Ngày 10-8, đại diện Bệnh viện Đa khoa Tâm Phúc (TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) cho biết, khoảng đầu giờ chiều ngày 9-8, đơn vị tiếp nhận một bệnh nhi tên L. T. M. (3 tuổi) ngụ phường Đức Long, (TP Phan Thiết) bị hóc hạt lựu và tử vong trước khi đến bệnh viện cấp cứu.
Trước đó, cháu M. được người nhà cho ăn quả lựu thì bất ngờ bị sặc. Ngay sau đó, người nhà cháu bé đã móc họng, tìm cách moi hết hạt lựu trong họng cháu để sơ cứu.
Tuy nhiên, cơ thể cháu bé càng lúc càng trở nên tím tái, có dấu hiệu ngưng thở nên người nhà lập tức đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Theo Bệnh viện Đa khoa Tâm Phúc, khi cháu bé tới bệnh viện cơ thể đã tím tái, gián đồng tử, ngưng thở và đã tử vong. Nguyên nhân bé tử vong được xác định là do hạt lựu mắc vào khí quản gây tắc đường thở.
Theo khuyến cáo của các bác sĩ, dấu hiệu trẻ bị hóc, nghẹt đường thở thường bị tím tái, ho sặc sụa, trào nước mắt, nước mũi, không phát âm hoặc không thể khóc thành tiếng. Sau đó, nếu tình trạng tệ hơn, môi và lưỡi trẻ bắt đầu tím tái, có thể bất tỉnh nếu dị vật không lấy được ra kịp thời.
Do vậy, khi thấy các dấu hiệu trên, cần nhanh chóng tìm cách lấy dị vật ra khỏi mũi hay miệng trẻ để làm thông đường thở và áp dụng biện pháp sơ cấp cứu rồi nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.
Cách xử lý khi trẻ bị hóc dị vật
Với trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, cần đặt trẻ nằm sấp đầu thấp trên một cánh tay, dùng lòng bàn tay kia vỗ lưng 5 lần mạnh và nhanh vùng giữa 2 xương bả vai, sau đó lật ngửa trẻ lại. Nếu còn khó thở, dùng 2 ngón tay ấn ngực 5 lần. Trẻ 5 – 7 tuổi thì đặt em bé vắt qua đùi, vỗ 5 cái vào vùng lưng phía sau phía trên ngực.
Đối với trẻ từ 4, 5, 6 tuổi, các bậc phụ huynh có thể cho trẻ nằm úp bụng trên hai đùi và vỗ vào lưng 5 cái. Còn đối với trẻ khoảng 14-15 tuổi khi bị hóc thì phụ huynh nên bế, ôm trẻ vào người, lấy hai bàn tay quấn quanh bụng và ấn tay, sốc phần bụng lên 5 cái để cho trẻ ho bật. Phụ huynh khi nhìn thấy trẻ ho, bật dị vật hay bay hết thức ăn ra rồi thì thôi. Khi thấy trẻ thở được, hồng hào trở lại thì bắt đầu mới đưa đi bệnh viện.