Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại

Sáng nay 6-4, Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề: Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại.
Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại

(SGGPO).- Sáng nay 6-4, Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề: Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại.

Trực tiếp trả lời các câu hỏi của bạn đọc có:

1- Bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo TPHCM

2- Bà Nguyễn Thành Phụng, Trưởng phòng Trẻ em, Sở LĐTB-XH TPHCM

3- Thượng tá Phạm Văn Phòng, Phó Trưởng phòng Phòng chống tội phạm buôn bán người - Cục Cảnh sát Hình sự (C45B), Bộ Công an

4- Tiến sĩ - Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch, Ủy viên Ban Chủ nhiệm  Đoàn Luật sư TPHCM, Trưởng ban Đào tạo & Bồi dưỡng Đoàn Luật sư TPHCM

5- Ông Trần Công Bình, Chuyên gia của Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) tại Việt Nam

6- Bà Đoàn Thị Thanh Thủy, Trưởng Ban Gia đình xã hội,  Hội Liên hiệp phụ nữ TPHCM

7- Bà Vương Thanh Liễu, Phó Bí thư Thành đoàn TPHCM

Trần Vi - Nữ - vitran...@yahoo.com

- Liên quan vụ nữ sinh đăng facebook tố thầy dạy thêm sàm sỡ, đọc thông tin trên các báo, tôi bức xúc khi thấy Trường THCS Nguyễn Trãi (TP. Châu Đốc) yêu cầu em S.T. và bạn của em làm tự kiểm, vì lý do "chụp hình up facebook lung tung". Bản thân là thầy giáo, mà đạo đức xuống cấp, bất chấp luân lý, đi giở trò đồi bại với học sinh. Nhà trường - nơi không chỉ trao truyền kiến thức mà còn rèn dạy đạo đức và bảo vệ đối tượng thụ hưởng giáo dục ở đây là học sinh của trường - thì lại đi bắt học sinh làm bản kiểm điểm. Học sinh còn cách nào tự bảo vệ mình khi nói người lớn không nghe, không thấy, không bảo vệ ngoài việc phải công khai hành động của thầy giáo. Giờ đây em phải bị viết kiểm điểm, chẳng khác gì em tố cáo cái sai trái mà còn bị khiển trách (!?) Báo SGGP cho tôi hỏi, cách hành xử của Ban Giám hiệu Trường THCS Nguyễn Trãi, cách giải quyết vụ việc của Phòng GD-ĐT TP. Châu Đốc (là "phê bình nghiêm khắc đối với việc dạy thêm trái quy định của ông Dương Anh Tuấn") đã thỏa đáng và đúng luật chưa? Học sinh phải làm gì khi bị xâm hại bởi giáo viên? Và vai trò bảo vệ học sinh cùng trách nhiệm nhà trường nằm ở đâu? Trân trọng cảm ơn!

TS Nguyễn Hữu Thế Trạch, Ủy viên Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM:

- Thứ nhất, xét dưới góc độ pháp lý, việc kỷ luật thầy giáo T. như vậy là chưa thỏa đáng và làm mất đi tính nghiêm minh của pháp luật. Bởi lẽ, trẻ em là đối tượng được Nhà nước quan tâm và bảo vệ hàng đầu. Trẻ em như những búp chồi non, khi một người thực hiện hành vi phạm tội đối với một người thông thường (từ đủ 18 tuổi trở lên) đã được xem là không đúng rồi, nhưng phạm tội với trẻ em (là những người dưới 18 tuổi) lại càng đáng chê trách hơn! Cho nên, pháp luật Hình sự nước ta quy định phạm tội với trẻ em là tình tiết tăng nặng định khung hình phạt.

- Thứ nhì, người có hành vi dâm ô đối với trẻ em lại là một thầy giáo…? Để trở thành một người thầy ngoài những điều kiện về chuyên môn, người đó còn phải có đạo đức tốt. Thầy giáo mà có hành vi đồi bại với học sinh (trẻ em) thì lại càng phải xử lý đến nơi đến chốn, không thể xử lý kỷ luật bằng hình thức “chuyển” công tác được mà phải “chuyển cơ quan điều tra” để điều tra làm rõ hành vi của “thầy” nhằm làm gương răn đe cho người khác…

Khi học sinh bị xâm hại, với những chứng cứ đã thu thập được, em học sinh nên trao đổi với phụ huynh để làm đơn tố cáo gửi cơ quan chức năng.

Nhà trường ngoài chức năng giáo dục còn phải có nghĩa vụ bảo vệ học sinh trên mọi phương diện. Đáng lý ra, trong trường hợp này đã vượt quá phạm vi, thẩm quyền của nhà trường (vì hành vi của thầy T. đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự), nhà trường phải chuyển toàn bộ hồ sơ sang cơ quan công an để yêu cầu làm rõ về hành vi này. 

Toàn cảnh buổi giao lưu trực tuyến

Đức Thịnh - Nam - quận 6, TPHCM

Có một số trường hợp sau khi bị cha dượng xâm hại tình dục, các cháu có kể cho mẹ nghe nhưng mẹ không tin, nói là cháu bịa chuyện hoặc nếu tin thì lại cấm con không được kể ra. Vì vậy, tình trạng này cứ tiếp diễn trong xã hội. Xin hỏi người mẹ có chịu trách nhiệm trong chuyện này?

TS. LS Nguyễn Hữu Thế Trạch, Ủy viên Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM:

Thứ nhất, do trẻ em là người có nhận thức chưa hoàn chỉnh nên cần có sự giúp đỡ, hỗ trợ từ cha mẹ. Khi xảy ra bất kỳ tình huống nào ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của trẻ, cha mẹ cần phải tiếp xúc với trẻ để trao đổi, nắm bắt để kịp thời giúp đỡ cho trẻ. Trong trường hợp này. người mẹ phải nên tìm hiểu con để đưa ra cách giúp đỡ tốt nhất.

Thứ hai, nếu như người mẹ không giúp đỡ, không tố giác hành vi của cha dượng thì người mẹ sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật vì một lẽ cha mẹ chính là người đại diện hợp pháp của con.

Nguyễn Thị Ngọc Nga - Nữ - quận Tân Phú, TPHCM

Con gái tôi năm nay 12 tuổi. Cách đây 4 tháng, cháu cho biết "ông ngoại" (người hàng xóm, đã 69 tuổi) mấy lần ôm và hôn bộ phận sinh dục của cháu. Tôi sang hỏi thì ông ấy thừa nhận, hứa sẽ không làm như vậy nữa. Tôi muốn kiện ông ấy nhưng nhiều người nói là chỉ mới hôn thôi, không có chuyện gì khác xảy ra thì không thể kiện gì được. Cho tôi hỏi: không lẽ tôi phải bỏ qua chuyện này?

TS Nguyễn Hữu Thế Trạch, Uỷ viên Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM:

TS. LS Nguyễn Hữu Thế Trạch, Uỷ viên Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM

Trong việc này, chị không nên bỏ qua mà phải tích cực tố giác tội phạm bằng cách liên hệ các cơ quan chức năng để giải quyết. Nếu như bỏ qua, thì đồng nghĩa việc chị chấp nhận cho con cái của mình tiếp tục bị xâm hại.

Các hành vi ôm và hôn bộ phận sinh dục của cháu đều có dấu hiệu của tội phạm, tội "Dâm ô trẻ em" theo Điều 116 Bộ luật Hình sự hiện hành.

Thiết nghĩ, chị nên nhanh chóng tố giác các hành vi này vì lợi ích của chính con em mình và của cả xã hội.

Thanh Nga - Nữ - quận 10, TPHCM

Gần đây, có rất nhiều vụ việc bạo hành trẻ em xảy ra (cha dượng đánh con riêng của vợ, mẹ ghẻ đánh con chồng, cha đánh con, mẹ đánh con bị thương tích nặng… thậm chí tử vong). Vậy trong trường hợp này trẻ em được bảo vệ như thế nào? Người bạo hành trẻ em sẽ bị xử lý ra sao?

Nguyễn Thành Phụng - Trưởng phòng Bảo vệ - chăm sóc trẻ em Sở LĐ-TBXH:

Bất cứ trường hợp bạo hành, xâm hại, ngược đãi trẻ em tùy theo mức độ đều phải được can thiệp và xử lý theo quy định của pháp luật, không ph̉ân biệt người gây ra hành vi đó là ai, kể cả cha mẹ ruột, thầy cô, hoặc những người thân thiết nhất đối với trẻ.

Nguyễn Thành Phụng - Trưởng phòng Bảo vệ - Chăm sóc trẻ em Sở LĐ-TBXH

Đối với những trường hợp đó, sau khi tiếp nhận thông tin, tùy mức độ sự việc, sẽ có các biện pháp xác minh, can thiệp, hỗ trợ và phối hợp xử lý phù hợp ̣ Đối với những người có hành vi bạo hành, xâm hại trẻ em, tùy mức độ và tính chất vụ việc, Sở và các quận huyện theo dõi, phối hợp và đề nghị xử lý nghiêm.

Chúng tôi đề nghị khi phát hiện các vụ việc có dấu hiệu vi phạm quyền trẻ em, người dân nên chủ động báo ngay cho chính quyền địa phương nơi xảy ra vụ việc trong thời gian sớm nhất để kịp thời có các biện pháp can thiệp đối với trẻ, và có cơ sở xử lý đối với các đối tượng gây ra hành vi xâm hại trẻ em.

Linh Lan - Nữ - Linhlan…@yahoo.com

Trong trường hợp trẻ bị người lớn thực hiện hành vi sỡ, hôn bộ phận sinh dục nhưng không có người khác chứng kiến, không có chứng cứ thì làm cách nào tố cáo hành vi đó?

TS. LS Nguyễn Hữu Thế Trạch, Ủy viên Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM:

Chứng cứ có nhiều nguồn, từ lời khai, từ các tài liệu khác... Do đó, trong thực tiễn nhiều tội phạm ngoan cố không khai, nhưng cơ quan điều tra vẫn có nhiều biện pháp, phương pháp để đấu tranh với tội phạm. Điều quan trọng là người lớn chúng ta phải giúp trẻ tố giác các hành vi xâm hại đến các cơ quan có chức năng để từ đó đấu tranh làm rõ hành vi của người phạm tội.

Nếu như ai cũng sợ không có đủ chứng cứ thì sẽ không đi tố giác, như vậy tội phạm sẽ ung dung ngoài pháp luật.

Minh Phương - Nam - minhphuong…@yahoo.com

Tại sao các nước khác, đối tượng chỉ cần có lời nói hay ý đồ xâm hại trẻ em liền bị cơ quan chức năng xử lý? Ở Việt Nam, có hình thức xử lý nào với những kẻ như vậy? Chẳng lẽ chúng ta bó tay hay đợi bị xâm hại, có hậu quả rồi mới xử lý?

TS. LS Nguyễn Hữu Thế Trạch, Ủy viên Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM:

Luật pháp của các nước đều bảo vệ mọi công dân trong một trật tự. Đối với trẻ em là một chủ thể đặc biệt mà tất cả các nước đều có sự quan tâm đặc biệt, từ chăm lo quản lý, bảo vệ .

Các tội liên quan đến: Dâm ô trẻ em, Hiếp dâm trẻ em, Cưỡng dâm trẻ em, Giao cấu với trẻ em... đều có cấu thành về hình thức. Do đó, một người dù chỉ mới có hành vi thực hiện xâm hại đến trẻ em đều bị xem là phạm tội.

