Bắt tép, bỏ tôm...

Có những lời dạy của cổ nhân hầu như ai cũng thuộc nằm lòng: “Bỏ con săn sắt, bắt con cá rô”, hay “bỏ tép bắt tôm”… để mỗi người dễ dàng cân nhắc khi phải lựa chọn. Theo lôgic của cuộc sống, mấy ai làm ngược lại khi chọn con săn sắt, bỏ con cá rô; chọn con tép, bỏ con tôm? Hay họ làm vậy bởi con săn sắt, con tép kia là “vàng bốn số 9”, mang về sẽ “đẻ ra vàng” như câu chuyện ngụ ngôn của La Fontaine? Chắc chắn là không. Xét ở góc độ nào đó, sự chọn lựa cá rô, tôm thay cho những con săn sắt, con tép là hợp lý, phản ánh đúng tâm lý và sự phát triển của xã hội loài người.

Thế nhưng, trong suốt hàng thập kỷ qua, nhất là trong những năm gần đây, nhiều người, nhiều doanh nghiệp, nhiều quốc gia đã làm điều ngược lại! Họ ngang nhiên thải ra môi trường tự nhiên hàng triệu tấn chất thải, làm ô nhiễm nghiêm trọng môi trường sống trong lành của muôn loài, trong đó con người là động vật cao cấp nhất. Con người vừa là “tội đồ”, vừa là nạn nhân của cuộc tàn phá khốc liệt này.

Thế giới rộng lớn, nhưng thực sự không đủ lớn đối với sức tàn phá của con người! Những dòng sông, những con kênh xanh tung tăng cá lội ngày nào giờ biến thành những dòng nước đen, không sự sống; những cánh rừng bạt ngàn - lá phổi khổng lồ của trái đất giờ trơ gốc, tang thương…

Khí hậu đang biến đổi, ngày càng nhanh và chưa có dấu hiệu dừng lại. Lỗ thủng tầng ozôn ngày càng lớn khiến cơ hội xâm nhập của tia cực tím - tác nhân gây ung thư da và làm trái đất nóng lên tăng lên nhanh chóng. Những tảng băng khổng lồ ở hai đầu địa cực tan chảy ngày đêm khiến hàng triệu kilômét vuông đất đai ven biển có nguy cơ bị nhấn chìm.

Thủ phạm chính gây ra sự biến đổi ghê gớm đó là ai? Nghị định thư Kyoto với nỗ lực to lớn nhằm hạn chế và tiến tới ngăn chặn tình trạng ô nhiễm toàn cầu đứng bên bờ vực phá sản; tuyên bố chung bảo vệ môi trường của các nhà báo ASEAN và Nhật Bản tại Fukuoka (Nhật Bản) công bố tháng 4-2007 hay các diễn đàn bảo vệ môi trường tại Brazil, Ấn Độ… vẫn chưa đủ để ngăn chặn một thảm họa sinh thái nhãn tiền.

Rõ ràng, thủ phạm chính gây nên tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng này là các quốc gia phát triển và một số quốc gia mới nổi. Đó chính là những quốc gia thường “chắp tay sau đít”, đầu ngẩng cao và liên tục phán những lời lẽ cao đạo nhưng chưa bao giờ dám thò bút ký vào Nghị định thư Kyoto để góp phần bảo vệ môi trường toàn cầu.

Không phải những thủ phạm gây ra tình trạng trên không biết trách nhiệm của họ. Nhưng nếu tiếp tục phớt tỉnh như lâu nay, các quốc gia này sẽ được lợi. Hàng vạn nhà máy của họ tha hồ nhả khói đen lên bầu trời, thải hàng triệu mét khối nước thải độc hại ra đại dương mà không hề chịu bất cứ sự chế tài nào. Không chỉ thu lợi từ giá trị sản xuất thặng dư thông thường, họ còn hưởng lợi từ hành động tàn phá môi trường này, bởi nếu áp dụng đúng các tiêu chuẩn, quy định về bảo vệ môi trường, chi phí sản xuất sẽ tăng, sức cạnh tranh giảm và nhuận lợi vì thế cũng sẽ bớt đi.

Nhưng dù thế nào đi nữa, đó vẫn là kiểu làm “bóc ngắn, cắn dài”, bị chi phối bởi lợi nhuận trước mắt, nhưng thiệt hại thì lâu dài, nhiều thế hệ phải gánh chịu. Một số nước lớn thường có tư tưởng bá quyền, muốn làm chủ thế giới. Tư tưởng đó khiến họ quyết tâm làm giàu bằng mọi giá, kể cả việc tàn phá thiên nhiên, môi trường mà công dân của nước mình và đồng loại đang sống.

Có những thời điểm của đời người, chuyện cơm áo, gạo tiền có thể sánh ngang chuyện mất - còn. Nhưng cũng có những thời điểm, con người cần chú ý đến những nhu cầu khác về tinh thần như Nhà tâm lý học Abraham Maslow đã thể hiện trong mô hình Tháp nhu cầu lừng danh của ông. Quả thật, những kẻ tàn phá môi trường thế giới, tội đồ của nhân loại, dù ngồi ở vị trí bá quyền cũng khó đạt được vị trí cao trong Tháp nhu cầu của Maslow - đó là sự tôn trọng của mọi người, mọi quốc gia dành cho mình.

Kỷ niệm ngày Môi trường thế giới, một lần nữa nhân loại lại tiếp tục chứng kiến hình ảnh một số cá nhân, doanh nghiệp và nhiều quốc gia tiếp tục làm điều ngược lại với lời dạy của cổ nhân, bởi họ vẫn tiếp tục “bắt tép, bỏ tôm, ôm con săn sắt”!

Tô Nguyễn

Tin cùng chuyên mục