8 có thể không vào đất liền. Theo ông Tăng, từ chiều 28-10, bão số 8 đã giảm xuống cấp 11 - 12, vẫn còn nằm cách bờ biển Nam Định khoảng 80km về phía Nam. Do trong khoảng 12 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng giữa Bắc và Bắc Đông Bắc, áp sát vào bờ biển Nam Định và Thái Bình, sau đó sẽ đổi hướng di chuyển theo hướng Bắc Đông Bắc nên có thể sẽ không đi vào đất liền mà hướng ra phía Bắc vịnh Bắc bộ. |
VĂN PHÚC
Thông tin liên quan |
Các địa phương khẩn trương di đời dân, chống bão số 8