Về hình thức xử lý, đối với tội "Dâm ô trẻ em" theo Điều 116 Bộ luật Hình sự hiện hành khung hình phạt cao nhất là 12 năm tù.

Phạm Quỳnh Mai - Nữ -  huyện Bình Chánh, TPHCM

Anh chị của tôi ly hôn, cháu tôi (hiện 6 tuổi) được tòa giao cho ba nuôi, chị tôi cuối tuần sẽ đến đón cháu về bên chị 2 ngày. Nhưng 2 tháng nay, anh rể cũ của tôi cứ đến cuối tuần là lấy cớ đi công tác, dặn người giúp việc ở nhà không đưa cháu cho chị tôi. Cháu tôi nói là nhớ mẹ nhưng ba không cho về bên mẹ. Vậy anh ấy làm vậy có ảnh hưởng đến quyền lợi của chị tôi và cháu tôi không? Chị tôi phải làm thế nào?

TS. LS Nguyễn Hữu Thế Trạch, Ủy viên Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM:

Thứ nhất, khi ly hôn, bản án, quyết định của tòa án sẽ quy định từ việc cấp dưỡng cho đến thăm nuôi của các trẻ đối với cha hoặc mẹ. Không ai có quyền cản trở việc cha hoặc mẹ thăm nom con khi ly hôn.

Thứ nhì, khi cha hoặc mẹ cản trở quyền này thì một trong hai bên có quyền làm đơn yêu cầu đến toà án (nơi đã xử bản án ly hôn này) để yêu cầu tòa án buộc bên còn lại phải thực hiện quyền được cho thăm con.

Hồ Thủy - Nữ - hothuy…@yahoo.com

Về việc xử lý đối tượng xâm hại tình dục trẻ em ở ta còn lỏng lẻo, hình thức. Nếu muốn bắt phải có đủ bằng chứng, nhưng để thu thập được bằng chứng không dễ. Lực lượng công an có những biện pháp như thế nào để nhanh chóng tìm ra bằng chứng? Người dân nên làm gì để giữ được bằng chứng sau khi con em bị xâm hại?

Thượng tá Phạm Văn Phòng, Phó Trưởng phòng Phòng chống tội phạm buôn bán người – Cục Cảnh sát Hình sự (C45B), Bộ Công an:

Việc xử lý các đối tượng xâm hại tình dục ở nước ta phải tuân theo pháp luật. Cụ thể được quy định tại các điều 111, 112, 113, 114, 115, 116 Bộ Luật Hình sự năm 2013. Còn những hành vi chưa đến mức xử lý hình sự thì sẽ được xử phạt hành chính.

Tuy nhiên, trong thời gian qua việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này cũng còn hạn chế. Cụ thể, mọi hành vi vi phạm đều chưa được xử phạt hết, hình thức xử phạt chưa tương xứng và đủ sức răn đe đối với những hành vi vi phạm. Mặt khác, các vụ việc về xâm hại tình dục trẻ em, việc thu thập các chứng cứ vật chất gặp rất nhiều khó khăn do: không có hiện trường, không có nhân chứng và nạn nhân cũng ngại tố cáo vì ngại ảnh hưởng đến danh dự.

Biện pháp của ngành công an: đề nghị các ngành cần tuyên truyền cho các đối tượng dễ bị xâm hại nhận thức được các hành vi nào là xâm hại. Những khu vực, những nơi có thể dễ bị xâm hại để né tránh, không nên qua lại. Khi bị xâm hại, cần kịp thời báo ngay cho cơ quan chính quyền, công an để lập tức xử lý, giải quyết. Trường hợp bị hiếp dâm, hay bị giao cấu trái ý muốn, thì nạn nhân cần lập tức đến cơ quan công an nơi gần nhất trình báo. Chúng tôi sẽ đảm bảo giữ bí mật và danh dự cho nạn nhân. Các trường hợp đến trễ, rất khó khăn trong việc thu thập chứng cứ vật chất phục vụ điều tra...

Tường Lan - Nữ - (Lantuong…@yahoo.com)

Ở TP đã từng xảy ra không ít trường hợp cha dượng xâm hại con riêng vị thành niên của vợ, bạn trai xâm hại em gái của bạn gái..., nhất là tại các khu nhà trọ đông công nhân lao động. Để không lặp lại những bi kịch này, các cơ quan chức năng có liên quan sẽ làm gì cụ thể cho các em trong thời gian tới?

Bà Nguyễn Thành Phụng - Trưởng phòng Bảo vệ - chăm sóc trẻ em Sở LĐ-TBXH:

Những vụ việc đã xảy ra, các cơ quan chức năng cần đưa ra xử lý nghiêm để mang tính răn đe. - Thực hiện các biện pháp phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em:

- Tập huấn kỹ năng cho trẻ em về phơng pháp tự bảo vệ trước các nguy cơ bị xâm hại.

- Cung cấp địa chỉ, đường dây nóng và các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em cho trẻ em và gia đình biết để liên hệ khi cần thiết.

- Truyền thông, nâng cao nhận thức cho trẻ em, người chăm sóc, cán bộ, cộng tác viên trẻ em và người dân về các quy định của pháp luật; biện pháp phòng tránh, quy trình can tiệp, xử lý theo Thông tư 23/2010 Bộ LĐTBXH.

Về phía Sở LĐ-TB & XH hàng năm đều có kế hoạch phối hợp tập huấn kiến thức và kỹ năng cho cán bộ trẻ em tại cơ sở, các quận - huyện và phường xã tổ chức truyền thông, tập huấn cho Cán bộ trẻ em, cộng tác viên và trẻ em ở cộng đồng.

Vũ Nhung - Nữ - nhungvu…@gmail.com -

Trẻ em gái dậy thì sớm hơn, dáng người phổng phao, nhiều em lại dễ dãi với nam giới. Trong khi nhiều trai trẻ không biết được rằng bạn gái đó còn nhỏ tuổi. Vô tư "ăn trái cấm", đến lúc bị bắt mới biết mình phạm tội giao cấu với trẻ em. Vậy đối tượng nam trong trường hợp không rõ tuổi của bạn gái, hay người con gái nói dối tuổi, thì có được giảm án, hay không bị xử lý?

TS.LS Nguyễn Hữu Thế Trạch, Ủy viên Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM:

Trong Bộ luật Hình sự hiện hành quy định về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Cấu thành của mỗi loại tội phạm đều quy định rất cụ thể.

Ví dụ, đối với tội "Cưỡng dâm trẻ em" theo Điều 114 Bộ luật Hình sự hiện hành thì người bị hại phải là người có độ tuổi từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi. Khi người phạm tội có hành vi cưỡng dâm người bị hại rơi vào độ tuổi này thì phải chịu trách nhiệm hinh sự.

Pháp luật không quy định trường hợp người bị hại nói dối hay nói không đúng về độ tuổi của mình là tình tiết giảm nhẹ.

Các tình tiết giảm nhẹ được quy định rất cụ thể tại Điều 46 Bộ luật Hình sự hiện hành, khi và chỉ khi đáp ứng một trong các điều kiện của điều luật thì sẽ được xem xét.

Trịnh Hằng - Nữ - trinhhang…@gmail.com

Có phải trẻ em từ 16-18 tuổi không được bảo vệ không? Tôi nghe nói trẻ em ở tuổi này bị xâm hại tình dục thì… không xử lý đối tượng xâm hại được, vì sao?

TS Nguyễn Hữu Thế Trạch, Ủy viên Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM:

Đối với tội "Dâm ô trẻ em", người bị hại phải có độ tuổi từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi. Còn trong trường hợp người bị hại vượt độ tuổi này, tùy theo hành vi phạm tội cụ thể sẽ tương ứng với các tội phạm cụ thể. Ví dụ tội "Hiếp dâm", "Cưỡng dâm"...

Nguyễn Thủy - Nữ - thuynguyen…@gmail.com

Qua những vụ việc trẻ bị xâm hại, đối tượng xâm hại trẻ đôi khi là người thân trong gia đình, là người cao tuổi, hàng xóm... Trong nhận thức của rất nhiều bậc cha mẹ (nhất là ở nông thôn), họ không nghĩ con mình có thể bị xâm hại bởi các đối tượng này. Tôi nghĩ, nguyên nhân sâu xa là họ chưa nhận thức được những mối nguy tiềm tàng với các bé. Tôi muốn hỏi: Chúng ta có chương trình hành động nào để cung cấp kiến thức về bảo vệ trẻ trước nguy cơ bị xâm hại đến các gia đình không, nhất là ở nông thôn? Có biện pháp nào để trang bị kiến thức cho chính các bé để các bé tự bảo vệ mìmh?

Ông Trần Công Bình, Chuyên gia UNICEF:

Nhận định của bạn rất đúng. Bất cứ ai cũng có thể là người xâm hại trẻ. Trong Thực tế, những người xâm hại có mối quan hệ gần gũi hoặc trẻ có biết đến chiếm tỷ lệ khá cao. Điều này khiến không ít cha mẹ chủ quan trong việc nhận biết trẻ bị xâm hại. Thậm chí có trường hợp trẻ báo với cha mẹ rằng mình bị xâm hại, nhưng cha mẹ lại không tin. Như trường hợp đã xảy ra với một trẻ ở An Giang. Một học sinh bị chính giáo viên có hành vi xâm hại ngay tại lớp học. Vì thế công tác truyền thông cần tiếp tục đẩy mạnh với mục tiêu nâng cao nhận thức, thái độ và hành vi của cộng đồng và gia đình về nguy cơ trẻ bị xâm hại và biết được cách thức phát hiện và bảo vệ kịp thời. Bên cạnh đó, việc trang bị kiến thức và các kỹ năng sống cho trẻ em ví dụ như kỹ năng nhận diện các nguy cơ, tìm kiếm sự trợ giúp và tự bảo vệ mình.

Ông Trần Công Bình, Chuyên gia UNICEF

Nguyễn Thị Hòa - Nữ - hoanguyenthi…@yahoo.com

Vì sao gần đây có quá nhiều thông tin về việc trẻ em bị bắt cóc? Tình hình hiện nay ra sao? Đối tượng bắt cóc trẻ em là người Việt Nam hay nước ngoài? Chúng bắt cóc trẻ em để làm gì? Gia đình nên làm gì để con em được an toàn?

Thượng tá Phạm Văn Phòng, Phó Trưởng phòng Phòng chống tội phạm buôn bán người – Cục Cảnh sát Hình sự (C45B), Bộ Công an:

Đúng là thời gian gần đây, trên các trang mạng xã hội tại TPHCM và các tỉnh, thành phía Nam rộ lên thông tin cướp giật, bắt cóc trẻ em trên đường phố. Nhưng thực tế, lực lượng công an chưa ghi nhận một vụ việc nào. Có một số vụ tại TPHCM, Lâm Đồng, Vĩnh Long, có hiện tượng bắt cóc, cướp giật như thông tin trên mạng. Nhưng, không có nạn nhân và nhân chứng nào trực tiếp chứng kiến các đối tượng bắt cóc hoặc cướp giật trẻ em từ tay nạn nhân. Các thông tin đó đã gây bức xúc, hoang mang, lo lắng trong phụ huynh, cha mẹ trẻ em khi mà đưa con ra các khu vực vui chơi, đi học...

