(SGGP).- Ngày 6-12, Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương đưa ra nhận định, bão số 9 (Bopha) có thể đổi hướng khi vào gần khu vực giữa biển Đông rồi gặp khối áp cao lạnh nên sẽ di chuyển ngược ra bên ngoài theo hướng Đông Bắc. Chiều và tối qua, vị trí tâm bão số 9 ở vào khoảng 12,4 độ vĩ Bắc và 116,3 độ kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) khoảng 240km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (tức là từ 118 đến 133km/giờ), giật cấp 13, cấp 14.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 km, sức gió vẫn không thay đổi. Sau đó, bão sẽ di chuyển chậm lại và có khả năng đổi hướng đi lên phía Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5-10km, rồi chuyển sang hướng Đông Bắc.
Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương cho biết, Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao đã có công hàm gửi Đại sứ quán các nước: Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Brunei, Philippines tại Hà Nội và liên hệ với các nước trong khu vực đề nghị tạo điều kiện thuận lợi cho các ngư dân cùng tàu, thuyền của Việt Nam được trú tránh bão, lên bờ khi cần thiết và hỗ trợ cứu nạn trong trường hợp gặp sự cố. Bộ đội Biên phòng chỉ đạo biên phòng tuyến biển các tỉnh từ Đà Nẵng đến Cà Mau thông báo, kiểm đếm và hướng dẫn tàu thuyền chủ động di chuyển tránh bão. Các đơn vị tuyến biển từ Đà Nẵng đến Cà Mau duy trì 3.538 cán bộ chiến sĩ và 215 phương tiện thường trực sẵn sàng tham gia xử lý các tình huống.
Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam bố trí 5 kíp tàu trực, các tàu SAR-412 và SAR-274 trực tại Đà Nẵng, SAR-271 tại Nha Trang, SAR-413 tại Côn Đảo và SAR-272 trực tại Vũng Tàu.
* Ngày 6-12, Trung tâm Dự báo khí tượng-thủy văn Trung ương đã đưa ra nhận định về tình hình khô hạn sẽ xảy ra ở 3 khu vực Trung bộ, Tây Nguyên và Nam bộ trong mùa khô năm 2012-2013. Theo đó, mùa khô sắp tới, cả 3 khu vực kể trên đều xảy ra hạn hán nặng. Trong đó, tình trạng thiếu nước, khô hạn có khả năng xảy ra nghiêm trọng trên diện rộng ở khu vực từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận, xảy ra cục bộ tại một số vùng thuộc khu vực Tây Nguyên và miền Đông Nam bộ.
V. PHÚC - PH. HẬU