Bất cập đào tạo nhân lực khoa học cơ bản - Bài 3: Giải bài toán phát triển bền vững

Dù phải đối diện với nhiều thách thức và khó khăn, nhưng để hoàn thành nhiệm vụ với đất nước, với cộng đồng, nhiều cơ sở đào tạo đã nỗ lực để duy trì các ngành khoa học cơ bản (KHCB). Tuy nhiên, không thể để tình trạng này kéo dài.

Nỗ lực từ các cơ sở đào tạo

PGS-TS Trần Văn Mẫn, Trưởng phòng Khoa học Công nghệ Trường ĐH KHTN (ĐH Quốc gia TPHCM), cho rằng, về phía cơ sở đào tạo, trước tiên cần điều chỉnh, cập nhật chương trình đào tạo linh hoạt và thích ứng với nhu cầu của xã hội. Bên cạnh duy trì các khối ngành về KHCB (vốn là thế mạnh đào tạo và giá trị cốt lõi của các trường định hướng nghiên cứu), cần phát triển thêm các hoạt động kết nối thị trường, doanh nghiệp và các chương trình mang tính tích hợp, hấp dẫn hơn; cần chú trọng nâng cao nhận thức xã hội về các ngành KHCB thông qua các dự án xã hội, hoạt động chuyển giao công nghệ, hội thảo và tạo các sân chơi học thuật; tăng cường công tác hướng nghiệp, quảng bá tính ứng dụng của các ngành khoa học và cơ hội việc làm cho đối tượng học sinh phổ thông; tái cấu trúc các khoa nhằm tạo sự hợp tác liên ngành, hướng phát triển bền vững; đặc biệt, cần kết hợp các môn KHXH-NV trong quá trình giảng dạy các môn KHTN để tạo tính kết nối thực tế vì xu thế ngành nghề hiện nay có sự giao thoa rất nhiều yếu tố khoa học xã hội như tâm lý, văn hóa, hành vi trong giải quyết vấn đề.

PGS-TS Nguyễn Thị Hồng Minh, Phòng Đào tạo, Trường ĐH KHTN (ĐH Quốc gia Hà Nội), đặt vấn đề: Cần làm gì và làm như thế nào trong bối cảnh đào tạo KHCB đang đứng trước những bộn bề thách thức phải có sự chung tay vào cuộc của toàn xã hội? Theo bà, trước tiên Chính phủ và Nhà nước phải có những quyết sách và đầu tư hợp lý theo hướng vun cao, có sự tập trung, giao nhiệm vụ cụ thể kèm theo những đầu tư chiến lược, không chỉ mang tính khích lệ mà phải thật sự tạo điều kiện để các cơ sở đào tạo có thể triển khai nhiệm vụ.

Cần có những chính sách hết sức cụ thể và trực tiếp tới việc sử dụng các nhân lực KHCB, tới các đơn vị được giao nhiệm vụ đào tạo vì trách nhiệm xã hội. Các trường đại học, đặc biệt các trường có bề dày truyền thống và các trường có đủ năng lực phát triển KHCB cần có sự chủ động, tìm kiếm các biện pháp hợp lý để tổ chức triển khai như tăng cường các mối liên hệ với tổ chức, doanh nghiệp để làm rõ vai trò và cơ hội phát triển khi triển khai công nghệ, kỹ thuật, ứng dụng trên nền KHCB.

Tăng cường quảng bá với xã hội, người học về cơ hội và triển vọng của sự phát triển nghề nghiệp gắn với KHCB để người học thấy rõ cơ hội của việc tham gia các chương trình đào tạo cơ bản, khả năng đạt tới đỉnh cao trong sự nghiệp.

ĐH Quốc gia TPHCM hợp tác doanh nghiệp triển khai chương trình “Ươm mầm tài năng Toán và Trí tuệ nhân tạo”

ĐH Quốc gia TPHCM hợp tác doanh nghiệp triển khai chương trình “Ươm mầm tài năng Toán và Trí tuệ nhân tạo”

“Tùy thuộc vào cơ sở đào tạo, vai trò, vị trí, năng lực của cơ sở đào tạo đó trong hệ thống giáo dục mà sẽ có những nhiệm vụ, chiến lược và giải pháp khác”, PGS-TS Nguyễn Thị Hồng Minh nhấn mạnh.