Chúng tôi cho rằng, những tin đồn đó không có căn cứ. Trong năm, cũng có một số vụ án bắt cóc trẻ em xảy ra nhưng tính chất hoàn toàn khác, không phải xảy ra trên đường phố. Một số vụ này xảy ra tại các bệnh viện, bắt cóc trẻ em nhằm mua bán hoặc đánh tráo nhằm mục đích khác. Phạm vi xảy ra tại một số bệnh viện và đã được lực lượng công an điều tra khám phá. Các gia đình nên bình tĩnh khi coi các thông tin trên mạng. Tuy nhiên, cũng phải cảnh giác khi đưa con đi chơi ở nơi công cộng và đưa đón con đi học

Vũ Hùng - Nam - hunglongvu…@yahoo.com.vn

Trẻ em lang thang, cơ nhỡ đường phố là đối tượng dễ bị xâm hại nhất. Với các em, khi xảy ra chuyện, cơ quan nào sẽ bảo vệ và chăm sóc các em?

Nguyễn Thành Phụng - Trưởng phòng Bảo vệ - chăm sóc trẻ em Sở LĐ-TBXH:

Trẻ em lang thang là một trong các diện trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, được quan tâm, chăm sóc trong các chương trình, kế họach về BVCSTE của Thành phố. Đây là nhóm có nguy cơ cao dễ bị xâm hại, ngược đãi, lạm dụng và vi phạm pháp luật so với các nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khác. Khi xảy ra vụ việc, trách nhiệm bảo vệ các em, trước hết là chính quyền địa phương nơi xảy ra vụ việc và trách nhiệm phối hợp theo dõi sát vụ việc, hướng dẫn can thiệp, hỗ trợ, giúp trẻ sớm phục hồi, hòa nhập cộng đồng của hệ thống BVTE các cấp.

Nguyễn Đức - Nam - duclan.nguyen…@gmail.com

Tại sao không xử lý được đối tượng về hành vi hiếp dâm, mà chỉ xử lý tội dâm ô? Mà dâm ô thì quá nhẹ? Trong khi bản chất thực sự là hiếp, nạn nhân bị tổn hại tinh thần khủng khiếp?

Thượng tá Phạm Văn Phòng, Phó Trưởng phòng Phòng chống tội phạm buôn bán người – Cục Cảnh sát Hình sự (C45B), Bộ Công an:

Điều 111, 112, 113, 114, 115 của Bộ Luật Hình sự quy định các tội hiếp dâm, hiếp dâm trẻ em, tội cưỡng dâm, tội cưỡng dâm trẻ em, tội giao cấu với trẻ em. Các tội này đều xử lý hình sự về các hành vi liên quan. Riêng Tội dâm ô trẻ em, được quy định thành điều riêng là Điều 116 của Bộ Luật. Do đó, những hành vi thực sự là hiếp dâm, cưỡng dâm và dâm ô nạn nhân thì đều xử lý theo các quy định trong các trường hợp nêu trên. Không có chuyện nhập nhằng hiếp dâm mà chỉ xử là dâm ô trẻ em.

Thượng tá Phạm Văn Phòng, Phó Trưởng phòng Phòng chống tội phạm buôn bán người – Cục Cảnh sát Hình sự (C45B), Bộ Công an

Mục Đồng - Nam - mucdong…@yahoo.com.vn

Trước nhiều thông tin trẻ em các tỉnh miền núi phía Bắc thường hay bị dụ dỗ, lừa gạt bán sang Trung Quốc và học sinh một vài trường dân tộc miền núi bị thầy cô bạo hành, thậm chị bị xâm hại, xin hỏi Thượng tá Phạm Văn Phòng, Phó Trưởng phòng Phòng chống tội phạm buôn bán người – Cục Cảnh sát Hình sự (C45B), Bộ Công an, Cục C45 sẽ có giải pháp nào để sớm ngăn chặn các vấn đề này, bảo vệ các cháu?

Các vùng biên giới thường xa xôi, học sinh thường ở trong trường nội trú, đời sống còn nhiều khó khăn, việc quản lý giáo dục của nhà trường cũng còn hạn chế. Các tiếp cận thông tin về các hoạt động buôn bán người và tình hình có liên quan hạn chế, không thường xuyên, không cập nhật.

Có khi cha mẹ mang bán con, vì còn hạn chế như thế, các đối tượng lợi dụng, hoạt động. Trong khi đó, ở nhà trường, đội ngũ giáo viên còn thiếu. Thầy cô giáo thường xuyên ăn ở cùng với học sinh nội trú cho nên có nguy cơ xảy ra các vụ việc va chạm, xâm hại với trẻ em thường cao, không được phát hiện kịp thời để chấn chỉnh, uốn nắn. Cũng vì thế, tình trạng buôn người, đặc biệt là trẻ em có tỉ lệ cao, các ngành chức năng của lực lượng công an đã áp dụng nhiều biện pháp phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ và qua đó đã kéo giảm tình trạng này.

Từ tình hình đó, Công an Việt Nam phối hợp với Công an Trung Quốc và các nước láng giềng được thực hiện trên cơ sở các văn bản, hiệp định hợp tác song phương đã ký kết với các nước, các quốc gia láng giềng, các địa phương có đường biên giới chung, thường duy trì giao ban, gặp gỡ, thiết lập đường dây nóng, trao đổi thông tin về mua bán người với cảnh sát các nước và công an các địa phương đối đẳng ở hai bên biên giới, đặc biệt là Công an Trung Quốc, nhằm tăng cường phối hợp, ngăn chặn, điều tra, truy bắt các đối tượng buôn người và giải cứu các nạn nhân và hồi hương nạn nhân…

Chúng tôi tham mưu cho chính quyền địa phương tuyên truyền giáo dục về pháp luật cho các đối tượng dễ bị xâm hại, nâng cao nhận thức cho người dân về các thủ đoạn dụ dỗ, lừa đảo thanh thiếu niên. Về nghiệp vụ, chúng tôi cũng tăng cường thu thập thông tin, tài liệu, chứng cứ về các đối tượng, băng nhóm mua bán người qua biên giới để đấu tranh ngăn chặn, kịp thời triệt phá.

Hoàng Hoa - Nữ 34 tuổi - hoahoang82…@gmail.com

TP có địa chỉ nào cụ thể để gia đình các nạn nhân không may rơi vào hoàn cảnh trẻ em bị xâm hại tình dục có thể tìm đến để được hỗ trợ về tinh thần, nhất là những nạn nhân bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề?

Bà Nguyễn Thành Phụng - Trưởng phòng Bảo vệ - chăm sóc trẻ em Sở LĐ-TBXH:

Đối với các trường hợp trẻ em cần được can thiệp, trợ giúp và bảo vệ đặc biệt, đề nghị người dân liên hệ - Trung tâm Công tác xã hội trẻ em Thành phố, SĐT khẩn: 1900.54.55.59; địa chỉ: 153 Xô Viết Nghệ Tĩnh, Phường 17, quận Bình Thạnh, TPHCM. - Phòng Lao động - TB & XH quận, huyện. - Cán bộ phụ trách BVTE tại phường - xã - thị trấn nơi gần nhất.

Nguyễn Hoa - Nữ - hoa.nguyent…@gmail.com -

Có trường hợp thuê xe ôm chở con đi học, rồi cháu bị hiếp dâm. Bây giờ kẹt xe triền miên, đi lại mất an toàn. Ngành giáo dục có tổ chức xe đưa đón các em học sinh để phụ huynh yên tâm trao gửi con em mình? Làm sao để đường đến trường của trẻ được bình yên?

Bà Bùi Thị Diễm Thu - Phó Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM

Phụ huynh an tâm. Ngành GD thành phố trong nhiều năm qua và hiện tại đã kí kết liên tịch với Sở Giao thông vận tải thành phố, lực lượng thanh niên xung phong tổ chức các tuyến xe buýt đưa đón học sinh trong các năm qua. Nếu phụ huynh có nhu cầu đưa cháu đi học bằng xe buýt sẽ đăng kí với nhà trường để được hỗ trợ. Hiện tại Thành phố có chính sách hỗ trợ giá xe buýt cho HSSV.

Lan Hương - Nữ - huonglan…@gmail.com -

Quan hệ tình dục bằng miệng với trẻ em, người vị thành niên. Ở Việt Nam, hành vi này có xử lý được không? Nạn nhân cần làm gì?

Thượng tá Phạm Văn Phòng, Phó Trưởng phòng Phòng chống tội phạm buôn bán người - Cục Cảnh sát Hình sự (C45B), Bộ Công an:

Hiện nay, pháp luật hình sự của Việt Nam chưa quy định quan hệ tình dục bằng miệng với trẻ em, người vị thành niên là phạm tội. Tùy theo cử chỉ, hành vi, lời nói của đối tượng xâm hại đã đủ yếu tố để xử phạt hành chính về hành vi gây rối trật tự công cộng hoặc quấy rối tình dục, thì hành vi đó sẽ được điều chỉnh, theo các quy định của pháp luật hành chính. Nạn nhân khi gặp các trường hợp này, cần có thái độ kiên quyết với đối tượng, và báo cho các nhân viên, lực lượng chức năng tham gia giữ gìn an ninh trật tự tại nơi bị xâm hại. Đang đi xe buýt thì báo cho nhân viên xe buýt, đang đi trên đường thì báo cho nhân viên Thanh niên xung phong, chính quyền, công an...

Hoàng Thị Thanh Huyền - Nữ - - quận 12, TPHCM

Vụ việc 23 em học sinh tiểu học trường nội trú Mường Khương (Lào Cai) lại lần nữa gióng lên tiếng chuông cảnh báo cho tất cả chúng ta trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Xin hỏi liệu ở TPHCM nên chăng cần lập một đường dây nóng dành riêng cho việc xử lý các vấn đề liên quan đến trẻ em, giao Sở LĐTB-XH phối hợp cùng các cơ quan chức năng chịu trách nhiệm chính?

Bà Nguyễn Thành Phụng - Trưởng phòng Bảo vệ - chăm sóc trẻ em Sở LĐ-TBXH:

Hiện nay, Thành phố đã có một số đường dây nóng để tiếp nhận và hỗ trợ giải quyết các vụ việc liên quan đến trẻ em, cụ thể: - 113 Đội phản ứng nhanh Công an TP; - 1800.1567: đường dây nóng Cục Bảo vệ, Chăm sóc trẻ em; - 1900.54.55.59: đường dây nóng Trung tâm Công tác xã hội trẻ em; Ngoài ra, khi xảy ra vụ việc, đề nghị người dân liên hệ công an phường - xã - thị trấn gần nhất.

Lan Anh - Nữ - lananh…@yahoo.com.vn

Công an Việt Nam có được "nhập vai" như cách cảnh sát Mỹ thực hiện đối với trường hợp của nghệ sĩ Minh Béo để kịp thời ngăn chặn, xử lý kẻ xâm hại? Không “gài bẫy” thì sao bắt quả tang, xử lý được đối tượng?

Thượng tá Phạm Văn Phòng, Phó Trưởng phòng Phòng chống tội phạm buôn bán người – Cục Cảnh sát Hình sự (C45B), Bộ Công an:

Cảnh sát Việt Nam không được đóng giả “gài bẫy” để bắt quả tang như cảnh sát Mỹ. Mà chúng tôi sử dụng các biện pháp nghiệp vụ được pháp luật và các quy định của ngành công an cho phép để bắt và xử lý các đối tượng theo pháp luật.

Thu Trang - Nữ - Đồng Nai

Nếu những vụ xâm hại trẻ xảy ra phía bên ngoài, ngay trước cổng trường thì trách nhiệm có thuộc về ngành giáo dục? Thực tế đã xảy ra nhiều vụ bạo hành diễn ra ngay cổng trường. Vậy nhà trường có cách nào để ngăn ngừa hay không?

