“Bên đó có dân...”

Ai từng đi thiên lý Bắc - Nam qua Quảng Bình, chắc chắn không quên nỗi ám ảnh vượt hai tuyến phà Gianh và Quán Hàu. Những năm tháng sau ngày thống nhất đất nước đến thập niên 90 của thế kỷ trước, những chuyến phà chậm chạp nối hai bờ.
“Bên đó có dân...”

Ai từng đi thiên lý Bắc - Nam qua Quảng Bình, chắc chắn không quên nỗi ám ảnh vượt hai tuyến phà Gianh và Quán Hàu. Những năm tháng sau ngày thống nhất đất nước đến thập niên 90 của thế kỷ trước, những chuyến phà chậm chạp nối hai bờ.

Khi cầu Gianh và cầu Quán Hàu khánh thành, lộ trình thời gian vượt sông đã rút ngắn. Đến nay, dấu tích bến phà còn lại bên bờ hiu quạnh. Từ hai chiếc cầu hùng vĩ đó mà miền đất Quảng Bình vươn dài những nhịp cầu mới để giúp dân, cứu dân…

1. Tôi vốn quê làng biển Quảng Trạch, nhưng tuổi thơ sống phần lớn ở chiêm trũng quê ngoại huyện Quảng Ninh. Mỗi lần về thăm nội, phải vượt qua hai lần phà Quán Hàu và phà Gianh. Đấy là những chuyến đi ám ảnh. Mùa hè, phà chạy ùng ục, người khắp vùng về hai bên đường dựng quán bán hàng mưu sinh cho hành khách khắp nơi chờ phà. Mùa mưa lũ, từ Đồng Hới lên vùng chiêm trũng Lệ Thủy, Quảng Ninh hay ra Quảng Trạch, ngược ngàn lên Tuyên Hóa, Minh Hóa phải chờ nước bớt xiết, phà mới có thể nhổ neo chạy công vụ. Những lúc như thế, hàng chục cây số ô tô tắc đường, ngàn vạn khách khứa ách lại giữa đất trời nước bạc, quốc lộ 1A ngập lụt, dân tình chới với, hành khách chới với, ăn uống sinh hoạt vô cùng bí bách. Cứu hộ mưa lũ luôn chậm, luôn đình đốn, phân phát lương thực, nước uống cấp bách đều tự người dân chủ động sẻ chia, bởi cán bộ không thể dùng phà vượt lũ xiết đầy hiểm nguy để vượt sông trên đỉnh nước.

Mỗi lần quê hương Quảng Bình có những cây cầu được đưa vào sử dụng, lòng người vui đến khó tả.

Khi cầu Gianh khánh thành năm 1997, rồi cầu Quán Hàu sử dụng vào năm 2000, những mùa lũ từ đó đến nay, người dân quê tôi luôn bước qua tai ương nghịch cảnh nhờ hai cây cầu hùng vĩ này. Lũ lịch sử năm 2010 phía chiêm trũng Lệ Thủy, Quảng Ninh, nước ngập nóc nhà, con nước sông Nhật Lệ réo rắt, điểm phà cũ ngập không thấy bờ. Nhưng giữa nước bạc đó, cầu Quán Hàu vẫn sừng sững, xe cộ vẫn lưu thông, chỉ trừ có nơi ách tắc cục bộ dọc đường do lũ dâng. Từng đoàn xe cứu hộ chở bo bo phía Đồng Hới vượt sông không ngại ngùng, chạy trên cầu rồi thả dọc cánh đồng nước bạc, tiếp cận từng xóm làng để giải cứu người mắc kẹt trên nóc nhà, tiếp tế lương thực, nước uống. Rồi trận bão càn lũ vùi năm 2013, nhờ mạch cầu sông Gianh mà việc cứu dân vượt sông được gấp rút trong đêm tối. Bao mạng người được an toàn đúng lúc bão càn và lũ lên nguy hiểm. Nhờ chiếc cầu sông Gianh sừng sững mà quân đội, công an đã qua quốc lộ 12A lên với vùng cao Tuyên Hóa, Minh Hóa đầu những năm 2000 để giúp dân ở thượng nguồn bị lũ cô lập trên vách đá. Nay nhìn lại, bao tất bật ngược xuôi, hai chiếc cầu vẫn vĩnh cửu ở đó, lòng người mỗi lần đi qua, đều ghi ơn công sức người thợ làm cầu đã dựng nên công trình giúp dân thiết thực.

