Bất cập đào tạo nhân lực khoa học cơ bản - Bài 1: “Run rẩy” đôi chân khoa học

LTS:Khoa học cơ bản (khoa học tự nhiên, khoa học xã hội) của nước ta đang đối diện nhiều thách thức như kém thu hút người học từ đại học cho đến sau đại học, lực lượng chuyên gia đầu ngành giảm, năng lực nghiên cứu chưa cao… Từ thực trạng này, cần tìm nguyên nhân và những giải pháp căn cơ để khoa học cơ bản phát triển, hoàn thành đúng sứ mệnh của mình.

Hiện nay, đào tạo khối ngành khoa học cơ bản (KHCB) chỉ có các trường ĐH công lập và hầu hết trong số đó là những trường lớn, có bề dày. Tuy nhiên, hiện có đến gần 50% số ngành KHCB đang gặp rất nhiều khó khăn để duy trì quy mô đào tạo phù hợp với năng lực đội ngũ hiện có, cũng như đáp ứng yêu cầu về tri thức, bồi đắp giá trị khoa học của đất nước.

Sinh viên ngành Vật lý học (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia TPHCM) thực hành tại phòng thí nghiệm

Sinh viên ngành Vật lý học (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia TPHCM) thực hành tại phòng thí nghiệm

Kém hấp dẫn người học

Theo TS Trịnh Văn Định, Phòng Quản lý nghiên cứu khoa học, Trường ĐH KHXH-NV (ĐH Quốc gia Hà Nội), từ năm 2017-2021, tỷ lệ thí sinh đăng ký xét tuyển vào các ngành KHCB có xu hướng giảm. Đến năm 2022, nhiều ngành đào tạo như Chính trị học, Lịch sử, Triết học, Văn học, Ngôn ngữ học… có chỉ tiêu bằng 50%, 60% so với chỉ tiêu năm 2017. Cùng với sự sụt giảm chỉ tiêu thì điểm chuẩn của các ngành KHCB có khoảng cách khá lớn so với những ngành còn lại. Chỉ tiêu ít hơn, điểm chuẩn thấp hơn là minh chứng cho sự kém hấp dẫn của các ngành KHCB so với các ngành khoa học có tính ứng dụng cao trong tổng thể các ngành khoa học xã hội và nhân văn.

Vấn đề nghiêm trọng nhất trong tuyển sinh là tỷ lệ sinh viên đăng ký các ngành KHCB không phải là lựa chọn thứ nhất, dẫn đến ngay từ đầu sự gắn bó và cam kết học tập không cao. Theo thống kê của phòng đào tạo nhà trường, thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 chỉ được 20%-30% chỉ tiêu tuyển sinh, số còn lại phải tuyển nguyện vọng 2. Điều này là thách thức lớn, vì để đào tạo các ngành KHCB, sự hứng thú, say mê của người học là điều kiện tiên quyết để có thể phát triển thành các chuyên gia. Tỷ lệ nhập học/trúng tuyển của các ngành này rất thấp và không ổn định qua các năm. Thêm vào đó, so với trước kia, có rất ít sinh viên các trường chuyên nổi tiếng dự thi vào các ngành KHCB.

Trong khi đó, ThS Phạm Thị Hồng Cúc, Phòng Đào tạo Trường ĐH KHXH-NV (ĐH Quốc gia TPHCM), cho biết: Đối với trình độ ĐH, từ năm 2018-2022, số sinh viên nhập học các ngành KHCB ít hơn chỉ tiêu cần tuyển. Còn đối với đào tạo sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ) lại càng ảm đạm hơn, nhất là các ngành như Lịch sử, Triết học, Địa lý, Văn học, Nhân học, Khoa học thư viện trong 5 năm trở lại đây, số lượng thí sinh dự tuyển và trúng tuyển bậc thạc sĩ các ngành: Khảo cổ học, Lịch sử thế giới, Địa lý học, Dân tộc học, Lưu trữ học cũng rất thấp. Năm 2018, có 146 thí sinh đăng ký dự thi thì trúng tuyển 86; đến năm 2022, chỉ còn 80 thí sinh đăng ký dự thi và trúng tuyển 56. Mặc dù số ngành thuộc các khoa cơ bản chiếm 56% tổng số ngành tuyển sinh cao học, nhưng số lượng thí sinh trúng tuyển trong 5 năm chỉ chiếm từ 22%-29% số thí sinh trúng tuyển của toàn trường.

