Phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án “bầu” Kiên: Sai phạm rõ, vẫn chối tội

Ngày 21-5, phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) và một số công ty trên địa bàn TPHCM và Hà Nội tiếp tục với phần xét hỏi để làm rõ hành vi phạm tội của các bị cáo. Đối với hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, trước tòa, Nguyễn Đức Kiên (tức “bầu” Kiên) và các bị cáo có liên quan đã quanh co chối tội. Không chỉ có vậy, “bầu” Kiên cũng phủ nhận hành vi “kinh doanh trái phép”.
Phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án “bầu” Kiên: Sai phạm rõ, vẫn chối tội

Ngày 21-5, phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) và một số công ty trên địa bàn TPHCM và Hà Nội tiếp tục với phần xét hỏi để làm rõ hành vi phạm tội của các bị cáo. Đối với hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, trước tòa, Nguyễn Đức Kiên (tức “bầu” Kiên) và các bị cáo có liên quan đã quanh co chối tội. Không chỉ có vậy, “bầu” Kiên cũng phủ nhận hành vi “kinh doanh trái phép”.
 
Cổ phần thế chấp vẫn đem bán
 
Đối với tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” cáo trạng nêu rõ, Công ty Cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội (ACBI) do Nguyễn Đức Kiên làm Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) sở hữu trên 29 triệu cổ phần Công ty CP Thép Hòa Phát. Ngày 11-2-2010, Nguyễn Đức Kiên chỉ đạo Trần Ngọc Thanh (giám đốc ACBI tại Hà Nội) ký hợp đồng thế chấp hơn 22 triệu cổ phần Công ty CP Thép Hòa Phát cho ngân hàng ACB để đảm bảo việc phát hành 800 tỷ đồng. Vào tháng 4-2012, khi biết ông Trần Đình Long (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát) có chủ trương tăng sở hữu vốn tại các công ty thành viên, trong đó có Công ty CP Thép Hòa Phát mà ACBI đang sở hữu gần 30 triệu cổ phần, Nguyễn Đức Kiên đã đồng ý bán lại 20 triệu cổ phần Công ty CP Thép Hòa Phát với giá tương ứng 264 tỷ đồng.
 
 Tuy nhiên lúc này, cổ phần của Công ty CP Thép Hòa Phát đang được thế chấp tại ngân hàng ACB nên Nguyễn Đức Kiên chỉ đạo Trần Ngọc Thanh và Nguyễn Thị Hải Yến (kế toán trưởng của ACBI) lập khống biên bản họp và quyết định của HĐQT bán 20 triệu cổ phần Công ty CP Thép Hòa Phát mà ACBI đang sở hữu để chiếm đoạt số tiền 264 tỷ đồng của Tập đoàn Hòa Phát.

Bị cáo Nguyễn Đức Kiên tại phiên tòa

Bị cáo Nguyễn Đức Kiên tại phiên tòa

Trước hành vi này, tại phiên tòa, trả lời câu hỏi của chủ tọa về việc 20 triệu cổ phần đang bị thế chấp tại Ngân hàng ACB thì có được bán hay không? Bị cáo Yến thừa nhận, về nguyên tắc thì tài sản đang bị thế chấp không được chuyển nhượng. Bị cáo Yến cũng cho biết, trước khi bán 20 triệu cổ phần trên, ông Kiên đã chỉ đạo cho bị cáo lập khống quyết định của HĐQT và biên bản họp HĐQT để Kiên, Thanh và bị cáo cùng ký vào, thể hiện các thành viên HĐQT đồng ý chuyển nhượng 20 triệu cổ phần của Công ty CP Thép Hòa Phát đang được thế chấp trong ngân hàng ACB.

Để tiếp tục làm rõ hành vi lừa đảo qua phi vụ chuyển nhượng lại cổ phần trên, HĐXX xét hỏi bị cáo Nguyễn Đức Kiên về cuộc họp HĐQT tại ACBI để ra chủ trương chuyển nhượng số cổ phần trên, Nguyễn Đức Kiên khai: “Chúng tôi có họp HĐQT. Tôi là người chỉ đạo họp. Họp công ty qua việc lấy ý kiến bằng văn bản theo nghị quyết của công ty và Luật Doanh nghiệp”. Bị cáo Kiên cũng thừa nhận ACBI sở hữu số cổ phần này và khi muốn bán phải được sự đồng ý của đơn vị quản lý số tài sản này là ngân hàng ACB. Đáng chú ý, trước việc lãnh đạo tập đoàn Hòa Phát cho biết không hề biết số cổ phần trên đang bị thế chấp khi ký hợp đồng chuyển nhượng với ACBI, bị cáo Kiên cho biết, mình chơi thân với ông Trần Đình Long và được ông Long đề nghị bán lại số cổ phần trên và bàn nhau hoán đổi thành cổ phiếu. Bị cáo Kiên cũng khẳng định, ông Long và một số lãnh đạo của Hòa Phát biết rõ số cổ phần trên đã được thế chấp tại ngân hàng.

