Bất ngờ với tỷ lệ tiếp công dân của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương

Cơ quan thanh tra của Chính phủ cho rằng, giai đoạn 2011-2019, việc tiếp công dân định kỳ của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương chỉ đạt 5,6% so với quy định. Một số nơi tiếp công dân định kỳ đạt tỷ lệ rất thấp, trong khi địa phương có nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp.

Ngày 29-9, Thanh tra Chính phủ có thông báo kết luận thanh tra trách nhiệm việc thực hiện pháp luật trong công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng; công tác quản lý, sử dụng đất đai, quản lý đầu tư xây dựng; việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở; thanh tra các dự án, công trình có dấu hiệu vi phạm pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị và thanh tra việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại khu vực đô thị trên địa bàn tỉnh Bình Dương (thời kỳ 2011 - 2019).

Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương

Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương

Kiểm tra việc chấp hành pháp luật tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo của địa phương này, Thanh tra Chính phủ cho rằng, nhiều đơn vị tiếp công dân định kỳ rất thấp như TP Dĩ An, huyện Bàu Bàng. Đặc biệt, có 7/11 đơn vị cấp sở của tỉnh này trong suốt thời gian thanh tra, người đứng đầu đơn vị không tiếp công dân định kỳ. Việc này, trách nhiệm thuộc về Chủ tịch UBND tỉnh, thủ trưởng các địa phương, đơn vị.

Bên cạnh đó, việc công khai, minh bạch trong công tác mua sắm, đầu tư xây dựng cơ bản hầu hết chưa đầy đủ, các vi phạm phổ biến được cơ quan thanh tra chỉ ra như chưa công khai nội dung; vi phạm trong việc lập hồ sơ mời thầu; vi phạm điều cấm trong luật đấu thầu. Trong công tác tuyển dụng có vi phạm ở hầu hết các đơn vị được kiểm tra, trong đó sai phạm chủ yếu về trình tự, thủ tục trong tuyển dụng, tổ chức phúc khảo.

Cơ quan thanh tra cũng chỉ rõ việc thực hiện chuyển đổi vị trí công tác còn mang tính hình thức; trong đó, xác định 100% các đơn vị được kiểm tra không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ theo quy định. Việc kê khai tài sản, thu nhập còn mang tính hình thức. Cụ thể, có 52,4 % số đơn vị, địa phương được kiểm tra có vi phạm về việc lập, phê duyệt danh sách người có nghĩa vụ phải kê khai; 95,2% vi phạm về lập sổ giao nhận bản kê khai; 85,7% vi phạm về kế hoạch công khai bản kê khai; 90,5% vi phạm về việc công khai.

Kết luận về công tác quản lý, sử dụng đất và triển khai các dự án, Thanh tra Chính phủ cho rằng, qua thanh tra 12 dự án đã phát hiện phương án giá đất cụ thể của 5 dự án tính toán chưa chính xác (xác định tổng doanh thu phát triển giả định ước tính và tổng chi phí phát triển giả định ước tính chưa đúng), cơ quan thanh tra đề nghị cần phải tổ chức xác định lại giá đất để thu đúng, thu đủ, tránh thất thoát ngân sách nhà nước.

Đặc biệt, UBND tỉnh, các tổ chức được giao quản lý quỹ đất công chưa quản lý chặt chẽ quỹ đất công được giao quản lý; vẫn còn tình trạng một số thửa đất công bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích, gây lãng phí tài sản của nhà nước; chậm xây dựng phương án sử dụng đất trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; chậm lập, phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý tài sản công dẫn đến chưa phát huy hết hiệu quả sử dụng tài sản công.

Những vi phạm trên, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương tổ chức kiểm điểm, chỉ đạo các địa phương đơn vị kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, trên cơ sở đó có hình thức xử lý phù hợp. Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị chấm dứt ngay việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất trái với quy hoạch sử dụng đất được cấp có thẩm quyền phê duyệt; giao đất, cho thuê đất công, đất sạch do nhà nước trực tiếp quản lý không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất.

Tin cùng chuyên mục