Biểu đồ tuyển sinh các ngành KHCB giai đoạn 2018-2022 của Trường ĐH KHXH-NV (ĐH Quốc gia Hà Nội)

Biểu đồ tuyển sinh các ngành KHCB giai đoạn 2018-2022 của Trường ĐH KHXH-NV (ĐH Quốc gia Hà Nội)

Với đào tạo tiến sĩ lại càng buồn hơn khi nhiều ngành không có nghiên cứu sinh nào đăng ký. Kể từ năm 2018, số lượng nghiên cứu sinh tham gia dự tuyển thấp, trải đều ở các ngành. Nhiều ngành như Nhân học, Lịch sử thế giới, Khoa học thư viện... trong giai đoạn từ năm 2018-2021, có năm không có nghiên cứu sinh. Cả năm 2021, 11 ngành các khoa cơ bản chỉ có tổng cộng 5 nghiên cứu sinh trúng tuyển. Công bố khoa học quốc tế với các ngành KHCB cũng là điều đáng nói. Khoa Lịch sử từ năm 2017-2021 có 14 đề tài các cấp, 20 bài báo quốc tế, 99 bài báo trong nước. Khoa Địa lý chỉ có vỏn vẹn 2 đề tài các cấp, 22 bài báo quốc tế, 10 bài báo trong nước…

Theo PGS-TS Nguyễn Thị Hồng Minh, Phòng Đào tạo, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), một số ngành KHCB tiếp tục rơi vào tình trạng khó tuyển, có ngành đặc biệt khó tuyển (không có sinh viên hoặc rất ít) như Hải dương học (năm 2018 không có sinh viên trúng tuyển), năm 2019 (2 sinh viên trúng tuyển). Cụ thể, ngành Tài nguyên và môi trường nước (tên gọi cũ là Thủy văn học) và ngành Địa chất từ năm 2017-2019 chỉ lèo tèo vài sinh viên/năm. Điều đáng nói nữa là hiệu suất đào tạo (đầu ra so với đầu vào), các khóa từ năm 2014-2018, tỷ lệ tốt nghiệp chỉ đạt 47%. Đây là những con số cho thấy các ngành KHCB của trường đang đối diện với nhiều thách thức.

Nỗi lo thiếu nhân lực

PGS-TS Nguyễn Thu Hiền, Khoa Văn học, Trường ĐH KHXH-NV (ĐH Quốc gia Hà Nội) nhìn nhận: Những thay đổi về quy định giáo dục và đào tạo trong những năm gần đây đã đặt các ngành KHCB thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, trong đó có ngành Văn học, đứng trước nhiều thách thức. Một trong các thách thức đó là vấn đề phát triển đội ngũ chuyên gia đạt các tiêu chuẩn theo quy định của nhà nước về năng lực chuyên môn và năng lực nghiên cứu khoa học, đáp ứng các yêu cầu đảm bảo chất lượng đào tạo về phương diện nguồn nhân lực đào tạo. Nguồn nhân lực là sinh mệnh của những ngành KHCB, do đó việc thiếu vắng đội ngũ chuyên gia là thiếu vắng đi cội rễ của ngành KHCB.

Sinh viên ngành Kỹ thuật địa chất (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia TPHCM) trong giờ học thực hành

Sinh viên ngành Kỹ thuật địa chất (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia TPHCM) trong giờ học thực hành

Trong thời gian từ năm 2018-2022, Khoa Văn học, Trường ĐH KHXH-NV (ĐH Quốc gia Hà Nội) đã sụt giảm 13 cán bộ ở trình độ tiến sĩ trở lên, trong đó, số lượng phó giáo sư, giáo sư đến tuổi nghỉ chế độ là 8. Năm 2023, tiếp tục sẽ có 3 cán bộ trình độ phó giáo sư, giáo sư nghỉ theo chế độ. Trong khi đó, từ năm 2016-2022, số lượng cán bộ đạt chuẩn phó giáo sư chỉ thêm được 3 người và đây cũng là đội ngũ phó giáo sư hiện có trong tổng số giảng viên tại khoa. Con số này phản ánh thực trạng việc củng cố, phát triển đội ngũ chuyên gia không theo kịp đà suy giảm lực lượng này.

Nếu xét trên phạm vi toàn quốc, có thể thấy tình hình các ứng viên đạt chuẩn giáo sư và phó giáo sư thuộc các ngành KHCB lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn từ năm 2018 đến nay quá khiêm tốn. Với ngành Văn học, tính từ năm 2018, con số ứng viên đạt chuẩn lần lượt là: 4 (năm 2019), 2 (năm 2020), 0 (năm 2021), 3 năm (2022). Trong khi, Hội đồng liên ngành Sử học - Khảo cổ học - Dân tộc học - Nhân học, số ứng viên đạt chuẩn theo các năm lần lượt là: 4 (năm 2019), 1 (năm 2020), 2 (năm 2021), 2 (năm 2022); ngành Triết học: 0 (năm 2019), 1 (năm 2020), 0 (năm 2021), 1 (năm 2022); ngành Ngôn ngữ học: 3 (năm 2019), 0 (năm 2020), 2 (năm 2021), 2 (năm 2022).

* GS-TS VÕ VĂN SEN, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chất lượng và Chính sách quốc gia (Trường ĐH KHXH-NV - ĐH Quốc gia TPHCM): Công bố quốc tế của các ngành khoa học xã hội khá khiêm tốn

Trong những năm gần đây, các nỗ lực thúc đẩy công bố quốc tế đã góp phần cải thiện vị thế của các trường đại học Việt Nam. Nếu năm 2009, cả nước công bố 1.768 bài báo khoa học quốc tế thì đến năm 2021, Việt Nam đã có 18.381 bài báo quốc tế được công bố, vào tốp 50 thế giới (năm 2022). Tuy nhiên, phân tích số liệu cho thấy, các ngành khoa học xã hội công bố quốc tế còn khá khiêm tốn so với các ngành thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên. Do đó, đầu tư nâng cao năng lực nghiên cứu và giảng dạy của đội ngũ các nhà khoa học, giảng viên của các viện, trường đại học có đào tạo các ngành KHCB là một vấn đề cấp thiết, cần một hệ thống giải pháp đồng bộ về chính sách lẫn phương diện tài chính.

* PGS-TS PHẠM BẢO SƠN, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội: Nguy cơ thiếu hụt nhân lực

Nhiều năm nay, nhìn vào tình hình tuyển sinh các ngành KHCB, chúng ta thường nghe “điệp khúc” khó tuyển sinh so với những ngành “hot”, thậm chí một số ngành tuyển bằng điểm sàn, có nhiều cơ hội học bổng nhưng vẫn không thu hút được người học. Theo thống kê, năm 2022 các ngành khoa học xã hội giảm 2,3% so với 2021; Toán và thống kê giảm 2,3%; Ngoại ngữ - ngôn ngữ học - văn chương giảm 6,2%... Trong khi, một số ngành khoa học mang tính ứng dụng lại gia tăng: Công nghệ thông tin tăng 7,8%; Tâm lý học tăng 4,7%, các chương trình liên ngành tăng 4,4%, công nghệ truyền thông tăng 22,3%. Sự chênh lệch từ tuyển sinh đầu vào có thể dẫn tới nguy cơ thiếu hụt nhân lực cho một số ngành KHCB được coi là xương sống của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tin cùng chuyên mục