(SGGP).- Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương cho biết vào trưa 12-8, bão Utor đã vượt qua đảo Luzon (Philippines) tiến vào biển Đông. Đây là cơn bão thứ 7 hoạt động trong năm nay tại vùng biển Đông. Sau khi đổ bộ vào đảo Luzon, bão Utor đã giảm đi 1 - 2 cấp. Vào 16 giờ chiều qua, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,5 vĩ Bắc; 116,6 độ kinh Đông, cường độ đạt cấp 13. Trong ngày hôm nay 13-8, bão số 7 chủ yếu di chuyển theo hướng Tây Bắc, đến 16 giờ cùng ngày, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,9 độ vĩ Bắc; 113,6 độ kinh Đông. Đặc biệt, bão số 7 sẽ mạnh thêm từ 1 - 2 cấp, đạt cấp 14 - 15. Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương, bão số 7 tiếp tục chuyển hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc, đi vào bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) rồi tiếp tục đi vào địa phận tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).
Ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương nhận định, các mô hình dự báo cho thấy 70% khả năng bão sẽ đổ bộ vào Trung Quốc, 30% còn lại sẽ đổ bộ vào khu vực Bắc của vịnh Bắc bộ. Mặc dù vậy, vùng ảnh hưởng gió cấp 10 sẽ bao trùm hết Đông Bắc vịnh Bắc bộ và một phần của tỉnh Quảng Ninh. Còn vùng gió cấp 6 sẽ bao trùm hết khu vực Bắc bộ, bao gồm khu Đông Bắc từ Thái Bình trở ra đến Cao Bằng, Lạng Sơn. Từ chiều 15-8, vịnh Bắc bộ sẽ có gió mạnh, đạt dần cấp 10. Mặc dù bão số 7 ít khả năng đi xuống khu vực này nhưng di chuyển rất sát gây gió mạnh. Khu vực giữa quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa sẽ có gió rất mạnh, đạt cấp 8 - 10, cộng thêm sóng biển dâng cao từ 3 - 4m, rất nguy hiểm cho tàu thuyền.
Trong vòng 12 ngày đầu tháng 8, biển Đông đã đón 3 cơn bão, chưa kể áp thấp nhiệt đới. Nhận định về hiện tượng này, ông Lê Thanh Hải cho biết, trong lịch sử quan trắc của ngành khí tượng ghi nhận, tần suất bão lớn nhất trong năm tập trung trong 3 tháng, từ tháng 8 đến tháng 10 hàng năm, 3 tháng này chiếm đến 60% số lượng cơn bão hoạt động. Ghi nhận cho thấy, vào tháng 8-1973 và tháng 8-1995 có 3 cơn bão hoạt động. “Nhưng mới 12 ngày đầu tháng 8-2013, chúng ta đã ghi nhận 3 cơn bão. Nếu từ nay đến hết tháng 8 mà ghi nhận thêm 1-2 cơn bão nữa thì sẽ là hiện tượng kỷ lục chưa từng thấy” - ông Lê Thanh Hải cho biết.
Mặc dù bão số 7 ít có khả năng đi vào khu vực vịnh Bắc bộ nhưng vẫn có thể gây mưa lớn cho khắp các tỉnh miền Bắc. Theo dự báo, khu vực Đông Bắc, vùng núi phía Bắc sẽ có đợt mưa vừa, mưa to trên diện rộng. Mưa kéo dài từ ngày 15-8 đến hết ngày 17-8. Mưa lớn tập trung ở vùng núi và Đông Bắc bộ.
Tính đến 16 giờ 30 chiều qua, lực lượng bộ đội biên phòng đã thông báo cho hơn 67.300 phương tiện và gần 284.000 ngư dân biết vị trí, hướng đi của bão để chủ động phòng tránh. Trong quá trình di chuyển tránh áp thấp nhiệt đới, 1 thuyền viên trên tàu cá của Bình Định đã bị rơi xuống biển, mất tích vào ngày 12-8. Hiện các lực lượng chức năng đang tổ chức tìm kiếm.
Tuy nhiên, hiện ở khu vực giữa biển Đông (bao gồm quần đảo Trường Sa) hiện còn 1.095 tàu với 11.058 lao động của các tỉnh: Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa.
Ngoài ra, tại khu vực quần đảo Hoàng Sa hiện có 97 tàu với 1.221 lao động của Quảng Bình, Đà Nẵng, Quảng Ngãi và Khánh Hòa đang đánh bắt cá. Hiện Bộ đội biên phòng cùng gia đình các tàu thuyền này tiếp tục giữ liên lạc kịp thời thông báo hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương vào tối qua, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát chỉ đạo các địa phương cần theo dõi sát sao diễn biến của cơn bão số 7. Cơn bão này rất mạnh và còn có những diễn biến phức tạp, không loại trừ khả năng bão đi thấp xuống phía Nam, vào vịnh Bắc bộ.
VĂN PHÚC - NGUYỄN HÙNG
- Thông tin liên quan:
>> Siêu bão Utor tăng cấp, hướng vào biển Đông