Bên bờ Hiền Lương - những ký ức khát vọng

Bên bờ Hiền Lương - những ký ức khát vọng

Bến Hiền Lương nay là mảnh làng bên bờ Bắc sông Bến Hải của xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị. Nơi đây, mỗi năm người từ khắp nơi đổ về mừng ngày hội thống nhất non sông. Để có không gian đó, vùng đất này phải trải qua hơn 20 năm dưới bom đạn bởi vĩ tuyến chia cách. Những câu chuyện ở giới tuyến mãi vẫn kể về khát vọng thống nhất non sông, cho ngày đoàn viên. Trên từng gương mặt người ở Hiền Lương hôm nay, ai cũng nhớ lại quá khứ để hướng đến tương lai.

1. Có nỗi khát vọng nào bằng khát vọng thống nhất non sông, có nỗi đau nào bằng nỗi đau chia cắt. Ấy là những gì mà các mẹ già, bô lão ở ven bờ Hiền Lương đúc kết về thời gian đằng đẵng biệt ly của tháng năm chiến tranh khi kể cho tôi nghe từng thời khắc thuở đó.

Ông Lê Công Cầu (87 tuổi), người ở xóm giữa làng Hiền Lương, nheo mắt nhìn tôi: “Chú vào đây phải trình giấy tờ rõ ràng. Tui theo phong cách cảnh giác từ thời thương đau đến chừ thành quen, chú thông cảm”. Rồi ông đọc hết giấy tờ mới kể về những tháng ngày bám trụ trên quê hương anh hùng đầy lửa đạn.

Ông Cầu là Bí thư Đảng bộ xã Vĩnh Thành thời kỳ 1966 - 1973. Thời kháng chiến chống Pháp ông từng tham gia chiến đấu ở Quảng Trị. Sau Hiệp định Genève ký năm 1954, ông được chi bộ Vĩnh Thành phân công làm chủ nhiệm Hợp tác xã Hiền Lương, kiêm đội trưởng dân quân du kích xã. Trước khi vĩ tuyến bị chia cắt, ông hoạt động ở hai bên bờ sông. Ngày ông ngủ trong chiếc đôn chứa thóc của cơ sở cách mạng. Đôn làm hai đáy, đáy trên đổ thóc, đáy dưới ông nằm bất động, đêm mới đi công đồn, vận động bà con. Ngày giới tuyến tạm thời được xác định, ông rút về phía bờ Bắc, từng ngày ngóng đợi tin đồng bào, đồng chí bên đó mà cồn cào ruột gan.

Ngày hội thống nhất non sông được tổ chức năm 2014 tại bờ Hiền Lương.

Đang nói chuyện, cạnh nhà ông có đám cưới của đôi trẻ sinh ra từ ngày hòa bình. Chiếc loa vọng lại diễn từ bài hát đậm chất dân ca lối hò xứ sở: “Câu hò bên bến Hiền Lương”. Bất giác ông ứa nước mắt rồi nói: “Bài hát ra đời từ năm 1956, thời đó ai nghe mà không khóc, tui đây còn nhòa lệ. Hồi đó, cụm loa bên bờ Bắc của ta ngoài phát lời tuyên truyền chính nghĩa, mỗi chiều đều phát bài hát này. Nao lòng lắm”.

