Bảo tồn song hành phát triển khu trung tâm Đà Lạt

Những ngày qua, dư luận và giới chuyên môn không chỉ ở Đà Lạt mà khắp nơi trong cả nước đều quan tâm việc UBND tỉnh Lâm Đồng công bố Quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị, tỷ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hòa Bình (TP Đà Lạt).
Rạp Hoà Bình sẽ bị phá bỏ để xây dựng trung tâm thương mại. Ảnh: ĐOÀN KIÊN
Rạp Hoà Bình sẽ bị phá bỏ để xây dựng trung tâm thương mại. Ảnh: ĐOÀN KIÊN

Nhiều ý kiến cho rằng khu vực trung tâm TP Đà Lạt cần phải chỉnh trang, xây dựng lại cho khang trang, hiện đại phục vụ người dân tốt hơn, nhưng cũng có ý kiến cho rằng cần bảo tồn những công trình gắn với lịch sử hình thành của thành phố ngàn hoa. 

Mật độ xây dựng sẽ ít đi

Theo ông Lê Quang Trung, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, trước khi phê duyệt đề án, địa phương đã tham khảo ý kiến của các chuyên gia, các sở ban ngành của tỉnh, thành phố và phát ra 810 phiếu khảo sát đối với các hộ dân sinh sống trong khu vực thực hiện của đề án. Phần lớn các ý kiến đều thống nhất với chủ trương thực hiện đề án. “Khi triển khai đề án, mật độ xây dựng sẽ ít hơn thực tế hiện nay”, ông Lê Quang Trung khẳng định. Cụ thể, rạp hát Hòa Bình sẽ bị dỡ bỏ để xây trung tâm thương mại, dãy nhà phía sau (khu vực Bến xe Tùng Nghĩa) cũng giải tỏa. Khu dân cư bên phải đường Phan Bội Châu (đoạn từ cầu thang chợ Đà Lạt đến khu chợ đồ cũ) cũng được giải tỏa để làm công viên, đường đi. Khu vực thương xá La Tulipe, khách sạn Hải Sơn, khách sạn Golf 3 (cũ), dãy ki-ốt dẫn vào chợ sẽ phá bỏ để làm công viên hoa, bãi đậu xe ngầm, không gian công cộng dành cho người dân. 

Việc thiết kế xây dựng công trình sẽ phải tận dụng tối đa địa hình tự nhiên, hạn chế việc san gạt theo diện rộng, phá vỡ địa hình vốn có của Đà Lạt, không xâm hại đến môi trường, cảnh quan khu vực. Khuyến khích trồng cây xanh trong khuôn viên và trên mái các công trình, sử dụng cây xanh đặc trưng, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng Đà Lạt. 

Trong khi đó, theo ông Đoàn Văn Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, quyết định trên là tiền đề để đầu tư cải tạo, chỉnh trang và phát triển đô thị khu trung tâm Hòa Bình thành khu trung tâm phức hợp, gồm hạ tầng giao thông công cộng chất lượng cao, xây dựng các công trình kiến trúc đặc trưng, hài hòa cảnh quan khu vực, là điểm đến hấp dẫn của khách tham quan du lịch trong nước và quốc tế; đề xuất giải pháp quy hoạch và thiết kế các phân khu chức năng nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch tại khu vực trung tâm TP Đà Lạt; tạo ra nhiều không gian thương mại, mua sắm, không gian đi bộ, bãi đậu xe; sắp xếp, chỉnh trang các khu ở đảm bảo hài hòa cảnh quan của khu vực… Từ đó thu hút nguồn lực đầu tư, nâng cao giá trị sử dụng đất thông qua những hoạt động du lịch, dịch vụ chất lượng và đa dạng tại khu trung tâm của TP Đà Lạt.