2. Năm 2009, cầu Quảng Hải nối bờ bắc sông Gianh với các xã vùng Nam thị xã Ba Đồn đi vào sử dụng là một cuộc đổi đời với người dân vùng cồn bãi trên sông. Năm 2005, trước khi chiếc cầu được khởi công, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã về với miền đất này. Cùng đoàn công tác có trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn năm xưa. Giữa lời thuyết minh của kỹ sư, chuyên gia cầu đường, Thủ tướng Phan Văn Khải phóng tầm mắt từ bờ sông bên này qua vùng đất bên kia rồi hỏi: “Bên đó có gì?”. Mọi người chưa kịp trả lời, trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã giải đáp: “Thưa Thủ tướng, bên đó có dân!”. Trước câu trả lời đó, cả Thủ tướng, cả cán bộ, người dân hôm đó ôm chầm lấy nhau, mọi người đều cười, đều xúc động. Bởi có dân là có tất cả. Có dân là giữ được làng, giữ được đất. Có dân thì có sản xuất, có lao động, có giao thương đi lại, nên quyết định làm cầu Quảng Hải từ ngân sách trung ương rót về là điều cần thiết. Từ đó, Thủ tướng Phan Văn Khải quyết định cho xây cầu Quảng Hải để hàng vạn đồng bào bên kia sông Gianh tránh cảnh lụy đò trở giang.

Nay cầu Quảng Hải vươn cánh vượt sông, những xã phía Nam như Quảng Hải, Quảng Trung, Quảng Hòa, Quảng Sơn… đã nối được với thế giới bên ngoài. Người dân làm lụng buôn bán tấp nập, đời sống mỗi ngày mỗi khởi sắc. Tôi có quen anh Thuyết, ở mạn Quảng Sơn, đời anh thất chữ vì cảnh đò giang cách trở. Học hết cấp ba thì lui vào núi kiếm củi mưu sinh, lấy vợ đẻ con. May cần cù lao động mà vượt cảnh khó khăn. Những đứa con của anh Thuyết sanh ra đều lớn phổng. Cả bốn đứa học hành giỏi cả. Khi hết cấp ba, cầu Quảng Hải đã khánh thành, anh Thuyết cho chúng theo nghiệp chúng ưng. Đứa đi làm bác sĩ, đứa làm kỹ sư, đứa thứ ba làm giáo viên, còn đứa út vẫn tiếp tục học. Gặp lại, anh Thuyết cứ nói: “Thiệt tình nhờ có bác Khải về mà dân vùng Nam sông Gianh mở mày mở mặt, có cầu Quảng Hải mà đi. Lãnh đạo Đảng về tận nơi dân sống, thấy dân vượt sông trở đò mà thương dân như thế thì ở đây, vạn đời dân nhớ mãi. Nhờ cầu mà con cái tui, rồi con dân làng tui được bước ra khỏi làng, vượt biên giới làng mà đi khắp đó đây để học hành, để có sàng khôn. Rứa là ơn Đảng, ơn Nhà nước lắm rồi”.

Ngược vô phía sông Kiến Giang, vùng các xã Duy Ninh, Tân Ninh, An Ninh, Vạn Ninh, đồng bào phấn khởi khi ước mơ ngàn đời thành hiện thực. Cầu Trung Quán đã khánh thành được hai năm. Nơi bến đò Trung Quán xưa, ngày nhỏ, tôi lớn lên với ngoại. Mỗi mùa dông gió bấc trùng khít với hội thi học sinh giỏi văn của huyện. Cô giáo cùng nhóm học sinh gọi nhau í ới kêu ông lái đò vượt sông. Có bữa, qua gần bên kia bờ, sóng to, thuyền chở nặng, nước tràn vào. May gần bờ, không ai thiệt mạng, chỉ ướt sũng. Cũng đôi lần, bến đò Trung Quán tang thương bởi nạn chìm thuyền, người mất. Ấy là những tháng năm đồng bào ở đây, hàng vạn người ước có cây cầu vượt sông để cứu lấy người dân. Nhưng cũng vì hoàn cảnh mà mãi sau này cầu mới xây dựng và hai năm trước, cầu được đưa vào sử dụng. Khỏi phải nói, người quê tôi ai cũng mừng, mừng bởi vì mỗi mùa mưa bão, chiếc cầu đã nối lền hai bờ, không còn cảnh vượt lũ trắng bạc mặt, nước lênh láng đôi bờ. Cảnh đò giang cũng vì thế mà bặt tăm. Mợ tôi, một người đàn bà chân lấm cúc cung làm ruộng, nhìn thấy chiếc cầu hoàn thành đã nói vui: “Nhiều đêm nghĩ tụi bây ngày xưa đi học cực khổ mà ứa nước mắt. Nay bây trở về thăm làng, thăm xóm, thăm người thân có cầu mà đi thiệt vui khó tả. Nông dân ở quê có cái gì làm ra bán được cũng nhờ chiếc cầu ni, ưng mua gì cũng mau mắn hơn là nhờ cầu. Cũng có cầu Trung Quán mà về Đồng Hới nhanh hơn đi đò, nhanh hơn việc phải ngược lên núi đi đường Hồ Chí Minh để về TP”. Từ ngày có cầu Trung Quán, mỗi lần về quê ngoại, thấy bà con niềm nở với sản vật quê mùa, tôi lại thêm niềm vui chung. Những thóc gạo, những cá mú, khoai sắn, thổ sản làm ra đều có thương lái cho xe về tận chân ruộng thu gom. Giá cả không vì thế mà giảm, lại được tăng, người mua người bán cũng vừa lòng. Tất cả đều nhờ vào chiếc cầu ước mơ ngàn vạn đời nay đã thành hiện thực.

