Nhộn nhịp dòng vốn ngoại
2017 là năm khá thành công của các nhà đầu tư BĐS trong nước lẫn quốc tế tại thị trường Việt Nam. Những cơ hội đầu tư mà các nhà phát triển BĐS ngoại hướng tới được phân loại theo cấp độ đầu tư, theo công ty hoặc dự án hoặc cấp độ kinh doanh trên thị trường chứng khoán. Báo cáo của Công ty Nghiên cứu và tư vấn BĐS Savills Việt Nam cho thấy, năm 2017, tổng vốn đầu tư nước ngoài, kể cả vốn đăng ký mới, tăng vốn và góp vốn cổ phần của các nhà đầu tư ngoại đạt 35,9 tỷ USD, tăng 44,4% so với cùng kỳ năm 2016. Vốn FDI tập trung ở 19 ngành, trong đó, kinh doanh bất động sản đứng thứ 3 với 3,05 tỷ USD.
Đại diện Công ty Tư vấn dịch vụ BĐS Colliers International - Việt Nam cũng cho hay, trong năm 2017, ước tính giá trị các thương vụ chuyển nhượng, M&A (mua bán, sáp nhập) trong ngành BĐS đạt 8 tỷ USD. Phần lớn các giao dịch đã diễn ra tại Hà Nội và TPHCM. Khảo sát của Công ty Tư vấn BĐS JLL cũng cho biết, hiện có hàng trăm triệu USD đang chờ đợi để đổ vào thị trường BĐS trong nước ở hầu hết các phân khúc, bao gồm nhà ở, văn phòng, bán lẻ, khách sạn và khu công nghiệp. Các nhà đầu tư đến từ nhiều quốc gia khác nhau như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và sự tăng trưởng của các nhóm nhà đầu tư đến từ Trung Quốc. Thực tế cho thấy, những năm qua, thị trường BĐS Việt Nam đã chứng kiến sự tham gia khá mạnh mẽ của các nhà đầu tư đến từ Singapore, Hồng Công (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc..., trong khi ở thời điểm trước đó, mục tiêu chỉ xoay quanh việc thăm dò, tìm kiếm cơ hội.
Năm 2017 còn là năm sôi động của M&A trong lĩnh vực BĐS tại Việt Nam. Cụ thể như tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2, TPHCM, đã có một số thương vụ lớn, có thể kể đến như liên doanh giữa Kongkong Land (HKL) và Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM (CII) với bản hợp đồng hợp tác phát triển dự án Thủ Thiêm River Park. CapitaLand cũng công bố mua lại dự án căn hộ với diện tích đất 1,45ha tại quận 4 với 40 triệu USD. Giao dịch này đã nâng số lượng dự án nhà ở của CapitaLand tại TPHCM lên 9 dự án và là dự án thứ 11 tại Việt Nam.
Nhiều chuyên gia cũng nhận định, dòng vốn ngoại vào thị trường BĐS Việt Nam đang có xu hướng ngày càng tăng, đem lại rất nhiều lợi ích. Cụ thể, sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài sẽ đem lại nguồn lực phát triển bổ sung, giúp đẩy nhanh hơn nữa quá trình tăng trưởng cho thị trường BĐS. Sự hiện diện của các nhà đầu tư ngoại sẽ giúp thị trường BĐS Việt Nam phát triển chuyên nghiệp và tiệm cận hơn với các nước phát triển trong khu vực.
Bên cạnh đó, sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ làm tăng tính cạnh tranh, từ đó đem lại nhiều lợi ích hơn cho người sử dụng, người mua nhà khi các doanh nghiệp phải tích cực tìm kiếm cho mình các giải pháp mới, không ngừng cải tiến hoạt động kinh doanh và sản phẩm. Cùng với đó, việc hợp tác, liên kết với các nhà đầu tư nước ngoài sẽ giảm áp lực lệ thuộc nguồn vốn ngân hàng của doanh nghiệp BĐS. Hệ thống tài chính - ngân hàng sẽ có thể sử dụng nguồn vốn cho các lĩnh vực khác như nông nghiệp, sản xuất, dịch vụ, thay vì tập trung vào khu vực phát triển BĐS, vốn được cho là lĩnh vực nhiều rủi ro.
Sôi động M&A trong năm 2018
Nhận định về dòng vốn, đại diện một số công ty tư vấn quản lý BĐS cho biết, dự kiến trong quý 1-2018 sẽ có nhiều dự án lớn giới thiệu ra thị trường như dự án Gamuda - giai đoạn 4, Dahlia Homes, nhà phố Him Lam Shophouse, Starlake - giai đoạn 2. Dự báo giá bán BĐS sẽ theo xu hướng tăng do sự chuyển biến tích cực của thị trường, nhu cầu ngày càng tăng và chất lượng dự án tốt hơn. Ngoài ra, với sự mở cửa ngày càng sâu rộng của Việt Nam, các hiệp định hợp tác như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), trong đó có Trung Quốc và các thành viên của khối ASEAN tham gia, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU sẽ tiếp tục thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực BĐS.
Liên quan đến “khẩu vị” của dòng vốn ngoại trong thời gian tới, Công ty Tư vấn BĐS JLL cho biết, thông thường phân khúc nhà ở vẫn là thị trường hấp dẫn nhất đối với các hoạt động M&A. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư hiện nay đang có xu hướng chuyển sang thị trường BĐS thương mại, đặc biệt tập trung vào các dự án văn phòng hạng A có vị trí đắc địa, tiềm năng tăng trưởng về giá trị vốn và lợi suất đầu tư 7% - 8%. Đại diện Công ty JLL nhận định, mức giá thuê văn phòng tại Việt Nam đang cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực, phản ánh sự thiếu hụt nguồn cung.
Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng cho thấy sự quan tâm đặc biệt đối với những dự án khách sạn. Riêng với dự án nhà ở và thương mại, các nhà đầu tư nước ngoài thường tìm kiếm những khu “đất sạch”, khu đất đã hoàn thành thủ tục bồi thường, giải phóng mặt bằng, hoàn tất thanh toán chi phí sử dụng đất, có quyền sử dụng đất và kế hoạch phát triển tốt. Tuy nhiên, những dự án như trên đang khá hiếm.
Theo các chuyên gia của Công ty JLL, thị trường BĐS Việt Nam đang đón nhận nhiều luồng quan tâm mạnh mẽ đến từ các nhà đầu tư nước ngoài và kỳ vọng xu hướng này sẽ tiếp diễn trong thời gian sắp tới. Đánh giá tổng thể thị trường, Công ty JLL cho rằng, các phân khúc BĐS vẫn đang trên đà phát triển như mong đợi. Phân khúc khách sạn luôn thu hút được sự quan tâm trong thời gian qua với nhiều nguồn vốn từ nước ngoài được đổ vào Việt Nam.
Từ đó, Công ty JLL đưa ra dự báo xu hướng này sẽ tiếp tục phát triển, đồng thời những thị trường khác như khu công nghiệp và giáo dục cũng không ngừng tăng trưởng. Thị trường nhà ở bình dân được đánh giá là phân khúc thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư, chủ yếu nhờ vào sự gia tăng của tầng lớp trung lưu. Hoạt động M&A tại Việt Nam sẽ ghi nhận mức kỷ lục mới trong năm 2018.