Đầu tư lớn từ Nhà nước

Nghiên cứu về mặt chính sách quốc gia, GS-TS Võ Văn Sen, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chất lượng và Chính sách quốc gia, Trường ĐH KHXH-NV (ĐH Quốc gia TPHCM), cho rằng: Trước sự vận động của nền giáo dục đại học đang ngày càng đáp ứng nhu cầu của thị trường đại học, chủ trương tự chủ đại học cần được định hình và tiến hành một cách đúng đắn, đảm bảo sự phát triển hài hòa lợi ích giữa người học - trường học - cộng đồng.

Do đó, vì sự tiến bộ và lợi ích lâu dài của nền khoa học, Nhà nước cần có sự đầu tư thích đáng, đảm bảo sự phát triển của các ngành KHCB. Chỉ có Nhà nước mới có đủ tiềm lực đầu tư lâu dài và căn bản cho sự phát triển của các ngành KHCB mà bỏ qua yếu tố thương mại hóa của ngành này.

GS-TS Võ Văn Sen dẫn chứng, nhiều sản phẩm thương mại hóa ngày nay đều xuất phát từ những nghiên cứu cơ bản trước đó hàng chục năm. Điều gì sẽ xảy ra với nhân loại trước sự đe dọa của dịch bệnh trong tương lai như đại dịch Covid-19 vừa qua, nếu không có những thành quả nghiên cứu y sinh về công nghệ protein kháng nguyên tại các trường đại học, viện nghiên cứu từ trước?

Nếu không có đội ngũ chuyên gia hàng đầu về KHXH-NV, các di sản văn hóa ở Việt Nam làm sao có thể có một đời sống mới, trở thành một tài sản vô giá cho ngành công nghiệp du lịch của đất nước hiện nay? Tri thức KHXH-NV đã phục vụ trực tiếp cho nền kinh tế nước nhà khi ngày càng nhiều di sản vật chất, tinh thần của dân tộc được khai thác phục vụ cho du lịch và quảng bá đến bạn bè năm châu về bản sắc văn hóa Việt Nam…

“Hiện nay, những yêu cầu công bố quốc tế đang được các trường đại học, viện nghiên cứu đặt ra đối với các đề tài nghiên cứu, đối với việc chuẩn hóa, đánh giá đội ngũ là rất đúng hướng, nên tiếp tục đặt ra ngày càng nhiều và càng cao hơn. Tuy nhiên, bước đi cần khoa học hơn, khả thi hơn và cần nhiều chính sách tầm quốc gia về vấn đề này, chứ không nên xem đây là câu chuyện riêng của từng đơn vị, cơ quan khoa học”, GS-TS Võ Văn Sen nhấn mạnh

Nhiều chuyên gia đề xuất Nhà nước cần có những tính toán cụ thể cho việc đầu tư phát triển lâu dài các ngành KHCB ở cả hai phương diện đào tạo và nghiên cứu khoa học. Đầu tư nghiên cứu là một cách tạo “đầu ra” cho các nhà nghiên cứu khoa học, nhưng nếu bỏ qua việc đầu tư cho đào tạo đội ngũ nhân lực KHCB tại các trường đại học, viện thì sẽ là thiếu sót rất lớn trong chính sách phát triển các ngành KHCB.

Các chính sách khuyến khích người học các ngành KHCB cần chú trọng theo hướng đào tạo tinh hoa chứ không đại trà, đảm bảo hình thành đội ngũ các nhà khoa học kế cận đủ tầm trong tương lai. Nhà nước cần xác định các mũi nhọn đào tạo và nghiên cứu các ngành KHCB trong cả nước để tập trung đầu tư và phát triển, đảm bảo sự tồn tại của các ngành KHCB trong cơ chế thị trường càng ngày càng khốc liệt.

Về phía các cơ sở đào tạo, cần đầu tư nâng cao năng lực nghiên cứu và giảng dạy của đội ngũ các nhà khoa học, giảng viên của các viện, trường đại học có đào tạo các ngành KHCB là một vấn đề cấp thiết, cần một hệ thống giải pháp đồng bộ về chính sách lẫn phương diện tài chính. Kế đến là tính liên kết giữa các cơ sở đào tạo. Nền tảng dữ liệu là một yếu tố quan trọng cho sự phát triển của công tác nghiên cứu.

Ở Việt Nam hiện nay, quá trình chuyển đổi số trong hệ thống thư viện, dữ liệu thông tin đã được khởi động và có nhiều tiến bộ nhất định như: sự ra đời của Hệ tri thức Việt số hóa, dữ liệu của Thư viện Quốc gia Việt Nam, Thư viện Đại học Quốc gia Hà Nội…

Tuy nhiên, tính liên kết của các đơn vị trong nước và nước ngoài chưa cao, còn mang tính cục bộ. Do đó, cần hình thành một cơ chế liên kết giữa các thư viện, hay trung tâm thông tin của các đơn vị nghiên cứu, giảng dạy về KHCB để tạo thuận lợi nhất cho người nghiên cứu, giảng dạy.

Năm 2022, lần đầu tiên ĐH Quốc gia Hà Nội triển khai chương trình gói học bổng bao gồm hỗ trợ sinh hoạt phí cho sinh viên học 18 ngành KHCB của Trường ĐH KHTN (9 ngành), Trường ĐH KHXH-NV (9 ngành) như: Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý tự nhiên, Địa chất học, Tài nguyên và môi trường nước, Hải dương học, Công nghệ kỹ thuật hạt nhân, Hán Nôm, Lịch sử, Triết học, Tôn giáo học, Chính trị học, Nhân học, Việt Nam học, Ngôn ngữ học, Văn học.

Theo đó, ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ miễn học phí, chỗ ở nội trú, ưu tiên tham gia nghiên cứu khoa học và chương trình ươm tạo nhà khoa học, ưu tiên khi xét các học bổng khác và hỗ trợ sinh hoạt phí 20 triệu đồng/năm học.

Cùng với đó, ĐH Quốc gia Hà Nội cũng đề nghị các trường cân đối lại ngân sách nhằm phân bổ đồng đều, thống nhất mỗi ngành học cơ bản có 10% sinh viên được học bổng này nhằm thu hút sinh viên theo học.

Trong khi đó, ĐH Quốc gia TPHCM cũng có nhiều nỗ lực để hỗ trợ trong đào tạo đại học và sau đại học cho các ngành KHCB như: năm 2022 cấp 15 suất học bổng thạc sĩ (25 triệu đồng/suất) và 15 suất học bổng tiến sĩ (75 triệu đồng/suất) cho các ngành như: Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên; Nhân văn; Khoa học xã hội và hành vi; Khoa học sự sống; Khoa học tự nhiên; Toán và thống kê; Máy tính và công nghệ thông tin.

Cùng với đó, ĐH này cũng hỗ trợ học bổng toàn phần năm đầu tiên cho một số ngành học hệ ĐH gồm: Triết học, Tôn giáo học, Lịch sử, Địa lý, Thông tin - thư viện, Lưu trữ học… của Trường ĐH KHXH-NV.

Năm 2022, lần đầu tiên Trường ĐH KHTN dành 2 tỷ đồng học bổng cho 7 ngành khoa học phục vụ chiến lược quốc gia gồm: Vật lý học, Hải dương học, Kỹ thuật hạt nhân, Địa chất học, Kỹ thuật địa chất, Khoa học môi trường, Công nghệ kỹ thuật môi trường.

Từ năm 2022-2026, chương trình “Ươm mầm tài năng toán và trí tuệ nhân tạo” dành 25 tỷ đồng cho các hoạt động cấp học bổng cho học sinh, sinh viên, học viên sau đại học tài năng lĩnh vực Toán học và trí tuệ nhân tạo; hỗ trợ kinh phí cho các nghiên cứu khoa học, dự án đổi mới phương pháp giảng dạy trong lĩnh vực Toán học và trí tuệ nhân tạo của các nhà khoa học, thầy cô giáo, giảng viên trẻ.

Tin cùng chuyên mục