Bà Bùi Thị Diễm Thu - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM

Hàng năm trong kế hoạch hoạt động của Ngành GD thành phố đều có chỉ đạo về công tác an toàn, an ninh trật tự trường học. Trong đó có nội dung phối hợp và kí kết liên tịch với công an thành phố, các trường học đều phải kí kết liên tịch với công an địa  phương (phường, xã) về đảm bảo an ninh trật tự an toàn trường học trước cổng trường.

Sở Giáo dục đã phối hợp với lực lượng công an (PC45) hướng dẫn học sinh các kỹ năng và các thế tự vệ, phòng vệ khi bị kẻ xấu (người lạ mặt) tấn công.

Quang Thắng - Nam - Quangthang….@gmail.com

Dường như ở Việt Nam, nhà trường vẫn chưa dạy học sinh không được đụng vào thân thể người khác? Tình trạng trẻ em bị xâm hại nhức nhối như hiện ngay, ngành giáo dục có đổi mới chương trình, giờ học để tăng nhận thức cho trẻ em?

Bà Bùi Thị Diễm Thu - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM:

Bà Bùi Thị Diễm Thu - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM

Hiện tại, Ngành GD thành phố đã chỉ đạo về đổi mới phương pháp dạy học trong đó tăng cường dạy tích hợp lồng ghép các kiến thức về bảo vệ chăm sóc trẻ em trong bộ môn Sinh học, Giáo dục công dân, công tác tư vấn tâm lý, giáo dục kỹ năng sống, hiện tại các trường  đều có dạy về sự phát triển tâm sinh lý trẻ, giới tính, cách vệ sinh hàng ngày, phòng tránh xâm hại tình dục...

Phạm Thị Tuyết Lan - Nữ - Quận Bình Thạnh, TPHCM

 Phải chăng luật pháp của nước ta hiện nay chưa đủ nghiêm để ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại trẻ em? Nếu có trường hợp đó xảy ra ở khu vực chúng tôi sống thì nên liên hệ ai để hỗ trợ nạn nhân và gia đình?

Thượng tá Phạm Văn Phòng, Phó Trưởng phòng Phòng chống tội phạm buôn bán người - Cục Cảnh sát Hình sự (C45B), Bộ Công an:

Tất cả các hành vi xâm phạm, xâm hại trẻ em thì đều đã được quy định trong bộ Luật Hình sự và luật khác về hành chính. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật bao giờ cũng mở, có những hành vi phát sinh, luật chưa kịp điều chỉnh và có những hành vi thời điểm xử lý và mức độ xử lý chưa phù hợp với tính chất hành vi. Ví dụ như mại dâm nam, quan hệ tình dục bằng miệng, kích dục... Dần dần, tất cả các thiếu sót này sẽ được điều chỉnh, bổ sung để pháp luật ngày càng hoàn thiện. Khi bị xâm hại, tùy theo việc bị xâm hại, nếu các hành vi hình sự thì báo cho công an. Nếu hành vi hành chính, thì báo cho chính quyền địa phương, hội phụ nữ... để được hỗ trợ.

Nguyễn Văn Quyên - Nam - quận 1, TPHCM

 Nhiều bậc cha mẹ trẻ hay đưa hình ảnh con cái hàng ngày, hàng giờ lên trên mạng. Giờ đây lại được cảnh báo như vậy là nguy hiểm, dễ trở thành mục tiêu của người xấu. Có nên hạn chế chia sẻ hình ảnh con em?

Ông Trần Công Bình, chuyên gia UNICEF:

Trong thực tế nhiều bậc cha mẹ đưa hình ảnh và một số thông tin cá nhân của con em mình lên mạng xã hội mà không biết rằng đã vô tình đặt trẻ vào tình huống nguy cơ, những kẻ xấu có thể sử dụng các thông tin đó để gây tổn hại cho trẻ.

Hiện nay, tình hình tội phạm qua mạng đã trở thành mối quan tâm của toàn thế giới. Vì thế, các bậc cha mẹ cũng cần trang bị các kiến thức và kỹ năng khi sử dụng mạng xã hội cũng như hướng dẫn con em mình cách thức tiếp cận và chia sẻ thông tin trên các mạng xã hội một cách an toàn.

UNICEF tại một số nước trên thế giới hiện có các tài liệu hướng dẫn đối với cha mẹ, người chăm sóc trẻ, các cơ sở cung cấp dịch vụ trong việc bảo vệ trẻ trên môi trường mạng. Chúng tôi hy vọng trong thời gian tới, các công cụ này sẽ được giới thiệu rộng rãi tại Việt Nam. UNICEF cũng đang cùng hợp tác hỗ trợ Chính phủ Việt Nam hoàn thiện đề án bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Ngô Thị Ngân - Nữ - quận Thủ Đức, TPHCM

Không chỉ bạo hành về mặt thể chất, nhiều thầy cô giáo, người lớn còn bạo hành trẻ về mặt tinh thần như chê bai, mỉa mai, lấy làm trò cười cho bạn bè, so sánh với trẻ khác... Thực tế chứng minh trẻ bị bạo hành về mặt tinh thần cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng không thua gì bạo hành về mặt thể chất. Thế làm cách nào để ngăn chặn tình trạng này?

Bà Bùi Thị Diễm Thu - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM:

Ngành Giáo dục thành phố Hồ Chí Minh hàng năm đều phát động phong trào  “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo” trong đó có nội dung tuyên truyền về đạo đức nhà giáo về tư cách đạo đức của giáo viên, luật giáo dục những điều giáo viên không được làm.

Hoàng Long - Nam - quận 4, TPHCM

Nạn xâm hại trẻ có thể xảy ra bên ngoài ngay trước cổng trường học. Vậy có cách nào để cha mẹ an tâm khi con đến trường?

Bà Bùi Thị Diễm Thu - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM:

Hàng năm trong kế hoạch hoạt động của Ngành Giáo dục thành phố đều có chỉ đạo về công tác an toàn, an ninh trật tự trường học. Trong đó có nội dung phối hợp và ký kết liên tịch với công an thành phố về đảm bảo an ninh trật tự an toàn trường học trước cổng trường, phối hợp với lực lượng công an (PC45) hướng dẫn học sinh các kỹ năng và các thế tự vệ, phòng vệ khi bị kẻ xấu (người lạ mặt) tấn công.

Về vấn đề này Ngành Giáo dục có một số lưu ý đến PHHS:

PHHS cần quan tâm chăm sóc và theo dõi con thường xuyên hàng ngày, cần chú những biểu hiện bất thường hàng ngày của con trẻ, tránh giao phó con cái của mình cho người khác chăm sóc, nuôi dưỡng…, không để trẻ đi một mình hoặc tiếp xúc với người lạ, nên dạy cho trẻ hiểu về giới tính, mối quan hệ nam nữ, vệ sinh kinh nguyệt với bé gái… Cha mẹ không để trẻ em xem những phim không lành mạnh.

Bạch Kim - Nam - quận 1, TPHCM

Tôi rất bức xúc khi ở nước ngoài, nếu trẻ bị bạo hành, bị xâm hại thì người phạm tội sẽ bị xử rất nặng, còn tại Việt Nam thì hầu như nếu vụ việc bị phanh phui thì chính người bị hại lại hứng chịu nhiều thiệt thòi về dư luận, còn kẻ phạm tội lại bị xử rất nhẹ. Chẳng lẽ chúng ta cứ để nạn nhân thiệt thòi như vậy?

Thượng tá Phạm Văn Phòng, Phó Trưởng phòng Phòng chống tội phạm buôn bán người - Cục Cảnh sát Hình sự (C45B), Bộ Công an:


Tất cả các hành vi bạo hành trẻ em, bị xâm hại, ở Việt Nam, đối tượng sẽ bị xử lý theo Bộ Luật Hình sự, hành chính, Luật Lao động...

Việc xử nặng hay nhẹ đều tuân theo pháp luật. Tuy nhiên, thực tế cuộc sống hiện tại, có rất nhiều hành vi xâm hại trẻ em (tình dục, lao động, sức khỏe...) trong môi trường lao động, trường học, xã hội... chưa được phát hiện kịp thời. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân thuộc trách nhiệm của các cơ quan chủ quản trong từng lĩnh vực như nhà trường, công đoàn, ủy ban, các tổ chức đoàn thể... trong việc quản lý, giáo dục nhân viên khi mắc sai phạm.

Quan điểm của ngành công an chúng tôi, khi xử lý các vụ việc liên quan đến trẻ em, luôn cố gắng tạo điều kiện để bảo vệ danh dự, tạo điều kiện để các em vượt qua, hòa nhập với xã hội. Cơ quan công an đã thành lập các phòng điều tra thân thiện, khi làm việc với trẻ em, giúp các em yên tâm trong quá trình hợp tác điều tra, không bị mặc cảm về việc mình bị xâm hại. Phòng ốc sạch sẽ, thân thiện, riêng tư, cán bộ làm việc thiện cảm...

Vừa qua, ngày 1-4, Tòa án tối cao đã thành lập Tòa án gia đình và trẻ em, được thành lập đầu tiên tại TPHCM. Đây là những bước cải thiện dần dần hệ thống tư pháp phục vụ cho yêu cầu bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Tuy nhiên, cũng do điều kiện kinh tế, tất cả các nơi cũng chưa thành lập được các mô hình như vậy được, cũng tùy thuộc điều kiện kinh tế, xã hội và nguồn nhân lực, trình độ năng lực của cán bộ ở mỗi địa phương.

Vũ Hùng - Nam - hunglongvu…@yahoo.com.vn

Trẻ em lang thang, cơ nhỡ đường phố là đối tượng dễ bị xâm hại nhất. Với các em, khi xảy ra chuyện, cơ quan nào sẽ bảo vệ và chăm sóc các em?

Ông Trần Công Bình, chuyên gia UNICEF:

Do môi trường sống và một số đặc điểm về tâm sinh lý mà một số nhóm trẻ thường dễ có nguy cơ bị xâm hại, ngược đãi. Ví dụ như trẻ em lang thang, trẻ lao động sớm, trẻ khuyết tật... Các em thiếu sự quan tâm, chăm sóc của gia đình và cộng đồng, khả năng nhận biết và các kỹ năng tự phòng vệ của các em còn nhiều hạn chế. Vì thế, dịch vụ bảo vệ trẻ em cần chú trọng nhiều hơn đến các nhóm trẻ em này để kịp thời phát hiện, can thiệp và trợ giúp.

Hiện nay, ở TPHCM đang xây dựng và kiện toàn hệ thống bảo vệ trẻ em các cấp do ngành LĐTB-XH làm cơ quan thường trực với sự tham gia của các Sở Ngành liên quan nhằm đảm bảo việc phòng ngừa, phát hiện và can thiệp, bảo vệ trẻ em trước các nguy cơ bị xâm hại, ngược đãi và bóc lột.

Khi phát hiện những trường hợp trẻ có dấu hiệu bị ngược đãi, xâm hại, mọi người có thể liên hệ đường dây nóng 113 hoặc 1900545559 (Trung tâm công tác xã hội trẻ em TPHCM).

Đặng Tiến - Nam - dangtien…@gmail.com

Vì sao luật Việt Nam được đánh giá là nghiêm, có quy định còn nặng hơn nước ngoài nhưng lại không phát hiện kịp thời các vụ trẻ em bị xâm hại?

