
Miền Trung hứng chịu đợt lũ lịch sử
Lúc 15 giờ ngày 29-9, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Đào Xuân Ngọc đã chính thức báo cáo với Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: Bão số 9 đã đổ bộ vào khu vực Dung Quất (Quảng Ngãi) với sức gió cấp 8, cấp 9. Như vậy, bão số 9 thật sự gây bất ngờ khi đổ bộ vào Quảng Ngãi. Khi vào đến đất liền, bão số 9 đã suy yếu hơn so với dự báo, nhưng đã gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh, thành miền Trung.

Bão số 9 gây sóng cao, đánh sập nhà ở Đà Nẵng.
Lúc 20 giờ tối cùng ngày, Ban tiền phương PCLB đặt tại Đà Nẵng đã tổ chức cuộc họp trực tuyến 4 cầu: Đà Nẵng, Kon Tum, Quảng Nam và Quảng Ngãi do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì. Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo xử lý cứu hộ 12 hộ dân bị ngập tại khu vực đầm tôm Dốc Phú, xã Bình Dương, huyện Bình Sơn bị cô lập do lũ, cứu hộ 10 hộ dân bị cô lập tại khu vực Hành Nhân, Nghĩa Hành.

Bão số 9 gây lũ lớn, nhấn chìm nhiều nhà cửa tại huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng. Ảnh: NGUYÊN KHÔI
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, Phó Tư lệnh Quân khu 5 điều lực lượng từ Sư đoàn 315 và Lữ đoàn 270 cơ động cùng thiết bị, phương tiện phối hợp cùng với tỉnh đội Quảng Ngãi tổ chức cứu hộ khoảng 5.000 hộ dân bị ngập sâu trên 1m, và chia cắt hoàn toàn với bên ngoài. Lực lượng không quân chuẩn bị Sư đoàn trực thăng sẵn sàng tham gia cứu hộ khi điều kiện thời tiết cho phép.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đặc biệt lưu ý các địa phương có biện pháp đảm bảo đủ lương thực, thực phẩm, nước uống cho dân; không để bất cứ người dân nào bị đói do bão lũ gây ra.
Gió bão và sóng đã thổi tung nhiều thuyền thúng của ngư dân Đà Nẵng.
Ít nhất 40 người chết và mất tích
Báo cáo Phó Thủ tướng, ông Đào Xuân Học, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT kiêm Phó Ban chỉ đạo PCLB Trung ương cho biết, mặc dù chỉ lướt qua khu vực miền Trung trong vài giờ đồng hồ nhưng tính tới đêm qua, ít nhất cơn bão số 9 đã làm 40 người chết, mất tích và 40 người bị thương.
Trong đó, Thừa Thiên-Huế có 3 người chết và 16 người bị thương, khoảng 6 người bị lạc trên rừng cũng được coi là mất tích. Đà Nẵng có 3 người chết và 1 người còn mất tích, 10 người bị thương. Quảng Nam cũng có 3 người bị chết. Quảng Ngãi có 3 người chết và 14 người bị thương. Bình Định có 4 người chết do bất cẩn khi qua sông. Phú Yên cũng có 2 người bị chết.
Bão Ketsana tại Philippines: 246 người thiệt mạng T.HẰNG (Theo THX, AFP) |
Riêng tỉnh Kon Tum mặc dù không nằm trong vùng tâm bão nhưng lại bị thiệt hại nặng nề nhất về người do mưa lũ lớn, nước sông dâng cao. Tính đến 21 giờ đêm qua, ở đây đã có 13 người dân bị chết và 2 vẫn còn mất tích. Trong đó có 6 người dân chết do sập nhà ở cùng huyện Kon Plong và 4 người là công nhân đang trú mưa trong một lán trại của một đơn vị làm đường giao thông.
Theo Ban chỉ đạo PCLB Trung ương, cho đến 18 giờ tối qua, lực lượng cứu hộ đã tìm được xác của 4 công nhân kể trên. Tuy nhiên hiện nay nước lũ trên các sông ở Kon Tum đều dâng cao vượt báo động 3 tới 6 - 7m, ở mức lịch sử, khắp nơi trắng nước, cô lập hoàn toàn 4 huyện với khoảng 8.000 hộ dân là đồng bào dân tộc.
Ngay cả TP Kon Tum cũng bị chia cắt vì nước lũ. 6 trong tổng số 9 huyện của tỉnh Kon Tum đã bị mất điện hoàn toàn. Trong khi đó, lũ từ thượng nguồn sông Đak Bla vẫn không ngừng đổ về xuôi. Lúc 18 giờ chiều qua, lưu lượng nước mới chỉ hơn 5.000m3/giây thì vào tầm 21 giờ, lưu lượng đã tăng vọt lên 7.800m3/giây và còn tăng thêm, báo động một đợt lũ lớn sẽ xảy ra ở Tây Nguyên.
Dùng máy bay trực thăng để cứu dân
Không chỉ gây thiệt hại về người, cơn bão còn tàn phá nhiều công trình và hoa màu, tài sản của dân. Tại tỉnh Quảng Trị đã có 229 nhà sập và tốc mái, 835 ngôi nhà hư hỏng nặng, 1.400ha lúa chìm trong nước. Tại Thừa Thiên-Huế có 123 nhà sập, 1.571 nhà bị tốc mái và 7.000 nhà chìm trong nước lũ.

Các lực lượng chức năng quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) sơ tán người dân tại những vùng xung yếu đến nơi an toàn.
Đà Nẵng cũng có 33 nhà sập, 1.719 nhà tốc mái và gần 3.000 nhà ngập. Ở Quảng Ngãi, khoảng 5.000 ngôi nhà bị tàn phá bởi gió bão, 45 tàu của ngư dân bị sóng đánh chìm. Còn tại Bình Định, 105 nhà bị sập, 2.284 ngôi nhà và khoảng 8.000ha lúa chìm trong nước, 42 tàu của ngư dân cũng bị chìm. Ở Phú Yên thì có 3 tàu cá chìm. Chưa kể những thiệt hại nặng nề ở Kon Tum.
Chiều 29-9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã gửi lời hỏi thăm và chia sẻ với các thân nhân, gia đình có người bị thiệt mạng, bị thương và còn mất tích. Thủ tướng yêu cầu ở các tỉnh xảy ra thiệt hại nặng nề về người, lãnh đạo địa phương và các lực lượng cứu hộ phải dốc sức, tập trung cho việc cứu hộ cứu nạn những người dân còn đang mắc kẹt trong lũ, tìm kiếm những người còn đang mất tích, đang mong chờ sự cứu hộ để giảm tới mức thấp nhất những thiệt hại về người. |
Trước tình hình vô cùng khẩn cấp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu lãnh đạo tỉnh Kon Tum dừng cuộc giao ban sớm để đi triển khai ngay việc cứu hộ cứu nạn và khắc phục các thiệt hại nặng nề do bão số 9 gây ra.
Phó Thủ tướng khẳng định sẽ yêu cầu Bộ Quốc phòng và Quân đoàn 3 tăng cường thêm lực lượng công binh, xe lội nước cũng như lương thực, thuốc men để giúp địa phương ứng cứu hàng ngàn hộ dân đang bị nước sông Đak Bla bao vây, chia cắt. Phó Thủ tướng yêu cầu, ngay sáng 30-9, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn phải dùng máy bay trực thăng để vào tiếp cận ứng cứu 60 người dân vẫn còn mắc kẹt trong nước lũ ở huyện Kon Plong và hàng ngàn hộ dân ở huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi).
Hàng ngàn người đang chống chọi giữa biển nước
Không như dự báo ban đầu, bão số 9 đổi hướng đột ngột khiến tỉnh Quảng Ngãi trở tay không kịp. Hàng trăm hộ dân vùng ven biển KKT Dung Quất tự gồng gánh đồ đạc tràn vào các cơ quan, công sở tại vùng này để trú bão. Nhà máy lọc dầu Dung Quất cũng không thể nào đưa hàng trăm kỹ sư và công nhân từ thành phố Quảng Ngãi về nhà máy để điều hành sản xuất. Thống kê sơ bộ cho biết, toàn tỉnh có 2 người chết, 1 người mất tích, 3 người bị thương nặng. Con số thương vong chắc chắn sẽ lớn hơn vì hiện nay hệ thống thông tin liên lạc bị tắc nghẽn một số vùng, điện thắp sáng và nước sinh hoạt của người dân bị cắt từ sáng sớm ngày 29-9.