Liên quan tới việc lập hợp đồng mua bán số cổ phần trên, bị cáo Kiên cho rằng: “Thời điểm Hòa Phát chuyển tiền chuyển nhượng cổ phần, tôi đi nước ngoài, khi về nước mới biết nên không có chỉ đạo việc chỉ tiêu...”. Trong khi đó, bị cáo Yến lại khai rằng, khi Hòa Phát chuyển tiền thì Yến đã nhắn tin thông báo, xin ý kiến chỉ đạo của Nguyễn Đức Kiên và được sự đồng ý về việc chi tiêu.

Không kinh doanh mà chỉ đầu tư giá vàng

Đối với hành vi “Kinh doanh trái phép”, cáo trạng nêu rõ, Nguyễn Đức Kiên đã thông qua 6 công ty do mình làm Chủ tịch HĐQT hoặc Chủ tịch Hội đồng thành viên để thực hiện kinh doanh không đúng với nội dung đăng ký, lợi dụng các cơ quan, tổ chức này để kinh doanh cổ phần, cổ phiếu, tài chính và kinh doanh vàng với tổng số tiền gần 21.500 tỷ đồng.

Trong đó, Công ty CP Phát triển sản xuất và xuất nhập khẩu Thiên Nam (gọi tắt là Công ty Thiên Nam) do Nguyễn Đức Kiên làm Chủ tịch HĐQT, có vốn điều lệ 11 tỷ đồng và không được cấp phép kinh doanh vàng vật chất, vàng trạng thái nhưng Nguyễn Đức Kiên vẫn chỉ đạo công ty ký hợp đồng với Ngân hàng ACB để kinh doanh trạng thái vàng trên tài khoản ở nước ngoài và trong nước, với tổng khối lượng giao dịch mua, bán là 462.500 ounce, có giá trị hơn 11.000 tỷ đồng.

Trước tòa, bị cáo Kiên cho rằng, những số liệu mà cơ quan công tố đưa ra về việc kinh doanh của các công ty trên là chính xác nhưng việc truy tố hành vi kinh doanh trái phép là chưa đúng vì các công ty này đều hoạt động kinh doanh đúng pháp luật.

Trước vành móng ngựa, bị cáo Kiên trả lời các câu hỏi của HĐXX một cách rõ ràng, ngắn gọn và tỏ ra am hiểu khi viện dẫn cụ thể các quy định của pháp luật để chứng minh mình không kinh doanh trái phép. “Chúng tôi hoạt động theo theo giấy phép kinh doanh và theo các quy định của Luật Doanh nghiệp...” - bị cáo Kiên khẳng định.

Đối với hoạt động kinh doanh vàng của Công ty Thiên Nam khi HĐXX đặt câu hỏi, bị cáo Kiên khẳng định, Công ty Thiên Nam không có chức năng kinh doanh vàng mà công ty chỉ có 2 hợp đồng chuyển giao trạng thái vàng và ủy thác vàng với Ngân hàng ACB. Nói về trách nhiệm của mình tại Công ty Thiên Nam, bị cáo Kiên cho biết: “Ông Lê Quang Trung (Tổng Giám đốc Công ty Thiên Nam) là người ký các lệnh bán và mua. Việc chỉ đạo hoạt động của công ty là HĐQT chịu trách nhiệm, còn cá nhân tôi là Chủ tịch HĐQT cũng có trách nhiệm”.

Trước lời bao biện này của bị cáo Kiên, HĐXX đã công bố một số bút lục liên quan đến việc đặt lệnh mua bán vàng của Công ty Thiên Nam, trong đó có lời khai của Nguyễn Đức Kiên trước cơ quan điều tra thừa nhận rằng việc Công ty Thiên Nam kinh doanh giá vàng. Tuy nhiên, trước vành móng ngựa, bị cáo Kiên tiếp tục phủ nhận khi cho rằng không có quy định nào nói là kinh doanh trạng thái giá vàng là kinh doanh giá vàng.

Cũng tại phiên xét hỏi liên quan tới hành vi kinh doanh trái phép của “bầu” Kiên và các đồng phạm, HĐXX đã chất vấn đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đại diện Bộ KH-ĐT. Tuy nhiên, đại diện của 2 cơ quan chức năng này tỏ ra khá lúng túng vì cho rằng chưa chuẩn bị kịp tài liệu nên hẹn trả lời sau. Trong khi đó, đại diện của Ngân hàng Nhà nước thì lại không có mặt tại phiên tòa. Đáng chú ý, cũng tại phiên tòa, bị cáo Kiên tiếp tục đề nghị HĐXX mời đại diện của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tới tòa trong những ngày tới.

NGUYỄN QUỐC

>> Sáng nay mở lại phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án "bầu" Kiên: Tạm đình chỉ vụ án đối với ông Trần Xuân Giá

>> Hôm nay 20-5, Mở lại phiên tòa xét xử vụ án “bầu” Kiên

Tin cùng chuyên mục