2. Phía bên kia bờ Nam, làng Xuân Hòa, xã Trung Hải, huyện Gio Linh, má Trần Thị Phước nay 81 tuổi vẫn còn nhớ nỗi khắc khoải mong ngày đoàn viên. Má Phước kể, má có chồng là cán bộ Việt Minh chống Pháp. Hiệp định Genève thực thi, chồng má tên Trần Văn Đại chia tay vợ để ra miền Bắc học tập. Má ở lại với lời hẹn sau 2 năm trở về đoàn viên. Nhưng chính phủ Việt Nam cộng hòa đã phá vỡ hiệp định, tàn phá hòa bình, khủng bố trắng làng mạc. Vĩ tuyến 17 là giới tuyến tạm thời đã biến thành vĩ tuyến chia cắt đến hơn 20 năm. Má Phước kể từng chữ: “Lính địch đốt sạch làng mạc. Lời hứa 2 năm đoàn tụ bị xé toạc”. Má còn kể, nhiều người chồng ở bên này, chiều chiều ra sông gánh nước, thấy vợ bên kia giặt giũ mà chỉ lặng thinh nhìn, không kêu được, bởi kêu lên sẽ bị tra khảo, bị bắn bỏ. Cụ Cầu cũng kể, bên bờ Bắc, nhiều người chồng nhìn thấy vợ mình bên kia sông, nhớ nhung cồn cào mà không thể gọi được tên. Chỉ biết lặng câm như đứt từng khúc ruột. Tháng ngày nhớ thương chồng cứ dài đằng đẵng, một hôm má Phước quyết định cùng nhiều người làng bơi vượt sông qua bờ Bắc. Súng của địch bắn xối xả, nhiều người trúng đạn, chết khi chỉ cách bờ vài mét, má Phước được bà con Hiền Lương chèo đò đến đón, may mắn sống sót, được đồng bào phía Bắc vĩ tuyến 17 cưu mang, rồi thông tin cơ sở để má ra Hà Nội đi học, công tác, rồi gặp được chồng trong nước mắt nhớ nhung. Kể đến đó, má Phước móm mém ngân lên trong lồng ngực: “Hò ơ ơ... Thuyền ơi, thuyền ơi có nhớ bến chăng/Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền/Nhắn ai luôn nhớ câu nguyền/Trong cơn bão tố, vững bền lòng son/ Ơi câu hò chiều nay, sao mang nặng tình ai/Hay là em bên ấy, trong phút giây nhớ nhung trào sôi/ Gửi lời tin cho gió, qua mấy câu thiết tha hò ơi”. Má thủng thẳng bắt vần, từng chữ của bài hát cứ nhả ra, từ từ, đều đều với chất giọng của người giới tuyến, đặc đến kỳ lạ.

Còn trưởng thôn Xuân Hòa, Trần Xuân Tâm, bị dồn vào ấp chiến lược mãi trên vùng miền núi huyện Cam Lộ. Làng của ông thời đó, thanh niên một nửa may mắn đi K8 (Chiến dịch K8 - đưa hàng vạn các em nhỏ ở vùng chiến tuyến Quảng Trị, Quảng Bình đến vùng an toàn, đảm bảo “hạt giống đỏ” được bảo vệ an toàn) ra miền Bắc học tập, một nửa bị dồn vào ấp chiến lược cách ly. Số còn lại rất ít là các bậc kiên trung ở lại khoét hầm hoạt động. Người đi K8 ở đó có người là bạn thân của ông, bà Nguyễn Thị Nhơn hơn ông 1 tuổi. Ông Tâm nhớ lại: “Thời vĩ tuyến chia cắt, tui tuy nhỏ nhưng không quên cảnh biệt ly đến chừ. Bạn bè đứa bí mật sang tuyến để trở thành hạt giống đỏ. Đứa đi không kịp như tui thì bị lùa vô ấp, ở trên Cam Lộ, ngày đi lấy củi trong rừng về bán kiếm kế sinh nhai. Đi lấy củi thì phải về đúng giờ, không đúng giờ tụi bảo an đánh đập, tra khảo. Ở làng chỉ còn lại những cha chú hoạt động bí mật”.

Bà Nguyễn Thị Nhơn kể, bà rời làng theo K8 ra tận Thanh Hóa, ở trong nhà của đồng bào rồi cùng lao động sản xuất, cùng học tập. Đó là những hạt giống đỏ của giới tuyến chia cắt được gửi đi sâu vào miền Bắc để đảm bảo an toàn và cũng nhằm chuẩn bị lực lượng tương lai sau này. Thế hệ của bà Nhơn có hàng trăm người ở vùng giới tuyến ra đi như thế. Họ đi bí mật, đi giữa bao làn đạn bom của Mỹ. Khi ngoái nhìn lại thì quê hương đã khuất xa vạn nẻo, hành trình gian truân, bao người phải hy sinh. Bà ở Thanh Hóa mà luôn nhớ về mảnh làng nhỏ bên ven bờ Hiền Lương. Ở đó, quê hương bản quán của bà được tái hiện mỗi chiều khi nghe đài qua bài hát quen thuộc.

