Võ Tấn Thành

Bắt đầu bằng lời hứa với mẹ

Bắt đầu bằng lời hứa với mẹ

Trong cuộc đời, thành công của mỗi người có thể bắt đầu từ một bước ngoặt hoặc sự may mắn, riêng sự thành công của anh Võ Tấn Thành – chủ nhà hàng Lộc Ấn và thương hiệu thời trang Thủy Tiên, lại xuất phát từ lời hứa với mẹ.

  • Kinh doanh cái ăn, cái mặc phải tinh tế
Bắt đầu bằng lời hứa với mẹ ảnh 1

Anh Võ Tấn Thành. Ảnh: TẤN VIỆT

Gần 15 năm trước (năm 1992), chàng trai Võ Tấn Thành vừa tròn 20 tuổi (sinh năm 1972), từ đảo Phú Quốc đặt chân vào đất Sài Gòn học đại học với nhiều bỡ ngỡ. Biết gia đình mình không mấy khá giả, lại đông anh em (8 người, anh là út), nên ngày ra đi, Thành hứa với mẹ: “Trong năm học đầu con nhờ mẹ lo cho tiền ăn học, sau đó con sẽ tự lập”.

Để giữ như lời hứa với mẹ, khi học năm thứ nhất khoa Quản trị Kinh doanh, Đại học Kinh tế TPHCM, Võ Tấn Thành xin vào làm cho một công ty của Nhật chuyên về thương mại, xuất nhập khẩu.

Anh bộc bạch: “Đây là thời gian quý báu nhất bởi không gì tốt bằng được áp dụng kiến thức vừa học ở trường vào công việc, vừa có thu nhập và đặc biệt là rút ra những kinh nghiệm hữu ích mà sau này giúp tôi rất nhiều trong kinh doanh”.

Sau khi tốt nghiệp, với số vốn tích góp được trong 4 năm làm việc cho công ty Nhật và mượn thêm bạn bè, anh Thành cùng một người chị làm trong ngành thời trang quyết định mở cơ sở phân phối thời trang cao cấp nước ngoài lấy thương hiệu Thủy Tiên. 10 năm trước đây, việc mua một cái áo giá hơn một triệu đồng là chuyện xa xỉ với rất nhiều người nhưng anh Thành vẫn quyết định mở một chuỗi cửa hàng thời trang cao cấp ngoại vì thấy người Sài Gòn bắt đầu hội nhập, nhất là giới trẻ khá sành điệu. Nắm bắt đúng nhu cầu nên anh đã thành công. Đến năm 2002, anh đã có hơn 10 shop thời trang ở các thành phố lớn như: TPHCM, Hà Nội, Vũng Tàu...

Anh Thành cho rằng, làm kinh doanh, nhất là kinh doanh cái ăn, cái mặc phải tinh tế. Mỗi mùa Tết, anh đều gửi thiệp thiết kế riêng đến từng khách hàng, đó cũng là cách để nắm được thông tin: nếu thiệp bị trả lại là khách đã chuyển địa chỉ. Bạn bè của anh nhận xét: Thành là người sống rất tốt, hết lòng với bạn bè, luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người. Vì vậy bạn bè luôn ủng hộ và chia sẻ với Thành trong mọi công việc.

  • Chuyển hướng đúng lúc

Đang kinh doanh thời trang cao cấp, anh chuyển sang kinh doanh ẩm thực. Anh nói: “Mình phải biết chuyển hướng đúng lúc. Khi thời trang bão hòa, tôi chuyển qua ẩm thực vì ăn ngon, mặc đẹp là nhu cầu tất yếu của con người”. Năm 2002, anh mở nhà hàng Lộc Ấn ở đường Nguyễn Thị Diệu (Q3) và sau đó ở đường Nguyễn Thái Bình (Q.Tân Bình) chuyên bán thịt dê cao cấp.

Khi được hỏi “Anh bán thứ gì cũng cao cấp, có phải do anh không “thèm chơi” với người bình dân?”, anh nói ngay: “Không, không phải vậy. Mỗi người có ý tưởng kinh doanh khác nhau. Tôi phải định vị sản phẩm và đối tượng khách của mình nên chọn hướng đi riêng để tạo thương hiệu khác biệt”.

