
Tổng giá trị tài sản của các tỷ phú có mặt trong danh sách bình chọn của chuyên san kinh tế Forbes 2006 đạt 2,6 ngàn tỷ USD với giá trị tài sản trung bình 3,3 tỷ USD; năm 2006, thuê bao điện thoại di động thứ hai tỷ đã được đăng ký...
Những con số hàng tỷ như vậy xuất hiện ngày càng nhiều trong cuộc sống và người ta ngày càng quen dần với khái niệm hàng tỷ. Dưới góc độ xã hội, hiện tượng này nói lên điều gì?
- Đòn bẩy của nền văn minh

Mỗi năm, người Mỹ bị mất hơn 8 tỷ tiếng đồng hồ do kẹt xe. Trong ảnh là một cảnh kẹt xe tại San Francisco.
Trong cuộc chiến chống khủng bố, Lầu Năm góc xài trung bình 2,5 tỷ USD/tháng. Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, trang tìm kiếm Google cung cấp hơn 3 tỷ tài liệu.
Trong thể thao, World Cup 2006 thu hút khoảng 1,5 tỷ lượt người xem truyền hình. Trong nghiên cứu không gian, tàu Voyager 2 của NASA (Cơ quan Hàng không-Không gian quốc gia Hoa Kỳ) đã bay ngang sao Mộc, sao Thổ, sao Hải vương và gửi các tấm ảnh vũ trụ từ cách xa Trái đất 9,6 tỷ km…
Theo D.C. Denison viết trên Boston Globe Magazine, những con số hàng tỷ là hệ quả trực tiếp của một thế giới nối kết và thể hiện thị trường toàn cầu giãn nở như thế nào.
Tuy nhiên, việc chứng kiến sự ra đời của con số tỷ này đến con số tỷ khác không có nghĩa chúng ta hiểu hoàn toàn ý nghĩa văn hóa và tinh thần của nó.
Nói cách khác, ít hay nhiều, nhỏ hay lớn đều có những ý nghĩa khác nhau trong từng nền văn hóa và thậm chí trong nhiều trường hợp, người ta khó hình dung cụ thể ý nghĩa của một con số hàng tỷ. 7 khối hình xếp Lego có thể được xếp thành 85.747.377.755 hình thể khác nhau! Siêu máy tính IBM giúp phân tích 3 tỷ ký tự hóa học của bộ gien người với khả năng thực hiện 1 tỷ phép tính mỗi giây.
Trong trường hợp này, thật khó có thể hình dung, dù có sự tính toán tỷ lệ giữa con số đo lường và con số thời gian…
Hiểu khái niệm hàng tỷ là một chuyện và hiểu ý nghĩa của nó là chuyện khác. Trong thực tế, con số và văn hóa từng song hành trong lịch sử.
Những con số lớn luôn được kết nối với các động lực mang tính văn hóa – theo Philip Clayton, giáo sư thần học Trường thần học Harvard (Harvard Divinity School).
Ở các nền văn hóa tiền chữ viết, người ta thường có bốn từ chỉ con số (một, hai, ba và nhiều). “Myriad” là từ chỉ con số lớn nhất trong từ vựng Hy Lạp cổ và nó không chỉ có nghĩa “10.000” mà còn hàm ý “vô số”.
Thời Hy Lạp cổ đại, người ta dùng song song hai hệ thống chữ số. Một dựa vào ký tự đầu của từ chỉ con số (thí dụ số 5 biểu hiện bằng pi; 10 bằng delta; 100 bằng H ở dạng chữ cổ; 1.000 bằng chi và 10.000 bằng mu) và hệ thống kia (được đưa ra lần đầu tiên vào khoảng thế kỷ 3 TCN) sử dụng tất cả hệ alphabet Hy Lạp cộng thêm ba mẫu tự từ hệ alphabet Phoenician. 9 mẫu tự đầu tiên trong bảng alphabet Hy Lạp dùng chỉ số 1-9; 9 mẫu tự kế chỉ hàng chục (10-90) và 9 mẫu tự cuối chỉ hàng trăm (100-900).
Người La Mã có 7 ký hiệu để chỉ số: I cho 1; V cho 5; X cho 10; L cho 50; C cho 100; D cho 500 và M cho 1.000. Số lớn hơn chỉ cần ghép lại: LX cho 60 hay MMCIII cho 2103.