Thẩm định kỹ từng công trình 

“Vấn đề nhiều người quan tâm hiện nay là phá bỏ cái gì, giữ cái gì khi thực hiện quy hoạch. Chợ Đà Lạt sẽ được chỉnh trang lại và được bảo tồn như cũ. Riêng tòa Dinh tỉnh trưởng là công trình kiến trúc có giá trị văn hóa, lịch sử sẽ được giữ lại nguyên trạng và được di dời sang một vị trí trên đỉnh đồi để thực hiện tổ hợp khách sạn nghỉ dưỡng cao cấp. Rạp hát Hòa Bình hiện đã xuống cấp, không mang đậm giá trị kiến trúc, không còn giữ được công năng chính của nó. Vừa qua, khi tỉnh công bố quyết định phê duyệt quy hoạch trong đó có đưa ra mô phỏng tòa nhà trung tâm thương mại thay thế rạp Hòa Bình và mô phỏng khách sạn trên đồi Dinh, tuy nhiên đây chỉ là mô phỏng công trình có tỷ lệ xây dựng tương ứng. Sau này khi lựa chọn xây dựng, chúng tôi sẽ thẩm định kỹ lưỡng chi tiết từng công trình. Quan điểm nhất quán của Đà Lạt là coi trọng đúng mức việc bảo tồn công trình kiến trúc có giá trị trong quá trình phát triển của mình”, ông Lê Quang Trung nhấn mạnh.

Về tiến độ thực hiện, theo ông Lê Quang Trung, sau khi công bố đề án, các ngành chức năng của tỉnh Lâm Đồng đang lập phương án đầu tư, các dự án sẽ được đấu thầu công khai để lựa chọn nhà đầu tư phù hợp nhất với địa phương. Để thực hiện dự án, địa phương sẽ thực hiện theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (đổi đất lấy hạ tầng). 

Nhiều kiến trúc sư nhận định, việc chỉnh trang khu trung tâm Đà Lạt là cần thiết, bởi trên thực tế khu vực chợ Đà Lạt nói riêng và khu trung tâm Đà Lạt nói chung nhiều nơi đã xuống cấp và quá tải. Khu trung tâm của Đà Lạt ngày xưa chỉ phục vụ cho nhu cầu của vài ngàn người của Đà Lạt, nay với sự gia tăng dân số tự nhiên và cơ học ở Đà Lạt, đặc biệt vào các dịp lễ, tết Đà Lạt thu hút thêm hàng trăm ngàn du khách thì rất cần có một khu trung tâm có đủ khả năng phục vụ nhu cầu vui chơi của người dân và du khách. Vấn đề là việc cải tạo phải được tính toán kỹ trên cơ sở bảo tồn và giữ lại những giá trị thời gian và hồn cốt của Đà Lạt.

Theo Quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị tỷ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hòa Bình, TP Đà Lạt, khu vực được quy hoạch có diện tích 30ha, thuộc phường 1, TP Đà Lạt, gồm 5 phân khu. Trong đó, phân khu 1 bao gồm khu vực chợ Đà Lạt - đường Nguyễn Thị Minh Khai có diện tích 6,95ha. Đây sẽ là khu chợ truyền thống, kết hợp với quảng trường trung tâm, khu phố đi bộ, trung tâm thương mại và khu vực đậu xe ngầm. Phân khu 2 là khu trung tâm Hòa Bình có diện tích 3,37ha. Rạp hát Hòa Bình sẽ được tháo dỡ để xây dựng khu giải trí đa chức năng với các loại hình dịch vụ và giải trí phục vụ người dân địa phương, du khách. Thay đổi nhiều nhất là tại phân khu 3 là khu vực đồi Dinh có diện tích 4,43ha.

Tại khu vực này, tòa Dinh tỉnh trưởng (cũ) sẽ được di dời nguyên khối đến một vị trí mới cũng trong khuôn viên dinh. Nơi đây sau khi hoàn thành sẽ là khu thương mại, dịch vụ cao cấp. Phân khu 4 là khu vực chỉnh trang đô thị có diện tích khoảng 9,19ha với mục tiêu hình thành nên khu ở kết hợp thương mại, phát triển hỗn hợp các loại hình dịch vụ và giải trí phục vụ người dân địa phương, du khách. Phân khu 5 là khu vực ven hồ Xuân Hương có diện tích 6,06ha. Nơi đây là khu vực công trình dịch vụ - du lịch, khách sạn, công trình công cộng giáp hồ Xuân Hương.

Tin cùng chuyên mục