Anh giải thích thêm, thịt dê thì quá thông dụng và ở Sài Gòn có hàng trăm quán dê, nhiều nơi đã nổi tiếng, tuy nhiên chưa có một quán dê cao cấp mà ở đó khách vừa thỏa mãn thú ăn thịt dê vừa có thể trò chuyện, bàn công việc làm ăn, đãi khách… Hai quán ăn của anh đều thiết kế một số phòng lạnh nhưng thịt dê vẫn không mất hương vị vì bí quyết xử lý thức ăn và môi trường của nhà hàng.

Anh “bật mí”, thường khi mở một quán ăn, người chủ phải chịu lỗ từ 3 đến 6 tháng, thậm chí cả năm trời, nhưng ba tháng đầu khai trương Lộc Ấn lại thành công nhất, đông khách nhất và cũng lãi nhiều nhất.

Khi các món dê Lộc Ấn đã định hình, anh Thành tiếp tục bán đặc sản Phú Quốc. “Tôi bán đặc sản quê hương không chỉ để kiếm lời mà vì tôi quá nhớ quê, nhớ món ăn Phú Quốc và cũng để giới thiệu cho mọi người biết quê tôi có nhiều món ăn phong phú. Hơn nữa, tôi muốn Lộc Ấn trở thành điểm hẹn của người Phú Quốc ở Sài Gòn”, anh trần tình. Đặc sản biển thì nhiều nơi có nhưng để có cái “cho người ta nhớ”, anh “gút” lại 4 loại đặc sản ngon của Phú Quốc: mực, cá bóp, cá nhồng, cá trích. Ở Lộc Ấn nổi tiếng nhất là món cá trích tái chanh ăn với rau rừng. Để đảm bảo món này có hương vị riêng, các loại rau rừng, bánh tráng anh Thành đều đem từ Phú Quốc vào bằng máy bay.

  • Nặng lòng với quê hương

“Anh tự cho rằng luôn yêu quê anh – Phú Quốc, vậy sao anh vẫn “bám” Sài Gòn để sống?”, tôi hỏi. “Không, tôi không ở Sài Gòn lâu, tôi sẽ về Phú Quốc. Hiện giờ, những lúc buồn, tôi lại âm thầm xách vali về Phú Quốc mà không cho ai biết, nằm dài trên bãi biển từ sáng đến chiều tối. Sau mỗi lần như vậy, đất mẹ hun đúc, truyền cho tôi thêm sức sống, hơi thở mới để tiếp tục công việc”. Anh cũng tự nhận mình là người “ích kỷ” chỉ tắm biển Phú Quốc, còn khi đến các vùng biển khác với bạn bè thì chỉ tắm “xã giao”. “Sự ích kỷ ấy cũng chẳng cần giải thích vì ai cũng có một quê hương để yêu, để chia sẻ”, anh cười sảng khoái.

Anh Thành cho hay, mai này về Phú Quốc, anh sẽ đầu tư một resort cao cấp, bài bản. Với tính cẩn thận, ngay từ bây giờ anh đã chuẩn bị, để khi bắt tay vào công việc xây dựng resort, mọi thứ đều đâu vào đấy. “Nhưng những người thích sự hoàn hảo thường khó tính, có phải vì vậy mà cho đến giờ anh vẫn “phòng không”?”, tôi hỏi tiếp. Anh cười thật tươi: “Không, sự hoàn hảo chỉ để tạo ra dịch vụ, sản phẩm có chất lượng tốt nhất cho mọi người, vậy thôi. Tôi dự định sẽ lập gia đình trong năm nay”.

Đã 5 năm nay, mỗi mùa tựu trường, anh Thành lại về Phú Quốc tài trợ cho các em học sinh nghèo hiếu học ở trường Dương Đông 1 và Dương Đông 2. Mỗi năm, tùy khả năng tài chính, anh tài trợ bình quân từ 30 – 40 em/năm, mỗi suất học bổng từ 600.000 – 800.000 đồng.

NGUYỄN TẤN VIỆT

Tin cùng chuyên mục