Bát nháo thị trường dược phẩm - Bài 3: Bất lực... quản lý

Khống chế nhưng... tạo kẽ hở
Bát nháo thị trường dược phẩm - Bài 3: Bất lực... quản lý

Thuốc trôi nổi tràn lan, sản xuất thuốc giả ngày càng nhiều, giá thuốc “leo thang” liên tục không có điểm dừng… Đó là những “bát nháo” của thị trường dược phẩm hiện nay. Vậy nhưng, công tác quản lý gần như bất lực.

Giao dịch mua bán thuốc tây sôi động tại chợ sỉ dược phẩm quận 10, TPHCM. Ảnh: TG.LÂM

Giao dịch mua bán thuốc tây sôi động tại chợ sỉ dược phẩm quận 10, TPHCM. Ảnh: TG.LÂM

Khống chế nhưng... tạo kẽ hở

Ngay đầu những ngày tháng 3-2010, thị trường dược phẩm thêm một “làn sóng” giá mới khi giá một loạt thuốc ngoại nhập tăng lên nhiều lần. Qua khảo sát của Hiệp hội Sản xuất kinh doanh dược Việt Nam, trong tháng 2-2010, có 14 lượt mặt hàng thuốc ngoại tăng giá, chiếm tỷ lệ 0,7% với mức tăng trung bình 5,3%.

Trước đó, khảo sát trong tháng 1-2010, Hiệp hội Sản xuất kinh doanh dược Việt Nam cũng ghi nhận nhiều thuốc ngoại nhập tăng giá như Cerebrolysin 5ml từ 49.500 đồng/ống lên 51.500 đồng/ống; Cerebrolysin 10ml từ 82.500 đồng/ống lên 84.800 đồng/ống; Coversyl 5mg từ 132.000 đồng/hộp lên 142.000 đồng/hộp; Duxil từ 102.500 đồng/hộp lên 110.500 đồng/hộp… Đó là chưa kể những “làn sóng” ngầm tăng giá từ các hãng dược, trình dược viên, nhà thuốc… mà chưa khảo sát hết.

Thực tế tại một số nhà thuốc ở TPHCM, vừa qua Tết Nguyên đán, nhiều mặt hàng thuốc tây cả nội lẫn ngoại đã “ào ào” tăng giá. Tăng nhiều nhất là các sản phẩm của nhà sản xuất Merck như: Glucophage 850mg thêm 16.000 đồng/hộp, Neurobion Im 5000 3ml B/20 tăng gần 20.000 đồng/hộp. Riêng Hãng dược Sanofi Aventis (Pháp) đã có 9 mặt hàng thuốc tăng giá tùy theo mỗi loại ở mức từ 1.000-8.000 đồng/hộp...

“Điệp khúc” tăng giá thuốc không còn lạ với người dân và tốn không ít giấy mực của báo giới. Và cứ mỗi lần như vậy, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) lại có công văn nhắc nhở các công ty rằng “không được tự ý tăng giá bất hợp lý”. Ngay trong năm 2009, không dưới 5 lần Cục Quản lý dược có “chỉ thị” như vậy.

Thế nhưng các hãng dược phẩm “phớt lờ” bởi họ đã nắm được kẽ hở của pháp luật. Theo quy định của Bộ Y tế, các loại thuốc bị khống chế tăng không quá 5%/lần và trước khi điều chỉnh tăng phải xin phép Cục Quản lý dược. Tuy nhiên, thực tế các hãng dược cứ tự ý đẩy giá nhưng chỉ tăng 3%-4% để “lách luật” và tăng liên tục. Theo một chủ nhà thuốc trên đường Nơ Trang Long (Q.Bình Thạnh), có những loại thuốc bị đẩy giá tới 2-3 lần/tháng. “Tăng kiểu đó thì quá tội và người bệnh chỉ biết gồng mình mà chịu”, ông chủ nhà thuốc nói.

Nói như ông Ngô Chí Dũng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dược phẩm Eco, thì ngoài lý do tỷ giá ngoại tệ tăng khiến giá thuốc nhập, nguyên liệu nhập cũng tăng theo, không ít hãng dược đã lợi dụng tình hình thị trường để tăng giá. Trong đó, đáng chú ý là các loại biệt dược, các loại thuốc phân phối độc quyền.

Dễ dãi cấp giấy, hậu kiểm nửa vời

Nhà thuốc đạt chuẩn thực hành nhà thuốc tốt (GPP) được xem như “cứu cánh” của ngành y tế nhằm quản lý một cách tốt nhất việc bán thuốc cho người bệnh. Tuy nhiên, xem ra “cứu cánh” này đang gặp phải những bất cập.

Tính đến ngày 3-2-2010, Sở Y tế TPHCM đã cấp giấy chứng nhận GPP (giấy chứng nhận) cho 350 nhà thuốc, trong đó có 66 nhà thuốc thuộc bệnh viện công lập, 22 nhà thuốc bệnh viện ngoài công lập, 69 nhà thuốc của doanh nghiệp, 153 nhà thuốc tư nhân, 40 nhà thuốc phòng khám đa khoa. Sở Y tế có trách nhiệm phổ biến, đào tạo các nguyên tắc, tiêu chuẩn “Thực hành tốt nhà thuốc” cho các đơn vị trực thuộc, đơn vị sản xuất, kinh doanh, các cơ sở bán lẻ trên địa bàn, sau đó cử đoàn kiểm tra, thấy đạt yêu cầu mới cấp giấy…

Thế nhưng, đối với Sở Y tế TPHCM, việc cấp giấy chứng nhận xem ra quá dễ dãi. Dư luận gần đây rất băn khoăn khi giấy chứng nhận đã hoàn tất chương trình bồi dưỡng kiến thức “Thực hành tốt nhà thuốc” cho nhân viên các nhà thuốc, doanh nghiệp đã bị một lãnh đạo Sở Y tế cấp khống!

Không chỉ việc cấp giấy chứng nhận GPP còn mang tính hình thức, việc hậu kiểm cũng rất hạn chế. Trong một lần phát biểu gần đây, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM Phạm Khánh Phong Lan cho rằng Thanh tra y tế gần như bị “trói chân” do không được tự tiện thanh kiểm tra các kho thuốc của các nhà thuốc, doanh nghiệp cất giấu trong nhà.

“Có chăng thì kiểm tra bên ngoài nhà thuốc, và thường phát hiện rất ít lỗi vi phạm. Trong khi thuốc hết đát, cận đát, thuốc trôi nổi được cất giấu trong nhà, trong kho”, bà Lan nói. Tuy vậy, công tác thanh tra dược đợt 1-2009 vừa qua cũng đã phát hiện được một số nhà thuốc đạt GPP vẫn vi phạm. Trong số 39 nhà thuốc đạt GPP được kiểm tra, có 15 nhà thuốc bị phát hiện vi phạm.

Điều đáng nói, tuy đã hậu kiểm nửa vời nhưng các biện pháp xử lý cũng chưa đủ răn đe. Ngoài xử phạt hành chính, gần như chưa có nhà thuốc nào bị tước giấy phép hoạt động hay giấy phép hành nghề… Và bởi vậy, thị trường dược phẩm đã trở thành một cái “chợ” đúng nghĩa với chất lượng thuốc bán thực sự đáng báo động.

Tường Lâm

Bát nháo thị trường dược phẩm

- Bài 1: Thuốc trôi nổi... tung hoành

- Bài 2: “Lên đời” thuốc... nội

Tin cùng chuyên mục