Thượng tá Phạm Văn Phòng, Phó Trưởng phòng Phòng chống tội phạm buôn bán người – Cục Cảnh sát Hình sự (C45B), Bộ Công an:

Đa số các vụ việc trẻ em bị xâm hại đều xảy ra trong hoàn cảnh và điều kiện ít người chứng kiến. Các đối tượng thường chọn nơi vắng vẻ, chỉ có 2 người bị xâm hại và kẻ xâm hại. Mặt khác, các em nữ thường mặc cảm, sợ bị mất danh dự, sợ bị dư luận gièm pha, bạn bè xa lánh, ảnh hưởng đến cuộc sống sau này nên ngại tố cáo. Vì thế, cơ quan chức năng không kịp thời phát hiện được. Mãi khi bị đối tượng làm quá, không chịu nổi hay bị khống chế, đe dọa thì mới đi tố cáo cơ quan công an. Cá biệt, có một số đối tượng xâm hại nhiều lần, nhiều trẻ em, mới bị phát hiện thì do các nguyên nhân như: hoàn cảnh ở vùng sâu vùng xa, do cơ quan chủ quản có nắm được hiện tượng nhưng chủ quan, thờ ơ trong việc nhắc nhở, giáo dục, thậm chí điều chuyển đối tượng xâm hại sang lĩnh vực khác để phòng ngừa sai phạm. Vì thế, có vụ đối tượng xâm hại nhiều lần, nhiều người. Như vụ ở Lào Cai vừa qua.

Hồ Thủy - Nữ - hothuy…@yahoo.com

Về việc xử lý đối tượng xâm hại tình dục trẻ em ở ta còn lỏng lẻo, hình thức. Nếu muốn bắt phải có đủ bằng chứng, nhưng để thu thập được bằng chứng không dễ. Bên cảnh sát có những biện pháp như thế nào để nhanh chóng tìm ra bằng chứng? Người dân nên làm gì để giữ được bằng chứng sau khi con em bị xâm hại?

TS Nguyễn Hữu Thế Trạch, Ủy viên Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM:

Việc xử lý đối tượng xâm hại tình dục trẻ em ở nước ta hay bất kỳ một quốc gia nào cũng phải tuân thủ các quy định của pháp luật, cụ thể là phải tuân thủ pháp luật tố tụng hình sự. Nếu như một người có hành vi phạm tội thì chắc chắn sẽ bị xử lý. Cơ quan tiến hành tố tụng (công an, viện kiểm sát) khi tiếp nhận thông tin về tố giác tội phạm sẽ tiến hành các hoạt động điều tra, thu thập chứng cứ. Nếu chứng cứ đủ thì sẽ tiến hành khởi tố, truy tố và đưa ra xét xử.

Khi một hành vi có dấu hiệu tội phạm, với việc tố giác tội phạm của một công dân thì cơ quan tiến hành tố tụng sẽ tiến hành các biện pháp nghiệp vụ để điều tra. Khi con em chúng ta bị xâm hại, với trách nhiệm của một người lớn, chúng ta phải tố giác hành vi này đến các cơ quan chức năng kịp thời để các cơ quan chức năng nhanh chóng có các biện pháp xử lý.

Thúy Hằng - Nữ - thuyhangvt...@yahoo.com

Hội liên hiệp phụ nữ thành phố đã có những cách làm nào để bảo vệ và giúp đỡ các trẻ em gái bị lạm dụng tình dục?

Bà Đoàn Thị Thanh Thủy, Trưởng Ban Gia đình – Xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM:

Ở vai trò Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM - tổ chức chính trị xã hội đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của phụ nữ và trẻ em, thời gian qua, Hội đã triển khai tuyên truyền, phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em, nhằm giúp cho phụ nữ, trẻ em nhận thức được tác hại của việc trẻ bị xâm hại tình dục và các kỹ năng phòng ngừa bị xâm hại tình dục như tổ chức hội thảo, tọa đàm như: “Vai trò của cha mẹ trong phòng chống bạo lực xâm hại trẻ em”, thành lập hơn 3.000 tổ trợ giúp pháp lý miễn phí - tư vấn pháp luật, ở mỗi phường xã đều có “Địa chỉ tin cậy ở cộng đồng”, Trung tâm công tác xã hội Ánh Dương giúp tư vấn tâm lý và hỗ trợ can thiệp kịp thời khi trẻ em bị lam dụng tình dục; mở đường dây nóng trợ giúp nạn nhân bị xâm hại tình dục của báo Phụ Nữ TPHCM qua số 0966.18.27.27….

Khi trẻ em bị lạm dụng tình dục bị tổn thương về tâm lý, sức khỏe thì Hội tập trung chăm sóc sức khỏe ban đầu, hỗ trợ ổn định tâm lý. Đối với các nạn nhân bị tổn thương nghiêm trọng về sức khỏe thì sẽ chuyển đến bệnh viện để chăm sóc, điều trị. Khi nạn nhân đã hồi phục sức khỏe, ổn định tâm lý, Hội sẽ có các hoạt động hỗ trợ trẻ như: tư vấn, trợ giúp pháp lý, hướng nghiệp dạy nghề…

Hồ Hữu Tiến - Nam - quận 3, TPHCM

Ở gần nhà tôi có tiệm phở, tôi thấy cháu bé giúp việc trong tiệm chỉ mới 11 tuổi nhưng phải dậy sớm phụ việc từ 5 giờ 30 sáng đến hơn 23 giờ mới được nghỉ. Người dân xung quanh góp ý nhiều lần là nên cho cháu thêm thời gian nghỉ ngơi, vả lại cháu còn quá nhỏ tuổi thì chủ tiệm phở bảo đây là chuyện riêng, không liên quan người khác. Xin hỏi chủ tiệm phở bắt cháu bé làm việc như vậy đúng hay không? Nếu vi phạm thì theo quy định nào, chế tài ra sao?

TS Nguyễn Hữu Thế Trạch, Ủy viên Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM:

Việc sử dụng lao động là trẻ em phải tuân thủ Bộ luật Lao động về độ tuổi. Trường hợp này, người bán phở sử dung lao động là trẻ em có độ tuổi 11 tuổi là vi phạm pháp luật lao động. Cụ thể, Điều 164 Bộ luật Lao động 2012 quy định về việc sử dung lao động dưới 15 tuổi.

- Việc sử dụng lao động là trẻ em 11 tuổi chỉ được áp dụng đối với những công việc cụ thể do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định (danh mục công việc được quy định tại Thông tư 11/2013/TT-BLĐTBXH).

- Việc người bán phở sử dụng lao động là trẻ em 11 tuổi là vi phạm pháp luật và sẽ bị chế tài theo Điều 19 NĐ 95/2013/NĐ-CP, mức phạt có thể từ 20 triệu đến 25 triệu đồng.

Hồ Quang Huân - Nam - Tân Bình, TPHCM

Trẻ bị xâm hại phải gánh chịu các tổn hại ra sao? Cách nào giúp các em vượt qua? Gia đình có nên chuyển nhà tới nơi khác sinh sống để cháu đỡ phải gặp người cũ không?

Ông Trần Công Bình, chuyên gia UNICEF:

Trẻ là nạn nhân của các hình thức xâm hại sẽ chịu rất nhiều tổn hại về mặt tâm lý, thể chất, tình cảm và những tổn thương trước mắt cũng như có những tác hại lâu dài, thậm chí suốt cuộc đời của trẻ.

Những trẻ này cần được tiếp cận, đánh giá và trợ giúp tức thời và lâu dài bởi các nhà chuyên môn như: Chuyên gia tâm lý, nhân viên xã hội chuyên nghiệp, cán bộ y tế, Bộ tư pháp. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần đảm bảo môi trường an toàn cho trẻ để tránh bị những tổn hại hay bị tái xâm hại, lạm dụng.

Trường hợp như bạn nói thì cần có sự trợ giúp của các cơ quan chức năng để đảm bảo trẻ không có nguy cơ tiếp tục bị xâm hại. Bên cạnh đó, cũng cần xử lý nghiêm minh theo pháp luật đối với kẻ xâm hại trẻ. Ở Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng, hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em bao gồm các dịch vụ bảo vệ đặc biệt và trợ giúp phục hồi cho trẻ là nạn nhân cũng như đội ngũ nhân sự chuyên môn vẫn còn chưa đáp ứng với yêu cầu thực tế nên cần được đầu tư, phát triển nhanh và hiệu quả hơn.

Nguyễn Thủy - Nữ - thuynguyen…@gmail.com

Qua những vụ việc trẻ bị xâm hại, đối tượng xâm hại trẻ đôi khi là người thân trong gia đình, là người cao tuổi, hàng xóm... Trong nhận thức của rất nhiều bậc cha mẹ (nhất là ở nông thôn), họ không nghĩ con mình có thể bị xâm hại bởi các đối tượng này. Tôi nghĩ, nguyên nhân sâu xa là họ chưa nhận thức được những mối nguy tiềm tàng với các bé. Tôi muốn hỏi: Chúng ta có chương trình hành động nào để cung cấp kiến thức về bảo vệ trẻ trước nguy cơ bị xâm hại đến các gia đình không, nhất là ở nông thôn? Có biện pháp nào để trang bị kiến thức cho chính các bé để các bé tự bảo vệ mìmh?

TS Nguyễn Hữu Thế Trạch, Ủy viên Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM:

Trong đấu tranh phòng chống tội phạm, thì biện pháp phòng ngừa luôn được đặt lên hàng đầu. Loại tội phạm xâm hại tình dục đối với trẻ em ở nông thôn thường có tỷ lệ xảy ra cao hơn thành thị, do nhận thức và việc tiếp cận các thông tin về loại tội phạm này bị hạn chế.

Nhà nước ta cũng đã có những chương trìhh quốc gia phòng chống tội phạm như lập các tổ tuyên truyền pháp luật, hướng dẫn, giảng dạy cho trẻ em các kỹ năng nhận biết thế nào là hành vi xam hại tình dục và các cách phòng chống, bảo vệ, tự bảo vệ... Điều quan trọng là sự kết hợp giữa xã hội - nhà trường - gia đình trong việc bảo vệ trẻ tránh khỏi bị xâm hại tình dục mới là chủ yếu.

Tố Thanh - Nữ - quận 12, TPHCM

Con gái tôi đang học lớp 3. Thời gian gần đây tôi nghe nhiều tin đồn về việc trẻ em bị lạm dụng, xâm hại tình dục. Người làm mẹ như tôi rất lo lắng. Nhưng tôi không biết cách để giúp con hiểu vấn đề mà phòng tránh. Tôi cần nói chuyện, chia sẻ với con tôi như thế nào? Xin cho tôi lời khuyên. Cảm ơn.

Bà Đoàn Thị Thanh Thủy, Trưởng Ban Gia đình - Xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM:

Trước hết, chị nên gần gũi, thường xuyên chia sẻ, quan tâm về thể chất và tinh thần với các con, giúp trẻ có lối sống lành mạnh và nhận biết cái đúng, cái sai, hướng dẫn trẻ biết tự bảo vệ mình trước những biểu hiện xấu của những người hay uống rượu, hay xem phim ảnh đồi trụy để tránh khỏi sự lôi kéo, hoặc cưỡng bức của người xấu.

