Bến xe An Sương mới - Đầu mối trung chuyển hành khách xe buýt

Theo chỉ đạo mới nhất của UBND TPHCM, việc cải tạo xây dựng lại Bến xe An Sương sẽ phải theo hướng hiện đại, văn minh, có mô hình hoạt động đa chức năng và dành phần diện tích phù hợp để đảm bảo nhiệm vụ của bến đầu mối, trung chuyển hành khách đi lại bằng xe buýt tại cửa ngõ Tây Bắc ra vào thành phố.

Theo chỉ đạo mới nhất của UBND TPHCM, việc cải tạo xây dựng lại Bến xe An Sương sẽ phải theo hướng hiện đại, văn minh, có mô hình hoạt động đa chức năng và dành phần diện tích phù hợp để đảm bảo nhiệm vụ của bến đầu mối, trung chuyển hành khách đi lại bằng xe buýt tại cửa ngõ Tây Bắc ra vào thành phố.

Với diện tích chỉ hơn 16.000m², hiện nay Bến xe An Sương có bình quân 1.500 lượt xe buýt xuất bến/ngày, cộng với 150 xe khách liên tỉnh với khoảng 3.000 lượt hành khách thông qua bến và 130 phương tiện lưu đậu, trong đó chủ yếu là xe tải. So với tất cả các bến xe liên tỉnh hiện nay trên địa bàn, Bến xe An Sương có lượng xe buýt lưu đậu lớn nhất. Cũng bởi có nhiều loại xe đậu với số lượng lớn, công tác điều hành hoạt động của Bến xe An Sương luôn bị quá tải, từ đó ảnh hưởng đến giao thông trong bến lẫn công tác phòng chống cháy nổ và ô nhiễm môi trường khu vực. Chưa kể là trong tương lai, khi áp dụng chủ trương hạn chế xe ôtô vào trung tâm thành phố cùng với việc tuyến tàu điện ngầm Sài Gòn-Tham Lương đi vào hoạt động, sẽ làm phát sinh thêm một lượng lớn nhu cầu lưu đậu và giữ xe ôtô con, xe gắn máy của người dân. Do đó việc tận dụng không gian của bến là việc nên làm và cần làm ngay.

Bến xe An Sương mới sẽ gồm: nhà bến kết hợp khu trung tâm thương mại dịch vụ, dự kiến cao 6 tầng; khu triển lãm tổ chức sự kiện cao 6 tầng; khu nhà để xe cao 6 tầng; khu dịch vụ kỹ thuật và kho kín; khu tác nghiệp vận tải hành khách; đường nội bộ, tiền sảnh, vỉa hè, cây xanh. Có 3 yêu cầu đề ra đối với các phân khu chức năng là phải đảm bảo tách biệt hoàn toàn khu vực giao thông nội bộ của bến và giao thông bên ngoài; loại trừ các giao cắt giữa người đi bộ và phương tiện giao thông; phân tách giữa dòng hành khách đi và đến.

Dự án được phân làm hai giai đoạn thực hiện. Giai đoạn 1 sẽ tiến hành giải tỏa từ ranh bến xe hiện hữu về phía ngã tư Trung Chánh, tức là hướng Tây Bắc, cho đến hết hành lang an toàn lưới điện cao thế. Diện tích giải tỏa hơn 24.000m2 trong đó phần lớn là đất trống, xen kẽ nhà dân và hành lang an toàn lưới điện. Sang giai đoạn 2, công việc chính là dời hoạt động của bến xe hiện nay qua khu vực vừa xây dựng xong; giải tỏa từ ranh bến xe hiện hữu về hướng ngã tư An Sương, tức hướng Đông Nam, trong đó bao gồm phần lớn là nhà dân; xây dựng khu nhà để xe cao tầng và khu triển lãm tổ chức sự kiện.

Theo kế hoạch giai đoạn 1 sẽ được đưa vào sử dụng vào đầu năm 2014 và cuối năm 2015 là khai thác giai đoạn 2.

MINH TUẤN

Tin cùng chuyên mục