Về giải thưởng “Doanh nghiệp xanh” do Báo SGGP và Sở TN-MT TPHCM tổ chức

Bảo vệ môi trường để tăng sức cạnh tranh của sản phẩm

° Phóng viên:
Bảo vệ môi trường để tăng sức cạnh tranh của sản phẩm

Việt Nam đã trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Việc xóa bỏ hàng rào thuế quan trong tất cả các nước thành viên đã tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp xâm nhập thị trường mới này.

Tuy nhiên, để chống lại hàng hóa nhập khẩu từ các nước thành viên khác, nhiều nước khu vực châu Mỹ, châu Âu và châu Á lại tăng cường sử dụng hàng rào phi thuế quan. Điển hình nhất là rào cản “xanh”, rào cản về an toàn thực phẩm cho sức khỏe người tiêu dùng. Để hiểu rõ thêm về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Mai Ái Trực.

° Phóng viên: Xin bộ trưởng cho biết khi Việt Nam gia nhập WTO thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với những rào cản gì về môi trường (đối với thị trường xuất khẩu và nội địa)?

Bảo vệ môi trường để tăng sức cạnh tranh của sản phẩm ảnh 1
Công ty Vissan đã xây dựng Nhà máy xử lý nước thải bảo đảm môi trường sản xuất và khu vực lân cận. Ảnh: ĐỨC THÀNH

° Bộ trưởng MAI ÁI TRỰC: Rào cản thuế quan là một trong những trở ngại lớn nhất của quá trình tự do hóa thương mại.

Do điều kiện cụ thể của mỗi nước, chủ yếu là trình độ phát triển và khả năng tiếp cận với nền kinh tế thị trường mà lộ trình cắt giảm rào cản thuế quan đối với mỗi loại hàng hóa, dịch vụ của từng nước khi gia nhập WTO có khác nhau, nhưng cuối cùng cũng phải đạt đến sự xóa bỏ hoàn toàn và công bằng về rào cản này.

Quan sát tình hình thực tế cho thấy, rào cản thuế quan càng giảm thì rào cản phi thuế quan càng tăng lên.

Một trong những rào cản phi thuế quan là rào cản về môi trường, hay còn gọi là rào cản xanh, mà nội dung chủ yếu là các tiêu chuẩn khắt khe về an toàn đối với thực phẩm và các sản phẩm trực tiếp phục vụ cuộc sống của con người như đồ dùng gia đình, sản phẩm dệt may, giày dép, đồ nhựa…

Các nước phát triển thường áp dụng rào cản môi trường trong nhập khẩu hàng hóa với lý do bảo đảm an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng trong nước và góp phần bảo vệ môi trường, một vấn đề mang tính toàn cầu. Nhưng đằng sau đó, không ít trường hợp là để bảo vệ sản xuất trong nước.

° Để hạn chế những ảnh hưởng của các rào cản về môi trường thì doanh nghiệp cần phải làm gì?

° Phải làm tốt cả 3 khâu sau đây: Một là, bảo đảm nguyên liệu sản xuất ra hàng hóa phải là nguyên liệu sạch. Điều này liên quan đến phương thức tạo ra nguyên liệu. Nói một cách cụ thể, việc canh tác, nuôi trồng, bảo quản các loại lương thực, nông sản, sản phẩm chăn nuôi, thủy hải sản để chế biến phải chú ý đến tính an toàn, đặc biệt là việc sử dụng các loại phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc phòng trừ sâu, dịch bệnh, diệt cỏ không để lại trong sản phẩm thu hoạch dư lượng hóa chất vượt ngưỡng cho phép.

Hai là, bảo đảm vệ sinh an toàn trong quá trình sản xuất, chế biến, đóng gói, bảo quản, lưu trữ, vận chuyển sản phẩm để không gây hại cho người sử dụng sản phẩm đó. Đây là một yêu cầu rất cao, đòi hỏi nhà sản xuất phải có dây chuyền, phương tiện sản xuất hiện đại, đạt tiêu chuẩn môi trường và phải có sự kiểm soát chặt chẽ trong tất cả khâu của quy trình làm ra và đưa sản phẩm đến người tiêu dùng.