- Gia đình cần chủ động, phòng tránh lạm dụng tình dục cho trẻ: Dạy cho trẻ biết cách từ chối, kêu to, hoặc chạy bỏ khi có kẻ muốn xâm hại tình dục; không để trẻ đi một mình, hoặc ở một mình nơi vắng, tối tăm, biết nói “không” khi bị dụ dỗ vào những nơi đó; không để trẻ ăn mặc hở hang, gần gũi quá mức với người khác giới; dạy trẻ khi bị xâm hại, phản đối một cách kiên quyết và bỏ đi ngay khi có người động chạm một cách thô lỗ; gần gũi đê giúp trẻ kể lại cho người lớn đáng tin cậy để trẻ được giúp đỡ khi bị dụ dỗ hoặc đe dọa (nhờ ông bà, cha mẹ, thầy cô giáo…).

- Cha mẹ cần nhận biết để giảm các nguy cơ con mình bị xâm hại tình dục như: quan sát con mỗi ngày để sớm phát hiện những điều khác lạ ở con mình (có quà tặng không rõ lý do, những dấu hiệu lạ qua dáng vẻ, thái dộ của con); không để con ở nhà hoặc đi ra ngoài với người lạ, sắp xếp chỗ ngủ riêng biệt khi con đã lớn, bước vào tuổi vị thành niên.

Trúc Linh - Nữ - Truclinh…@gmail.com

 Trẻ em bị xâm hại có nhận được sự hỗ trợ pháp lý? Nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn, khi con em họ bị xâm hại, lại bấm bụng chịu chứ không biết thủ tục khởi kiện thế nào?

TS Nguyễn Hữu Thế Trạch, Ủy viên Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM:

Không phải khi trẻ em bị xâm hại mới nhận được sự hỗ trợ pháp lý mà trong mọi tình huống, trong mọi trường hợp, trẻ được ưu tiên hưởng sự trợ giúp pháp lý từ các tổ chức, cơ quan, nhà nước. Đây là quyền của trẻ em đã được ghi nhận tại Công ước quốc tế về Quyền trẻ em mà Việt Nam chúng ta là một trong những thành viên tham gia sớm nhất.

Khi trẻ bị xâm hại, gia đình, tổ chức phải có nghĩa vụ giúp trẻ tiếp cận các quyền của mình. Đó là quyền được hỗ trợ pháp lý miễn phí (Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước, Đoàn Luật sư...). Tại các tổ chức có trách nhiêm hỗ trợ pháp lý sẽ hướng dẫn cho cha mẹ, thầy cô và những người liên quan khác các thủ tục để bảo vệ quyền lợi một cách tốt nhất cho trẻ em bị xâm hại (hướng dẫn viết đơn tố cáo, trình báo tại các cơ quan chức năng...).

Nguyễn Văn Quyên - Nam - Quận 1, TPHCM

Nhiều bậc cha mẹ trẻ hay đưa hình ảnh con cái hàng ngày, hàng giờ lên trên mạng. Giờ đây lại được ảnh báo như vậy là nguy hiểm, dễ trở thành mục tiêu của người xấu. Chẳng lẽ nói mọi người không nên chia sẻ hình ảnh con em?

Vương Thanh Liễu - Phó Bí thư Thành Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội thành phố:

Mạng xã hội với tính năng ưu việt là lan truyền nhanh và rộng đã thu hút rất nhiều người yêu thích sử dụng. Cũng chính vì những tính năng trên mà người sử dụng cũng cần phải thận trọng khi chia sẻ thông tin trên mạng, trong đó có thông tin về con trẻ của chúng ta.

Thực tế cho thấy, có nhiều trường hợp kẻ gian lấy thông tin, hình ảnh chia sẻ trên mạng của các bậc phụ huynh, từ đó, biết rõ diện mạo của trẻ và các thói quen, địa điểm sinh hoạt cụ thể, hằng ngày của trẻ để thực hiện những hành vi xấu.

Vì vậy, khi chia sẻ thông tin, tôi nghĩ các bậc phụ huynh cần lưu ý: thứ nhất là việc kết bạn trên mạng cần phải chú ý chỉ kết bạn với những người mà chúng ta quen biết, không nên kết bạn đại trà (ai mời kết bạn cũng kết bạn khi chưa biết người đó là ai); thứ hai là khi chia sẻ thông tin thì lưu ý phạm vi đối tượng chia sẻ, có thể chỉ là những người thân trong gia đình hoặc là bạn bè mà chúng ta biết và cần chia sẻ, hạn chế chia sẻ rộng rãi, công cộng; thứ ba là nội dung thông tin chia sẻ nên chỉ là những thông tin chung, không nên cung cấp cụ thể về thời gian, địa điểm, thói quen sinh hoạt hằng ngày của trẻ (ví dụ như thời gian đưa đón đi học, thông tin trường, lớp học tập…).

Hà - Nữ - ha.daotc…@gmail.com

TPHCM đang xây dựng TP thân thiện với trẻ em. TPHCM hiện nay đã thân thiện với trẻ em chưa? Như thế nào thì được coi là thành phố thân thiện với trẻ em?

Ông Trần Công Bình, chuyên gia UNICEF:

Sáng kiến TP thân thiện trẻ em được UNICEF khởi xướng trên phạm vi toàn cầu và được triển khai ở một số quốc gia. Mục tiêu giúp phát triển mối quan hệ hợp tác rộng rãi giữa chính quyền TP, các tổ chức phi chính phủ, những nhà chuyên môn và khối tư nhân,... để tăng cường đáp ứng, công tác hoạch định, thực thi và giám sát các chương trình hành động cấp TP nhằm đảm bảo mọi trẻ em được hưởng quyền của mình.

Quan trọng hơn cả, trong TP thân thiện trẻ em, trẻ em và thanh thiếu niên sẽ là người năng động, tiếng nói và quan điểm của các em được lắng nghe và xem xét trong quá trình ra quyết định và những hành động cụ thể.

Trong thời gian qua, TPHCM được đánh giá là đơn vị tiên phong thực hiện quyền trẻ em, thể hiện qua nhiều lĩnh vực và thành tựu đạt được như chăm sóc sức khoẻ, giáo dục, vui chơi giải trí và tham gia trong các hoạt động xã hội.

Sáng kiến TP thân thiện với trẻ em đã được phát động tại TPHCM và tháng 9-2015 với sự chủ trì của lãnh đạo UBND TP, sự quan tâm ủng hộ của các Sở ban Ngành, các tổ chức xã hội dân sự, các tổ chức phi chính phủ cũng như thanh thiếu niên và trẻ em. UNICEF sẽ cùng phối hợp và hỗ trợ chính quyền TP xây dựng khung tổng quát và kế hoạch hành động để xây dựng TPHCM trở thành TP thân thiện với trẻ em trong giai đoạn sắp tới.

Nguyễn Thị Hạnh - Nữ - hanhnguyen...@gmail.com - Quận 8, TPHCM

Bạo hành không chỉ xảy ra ở người lớn với trẻ em mà cả giữa thanh thiếu niên với nhau. Tôi nghĩ điều này có thể do ảnh hưởng từ trong gia đình và từ các trò chơi bạo lực. Đoàn Thanh niên có những hoạt động gì để giúp các bạn trẻ có hành xử đúng đắn?

Bà Vương Thanh Liễu – Phó Bí thư Thành Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội thành phố:

Vấn đề bạo lực trong thanh thiếu nhi là vấn đề đáng quan tâm của xã hội, trong đó có tổ chức Đoàn Thanh niên. Một trong những nội dung quan trọng trong công tác giáo dục của Đoàn Thanh niên là nội dung giáo dục đạo đức lối sống cho thanh thiếu nhi, nhằm góp phần xây dựng một lớp công dân trẻ của thành phố văn minh – hiện đại – nghĩa tình.

Thực hiện nội dung trên, trong thời gian vừa qua, tổ chức Đoàn từ cấp thành đến cấp cơ sở đã triển khai thực hiện các cuộc vận động như: cuộc vận động “4 xây - 3 chống”, cuộc vận động “Xây dựng các giá trị mẫu hình thanh niên thành phố”, phát động văn hóa đọc, xây dựng thói quen đọc sách trong thanh thiếu nhi, góp phần hình thành những thói quen, những đức tính tốt trong thanh thiếu nhi thành phố. Bên cạnh đó các cấp bộ Đoàn đã đẩy mạnh các tuyến hoạt động, chương trình trải nghiệm giá trị cuộc sống, chương trình “Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Việt Nam”, chương trình “Khi Tôi 18”, các diễn đàn về đạo đức, lối sống được tổ chức từ cấp Thành đến cơ sở về những vấn đề trong lối sống của bạn trẻ hiện nay đã thu hút sự quan tâm và tham gia trao đổi của đoàn viên, thanh niên góp phần tác động thay đổi nhận thức, hành động của nhiều bạn trẻ.

Thông qua các nội dung chương trình, hoạt động trên đã góp phần cổ vũ những hành động đẹp, lối sống văn hóa và phản đối những hành vi thiếu văn hóa trong thanh thiếu nhi, đẩy lùi các hành vi bạo lực, cổ vũ những hành xử đúng đắn, có văn hóa.

Trần Giang - Nữ - giangtran…@gmail.com

Vì sao nạn nhân hay im lặng chấp nhận, không dám tố cáo? Có phải luật không xử nghiêm nên dân chưa tin tưởng?

TS Nguyễn Hữu Thế Trạch, Ủy viên Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM:

Pháp luật về các tội danh (Dâm ô đối với trẻ em, Hiếp dâm trẻ em, Cưỡng dâm trẻ em...) quy định các hình phạt rất nghiêm khắc. Vấn đề là nhận thức của người lớn, cha mẹ, các bậc thầy cô giáo đối với trẻ em bị xạm hại như thế nào.

Thường thì trẻ em là những nạn nhân bị xâm hại có tâm lý xấu hổ, không dám noí với cha mẹ, thầy cô biết, bơỉ vì các em là ngươì bị lệ thuộc ( học sinh với thầy; cha con...) nên các trẻ sẽ không dám tố cáo. Thậm chí, tố cáo nhưng thầy, cô, cha, mẹ...không quan tâm...nên các em nhận thấy không được bảo vệ.

Do vậy, chúng ta phải dạy các em kỹ năng tự bảo vệ và nhận biết các hành vi xâm hại để trẻ ít nhất có thể tự bảo vệ mình.

Thanh Tùng - Nam - quận Thủ Đức, TPHCM

Nhiều người mẹ khi biết con mình bị xâm hại thì không đi tố cáo kẻ phạm tội vì lý do sợ nhiều người biết chuyện sẽ xấu hổ. Hội Liên hiệp phụ nữ TPHCM làm gì để người phụ nữ hiểu tính chất của vấn đề và biết cách xử trí khi con mình bị xâm hại?

Bà Đoàn Thị Thanh Thủy, Trưởng Ban Gia đình - Xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM:

Vấn đề ở đây là bị xâm hại tình dục không phải là biểu hiện do quan hệ giới tính không lành mạnh của con, mà con chúng ta chỉ là nạn nhân đáng tiếc, khi trẻ bị lạm dụng tình dục rất có thể trở nên hận đời, muốn trả thù đời hoặc có suy nghĩ sống phóng khoáng, lạm dụng hay xâm hại người khác…Do vậy cha, mẹ cần phải hiểu việc phòng ngừa, giúp con quan hệ giới tính lành mạnh.

Người làm cha, mẹ nên phòng ngừa cho con không bị xâm hại tình dục, vì tác hại của xâm hại tình dục trẻ em làm tổn hại nghiêm trọng đến tinh thần, tâm lý, sức khỏe và ảnh hưởng đến tương lai của trẻ em, của dân tộc; làm gia tăng tệ nạn mại dâm, tệ nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em, nhất là trẻ em gái.

Cách xử lý khi con bị xâm hại cha mẹ cần lưu ý để phát hiện có thể con đã bị lạm dụng, con có thể giấu cha mẹ những bí mật mà chúng đã trải qua, do xấu hổ hoặc khó nói, vì vậy cha mẹ cần nhạy cảm, phán đoán và gợi hỏi để con có thể kể ra; khi phát hiện con bị xâm hại tình dục cha mẹ cần bình tĩnh giải quyết sự việc, không để xảy ra những hậu quả xấu hơn.

Hãy nghĩ đến những người tin cậy để tìm sự giúp đỡ như ông bà, cô dì, giáo viên, trạm y tế, công an, cán bộ tư vấn phường/xã.

Cha mẹ cần cách ly con với kẻ xâm hại tình dục; cha mẹ cần trấn an tinh thần, động viên, an ủi con; cha mẹ tránh xảy ra xung đột trong gia đình vì như thế sẽ làm tổn thương con nhiều hơn. Cha mẹ giúp con phục hồi sức khỏe, nếu con gái đến tuổi dậy thì, có kinh nguyệt, nếu bị xâm hại tình dục hãy cho con uống thuốc tránh thai khẩn cấp nhằm tránh mang thai ngoài ý muốn.

Sau đó nhanh chóng đưa con đến cơ sở y tế để kiểm tra, xác định tình trạng thương tích để điều trị kịp thời, đặc biệt quan tâm chăm sóc, giám sát con cho đến khi con trở lại bình thường. Đồng thời gia đình phải tố giác đến chính quyền, công an, hội phụ nữ…

Nguyễn Văn Thước - Nam - Cà Mau

Xin hỏi Chuyên gia của Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) tại Việt Nam, ông đánh giá thế nào các chính sách của VN đối với trẻ em? Cơ quan UNICEF sẽ hỗ trợ VN như thế nào trong thời gian sắp tới để trẻ em VN có đời sống vật chất, tinh thần tốt hơn?

Ông Trần Công Bình, chuyên gia UNICEF:

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia đi đầu trong việc đảm bảo tôn trọng và thực thi quyền trẻ em theo công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Nhà nước Việt Nam đã thông qua từ năm 1990. Hệ thống chính sách và luật pháp liên quan đến bảo vệ và chăm sóc trẻ em cũng ngày càng được hoàn thiện. Tuy nhiên vẫn còn những khoản trống trong khung pháp lý quốc gia cũng như việc thực thi trong thực tế. UNICEF cam kết sẽ cùng đồng hành và hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong nỗ lực hoàn thiện thể chế, xây dựng hệ thống bảo vệ trẻ em toàn diện, trong đó có hệ thống tư pháp thân thiện với trẻ em mà một cột mốc quan trọng vừa mới đạt được là việc ra mắt toà án gia đình và người chưa thành niên tại TPHCM.

Đỗ Thu Hương - Nữ - Quận 10, TPHCM

Từ việc một thầy giáo ở tỉnh An Giang vừa bị tung hình lên Facebook đã có hành vi luồn tay qua nách nữ sinh 14 tuổi để chỉ bài cho thấy dù ở trong môi trường giáo dục, các cháu vẫn có khả năng bị sàm sỡ. Hành vi này phải bị xử lý như thế nào? Và có cách nào ngăn chặn? Tại TPHCM, ngành giáo dục có biện pháp gì để tránh xảy ra các trường hợp thầy giáo sàm sỡ học trò?

Bà Bùi Thị Diễm Thu- Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM:

Ngành Giáo dục TP trong thời gian gần đây chưa phát hiện có trường hợp thầy giáo có hành vi sàm sỡ HS như trường hợp nói trên. Tuy nhiên, để phòng tránh trường hợp trên Ngành Giáo dục thành phố có chỉ đạo về công tác an toàn, an ninh trật tự trường học trong đó phối hợp với lực lượng công an (PC45) hướng dẫn học sinh các kỹ năng và các thế tự vệ, phòng vệ khi bị kẻ xấu (người lạ mặt) tấn công.

Bên cạnh đó Ngành Giáo dục TP tổ chức phong trào “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo” trong đó có nội dung tuyên truyền về đạo đức nhà giáo, luật giáo dục, những điều giáo viên không được làm.

Tuấn Nguyễn - Nam - tuannguyen….@yahoo.com

Tội phạm xâm hại trẻ em hiện nay nhiều không? Sau khi bị phạt tù hay phạt tiền, những người này có bị cấm tiếp xúc với trẻ em không?

Thượng tá Phạm Văn Phòng, Phó Trưởng phòng Phòng chống tội phạm buôn bán người – Cục Cảnh sát Hình sự (C45B), Bộ Công an:

Đúng là tội phạm xâm hại trẻ em hiện nay xảy ra nhiều, ở các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, trong nhà trường, trong các khu vui chơi giải trí, ngoài đường phố… Thậm chí, các nhà xưởng tư nhân, doanh nghiệp khi thuê mướn lao động vị thành niên, đều tiềm ẩn nguy cơ bị xâm hại. Những người xâm hại trẻ em sau khi bị phạt tù, hay phạt tiền, theo quy định của Bộ Luật Hình sự thì các đối tượng này đều có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm các công việc nhất định có liên quan đến lĩnh vực có quan hệ với trẻ em từ 1-5 năm, hoặc phạt quản chế từ 1 đến 5 năm.

Nguyễn Đức Chung - Nam - Tân Bình, TPHCM

Trước tình trạng trẻ em bị xâm hại phức tạp như hiện nay, lại rộ lên nhiều chuyện bắt cóc trẻ nữa. Ngành công an có phối hợp, trao đổi với ngành giáo dục tuyên truyền cho học sinh, phụ huynh nắm được vấn đề và kỹ năng bảo vệ con em mình?

Thượng tá Phạm Văn Phòng, Phó Trưởng phòng Phòng chống tội phạm buôn bán người - Cục Cảnh sát Hình sự (C45B), Bộ Công an:

Tình hình trẻ em bị xâm hại hiện phức tạp. Tuy nhiên, các thông tin đưa lên mạng không phải là những kênh chính thống thì người dân chỉ nên tham khảo. Vừa qua, có những tin đồn bắt cóc trẻ em nơi công cộng, người phát ngôn công an một số tỉnh phía Nam đã khẳng định là không có các vụ việc bắt cóc, cướp giật trẻ em như thông tin trên mạng đã đưa.

Ngành công an đã tham mưu cho các cấp ủy chính quyền địa phương và các ban ngành đoàn thể, trong đó có ngành giáo dục để tuyên truyền cho học sinh, phụ huynh học sinh, cán bộ giáo viên nhà trường về phương thức, thủ đoạn của một số đối tượng, cũng như nhận diện các hành vi xâm hại con em mình để tự bảo vệ và chủ động phòng ngừa. Đoàn Thanh niên PC45 Công an TPHCM cũng thường xuyên tổ chức các lớp tuyên truyền pháp luật cho các trường trên địa bàn thành phố.

Minh Phương - Nam - minhphuong…@yahoo.com

Tại sao ở nước khác, đối tượng chỉ cần nói ra , có ý đồ xâm hại trẻ em là bị bắt liền? Ở Việt Nam, có hình thức xử lý nào với những kẻ như vậy? Chẳng lẽ chúng ta bó tay hay đợi bị xâm hại, có hậu quả rồi mới xử lý?

Thượng tá Phạm Văn Phòng, Phó Trưởng phòng Phòng chống tội phạm buôn bán người - Cục Cảnh sát Hình sự (C45B), Bộ Công an trả lời:

Hệ thống pháp luật của mỗi nước không giống nhau. Ở Việt Nam, chỉ có những hành vi nào được quy định trong Bộ Luật Hình sự, đủ yếu tố cấu thành tội phạm mới bị xử lý theo pháp luật hình sự. Ngoài ra, những hành vi xâm hại như quấy rối tình dục, gây rối trật tự nơi công cộng, hoặc các nội quy quy định của cơ quan… thì sẽ bị điều chỉnh theo các quy định của luật hành chính và nội quy cơ quan. Pháp luật Việt Nam không xử lý ý nghĩ, ý định khi chưa thể hiện bằng hành vi bên ngoài. Tuy nhiên, các cơ quan ban ngành đoàn thể của cơ quan của Việt Nam tùy theo chức năng nhiệm vụ của mình, đều có nhiệm vụ tuyên truyền, phòng ngừa tội phạm nói chung và các hành vi xâm hại trẻ em nói riêng.

Nguyễn Đức Chung - Nam - Tân Bình, TPHC

Tình hình trẻ em bị xâm hại phức tạp như hiện nay, lại rộ lên nhiều chuyện bắt cóc trẻ nữa. Ngành công an có phối hợp, trao đổi với ngành giáo dục tuyên truyền cho học sinh, phụ huynh nắm được vấn đề và kỹ năng bảo vệ con em mình?.

Thượng tá Phạm Văn Phòng, Phó Trưởng phòng Phòng chống tội phạm buôn bán người - Cục Cảnh sát Hình sự (C45B), Bộ Công an trả lời:

Tình hình trẻ em bị xâm hại hiện phức tạp. Tuy nhiên, các thông tin đưa lên mạng không phải là những kênh chính thống thì người dân chỉ nên tham khảo. Vừa qua, có những tin đồn bắt cóc trẻ em nơi công cộng, người phát ngôn công an một số tỉnh phía Nam đã khẳng định là không có các vụ việc bắt cóc, cướp giật trẻ em như thông tin trên mạng đã đưa. Ngành công an đã tham mưu cho các cấp ủy chính quyền địa phương và các ban ngành đoàn thể, trong đó có ngành giáo dục để tuyên truyền cho học sinh, phụ huynh học sinh, cán bộ giáo viên nhà trường về phương thức, thủ đoạn của một số đối tượng, cũng như nhận diện các hành vi xâm hại con em mình để tự bảo vệ và chủ động phòng ngừa. Đoàn Thanh niên PC45 Công an TPHCM cũng thường xuyên tổ chức các lớp tuyên truyền pháp luật cho các trường trên địa bàn thành phố.

Nguyễn Hồng Hạnh - Nữ - quận 3, TPHCM

Vấn đề đạo đức xã hội phải chăng đang bị xuống cấp, đặc biệt là trong việc quan tâm và chăm sóc trẻ em?

Nguyễn Thành Phụng - Sở LĐ-TBXH:

Chúng ta có Chỉ thị của Đảng, Thông tư, Nghị định, quyết định của Chính phủ về BVCSTE và gần đây nhất, vào ngày 05/4/2016, Quốc hội đã thông qua Luật trẻ em. Những điều này cho thấy bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở bất cứ giai đoạn nào cũng đều được Đảng, Nhà nước ta quan tâm.

Tại TPHCM, có Chỉ thị của Thành ủy, các Chương trình, Kế hoạch của UBND TP và các Sở, ngành, đoàn thể TP, các Hội và tổ chức, ... thể hiện sự quan tâm của các cấp đối với lĩnh vực BVCSTE. Việc xâm hại trẻ em trước đây không phải không có; tuy nhiên hiện nay, nhiều thông tin phản ánh về các vụ việc liên quan đến xâm hại, bạo lực trẻ em được người dân lên tiếng mạnh mẽ và sự phản ánh kịp thời của các cơ quan truyền thông nhằm thúc đẩy thực hiện tốt hơn các quyền của trẻ em. Đây là một trong những thành công vì công tác BVCSTE được sự quan tâm và đồng thuận của toàn xã hội. Những hành vi xâm hại, ngược đãi trẻ em đều được các cơ quan chức năng điều tra, xử lý tùy theo mức độ vi phạm.