Nhà dân ở xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam bị sập khi cơn bão quét qua.
Phục hồi các chuyến bay tới miền Trung TH. TUYẾT - M. DUY |
UBND TP Hội An đã đưa 600 du khách nước ngoài vào các nhà nghỉ và khách sạn, hoặc nơi trú ẩn an toàn.
Tại Hà Tĩnh, đến 18 giờ 30 ngày 29-9, lực lượng cứu hộ tỉnh Hà Tĩnh đã tiếp cận và cứu được 23 thủy thủ trên 2 con tàu Hải Xuân 169 (trọng tải 1.973 tấn, chở 1.800 tấn than từ cảng Cẩm Phả, Quảng Ninh đi Long An, có 15 thuỷ thủ) và tàu Thuận Phước 09 (trọng tải 2.475 tấn, chở 2.231 tấn than từ cảng Cẩm Phả, Quảng Ninh đi Đà Nẵng, có 8 thủy thủ) đã bị hỏng máy chính mắc kẹt cách cảng Vũng Áng hơn 500m.
Hiện tại 2 tàu này vẫn đang bị mắc kẹt ngoài biển và có khả năng sẽ bị sóng biển đánh chìm. Riêng tàu chở hàng Vinashin Inco 27, có 20 thủy thủ bị hỏng máy chính mắc kẹt ở bên ngoài cách khu vực cảng Vũng Áng đã bị sóng biển đánh chìm, may mắn 20 thủy thủ trên tàu này sau khi kịp phát tín hiệu cầu cứu đã được Đồn Biên phòng cảng Vũng Áng dùng dây thừng đưa vào bờ an toàn.
Tại Thừa Thiên – Huế, Lúc 16 giờ ngày 29-9, mực nước lũ trên các sông Hương, sông Bồ, sông Ô Lâu đều vượt mức báo động 3. Hầu hết các tuyến đường đi qua địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế bị ngập lụt hoặc cây cối đổ gãy, trốc gốc gây khó khăn cho người và phương tiện tham gia giao thông.
Tại Đà Lạt, khoảng 17 giờ 20 phút ngày 29-9, một cây thông cao khoảng 30m trong khuôn viên biệt thự số 25 Trần Hưng Đạo đã bị gió giật bật gốc, đổ sang phía trái đường. Đúng lúc đó chiếc xe du lịch 16 chỗ ngồi mang BKS 49X-5413 của Dịch vụ vận tải du lịch Hoàng Thảo chạy từ hướng bùng binh Đài PT-TH Lâm Đồng về Điện lực Lâm Đồng thì bị cây thông đổ đè lên giữa thân xe khiến chiếc xe bẹp dúm (ảnh). Theo thông tin ban đầu, 16 khách trên xe đều bị thương, trong đó có 2 người bị chấn thương cột sống, đang nguy kịch.

Cây thông nói trên ngã đổ cách địa điểm cây thông đổ vào 7 giờ sáng cùng ngày chỉ khoảng 200m đè chết chị Phùng Thị Thanh (SN 1978, giáo viên Trường THPT Trần Phú) khi đang chở con đi học. Con gái chị là Vũ Quỳnh Anh (học lớp 1 Trường Tiểu học Lê Quý Đôn) may mắn thoát chết.
Tại Đắc Lắc, theo báo cáo của Ban PCLB và giảm nhẹ thiên tai đến chiều 29-9, toàn tỉnh đã có khoảng 550 căn nhà, trụ sở, trường học bị tốc mái, gần 1.000 ha lúa và hoa màu bị ngập nước. Nhiều đoạn đường vào các xã vùng sâu, vùng xa ở huyện M’Đrắc, Lắc bị cuốn trôi, khiến các xã như Cư Trang, Buôn Triết, Buôn Tría bị lũ bị cô lập.
Tại Quảng Bình, Lũ lớn nhấn chìm nhiều làng ven sông. Ngày 29-9, ông Nguyễn Ngọc Giai-Chi cục trưởng chi cục phòng chống bão lụt Quảng Bình cho biết, triều cường lên cao tới 3m cộng với mưa rất to đã làm lũ trên sông Nhật Lệ vượt mức báo động III. TP. Đồng Hới nhiều tuyến đường bị ngập lụt, một số làng sống ven sông bị nước nhấn chìm, đợt lũ của bão số 9 đã đạt mức lũ lịch sử năm 1991 tại TP. Đồng Hới khiến chợ Đồng Hới phải đóng cửa.

Bộ đội biên phòng đồn 185 di dời khẩn cấp tài sản người dân do triều cường.
Tại huyện Lệ Thuỷ, hàng ngàn hộ dân bị ngập trong mưa lụt, lũ sông Kiến Giang vượt mức báo động II, và hiện đang lên nhanh. 3 xã vùng núi rẻo cao gồm Kim Thuỷ, Ngân Thuỷ, Lâm Thuỷ bị cắt đứt liên lạc hoàn toàn. Đường Hồ Chí Minh đoạn qua xã Thương Hoá bị ngập trong 1m nước. Mưa to đang gây lũ sông Gianh lên nhanh. Trước tình hình đó, ông Nguyễn Hữu Hoài-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đã hủy 3 chuyến công cán nước ngoài để ở lại địa phương chỉ đạo các huyện phòng chống bão lũ.

