Bay thử cùng máy bay lớn nhất thế giới

Bay thử cùng máy bay lớn nhất thế giới

Yên vị, dây lưng an toàn đã kéo chặt, chúng tôi hồi hộp chờ máy bay cất cánh khỏi đường băng sân bay quốc tế Hong Kong lúc 4 giờ 15 chiều ngày 24-3-2007. Lời nhắc nhở quen thuộc của cơ trưởng “Chúng ta sẽ cất cánh trong ít phút nữa” vang lên. Động cơ tăng tốc, chiếc máy bay lao nhanh nhưng thật êm về phía trước. Đếm thầm đến giây thứ 19 thì đã cảm thấy con chim sắt cất mình nhẹ nhàng lên khỏi đường băng. Chúng tôi bắt đầu chương trình bay biểu diễn với A380, loại máy bay khổng lồ sẽ làm thay đổi phi hành đường xa kể từ tháng 10-2007 trở đi.

  • Khách sạn 5 sao trên không
Bay thử cùng máy bay lớn nhất thế giới ảnh 1

A380 ở sân bay quốc tế Hong Kong, 24-3-2007.

Ngồi ở tầng trên của chiếc máy bay rộng lớn với 3 tầng dài (nếu tính luôn phần bụng là một cabin dài chất hàng và 2 khu vực nghỉ ngơi, một cho phi công và một cho phi hành đoàn) có sức chở từ 500 đến 800 hành khách, có thể bay xa 15.000km, chắc không có ai trong số hơn 100 nhà báo châu Á được làm hành khách trong chuyến bay biểu diễn này tránh khỏi cảm giác thú vị.

Cabin của A380 cực kỳ yên tĩnh, dù ở hai bên cánh dài, rộng lớn của nó có gắn 4 động cơ cực mạnh Rolls-Royce Trent 900. Mỗi động cơ này có lực đẩy 70.000 pounds, tức 4 động cơ có đủ sức để A380 dù nặng hơn 570 tấn (khi chở đủ nhiên liệu và 500 hành khách) vẫn có thể sử dụng khoảng đường băng ngắn hơn loại Boeing 747-400 khi cất cánh.

Càng thú vị hơn nữa khi biết rằng A380 bay yên lặng đến độ ít ai để ý đến nó khi nó bay ngang trên cao. Hãng Airbus khẳng định rằng, độ ồn trong cabin hành khách là 30%, ít hơn cabin hành khách của B747, và A380 tiêu thụ nhiên liệu ít hơn 20%.

Trong khi 3 nhân viên của Airbus đóng vai tiếp viên phi hành bắt đầu dọn champagne Bollinger, nước trái cây ở quầy bar nơi tầng cao thì các nhà báo châu Á tỏa ra mọi nơi để “khám phá” con chim sắt khổng lồ. Không như chiếc B747-400 chỉ có cầu thang xoắn ốc nhỏ hẹp dẫn từ tầng chính lên tầng cao, chiếc A380 có một cầu thang rộng ở phần đầu mũi đủ cho 4 người cùng bước lên tầng 2. Tầng này dài trọn chiều dài của thân tàu, khác hẳn chiếc 747. Một cầu thang xoắn ốc nhỏ hơn nhưng cũng đủ cho hai người đi, được thiết kế ở phần đuôi.

Tham quan cả hai tầng này, một nhà báo Singapore nói đùa với chúng tôi: “A380 giống như một chiếc A330 gắn lên trên một chiếc B747”. Trong khi chiều ngang của tầng trên cao là 5,1m, tức cao hơn cabin tầng trên của một chiếc B747 1,8m thì chiều ngang cabin tầng chính là 6,5m, tức cao hơn chiều ngang cabin tầng chính của chiếc B747 0,5m.

Ghế ngồi có thể trải dài ra thành giường ngủ với các tiện ích thính - thị giải trí cá nhân được vây lại bởi thành giường cao tạo không gian cá nhân yên tĩnh, riêng tư kín đáo cho mỗi người. Phòng vệ sinh thoáng rộng ở cabin dành cho hành khách đi vé hạng nhất (thiết kế nơi phần mũi ở tầng chính) được các nhà báo “khám phá” kỹ hơn cả.

