
Ca Huế trên sông Hương đã trở thành một sản phẩm văn hóa phục vụ du khách rất độc đáo, chỉ riêng Huế có, nhưng bây giờ, loại hình văn hóa du lịch đang bị pha tạp, rẻ rúng. Du khách lỡ một lần xuống đò nghe ca Huế là ác cảm, một đi không trở lại.

Ca Huế trong chương trình “Âm sắc Việt” tại Festival Huế 2004. Ảnh: AN DUNG
Có thời, mỗi lần xuống bến, các đoàn phải “kê danh sách” khách, nộp cho Ban quản lý bến đò “để đăng ký”! Thật là phiền phức và vô nghĩa! Hiện nay, bến neo đậu thuyền tại Công viên 3-2 đã được đầu tư nâng cấp, đổ bê tông, lát gạch, điện thắp sáng, nhưng cũng bát nháo không kém.
Tám giờ tối, tôi dẫn một đoàn khách Hà Nội xuống con đò đã “đặt cọc” trước. Tưởng đúng hẹn là thuyền rời bến ngay, ai ngờ, khách phải chờ đến gần 9 giờ đêm ca sĩ và nhạc công mới lục tục, hớt ha hớt hải xuống đò. Hỏi mới biết, họ phải chạy “show một” xong mới đến đây.
Chuyện “chạy show” đã trở thành phổ biến. Có ca sĩ đang hát show thứ nhất, hát xong, gọi thuyền con nhảy qua đò khác trước con mắt ngạc nhiên của du khách! Vì phải chạy show toát mồ hôi trán nên ca sĩ hát quấy quá cho xong chuyện, hợp đồng là một tiếng rưỡi đồng hồ, nhưng chương trình chỉ còn 45 phút, hát 6 bài “ tân cổ giao duyên” là đò cập bến.
Ở Huế, có 5 tổ chức biểu diễn nghệ thuật được cấp giấy phép tổ chức ca Huế là Đoàn ca kịch Huế, Đoàn múa hát truyền thống, Đoàn ca múa cung đình, Câu lạc bộ nhà văn hóa Huế, Câu lạc bộ ca Huế Trung tâm văn hóa thông tin. Có 110 diễn viên và gần 100 nhạc công ở 5 đoàn nghệ thuật nói trên được cấp giấy phép, nhưng mỗi năm có cả triệu du khách tới Huế, vì thế xuất hiện nhiều “bầu show”, không nghề, không giấy phép cũng đến các khách sạn, tiếp cận với các đoàn khách du lịch và chủ thuyền để tổ chức biểu diễn ca Huế kiếm tiền.
Con đò chở chúng tôi nổ máy vèo vèo lên phía Thiên Mụ, không ai nói với ai nửa lời. Khi con đò tắt máy dừng lại, mới bắt đầu màn giới thiệu chương trình. Một ca sĩ đang hát Nam bình bỗng nổi hứng cất tiếng hò giã gạo, thậm chí hát tân nhạc “Về miền Trung, về miền Thùy dương...”, hay “Chiều nay mưa trên phố Huế” v.v...
Theo bài bản, một chương trình ca Huế cổ phải bắt đầu từ bản hòa tấu Đăng đàn cung chào mời, sau đó đến các tấu khúc nhã nhạc Huế như Lưu thủy- Kim Tiền, sau đó mới đến các bản Nam Bình, Nam Ai, Cổ bản, chầu văn, hay Lý ngựa ô, Lý mười thương v.v... và cuối cùng là Tương tư khúc. Anh bạn nhà báo Hà Nội, nghe xong chột dạ hỏi tôi: “Sao ca Huế mà như hát mới thế?”. Tôi chống chế: “Họ hát cho chúng mình vui thôi, chứ nghe ca Huế thật phải là ca Huế salon”.
Đội ngũ diễn viên ca Huế trên sông Hương lão luyện như nghệ sĩ ưu tú Kiều Oanh, Lệ Hằng.v.v… chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn đa số là dân bán quán nhậu, bán hột vịt lộn, thấy “chạy show” ca Huế “dễ ăn”, sống được bàn ghi tên dự khóa đào tạo cấp tốc 1 - 2 tháng là ra hành nghề. Vì không hiểu gì về ca Huế nên nhiều show, diễn viên nam nữ hò giã gạo, đối đáp, chòng ghẹo nhau chuyện “cối, chày”, “tháng năm xin cưới, tháng mười có con” rất thô tục, làm cho nhiều du khách xấu hổ phải che mặt!
Các chủ đò vốn là dân vạn chài ở Huế, khi nghề ca Huế trên sông hái ra tiền, họ đua nhau đóng thuyền chở khách ca Huế. Họ cũng phải nộp nhiều khoản “phí” và “lệ phí” vì có đến năm, sáu cơ quan quản lý đò ca Huế trên sông Hương, chẳng hạn: thuế VAT 10%; một tháng 2 kỳ “kiểm tra kỹ thuật” đò của ngành giao thông, phí 200.000 đồng/kỳ; mỗi lần xuất bến “phí” 11.000 - 15.000 đồng (tùy theo cung đường); rồi tiền thuê bến đỗ 90.000 đ/tháng; tiền vệ sinh bến bãi 3.000 đồng/tháng...Vì chi phí cao nên muộn mấy, chủ đò cũng phải chờ ca sĩ, làm cho khách chờ dài cổ.
Do cát sê ca Huế trên sông Hương thấp, ca sĩ phải lén làm thêm nhiều việc để tăng thu nhập, dù Thanh tra chuyên ngành của Sở Văn hóa Thông tin vẫn kiểm tra hàng đêm. Sau mỗi chương trình biểu diễn, các ca sĩ thường dành mươi phút “tiếp thị” để bán băng đĩa hát ca Huế mà họ tự thu (không phép), nội dung băng chập chọa, “lập lờ đánh lận con đen”, với các giọng ca nửa nạc, nửa mỡ! Tệ hơn nữa là hiện nay đang xuất hiện tệ nạn những người ăn xin, bán hàng rong chèo đò con cập bến các thuyền ca Huế quấy nhiễu du khách. Hàng chục trẻ con từ các con đò con, quần đùi đen nhẻm, nước chảy ròng ròng, nhảy lên thuyền rồng xin tiền du khách. Thật không còn gì là thể diện văn hóa Cố Đô nữa.
Làm sao để ca Huế trên sông Hương trở về đúng bản sắc của nó? Theo chúng tôi, phải giao cho một cơ quan quản lý chuyên ngành; hai là: Mở các lớp bồi dưỡng cho các ca sĩ, chủ đò về văn hóa Huế, ca Huế. Ngành Văn hóa hay Hội Văn nghệ tỉnh nên tổ chức các “thuyền ca Huế chuẩn”, thông báo địa chỉ, công khai tên diễn viên để du khách đăng ký. Làm được như thế thì các “show ca Huế dỏm” mới hết đất sống.
NGÔ MINH