Cầu thủ gốc Á tại xứ sở sương mù

Bắt đầu gõ cửa tương lai

Bắt đầu gõ cửa tương lai

Khi Viv Anderson lần đầu tiên khoác áo tuyển Anh trong trận đối đầu với Tiệp Khắc (cũ) vào năm 1978, anh đã trở thành người tiên phong của các cầu thủ da đen tại Anh.

Trong 27 năm tiếp theo, hàng trăm cầu thủ da đen đã “xung phong” chinh phục bóng đá đỉnh cao tại Anh. Trong số đó, những John Barnes, Les Ferdinand, Ian Wright và Sol Campbell trở thành những người trội hơn hết khi được vinh dự khoác áo tuyển Anh.

Đội hình của tuyển Anh trong trận giao hữu gặp Hà Lan gần đây có sự hiện diện của 8 cầu thủ da đen. Đó là một bằng chứng tiêu biểu cho sự hội nhập của các cầu thủ da đen vào bóng đá Anh trong vài năm trở lại đây.

Tuy nhiên, hiện tại, khi cộng đồng người châu Á sống tại Anh là rất lớn – 3 triệu người, chiếm 3,5% dân số – họ vẫn gần như không có đại diện trong môn thể thao phổ biến nhất thế giới này.

Zesh Rehman, cầu thủ người Anh gốc Pakistan.
Zesh Rehman, cầu thủ người Anh gốc Pakistan.

Cùng với tư tưởng phân biệt chủng tộc vẫn còn tồn tại trong môi trường bóng đá chuyên nghiệp, những quan niệm kiểu Á châu về văn hóa và gia đình được nêu ra như là lý do lớn ngăn cản khả năng hội nhập của cộng đồng người châu Á với bóng đá.

Những người Anh gốc Á – số người chuyên chơi bóng ở trình độ chuyên nghiệp – chỉ có thể được đếm trên năm đầu ngón tay và chỉ có một người duy nhất đá tại Premier League.

Cầu thủ đang thi đấu cho Fulham, Zesh Rehman, đã ra sân trong trận gặp Liverpool ở mùa trước và từ khi được biết đến như một tiền vệ phòng ngự của câu lạc bộ thuộc thủ đô London, tên anh đã trở thành tiêu đề cho nhiều tạp chí.

Hậu vệ 21 tuổi, gốc Pakistan, nhưng sinh ra tại Birmingham này là một tiêu biểu cho cầu thủ trẻ tại Anh và Liên đoàn bóng đá Anh (FA). Hy vọng anh có thể trở thành kiểu mẫu cho người châu Á trên khắp đất nước.

Rehman phát biểu trên trang Web của FA: “Nếu những đứa trẻ khác xem tôi như là một biểu tượng kiểu mẫu, điều đó thật tuyệt vời. Tôi nghĩ, có quá nhiều chuyện ngăn cản người gốc Á hội nhập với bóng đá. Một trong số đó không có biểu tượng kiểu mẫu để người ta hướng theo”.

Những cầu thủ châu Á khác thật sự cũng đang bắt đầu tập tễnh bước vào môn thể thao quốc gia. Ở khu Tower Hamlets thuộc London, nơi ở của nhiều người gốc Bangladesh thế hệ thứ 2 hoặc thứ 3, một đội bóng với các cầu thủ gốc Á đang bắt đầu bước những bước đầu tiên trên con đường bóng đá của mình.

Ông Suroth Miah, chủ của đội Sporting Bengal – một đội bóng gồm người Bengali tại Anh – cho biết: “Rất nhiều đứa trẻ thuộc cộng đồng châu Á đang chơi bóng đá trẻ. Điểm khác biệt hiện thời là rất nhiều đứa trẻ trong số đó là gốc Á thuộc thế hệ thứ 3, thứ 4 và chúng đã mang lại sự thay đổi trong văn hóa bóng đá.

Cha mẹ trở nên quan tâm hơn và nhiều người gốc Á bắt đầu được đưa đến các khóa huấn luyện. Có rất nhiều cầu thủ gốc Á trong các học viện bóng đá và điều đó có thể làm gia tăng số lượng người tham gia”.

Hiện tại, nhiều câu lạc bộ chuyên nghiệp bắt đầu quan tâm đến các cầu thủ gốc Á, trong đó đội hạng nhì West Ham United dẫn đầu với một chương trình bóng đá cộng đồng.

Rehman đang phấn đấu để được gọi vào đội tuyển. Anh đã và đang chơi rất tốt tại Fulham. Có thể anh sẽ được gọi nhưng chí ít cũng phải đến World Cup 2010. Nếu điều đó xảy ra, anh có thể trở thành một trong nhiều cầu thủ gốc Á gõ cửa tương lai.

HOÀNG DƯƠNG

.

Tin cùng chuyên mục