Mưa to, lũ lên nhanh, ngập nhiều nơi tại Quảng Bình
Chiều 29-9, gió tại Quảng Bình mạnh cấp 10, giật cấp 11, cấp 12, mưa to và rất to đã làm tốc mái hàng trăm nhà dân. Theo ông Nguyễn Ngọc Giai, Lệ Thuỷ, Quảng Ninh, Quảng Trạch, Tuyên Hoá, Minh Hoá sẽ hứng chịu cơn lũ to vượt mức báo động III, có thể vượt lũ lịch sử năm 2007. Triều cường cũng làm hàng trăm hộ dân các xã Quảng Phúc, cảnh Dương, Quảng Đông bị ngập lụt, bộ đội biên phòng đã di dời khẩn cấp hơn 200 hộ dân và tài sản vào đồn biên phòng 185 tránh lũ triều cường.
Tàu Hợp Thành 07 bị mắc nạn tại biển Lệ Thuỷ đã được Hải đội 2 Bộ đội biên phòng Thừa Thiên Huế cứu nạn và đưa vào bờ an toàn, tuy nhiên trước đó do sóng to, 2 thuỷ thủ đã rơi xuống nước mất tích khi tàu Hợp Thành 07 cách đất liền 17 hải lý, hiện 7 thuỷ thù tàu Hợp Thành đang được chăm sóc an toàn. Tàu hải đạt 18 cũng đã được biên phòng Quảng Bình cứu sống 9 thuỷ thủ đưa vào bờ an toàn.
NHÓM PV
Khắc phục đường dây 500 kV Ngày 29-9, Bộ Thông tin-Truyền thông đã có Công điện khẩn số 09 gửi Tập đoàn VNPT và các Sở TT-TT các tỉnh miền Trung về triển khai các công việc trọng tâm để đối phó với cơn bão số 9. Theo đó, Bộ TT-TT yêu cầu VNPT có ngay kế hoạch và chuẩn bị sẵn sàng các phương án đảm bảo thông tin phục vụ cho đoàn công tác của Chính phủ, Ban chỉ đạo tiền phương tại thành phố Đà Nẵng nhằm ứng phó kịp thời với cơn bão số 9; tăng cường, bổ sung phương tiện, trang thiết bị thông tin vệ tinh Inmarsat, VSAT, các trạm BTS di động và xe cơ động trang bị vô tuyến sóng ngắn... Cùng ngày, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, do ảnh hưởng của cơn bão số 9 đã gây sự cố 2 mạch đường dây 500 kV Bắc-Nam (đoạn Đà Nẵng-Hà Tĩnh) từ chiều và tối 28-9, 2 hệ thống điện miền Bắc và miền Nam phải vận hành độc lập. Trên địa bàn các tỉnh miền Trung, bão số 9 đã gây sự cố nhiều đường dây 220, 110kV (đường dây 220kV Hòa Khánh-Huế, 220kV Quy Nhơn-Pleiku, 110kV Đà Nẵng-Hòa Khánh, Đà Nẵng-Liên Trì-quận 3, Dốc Sỏi-Quảng Ngãi...), nhiều trạm biến áp và đường dây trung/hạ thế, ảnh hưởng cung cấp điện nhiều khu vực trên địa bàn các tỉnh từ Nghệ An, Hà Tĩnh đến Phú Yên. Đồng thời, do 2 mạch đường dây 500kV (cung cấp 25% sản lượng điện cho miền Bắc) bị sự cố, khu vực miền Bắc phải hạn chế công suất ở mức 400-500 MW trong giờ cao điểm sáng và chiều 29-9 cho đến khi khôi phục vận hành hoàn toàn hệ thống 500kV liên kết. Từ sáng 29-9, do ảnh hưởng của cơn bão số 9, mạng điện thoại cố định của VNPT tại các vùng gần tâm bão như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng... bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhiều cuộc gọi bị đứt quãng. Đến chừng hơn 14 giờ cùng ngày thì đa phần các cuộc gọi đã được kết nối, tuy lúc được lúc không. Còn theo Viettel Telecom, một số trạm tại các khu vực như Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế bị ảnh hưởng do điện cắt trên diện rộng dẫn đến thuê bao di động một số khu vực bị cũng bị gián đoạn liên lạc. Viettel Telecom đã cử nhóm ứng cứu thông tin trực 24/24 giờ tại các tỉnh bị ảnh hưởng từ cơn bão. Các chuyên gia kỹ thuật của Vina Phone và Beeline cũng đã được điều động tới khu vực miền Trung để ứng phó khi xảy ra sự cố mạng do bão gây ra. L. PHONG - B. TÂN |