Trở lại với khái niệm hàng tỷ. Thời Trung Cổ, người ta gần như không hình dung giá trị tỷ như thế nào. Hai đơn vị đo lường phổ biến nhất là tá (dozen) và 12 tá (gross).
Con số lớn chỉ bắt đầu phổ biến với đóng góp của các nhà thiên văn học như Nicolaus Copernicus (1473-1543) và Galileo (1564-1642).
Trái đất bắt đầu được hiểu là một thành phần nhỏ trong vũ trụ và chính những hiểu biết mới về vũ trụ bao la đã dẫn đường cho sự hình thành khái niệm “lớn” và “rất lớn” trong số học cũng như nhiều lĩnh vực khác. Cánh cửa khái niệm tỷ được mở, ngày càng rộng, theo đòn bẩy tiến bộ của nền văn minh…
- Hiện tượng toàn cầu
Trong kinh tế hiện đại, hiện tượng ngày càng có nhiều con số hàng tỷ cho thấy nền kinh tế thế giới phát triển mạnh và nhanh cỡ nào.
Riêng tại Massachusetts (Mỹ), năm 1989, chỉ 18 công ty có giá trị tài sản hơn 1 tỷ USD; trước năm 1997, con số này là 32; năm 2000 tăng lên 81 và năm 2002 số công ty Massachusetts trị giá hơn 1 tỷ USD là 46.
Giải thích sao về hiện tượng này? Dù tồn tại nhiều mặt trái nhưng chính toàn cầu hóa đã góp phần tạo ra nhiều thị trường, đưa đến sự xuất hiện các gương mặt tỷ phú mới và tạo sự phát triển cho khái niệm hàng tỷ.
Theo danh sách tỷ phú của Forbes 2006, thế giới có tất cả 793 tỷ phú thuộc 49 quốc gia, với quá bán thuộc về Mỹ và Đức. Forbes 2006 cũng cho thấy sự góp mặt tăng dần tỷ phú từ Nga, Ấn Độ và Brazil.
Năm 1998, hãng sản phẩm cạo râu Gillette chi 1 tỷ USD cho nghiên cứu và tiếp thị mặt hàng Mach 3 và đến nay lợi nhuận từ Mach 3 đã lên tới 3 tỷ USD.
Năm 2001, xuất khẩu của rượu Scotch Whisky đạt 1 tỷ chai lần đầu tiên, nhờ việc mở rộng những thị trường mới trong đó có Nhật Bản và Hàn Quốc.
Hai trường hợp trên là ví dụ cho “mặt phải” của hiện tượng toàn cầu. Tuy nhiên, chính toàn cầu cũng hình thành những bất ổn “trị giá” hàng tỷ. Newsweek từng cho biết vốn thị trường chứng khoán Mỹ vào tháng 3-2000 đạt 17 ngàn tỷ USD nhưng giảm gần 50% vào năm 2002.
Từ 1996-2001, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) toàn cầu tăng từ 148-214 tỷ USD nhưng tính đến tháng 9-2002, FDI tại các nước đang phát triển giảm 23% so với cùng kỳ năm 2001. Trong nửa đầu năm 2002, tổng giá trị cổ phiếu Mỹ bán cho người mua nước ngoài đạt 35 tỷ USD, chỉ bằng 1/2 so với năm 2001.
Nếu khái niệm tỷ, chừng mực nào đó, đồng nghĩa với sự phát triển nền văn minh nhân loại thì chính nó cũng cho thấy văn minh nhân loại phát triển mất cân bằng như thế nào.
Trong bản báo cáo Tình trạng thế giới 2006, Viện Giám sát thế giới (Worldwatch Institute – WI) nhấn mạnh rằng sự phân cách giàu nghèo là một trong những nguyên nhân gây bất ổn cho chính trị toàn cầu. “Vụ khủng bố 11-9 đã nhắc chúng ta rằng sự bất ổn kinh tế của thế giới ngày nay có liên hệ tới sự bất ổn trong các vấn đề liên quan con người và điều này phải được nêu rõ” – phát biểu của Chủ tịch WI Christopher Flavin. Đó cũng là ý kiến của Tổng thư ký LHQ Kofi Annan. Nghèo đẻ ra nhiều thứ. 1,12 tỷ người trên thế giới đang thiếu điều kiện dùng nước sạch, hơn gấp đôi số người dùng máy tính – theo báo cáo Tình trạng thế giới 2006.
