Mặc dù thừa cân, béo phì nhưng trẻ em Việt Nam vẫn thiếu vi chất dinh dưỡng. Trong khi đó, thừa cân - béo phì có nguy cơ cao về vấn đề sức khỏe sau này như gây rối loạn chuyển hóa, tăng huyết áp, đái tháo đường…, ảnh hưởng đến sự tăng trưởng, phát triển của trẻ về thể chất và trí tuệ, làm giảm chất lượng cuộc sống, tăng gánh nặng bệnh tật và thậm chí tăng tỷ lệ tử vong.
Béo phì vẫn thiếu… vi chất
Theo khảo sát của Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, về đặc điểm khẩu phần ăn của một số trường tiểu học tại TPHCM cho thấy, lượng tiêu thụ thịt các loại trung bình mỗi ngày gần 160g, trong khi khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng quốc gia là chỉ khoảng 50g/ngày. Tức là khẩu phần thịt đã gấp 2 đến 3 lần so với mức khuyến cáo dinh dưỡng.
“Thịt có nhiều chất đạm, cung cấp năng lượng cho cơ thể. Tuy nhiên, nếu dư thừa đạm, đặc biệt đạm động vật có thể dẫn đến một số bệnh như gút, rối loạn mỡ máu, béo phì”, bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, khuyến cáo.
Trong khi ngược lại, lượng rau tiêu thụ rất ít. Riêng rau các loại, Bộ Y tế khuyến nghị học sinh tiểu học nên ăn 200g - 300g rau mỗi ngày. Tuy nhiên, kết quả khảo sát khẩu phần rau hàng ngày trung bình của học sinh chỉ gần 170g, mặc dù về mặt dinh dưỡng, rau cung cấp nhiều vitamine và chất xơ. Trẻ thiếu vitamine dễ có nguy cơ chậm phát triển thể chất, chậm chạp, hay buồn ngủ…
Khảo sát còn cho thấy tất cả học sinh ăn đủ 3 bữa chính (sáng, trưa và chiều tối). Tuy nhiên, bữa ăn chiều tối của học sinh cung cấp quá nhiều năng lượng làm tăng quá trình tích lũy mỡ vào cơ thể, dẫn đến nguy cơ thừa cân, béo phì…
Cần cân bằng dinh dưỡng để tránh béo phì cho trẻ. (Ảnh mang tính minh họa)
GS-TS Lê Thị Hợp, Hội Dinh dưỡng Việt Nam, nhìn nhận thực trạng thừa cân, béo phì từ trẻ em tuổi tiền học đường và học đường đến tuổi trưởng thành đang gia tăng ở Việt Nam, đặc biệt ở các thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội. Tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi ở TPHCM đã gia tăng gấp 3 lần trong hơn 10 năm qua, từ 3,7% (năm 2000) lên 11,5% (năm 2013) và tỷ lệ thừa cân, béo phì ở học sinh phổ thông tại TPHCM tăng gấp đôi, từ 11,6% (năm 2002) lên 21,9% (năm 2009).
Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, tuy thừa cân nhưng trẻ em Việt Nam không khỏe, thậm chí còn suy dinh dưỡng do thiếu vi chất. Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, điều tra mới đây cho thấy, tỷ lệ thiếu máu dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi là 29,2%, ở phụ nữ tuổi sinh đẻ là 28,8%. Nguyên nhân chính của thiếu máu là do thiếu sắt. Tình trạng thiếu hụt iod cũng rất đáng quan tâm khi tỷ lệ hộ gia đình sử dụng muối iod trong cả nước còn thấp (chỉ 69,5%), hậu quả là có khoảng 1/2 phụ nữ có thai và trẻ em bị thiếu iod tiền lâm sàng ở mức độ nhẹ và trung bình. Mặc dù đã thanh toán cơ bản tình trạng thiếu vitamine A có biểu hiện lâm sàng, nhưng tỷ lệ thiếu vitamine A tiền lâm sàng ở trẻ em dưới 5 tuổi còn 14,2%.
Nguy cơ bệnh tật
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, béo phì được coi là một bệnh mãn tính, nó không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn đe dọa trực tiếp đến sức khỏe con người. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc thừa cân như yếu tố môi trường, xã hội và cả yếu tố di truyền, nhưng đa phần là do mất cân bằng giữa ăn vào và tiêu hao. Béo phì nếu không được kiểm soát và điều trị đúng đắn sẽ có nhiều biến chứng như: xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, bệnh nhồi máu cơ tim, đái tháo đường, suy nhược sinh dục...
Theo điều tra của Viện Dinh dưỡng quốc gia, hiện nay tỷ lệ béo phì đã xấp xỉ 10% dân số toàn quốc, cá biệt có địa phương tỷ lệ cao gần 30%. Theo PGS-TS Lê Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện dinh dưỡng quốc gia, cơ cấu khẩu phần ăn của trẻ em thay đổi cả về lượng và chất, đã có xu hướng giảm chất bột, tăng chất đạm và chất béo. Điều này, làm tăng nguy cơ thừa dinh dưỡng dẫn đến thừa cân, béo phì. Thống kê của viện cho thấy, một điều báo động là có đến 15% bà mẹ không biết con mình thừa cân và 30% biết nhưng không quan tâm đến việc giảm cân cho trẻ.
TS-BS Trần Bá Thoại, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nội tiết Việt Nam, cho biết hơn 90% trường hợp thừa cân béo phì có nguyên nhân nguyên phát chủ yếu từ môi trường, cách nuôi dưỡng, một số rất ít do các nguyên nhân thứ phát như: di truyền, nội tiết, thần kinh, thuốc...
Ngoài ra, qua nghiên cứu tình trạng thừa cân, béo phì ở học sinh cho thấy, nguy cơ trẻ thừa cân, béo phì do xem ti vi và chơi game trên 3 giờ/ngày cao hơn gần 3 lần so với trẻ không chơi game, xem ti vi hoặc chơi và xem ít hơn 3 giờ/ngày.
Ngược lại, trẻ thường xuyên vận động hay ăn trái cây và rau quả sẽ giảm 70% nguy cơ thừa cân, béo phì so với trẻ không ăn hoặc ít ăn rau và lười vận động. “Môi trường học tập thiếu không gian vận động, trang thiết bị công nghệ gia đình hiện đại đang khiến học sinh ít vận động hơn. Hầu hết các em nhỏ 4 - 9 tuổi bị thừa cân, béo phì mất đến 2 giờ mỗi ngày không vận động gì và tiêu thụ năng lượng cao hơn khuyến nghị”, một chuyên gia nhìn nhận.
Theo bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, lối sống hiện đại ít vận động, lại dồi dào thịt cá, bơ sữa đang khiến các thế hệ trẻ rơi vào thừa cân - béo phì. Đây cũng là căn nguyên của hàng loạt bệnh tật khác khiến hạn chế năng suất lao động, suy giảm chất lượng giống nòi và tăng gánh nặng cho xã hội.
TƯỜNG LÂM