Ai cũng muốn được cảm nhận sự khoan khoái của phi hành hạng sang trong thế kỷ 21 là như thế nào. “Đây là khách sạn 5 sao đang bay chứ không còn là máy bay bình thường,” một đồng nghiệp người Indonesia nhận xét sau khi đã thử qua mọi tiện ích ở cabin hạng nhất.

Cabin dành cho khách du hành hạng economy cũng không bị bỏ sót. Tuy cũng theo thiết kế 10 ghế/hàng như ở cabin economy của B747-400 nhưng trên A380, hành khách có thêm vài “inch” để duỗi chân, đứng thẳng người mà không ngại va đầu vào ngăn đựng hành lý. Mỗi người đều có màn hình video cá nhân gắn nơi lưng ghế trước. Phía trên đầu là những hộc đựng hành lý lớn.

Nhìn qua khung cửa sổ rất lớn, bạn có thể thấy động cơ RRT900 gắn nơi cánh dài, rộng đang lắc lư lên xuống nhẹ nhàng với biên độ 12 feet để giữ cân bằng cho thân máy bay. Sải cánh của A380 là 79,8m.

Ở mỗi đầu cánh lớn là một “winglet” cánh đứng nhỏ, giúp máy bay xé không khí để bay nhanh hơn. Nhờ bộ cánh thiết kế hiện đại và động cơ mạnh, A380 cũng có thể nhanh chóng đạt độ cao phi hành hơn nhiều loại máy bay lớn khác.

  • Soán ngôi Concorde

Dĩ nhiên con chim sắt khổng lồ này không thể bay nhanh như phản lực cơ dân dụng siêu thanh Concorde (đã nghỉ bay hoàn toàn kể từ năm 2002). Nhưng chúng tôi còn nhớ cảm giác chật chội khó chịu khi ngồi trong cabin của “con cò” kim loại ấy. Nó chỉ thiết kế 100 chỗ, khá chật hẹp.

So với buồng lái rất nhỏ hẹp của Concorde với hàng trăm đồng hồ và bảng chỉ báo thì cockpit của A380 rộng thoáng hơn nhiều lần. Táp lô điều khiển cũng gọn gàng, bớt phức tạp với hai cần điều khiển dành cho cơ trưởng và cơ phó thay vì là vô lăng.

Tính đến nay đã có 15 hãng đặt mua chính thức 165 chiếc A380 nhưng Airbus dự báo trong 20 năm tới sẽ bán được tổng cộng 1.600 chiếc. Hãng đầu tiên khai thác thương mại A380 sẽ là Singapore Airlines. Tháng 10-2007 tới, SIA sẽ nhận chiếc đầu tiên từ lô hàng 19 chiếc đã đặt mua.

Dĩ nhiên, mỗi hãng khách hàng sẽ có chọn lựa riêng về thiết kế chỗ, số cabin (3 hạng, 2 hạng hay 1 hạng economy duy nhất) và các sản phẩm tiện ích trên máy bay.

Một điều thú vị khác trong chuyến bay thử trên A380 là khi nó hạ cao độ, chuẩn bị hạ cánh xuống sân bay quốc tế Hong Kong, chúng tôi không có cảm giác lùng bùng nhức tai. Đó là kết quả của nỗ lực thiết kế áp lực cho cabin hành khách, ngay cả khi nó đã xuống đến độ cao 5.000 feet. Ở hầu hết các loại máy bay khác, áp lực cabin thường được thiết kế khi máy bay ở độ cao 8.000 feet trở lên.

Chiếc A380 tiếp cận mặt đất rất êm với 22 bánh gắn ở 5 dàn càng hạ cánh (4 dàn ở dưới bụng giữa và 1 ở đầu mũi). Nó chỉ cần lướt qua chiều dài đường băng ngắn hơn 5% so với đường băng mà B747 cần khi hạ cánh là đã có thể giảm vận tốc, lăn từ từ vào cảng hàng không.

Các nhà báo, nhờ camera gắn trên đuôi đứng cao 24m, có thể theo dõi tường tận mọi chuyển dịch của A380 khi cất cánh, bay và hạ cánh, tiếp cận cầu lồng của cảng hàng không. Một kỷ niệm nhớ đời đối với những ai thích hàng không và du hành.

DŨNG NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục