
Khi nói về vấn đề này, nhà nghiên cứu người Anh Heathcote Williams đã đặt cho cuốn sách của mình cái tên đầy ý nghĩa Autogeddon. Trong Kinh Thánh, từ “Armageddon” dùng để chỉ một thảm họa ngày tận thế đã được Heathcote cố tình thay thế tiếp đầu ngữ “Arma” bằng “Auto” (từ gọi thông tục của xe ôtô).
Heathcote cho rằng, trên khắp các tuyến đường của hành tinh chúng ta, từ lâu đã và đang xảy ra vô số những vụ tai nạn giao thông (TNGT), nếu tính toán con số nạn nhân ngày càng tăng thì thảm họa trên có quy mô chẳng khác gì trong Kinh Thánh.
- Bài học không thuộc...

Không mấy người biết rằng vào đúng năm nay, nhân loại có một mốc kỷ niệm năm chẵn đáng buồn – 110 năm kể từ khi xảy ra vụ tai nạn giao thông đầu tiên gây chết người.
“Vinh dự” mở đầu cái mà các chuyên gia gọi là “đại dịch của những cái chết trên mọi tuyến đường” thuộc về người Anh.
Vụ va chạm ôtô đầu tiên dẫn tới cái chết được ghi nhận vào ngày 17-8-1896 tại công viên Crystal Palace ở London, một vị trí ở ngoại ô, là nơi dạo chơi và giải trí yêu thích của người dân.
Nhân viên Arthur Adsell của hãng động cơ liên doanh Anh-Pháp lái một chiếc xe ôtô (một trong rất ít những chiếc xe hiếm hoi thời bấy giờ) để thử nghiệm một động cơ mới.
Những người chứng kiến cho biết, Adsell đã phóng chiếc xe với “tốc độ khủng khiếp” là gần… 7km/giờ và đâm vào một phụ nữ có tên Bridget Driscoll đang đi bên đường khiến nạn nhân tử vong chỉ vài phút sau đó.
Kết quả điều tra cho thấy, Adsell đã lái nhanh gấp đôi tốc độ thông thường. Ngoài ra, do anh ta mải nói chuyện với một cô gái ngồi cùng trên xe nên không để ý tới nạn nhân.
Câu chuyện trên cho thấy, nguyên nhân của vụ tai nạn giao thông đầu tiên trong lịch sử – do vượt quá tốc độ và thiếu chú ý – cho tới ngày nay vẫn nằm trong danh sách 5 nguyên nhân hàng đầu dẫn tới những cái chết trên các tuyến đường.
Nhân loại đã không học hỏi được nhiều từ những bài học đắt giá như trên. Hơn thế nữa, số lượng nạn nhân bỏ mạng trên các tuyến đường lại đang tăng với tốc độ khó tin.
Chỉ tính đến năm 2005, trung bình có khoảng hơn 1,2 triệu người thiệt mạng mỗi năm trên mọi tuyến đường khắp thế giới (con số này có thể tương đương với số nạn nhân của vụ khủng bố 11-9, nếu như mỗi ngày đều diễn ra cảnh máy bay đâm vào tòa tháp WTC).
Đó là chưa kể tới khoảng 50 triệu người nữa bị thương, rất nhiều trong số đó bị tàn phế trong suốt quãng đời còn lại.
Đáng chú ý, đây chắc chắn không phải là những số liệu chính xác nhất mà chỉ là thống kê của Tổ chức y tế thế giới (WHO) và Ngân hàng thế giới (WB) dựa trên cơ sở dữ liệu của cơ quan cảnh sát đường bộ các nước.
Cứ cho rằng những cơ quan cảnh sát này đã làm hết sức mình trong việc thống kê, rõ ràng họ cũng không thể thu thập đầy đủ các số liệu.
Tại nhiều nước đang phát triển ở châu Phi và châu Á (nơi ít xe hơi hơn các nước phát triển nhưng lại thường dẫn đầu về số vụ tai nạn giao thông), các vụ va chạm giao thông đơn giản là không thể tính xuể. Rất nhiều người bị thương do tai nạn đã không báo cho cảnh sát, thậm chí còn không tới bệnh viện.
Theo đánh giá chung của các chuyên gia, con số người bị thương trên thực tế phải nhiều gấp đôi (tức khoảng 100 triệu người mỗi năm).
- … Và những con số “sởn gai ốc”
Tại Anh (quốc gia có tỷ lệ nạn nhân chết vì tại nạn giao thông thấp nhất châu Âu), hàng năm số người chết trên các tuyến đường luôn nhiều gấp 5 lần so với số nạn nhân của những vụ cướp bóc và tội phạm có sử dụng súng đạn.
Số công dân Anh chết và bị thương nặng do TNGT trong độ tuổi từ 5 đến 40 luôn nhiều hơn số lượng người chết và tàn tật của tất cả những căn bệnh khác nhau cộng lại.
Tính trong suốt lịch sử từ khi xuất hiện chiếc xe ôtô, nước Anh đã có hơn 500.000 người chết và hơn 30 triệu người bị thương vì TNGT – tức là gấp đôi số nạn nhân của Chiến tranh thế giới thứ nhất và thứ hai của Anh cộng lại.
Còn theo các chuyên gia Liên minh châu Âu, trung bình trong số 80 người dân của EU sẽ có một người chết khi chưa tới 40 tuổi do TNGT.
Tình hình tại Mỹ còn tồi tệ hơn nữa. Như tại khu vực Đông Bắc bang Massachusets, số nạn nhân chết vì TNGT luôn đứng ở đầu bảng, trong khi thống kê cho thấy chủ yếu là ở độ tuổi dưới 32.
Theo số liệu của WHO, các trường hợp tử nạn vì TNGT trong năm 2005 chiếm tới 2,3% số người chết vì mọi nguyên nhân trên thế giới. Số tử nạn do TNGT chiếm 24% tổng số vụ chết vì mọi loại chấân thương.
Để so sánh, số nạn nhân chết vì chấn thương không liên quan TNGT chiếm 17% (trong đó chỉ có 3,4% là nạn nhân của các cuộc nội chiến hay chiến tranh, 10,8% là nạn nhân của các vụ bạo lực hay tội phạm).
WHO cảnh báo, nếu cứ theo đúng nhịp độ như hiện nay thì đến năm 2020, số nạn nhân TNGT trên toàn thế giới sẽ vượt ra khỏi vị trí thứ 9 trong danh sách tất cả những nguyên nhân gây chết người (như dịch bệnh, chiến tranh, xung đột v.v…) để chiếm vị trí thứ ba.
Cộng đồng thế giới tất nhiên là không thể không nhìn nhận và tìm cách ngăn chặn xu hướng này. Tại hội nghị về an ninh gần đây nhất (diễn ra tháng 7 qua tại London), chấn thương vì TNGT đã được thừa nhận là “một bệnh dịch nghiêm trọng đang lan rộng” đe dọa cư dân khắp hành tinh. Hội nghị còn đưa ra một báo cáo riêng về vấn đề an toàn đường bộ trên toàn cầu do một Ủy ban quốc tế chuyên trách soạn thảo.
Khi trình bày bản báo cáo trên, Chủ tịch Ủy ban Robertson – cựu Tổng thư ký NATO – đã kêu gọi cộng đồng quốc tế, chính phủ các nước, các chính trị gia cũng như mọi người dân đẩy mạnh mọi nỗ lực trong việc bảo đảm an toàn trên các tuyến đường bộ.
Thiệt hại mà TNGT đem lại, theo Robertson, cũng đang là một gánh nặng đối với sức khỏe của mọi người tương tự như bệnh sốt rét và lao phổi.
“Trong khi cuộc đấu tranh chống sốt rét và lao phổi lại có được sự chú trọng đặc biệt từ phương tiện, sự quan tâm của các chính trị gia và báo chí, thì vấn đề an toàn giao thông toàn cầu lại bị lơ là nghiêm trọng” – Robertson nói.
Tại Hội nghị thượng đỉnh thiên niên kỷ năm 2000 vừa qua, các nhà lãnh đạo hàng đầu trên thế giới đã đưa ra quyết định kiểm soát vấn đề sốt rét và lao phổi cho đến trước năm 2015 bằng cách tập trung nhiều nguồn lực về con người và tài chính.
Trong khi vấn nạn của hai căn bệnh trên chỉ phát triển với tỷ lệ 1% mỗi năm thì tỷ lệ nạn nhân chấn thương và thiệt mạng do TNGT theo dự đoán sẽ tăng tới 65% vào năm 2020.
Theo đó, Ủy ban An toàn giao thông toàn cầu đã đề xuất việc thành lập một quỹ chung khoảng 300 triệu USD nhằm cung cấp tài chính và thực thi các giải pháp nâng cao an toàn giao thông cho các quốc gia có mức thu nhập kém và trung bình.
NHƯ QUỲNH
(Tổng hợp)
Danh sách 10 quốc gia có tỷ lệ tai nạn giao thông cao hàng đầu (tính theo số dân): 1. Malaysia 2. Nam Phi 3. Nga 4. Latvia 5. Litva 6. Trung Quốc 7. Belarus 8. Liechtenstein 9. Croatia 10. Hy Lạp Danh sách 10 quốc gia có tỷ lệ nạn nhân TNGT thấp nhất thế giới: 1. Brunei 2. Malta 3. Macedonia 4. Anh 5. Thụy Điển 6. Nauy 7. Hà Lan 8. Nhật 9. Phần Lan 10. Thụy Sĩ (Theo WHO) |