Phúc thẩm vụ án “bầu” Kiên và đồng phạm
(SGGPO). - Sáng 1-12, phiên tòa phúc thẩm vụ án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) và một số công ty trên địa bàn TPHCM và Hà Nội bước vào ngày xét xử thứ 2. Hội đồng xét xử (HĐXX) tiếp tục thẩm vấn các bị cáo để làm rõ hành vi phạm tội.
Trước vành móng ngựa bị cáo Nguyễn Đức Kiên đề nghị cho phép được ký và gửi ngay đơn khiếu nại dài 118 trang đã được chỉnh sửa và đánh máy cẩn thận lên HĐXX. Đồng thời được gửi đơn khiếu nại bổ sung lên đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao giữ quyền công tố tại tòa. Trước đó, bị cáo Nguyễn Đức Kiên cũng đã gửi đơn khiếu nại viết tay nói rõ về 4 tội danh mà mình bị truy tố và xét xử tại phiên tòa sơ thẩm diễn ra vào tháng 5 và 6-2014 lên TAND tối cao.
Bị cáo Nguyễn Đức Kiên tại phiên tòa sáng nay, 1-12
Trước tòa phúc thẩm, “bầu” Kiên cũng xin được trình bày toàn bộ nội dung của lá đơn khiếu nại của mình vì cho rằng mình bị oan và bản án sơ thẩm còn nhiều điểm chưa được làm rõ, thậm chí có vi phạm.
“Phần trình bày của tôi là dài nhưng bản án 30 năm dành cho người không phạm tội như tôi là rất dài.”- bầu Kiên thẳng thắn trước phiên tòa phúc thẩm.
Theo đó, “bầu” Kiên cho rằng mình không phạm tội “Kinh doanh trái phép” vì bản án mà tòa sơ thẩm đưa ra đã không nhận thấy một số vấn đề, như: 5 công ty mà mình đứng ra thành lập đều được cấp phép và đến nay, 5 công ty vẫn hoạt động bình thường và đúng pháp luật, không công ty nào phải đóng cửa hay vi phạm quy định pháp luật.
“Việc 5 công ty được thành lập hợp pháp và tham gia góp vốn đều đúng các quy định của Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư và không có bất cứ một sự đầu tư chéo nào. Các công ty này đều có vốn rất lớn do các cổ đông góp vào và hàng năm đều đóng góp đầy đủ nghĩa vụ về thuế cho nhà nước nên không thể gọi là công ty “ma”. Tôi đề nghị tòa tuyên tôi không phạm tội kinh doanh trái phép.”- bị cáo Nguyễn Đức Kiên đề nghị.
Liên quan tới việc kinh doanh vàng trái phép của Công ty Thiên Nam, bị cáo Kiên cho rằng, công ty Thiên Nam không kinh doanh vàng trái phép, bởi công ty được Thủ tướng cấp phép thành lập và cơ quan chức năng cấp giấy phép kinh doanh hàng hóa mà theo quy định của pháp luật thì vàng cũng là hàng hóa. Không chỉ có vậy, công ty Thiên Nam không có tài khoản ở nước ngoài nên không kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài và không giao dịch vàng trạng thái ở nước ngoài. “Thiên Nam đầu tư kinh doanh vàng và trạng thái giá vàng là đúng pháp luật.”- bị cáo Kiên khẳng định.
Trước đó, trong phần thẩm vấn bị cáo Lý Xuân Hải thừa nhận mình là người đứng ra ký hợp đồng giữa ngân hàng ACB và công ty Thiên Nam trong việc mở tài khoản cho Thiên Nam kinh doanh vàng nhưng không phải là tài khoản ở nước ngoài. Tuy nhiên, bị cáo Hải cũng cho biết, mặc dù là người ký hợp đồng với Thiên Nam nhưng không hề biết Thiên Nam có giấy phép kinh doanh vàng và kinh doanh vàng trạng hay không.
Bị cáo Hải cũng cho rằng, việc kinh doanh vàng bao giờ cũng phát sinh thêm vàng trạng thái hay kinh doanh giá vàng. “Đây là sản phẩm phải sinh phát sinh trên một sản phẩm nào đó như: cá độ bóng đá phát sinh từ bóng đá, hay lô đề từ xố số mà ra… nên người kinh doanh khi kinh doanh vàng trạng thái chỉ quan tâm tới việc giá vàng lên hay xuống, chứ không quan tâm là giá bao nhiêu.”- bị cáo Hải trình bày.
Trong khi đó, đại diện của công ty Thiên Nam cho rằng, việc áp dụng giao dịch vàng trạng thái là khá khiên cưỡng và đây chỉ là giao dịch về giá không liên quan tới một loại hàng hóa nào cả.
| |
NGUYỄN QUỐC
>> Xét xử phúc thẩm "bầu" Kiên và đồng phạm
>> Phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án “bầu” Kiên: Sai phạm rõ, vẫn chối tội
>> Hôm nay 20-5, Mở lại phiên tòa xét xử vụ án “bầu” Kiên