Trong 60 nước nghèo nhất, chi phí y tế đầu người trung bình mỗi năm là 13 USD trong khi mức tối thiểu do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) quy định là 34 USD (tại Mỹ, chi phí này là 4.500 USD). Trong khi đó, viện trợ nước ngoài mỗi năm mỗi giảm (từ 69 tỷ USD năm 1992 xuống còn 53 tỷ USD năm 2000), tỷ lệ nghịch với nợ nước ngoài tại các quốc gia nghèo (tăng 34%, lên 2,5 ngàn tỷ USD năm 2000)…
- Lớn nhất và nhỏ nhất
Hàng tỷ thời hiện đại không có nghĩa cực lớn mà còn có nghĩa cực nhỏ. Khái niệm nano chẳng hạn. Trong công trình đề án tiến sĩ của mình, Albert Einstein đã tính chính xác kích thước một phân tử đường có đường kính bằng khoảng một nanometer (tức 1/1.000.000m).
Chiều dài của 10 nguyên tử hydrogen đặt cạnh nhau bằng 1/1.000 chiều dài một vi khuẩn thông thường, bằng 1/1.000.000 kích thước đầu kim, bằng 1/1.000.000.000 chiều dài cặp chân ngôi sao bóng rổ Michael Jordan. Một nanometer chỉ bằng chiều dài khoảng 10 nguyên tử và 50 nanometer bằng một virus.
Ở cấp độ nano, sinh học, vật lý và kỹ thuật đều đạt đến ngưỡng trước đây chưa từng có. Dây dẫn nano có thể truyền một photon (hạt ánh sáng nhỏ nhất)… Trở lại với những con số tỷ mang tính thống kê.
Theo Cơ quan quản lý hàng không liên bang Hoa Kỳ, các hãng máy bay Mỹ chở 1 tỷ hành lý mỗi năm. Hai diễn viên sinh đôi Ashley và Mary-Kate Olsen từng kiếm được 1 tỷ USD trong một năm từ doanh số bán các sản phẩm video game, video, búp bê, sách, mỹ phẩm mà trong đó hình ảnh họ được sử dụng như công cụ quảng cáo.
Mỗi năm, người Mỹ bị mất hơn 8 tỷ tiếng đồng hồ do kẹt xe. Trong 43 công ty đạt doanh thu tỷ đôla tính toàn cầu, có ba công ty chuyên bán thức ăn cho vật cưng: Whiskas (hạng 43) với doanh thu 1,5 tỷ USD; Pedigree (hạng 26) với 2 tỷ USD; và Friskies (hạng 12) với 2-3 tỷ USD.
Những con số rời rạc có vẻ không ăn nhập với nhau như trên, một lần nữa, cho thấy giá trị của “khái niệm tỷ” thời hiện đại, là một trong những giá trị không chỉ dính dáng tới kinh tế mà còn cả văn hóa, trong đó có sự phân cách rõ nét thời toàn cầu và tính bất ổn trong phát triển (hiểu theo ý nghĩa “phát triển bền vững” do Liên hiệp quốc đề xướng).
Hệ quả cuối cùng: chúng ta không có một khái niệm tỷ bất biến và có giá trị tuyệt đối trong hầu hết lĩnh vực (nhỏ vẫn còn có thể nhỏ hơn, lớn vẫn còn có thể lớn hơn và giàu vẫn còn có thể giàu hơn…).
Theo khảo sát của nhà kinh tế học Branko Milanovic thuộc Ngân hàng Thế giới (WB), 50 triệu người giàu nhất thế giới có thu nhập bằng 2,7 tỷ người nghèo nhất. Nói cách khác, 1% người giàu nhất có thu nhập tương đương 57% người nghèo nhất. 4/5 dân số thế giới sống ở các nơi ngoài Bắc Mỹ và châu Âu hiện thuộc thành phần nghèo và 10% những người nghèo nhất ở Mỹ vẫn có điều kiện sống tốt hơn 2/3 dân số thế giới. |
Lê thảo chi