Tôi quanh quẩn bên bến Hiền Lương, gặp được má Nguyễn Thị Nậy và Nguyễn Thị Con đã ngoài 80 tuổi, cuốc bộ đi ăn giỗ một người bạn đã mất từ thời bom đạn Mỹ thả đốt giới tuyến. Ký ức của hai người mẹ Hiền Lương trở về những tháng năm chia cắt là làm binh vận. Má Con kể: “Bọn tui hồi đó trẻ, gánh khoai, gánh sắn nói là đi bán cho bà con miền Nam. Gánh qua bên đó thì đưa ngô, khoai ra tặng bà con, rồi bí mật chuyển thư từ, tài liệu về bên mình. Nhưng cũng chỉ được 2 năm thì đóng cửa giới tuyến, nhớ anh em họ hàng, nhớ ruột thịt, nhớ bà còn đứt từng khúc ruột mà chỉ biết chiều chiều đứng lặng ngó con nước thôi”.

3. Bom đạn giới tuyến bị giặc thả ngút trời. Ác liệt nhất là giai đoạn từ 1954 đến 1973. Ông Lê Công Cầu kể: “Khi Quảng Trị được giải phóng một phần vào năm 1973 thì cầu Hiền Lương mới không còn cảnh chia cắt. Ngày đó, bà con hai bên giới tuyến tưng bừng như được sinh ra lần nữa. Rồi khi miền Nam hoàn toàn giải phóng năm 1975 thì vào ngày 30-4 hàng năm, bến Hiền Lương là nơi của ngày hội thống nhất non sông”. Cuộc đời ông Cầu gắn chặt với mảnh làng Hiền Lương nhỏ bé bên dòng Bến Hải. Ngưng tiếng súng, ông trở lại là nông dân trên mảnh đất mình từng chiến đấu.

Ngày hòa bình, má Phước cùng chồng trở lại quê hương Trung Hòa dựng liếp nhà tranh. Người từ ấp chiến lược như ông Tâm, trở về bản quán tìm lại nền nhà cũ của tổ tiên. Rồi những hạt giống đỏ đi K8 như bà Nhơn cũng trở về gánh vác việc dựng xây lại xóm làng đã bị xóa trắng. Bà Nhơn lúc về đã là thiếu nữ, ông Tâm đã là người lực lưỡng gánh vác việc xóm. Rồi họ đã đến với nhau, thành vợ thành chồng trên chính mảnh làng mà tổ tiên họ từng khai canh lập ấp. Má Phước kể: “Ngày về lại làng, chẳng còn lại gì ngoài nền đất cũ, vườn tược hoang hóa, ruộng đồng lút mắt là cỏ. Người dân bị đưa vào các ấp chiến lược, đất đai bạc màu. Hòa bình rồi, cả làng, cả xã được bộ đội giúp đỡ rà phá bom mìn, dựng lại nhà để sản xuất, làm lại từ đầu”. Ông Cầu còn nhớ: “Ngày giới tuyến không còn chia cắt, sông Bến Hải bừng lên khí thế hăng say. Bờ Bắc phấn đấu với bờ Nam về lao động. Đất đai bên bờ nào cũng tràn cả bom đạn. Nhưng có sức người sỏi đá cũng thành cơm”. Nhà mới trở về dựng lên liếp tranh, cả vùng đều ở nhà tranh, sức người dồn cho đồng ruộng để làm ra cái ăn cho cuộc sống tiếp diễn.

Thế hệ K8 trở về thành cô giáo, thầy giáo... Người ở ấp chiến lược ra như ông Tâm cũng hăng say sản xuất, hăng say gương mẫu. Bà Nhơn được bố trí đi dạy. Rồi quê hương mẹ Suốt ở Bảo Ninh, Quảng Bình thiếu nhân lực, bà được phân công chi viện dạy chữ cho trẻ nghèo ở tuyến cát. Bà nhớ lại: “Dạy ở miền cát trắng, khó khăn, khổ cực nhưng thương học trò làng biển, cái chữ của những tháng ngày đi K8 truyền hết cho học trò”. Miệt mài với bảng phấn ở vùng khó, đến năm 1990, bà được điều trở lại nơi sinh thành, tiếp tục dạy học rồi nghỉ hưu. Chồng bà, ông Tâm là nhân tố mới của làng, đi đầu các phong trào. Ngày đất nước bị xâm lăng ở biên giới phía Bắc, ông lên đường nhập ngũ, hoàn thành nhiệm vụ, trở về với nhiều huân, huy chương. Và cuộc trở về đó, ông đã cùng với bà con ở bên bờ Hiền Lương bắt đầu một cuộc chinh phục mới.

MINH PHONG

Tin cùng chuyên mục