Bất cập trường nghề tự chủ dạy văn hóa

Tuyển sinh, dạy nghề đã khó, các trường nghề lại kiêm thêm dạy văn hóa nên còn nhiều bất cập. Điều này cần được tháo gỡ sớm để tạo điều kiện cho các trường nghề phát triển và học sinh trường nghề không bị thua thiệt.

Quy định tréo ngoe

Hoàng Thị Mỹ Linh (15 tuổi, ngụ quận 12, TPHCM) năm lớp 9 năm học 2022-2023 đạt học lực tiên tiến, nhưng rất tiếc kết quả thi lớp 10 không đậu nguyện vọng nào. Ngay trong tháng 7, Linh tới Trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành đăng ký học ngành điều dưỡng hệ 9+ (chương trình đào tạo hệ trung cấp hoặc cao đẳng liên thông từ trung cấp cho học sinh tốt nghiệp THCS). Thời gian học chỉ 2,5-3,5 năm, nhưng học sinh vừa có bằng tốt nghiệp THPT hệ giáo dục thường xuyên vừa có bằng trung cấp nghề. Tuy nhiên, Mỹ Linh cũng như hàng ngàn học sinh đang theo học hệ 9+ có cùng nỗi lo là vừa học nghề, vừa học văn hóa hệ giáo dục thường xuyên thì cơ hội liên thông lên cao đẳng, đại học khó thực hiện được.

Hiện nay, việc dạy văn hóa trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) theo Thông tư 15/2022 (Thông tư 15) của Bộ GD-ĐT có hiệu lực từ 24-12-2022, tưởng được “gỡ” nhưng thực tế tồn tại nhiều bất cập. Cụ thể, Thông tư 15 quy định giao các trung tâm GDNN - giáo dục thường xuyên (GDTX) giảng dạy; cơ sở GDNN không được tự giảng dạy mà phải liên kết với các trung tâm để thực hiện. “Điều này vô tình đẩy các cơ sở GDNN vào cảnh “tréo ngoe” bởi hệ thống trung tâm với chỉ tiêu biên chế giáo viên ít, có trung tâm không tuyển được giáo viên, cơ sở vật chất chưa được đầu tư đồng bộ. Do vậy, các cơ sở GDNN rơi vào thế bị động và chất lượng đào tạo cũng bị ảnh hưởng.

Với cơ sở GDNN hội đủ các điều kiện, thông tư nêu rõ, trường nghề được chủ động giảng dạy không cần xin phép, nhưng phải bảo đảm các điều kiện của bộ. Nếu trong quá trình giảng dạy có sai phạm thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”, ThS Nguyễn Khắc Thương, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Tây Sài Gòn, cho biết.

Sinh viên Trường Cao đẳng Hà Nội trong một buổi học thực hành

Sinh viên Trường Cao đẳng Hà Nội trong một buổi học thực hành

Lãnh đạo một số trường nghề phản ánh: Nếu có nguyện vọng thi tốt nghiệp THPT, học sinh đã hoàn thành chương trình văn hóa 4 môn tại cơ sở GDNN cần học thêm những gì, học bao lâu… thì đạt yêu cầu để thi lấy bằng tốt nghiệp THPT? Những em theo học chương trình GDTX cấp THPT (7 môn), sau khi được chứng nhận hoàn thành chương trình, các em có thể đăng ký thi tốt nghiệp THPT nếu có nhu cầu. Tuy nhiên, các em sẽ rất thiệt thòi khi thi tốt nghiệp cùng với học sinh các trường THPT khác. Đầu vào khác nhau, quá trình đào tạo khác nhau, nhưng đầu ra thi như nhau là một khó khăn đối với học sinh trường nghề.

Gỡ khó cho trường nghề

Theo thống kê của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTB-XH), cả nước hiện có 1.888 cơ sở GDNN với mức trung bình tuyển sinh 2 triệu người học/ năm, theo học hệ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp. Tính riêng giai đoạn 2016-2020, số học sinh tốt nghiệp THCS vào học GDNN đạt 980.620 học sinh, tương ứng mỗi năm có trên 196.000 học sinh tốt nghiệp THCS vào học trình độ trung cấp.

Theo TS Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN, hiện có 897 ngành, nghề ở trình độ trung cấp mà học sinh tốt nghiệp THCS có thể theo học. Hầu hết đều là những ngành, nghề có nhu cầu nhân lực cao, đa dạng ở nhiều lĩnh vực khác nhau như nghệ thuật, kinh doanh và quản lý, công nghệ kỹ thuật, sản xuất và chế biến, nông lâm nghiệp và thủy sản, du lịch và khách sạn, sức khỏe…

Như vậy, học sinh lựa chọn ngành, nghề phù hợp với năng lực, sở trường và đam mê của bản thân hoàn toàn có cơ hội gia nhập vào thị trường lao động ngay sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, để việc hướng nghiệp, phân luồng thực hiện tốt hơn và thu hút học sinh học nghề nhiều hơn, nhất là với đối tượng tốt nghiệp THCS vào học GDNN, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp mong muốn các cơ sở GDNN khi đáp ứng các điều kiện đảm bảo giảng dạy chương trình GDTX cấp THPT thì được tổ chức giảng dạy các môn văn hóa tại trường, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh không phải đến Trung tâm GDTX để học, tiết kiệm chi phí.

“Tổng cục đã đề xuất Bộ GD-ĐT 3 nội dung gồm: hướng dẫn cụ thể việc cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông khi các cơ sở GDNN đảm bảo các quy định theo Thông tư 15, thực hiện dạy chương trình GDTX cấp THPT tại trường nghề; phân cấp cho các Sở GD-ĐT chủ trì, phối hợp với Sở LĐTB-XH địa phương, thẩm định hồ sơ của các trường nghề đảm bảo giảng dạy chương trình GDTX cấp THPT theo quy định và hướng dẫn của Bộ GD-ĐT; hướng dẫn về kinh phí tổ chức chương trình GDTX cấp THPT và cấp THCS đối với các cơ sở GDNN”, TS Phạm Vũ Quốc Bình cho biết thêm.

Tin cùng chuyên mục