Ba là, bảo đảm xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường đối với chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất, chế biến. Điều này có vẻ không liên quan trực tiếp đến sự an toàn của sản phẩm nhưng nhiều nước vẫn đặt ra. Trong thực tế, đã có nhiều nhà nhập khẩu hàng hóa từ nước ta đã đến tận cơ sở sản xuất, chế biến để kiểm tra việc xử lý chất thải và coi đó là một điều kiện để ký hợp đồng nhập hàng.


Điều quan trọng để vượt qua rào cản môi trường là phải khắc phục thói quen coi thường công tác bảo vệ môi trường trong sản xuất; phải coi đầu tư cho bảo vệ môi trường là đầu tư để nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa, không chỉ nhằm đạt mục tiêu tăng khối lượng hàng xuất khẩu mà còn nhằm phục vụ tốt người tiêu dùng trong nước.

° Bộ trưởng đánh giá như thế nào về giải thưởng “Doanh nghiệp xanh”. Giải thưởng “Doanh nghiệp xanh” có đặc điểm gì khác so với nhiều giải thưởng khác đang được tổ chức trong những năm gần đây?

° Tôi đánh giá cao sáng kiến của Báo Sài Gòn Giải Phóng và Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM về giải thưởng này. Đây không chỉ là một hoạt động thiết thực góp phần bảo vệ môi trường mà còn là một đóng góp để tăng sức cạnh tranh của các doanh nghiệp nước ta trong tiến trình hội nhập vào nền kinh tế thế giới, đặc biệt khi nước ta gia nhập WTO.

Các giải thưởng dành cho doanh nghiệp và doanh nhân đã và đang thực hiện chú trọng về chất lượng sản phẩm, về việc mở rộng thị trường hoặc mặt hàng xuất khẩu, về sự thành đạt của doanh nhân. Giải thưởng “Doanh nghiệp xanh” tập trung vào khía cạnh môi trường, là sự bổ sung, hoàn thiện hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. 

° Theo bộ trưởng, doanh nghiệp sẽ có lợi gì nếu đoạt giải thưởng “Doanh nghiệp xanh”?

° Sẽ làm cho người tiêu dùng trong nước và ngoài nước an tâm khi sử dụng sản phẩm do doanh nghiệp làm ra. Nếu giữ ổn định và ngày càng làm tốt hơn để xứng đáng với giải thưởng đó thì uy tín của doanh nghiệp sẽ nâng cao. Mà trong kinh doanh, tạo ra và giữ được uy tín là yếu tố quan trọng nhất.

Trong xu thế hiện nay, bên cạnh các yếu tố về chất lượng, giá cả hàng hóa, khả năng đáp ứng nhu cầu đặt và giao hàng, các nhà buôn và khách hàng sẽ ngày càng chú ý đến mức độ sạch của sản phẩm, trong đó có sạch về môi trường.

° Về lâu dài giải thưởng “Doanh nghiệp xanh” sẽ mở rộng ra toàn quốc. Bộ trưởng có ý kiến gì về vấn đề này?

° Rất hoan nghênh nếu làm được. Tôi tin là với khả năng tổ chức, phát động của Báo Sài Gòn Giải Phóng, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, sự hỗ trợ tích cực từ phía UBND TPHCM và sự hưởng ứng bước đầu của nhiều doanh nghiệp, có nhiều khả năng để thực hiện việc đó. Nhưng trước hết hãy làm tốt đợt xét chọn và trao giải như đã công bố. “Đầu xuôi thì đuôi lọt mà”!

° Xin cảm ơn bộ trưởng! 

ÁI VÂN thực hiện

Tin cùng chuyên mục