Lan Hương - Nữ - huonglan…@gmail.com

Quan hệ tình dục bằng miệng với trẻ em, người vị thành niên. Hành vi này xử được không? Nạn nhân cần làm gì?

TS. Nguyễn Hữu Thế Trạch - Ủy viên Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM:

Quan hệ tình dục bằng miệng với trẻ em là một trong những dấu hiệu của tội "Dâm ô đối với trẻ em". Ngoài ra, còn có các dạng xâm hại khác như hôn hít hoặc ôm trẻ theo kiểu tình dục, sờ mó vào bộ phận sinh dục của trẻ (hoặc bắt trẻ sờ mó vào bộ phận sinh dục của người lớn). Tất cả những dấu hiệu này đều là hành vi xâm hại tình dục đối với trẻ em, được quy định tại Điều 116 Bộ luật Hình sự hiện hành, sẽ bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Nạn nhân là những trẻ em có thể nói với cha mẹ hoặc người lớn về những hành vi mà mình bị xâm hại. Trách nhiệm của cha mẹ là phải tố giác đến cơ quan công an gần nhất.

Quang Thắng - Nam - Quangthang….@gmail.com

Dường như ở Việt Nam, nhà trường vẫn chưa dạy học sinh không được đụng vào thân thể người khác? Tình trạng trẻ em bị xâm hại nhức nhối như hiện ngay, ngành giáo dục có đổi mới chương trình, giờ học để tăng nhận thức cho trẻ em?

Ông Trần Công Bình, chuyên gia UNICEF:

Ngành giáo dục ở Việt Nam đã triển khai chương trình giáo dục kỹ năng sống từ khá sớm, từ đầu những năm 2000 với mục tiêu đảm bảo trẻ em có các kỹ năng phù hợp ứng phó với những khó khăn, thách thức để có cuộc sống an toàn và lành mạnh.

Hiện nay kỹ năng sống đã được giảng dạy lồng ghép vào nhiều môn học. Tuy nhiên, do một số thách thức riêng của ngành như chương trình học còn nặng, thiếu đội ngũ chuyên môn về kỹ năng sống cũng như các mô hình phù hợp để trang bị kỹ năng sống cho học sinh chưa đạt kết quả như mong muốn. Bên cạnh việc nỗ lực đổi mới toàn diện của ngành giáo dục, tại TPHCM cũng nên triển khai sớm mô hình công tác xã hội học đường được phát huy từ kinh nghiệm thực hiện chỉ điểm hoạt động tư vấn tâm lý trường học để có được đội ngũ nhân viên xã hội chuyên nghiệp phối hợp cùng nhà trường có những biện pháp và hoạt động hỗ trợ tâm lý xã hội cho học sinh, giáo viên và phụ huynh.

Nguyễn Thị Ngọc Nga - Nữ - quận Tân Phú, TPHCM

Con gái tôi năm nay 12 tuổi. Cách đây 4 tháng, cháu cho biết "ông ngoại" (người hàng xóm, đã 69 tuổi) mấy lần ôm và hôn bộ phận sinh dục của cháu. Tôi sang hỏi thì ông ấy thừa nhận, hứa sẽ không làm như vậy nữa. Tôi muốn kiện ông ấy nhưng nhiều người nói là chỉ mới hôn thôi, không có chuyện gì khác xảy ra thì không thể kiện gì được. Cho tôi hỏi: không lẽ tôi phải bỏ qua chuyện này?.

Thượng tá Phạm Văn Phòng, Phó Trưởng phòng Phòng chống tội phạm buôn bán người - Cục Cảnh sát Hình sự (C45B), Bộ Công an trả lời:

Đúng là hành vi của ông hàng xóm này không chấp nhận được, tuy nhiên ông ấy đã lớn tuổi, và cũng đã thừa nhận hành vi này, đã có sự hối hận. Nên cũng có thể châm trước cho ông ấy, vì tuổi ông lớn rồi, lại là hàng xóm. Để giữ danh dự cho ông ấy. Tuy nhiên, trong quá trình sinh hoạt, phải phòng ngừa sự tiếp xúc của con cái mình với ông này, khi cháu ở nhà một mình, thì cần cảnh giác, không để ông sang tiếp cận cháu khi không có ai khác ở nhà. Thứ ba, khi ông còn hiện tượng này, thì cháu gái cần báo ngay cho cha mẹ biết để kịp nhắc nhở ông hàng xóm ngay, không để ông ấy tiếp tục có các hành vi xấu. Nếu ông ấy vẫn tiếp tục thì cần báo chính quyền để can thiệp.

Linh Lan - Nữ - Linhlan…@yahoo.com

Trong trường hợp trẻ bị người lớn thực hiện hành vi sỡ, hôn bộ phận sinh dục nhưng không có người khác chứng kiến, không có chứng cứ thì làm cách nào tố cáo hành vi đó?

Thượng tá Phạm Văn Phòng, Phó Trưởng phòng Phòng chống tội phạm buôn bán người - Cục Cảnh sát Hình sự (C45B), Bộ Công an trả lời:

Đúng là trong trường hợp không có chứng cứ thì không thể kiện đối tượng xâm hại. Tuy nhiên, cha mẹ, phụ huynh cần thông báo cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan quản lý của đối tượng này để cơ quan quản lý, chính quyền địa phương có sự nhắc nhở đối tượng về hành vi sàm sỡ, quấy rối tình dục nhằm phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi nghiêm trọng hơn có thể xảy ra sau này.

Đức Lân - Nam - duclan.nguyen…@gmail.com

Tại sao không xử lý được đối tượng về hành vi hiếp dâm, mà chỉ xử lý tội dâm ô? Mà dâm ô thì quá nhẹ? Trong khi bản chất thực sự là hiếp, nạn nhân bị tổn hại tinh thần khủng khiếp?

TS Nguyễn Hữu Thế Trạch, Ủy viên Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM:

Ta cần phân biệt thế nào là hành vi hiếp dâm và thế nào là hành vi dâm ô.

- Hành vi dâm ô: Biểu hiện bằng các hành động sờ mó, hôn hít... Dâm ô không có "giao cấu".

- Hành vi hiếp dâm: Biểu hiện bằng dùng vũ lực cưỡng ép một người (có "giao cấu").

Như vậy, cấu thành của mỗi loại tội phạm là khác nhau. Tuỳ theo hành vi của người phạm tội sẽ tương ứng với các loại tội phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự. Cho dù hiếp dâm, cưỡng dâm, dâm ô đối với trẻ em đều là những hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức và đều bị xã hội lên án và đã để lại những sang chấn về tâm lý cho người bị hại là trẻ em. Do đó pháp luật khi xử lý những loại tội phạm này đều rất nghiêm khắc.

Mai Thu (quận Tân Bình, TPHCM)

Tôi nghe nói TPHCM vừa có Tòa Gia đình và người chưa thành niên. Cái tên này nghe rất lạ, vậy thì có khác gì với các tòa án khác không? Trẻ em vào đây thì sẽ được giúp đỡ những gì để không bị tổn thương về tâm lý, nhất là khi theo cha mẹ dự những phiên xử ly hôn?

Thẩm phán Trần Thanh Minh, Chánh tòa Tòa Gia đình và người chưa thành niên – Tòa án Nhân dân TPHCM:

Tòa Gia đình và người chưa thành niên – Tòa án Nhân dân TPHCM là tòa chuyên trách trong bộ máy tòa án nhân dân TPHCM, chuyên xét xử các vụ án, giải quyết các vụ việc liên quan gia đình và người chưa thành niên. Đây là Tòa Gia đình và người chưa thành niên đầu tiên trong cả nước.

Thẩm phán Trần Thanh Minh

Nguyên tắc tắc tiến hành tố tụng đối với vụ án xét xử đối với người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm thủ tục tố tụng thân thiện, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức của người dưới 18 tuổi; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi. Trường hợp đặc biệt cần bảo vệ bị cáo, bị hại là người dưới 18 tuổi thì tòa án có thể quyết định xét xử kín.

Để phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý và yêu cầu giáo dục đối với người chưa thành niên nên phòng xử án đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được bố trí thân thiện, phù hợp với người dưới 18 tuổi, không sử dụng vành móng ngựa, tất cả những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng đều ngồi trên một mặt phẳng (không bố trí ngồi cao, thấp), vị trí ngồi của bị cáo là người dưới 18 tuổi gần với người đại diện, người giám hộ, người bào chữa của bị cáo.

Trong trường hợp cần thiết (như vụ án xâm hại tình dục…) thì người bị hại dưới 18 tuổi có thể được bố trí ở vị trí cách ly với bị cáo khi trình bày lời khai tại phiên tòa, thông qua thiết bị truyền hình trực tuydưới 18 tuổi có thể được bố trí ở vị trí cách ly với bị cáo khi trình bày lời khai tại phiên tòa, thông qua thiết bị truyền hình trực tuyến.

Đối với vụ án ly hôn có tranh chấp về người trực tiếp nuôi dưỡng con, nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì tòa án phải xem xét nguyện vọng của con. Tại Tòa Gia đình và người chưa thành niên – Tòa án Nhân dân TPHCM có phòng giám sát tâm lý trẻ em là nơi tòa án quan sát, đánh giá tâm lý, tình cảm của trẻ; quan sát việc cha mẹ tiếp xúc với con; có sự tư vấn của các chuyên gia về tâm lý, về giới, về giáo dục, y tế… để tòa án đánh giá việc giao con cho ai trực tiếp nuôi dưỡng thì sẽ bảo đảm quyền lợi về mọi mặc cho con. Ngoài ra còn có các phòng: phòng tư vấn có nhiệm vụ tư vấn pháp luật về hôn nhân và gia đình, về hậu quả sau ly hôn, về trách nhiệm của cha mẹ với con là người chưa thành niên. Phòng hòa giải để tòa án tiến hành hòa giải vợ, chồng đoàn tụ. Bên cạnh phòng hòa giải này có khu vực riêng để vợ chồng đối thoại trong quá trình tòa án hòa giải. Có phòng y tế để chăm sóc sức khỏe trẻ em trong thời gian ở tòa án và cấp cứu khi cần thiết.
 

Bảo mẫu Nguyễn Lê Thiên Lý (Nhóm trẻ Phương Anh, quận Thủ Đức, TPHCM) vác ngược trẻ và nhận đầu trẻ vào bồn nước

Các nhà quản lý, chuyên gia sẽ giải đáp các vấn đề bạn đọc quan tâm như: nhận diện những nguy cơ bị xâm hại mà trẻ em gặp phải tại nơi công cộng, tại trường học; khó khăn, tồn tại trong việc bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại; kỹ năng, biện pháp bảo vệ con em mình tránh bị xâm hại…

Ông Nguyễn Thành Lợi - Phó Tổng biên tập Báo SGGP tặng hoa, cảm ơn khách mời tham gia giao lưu trực tuyến
NHÓM PV - Ảnh: VIỆT DŨNG
>> Mời bạn đọc bấm vào đây để xem toàn bộ nội dung buổi giao lưu

Tin cùng chuyên mục