3. Xa trên đường 10 nối Đông Trường Sơn từ xã Vạn Ninh huyện Quảng Ninh với Tây Trường Sơn qua xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy có một chiếc cầu xóa nhòa sự độc đạo của đồng bào Vân Kiều các xã Ngân Thủy, Kim Thủy, ấy là cầu Long Đại. Chiếc cầu trên núi cao, bắc ở thượng nguồn dòng sông chảy xiết. Nó cũng mới hoàn thành độ 5 năm trước. Ngày xưa, muốn lên vùng đất rẻo cao ở Tây Trường Sơn này, chỉ có mùa khô nước lòng sông cạn chưa đến đầu gối mới vượt qua, lúc đó đồng bào Vân Kiều phải tranh thủ mùa khô cất trữ lương thực, thực phẩm, mắm muối cho mùa mưa lũ dâng hung dữ, không thể vượt sông để về xuôi. Tôi từng nhiều lần vượt đường 10 để đi về phía đó, ngày cầu Long Đại này chưa hoàn thành, xe máy phải nhờ trai tráng Vân Kiều khiêng qua giữa nước chảy mùa khô. Nếu gặp mưa rừng, nhanh cũng mất vài tiếng, lâu cũng phải cả ngày mới có thể vượt sông. Hồ Thành ở Kim Thủy còn nhớ: “Giáo viên lên dạy, cuối tuần phải về với gia đình, con cái. Bình thường thì êm thấm, có lúc mưa cả đêm, sáng ra nước dâng, bao cô giáo nước mắt rơi săn gò má vì lũ không cho về xuôi mà nhớ con đứt ruột”. Từ ngày cầu được khánh thành, ngã Tây Trường Sơn đó đã dứt cảnh buồn da diết mỗi lần lũ về. Đồng bào Vân Kiều cũng yên tâm không bị cô lập. Hai tiếng Bác Hồ cứ thế sưởi ấm từng tâm hồn con trẻ của giáo viên miền xuôi đưa lên. Già Hồ Cao thật thỏa lòng khi nói: “Người Vân Kiều ở đây theo Đảng, theo Bác Hồ từ ngày đánh Pháp, rồi đánh Mỹ. Hết bom đạn thì đi lại khó khăn. Đảng nhớ, Nhà nước nhớ người Vân Kiều trên núi cao này mà làm đường, làm cầu. Cầu Long Đại ni là cầu giúp dân ấm no, giúp dân hạnh phúc, giúp dân không phá rừng, giúp dân không bỏ làng, giúp dân không bỏ bản, giúp dân có cái chữ, giúp dân về xuôi lên bản được an toàn, buôn bán thổ sản tốt tươi mà cuộc sống khá hơn xưa. Cầu này là cầu đổi đời cán bộ ạ”.

Ngày trước, khi đường Hồ Chí Minh chưa khởi công, đồng bào Rục, Khùa, Mày, Sách, Mã Liềng muốn về xuôi phải ngược ra quốc lộ 12A qua cầu Sảo Phong, Minh Cầm. Chặng đường tuy xa để về với phố thị miền xuôi, nhưng nhờ có chiếc cầu đó mà mỗi lần những tộc người anh em phía núi có tai biến về cuộc sống, về dịch bệnh thì thuốc men tựa vào cầu mà lên đúng lúc cần kíp, không chậm trễ, không muộn mằn.

Quảng Bình từ sau ngày đất nước ngớt tiếng súng đến nay đã có gần 300 chiếc cầu lớn nhỏ được dựng xây. Lòng người phía quê ngày mỗi yên tâm bởi có cầu thì làng xóm khấm khá, đi lại tốt hơn. Mùa mưa bão, người ở xa hướng về bản quán, biết có những chiếc cầu vượt sông, lòng dạ bớt cồn cào hơn, bởi cầu giúp dân rất nhiều. Với tôi, từ ngày có những chiếc cầu Quán Hàu, cầu Gianh, Quảng Hải, Trung Quán, Sảo Phong, Minh Cầm, Long Đại… tôi tin, hàng vạn phận người được an toàn hơn cảnh đò ngang tròng trành. Và tôi cũng mong, rằng mảnh đất hiền lành này sẽ được quan tâm hơn nữa để tương lai có nhiều chiếc cầu hơn cho phát triển, giúp dân...

MINH PHONG

Tin cùng chuyên mục