Bệnh tay chân miệng tăng nhanh

Bệnh tay chân miệng (TCM) lưu hành quanh năm, lây truyền qua đường tiêu hóa; người mắc chủ yếu là trẻ nhỏ. Từ đầu năm 2021 đến nay, số trẻ mắc TCM trong cả nước đã tăng đến 400%, một số trường hợp biến chứng nặng dẫn đến tử vong. Các chuyên gia y tế lo ngại các biến chứng của bệnh để lại di chứng nặng cho trẻ.

Nhiều ca biến chứng nặng 

Theo Th.S-BS Lê Hồng Nga, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), trong 3 tháng đầu năm 2021, số ca bệnh TCM đã tăng gần gấp đôi so với trung bình cùng kỳ giai đoạn 2017-2020. Số ca bệnh TCM nặng (độ 2B trở lên) đang có khuynh hướng gia tăng. Toàn TPHCM ghi nhận 2.564 ca TCM, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2020 (1.044 ca). Riêng tháng 3-2021, TPHCM ghi nhận 346 ca, tăng 2,2 lần so với trung bình tháng trước (152 ca). TP Thủ Đức và nhiều quận huyện có tỷ lệ tăng ở mức báo động như 1, 4, 6, 7, 8, 10, 11, 12, Bình Tân, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn. 

Bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 đang thăm khám và điều trị cho bệnh nhi mắc tay chân miệng. Ảnh: MINH NAM
Tại Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1, vài tuần trở lại đây, số lượng bệnh nhi nhập viện do mắc TCM không ngừng tăng, khoảng 6-7 ca bệnh/ngày, phần lớn ở mức bệnh nhẹ (như sốt nhẹ, phát ban ở lòng bàn tay, bàn chân) nên bác sĩ cho về nhà điều trị, chăm sóc. Bác sĩ Dư Tuấn Quy, Phó trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh, cho biết, khoa đang điều trị 134 bệnh nhi mắc các bệnh truyền nhiễm và thần kinh; riêng TCM có 42 ca, trong đó có 3 ca độ 3 và 9 ca độ 2B.


Còn tại BV Nhi đồng Thành phố, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc BV, cho biết, từ đầu tháng 3 đến nay, số bệnh nhi mắc TCM nhập viện tăng về số lượng lẫn mức độ bệnh nặng, nhiều trường hợp phải thở máy, sử dụng thuốc và điều trị tích cực. Như trường hợp bé gái 15 tháng tuổi ngụ tỉnh Bạc Liêu, được chuyển lên từ BV Đa khoa tỉnh Bạc Liêu trong tình trạng suy hô hấp. Theo thông tin từ gia đình, bé sốt cao 3 ngày không hạ, nôn, giật mình chới với, nổi nhiều mụn nước ở lòng bàn tay thì mới đưa đến bệnh viện tỉnh. Tại đây, bệnh nhi dần rơi vào tình trạng lơ mơ, tím tái, tay chân lạnh, da nổi hồng ban và được chẩn đoán mắc TCM độ 4. Sau đó, tình trạng bệnh diễn biến nặng, bệnh nhi suy hô hấp tuần hoàn, được các bác sĩ xử trí đặt nội khí quản thở máy, chống sốc, dùng thuốc vận mạch… và chuyển lên BV Nhi đồng Thành phố. 

Theo hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, từ đầu năm 2021 đến nay cả nước ghi nhận khoảng 18.000 trường hợp mắc TCM, trong đó có 4 trường hợp tử vong tại Kiên Giang (2 ca), An Giang (1 ca) và Long An (1 ca). So với cùng kỳ năm 2020, số ca mắc tăng 4 lần, gia tăng chủ yếu ở khu vực miền Nam và cục bộ tại một số tỉnh, thành phố như TPHCM, Đồng Nai, Long An, Đồng Tháp, An Giang…

Chủ động phòng bệnh

Theo bác sĩ Lê Hồng Nga, TCM là bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ, nhất là trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh có tốc độ lây lan nhanh, dễ thành dịch, thời điểm dịch bùng phát là tháng 3 đến tháng 5 và tháng 8 đến tháng 9 hàng năm. Hầu hết ca bệnh đều diễn biến nhẹ. Tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời. 

Trước nguy cơ bệnh TCM diễn biến phức tạp hơn, các bác sĩ cảnh báo, khi trẻ có biểu hiện sốt kèm theo phát ban lòng bàn tay, chân, mông, ngực, miệng thì cần cho trẻ đi khám. Trường hợp trẻ bị sốt nhưng không biểu hiện thần kinh, đáp ứng với thuốc hạ sốt thì gia đình theo dõi tại nhà. Trẻ sốt cao không đáp ứng thuốc hạ sốt thì nên được theo dõi tại các cơ sở y tế, tránh những biến chứng có thể xảy ra. Nếu trẻ có biểu hiện run tay, giật mình, rối loạn ý thức thì diễn biến bệnh có xu hướng tăng nặng. “Theo thống kê, tỷ lệ trẻ bị tổn thương não do bệnh TCM không quá cao, nhưng nếu trẻ bị biến chứng nặng vì chậm điều trị sẽ gây ra tổn thương thân não, để lại di chứng nặng như viêm não, tim mạch, phù phổi cấp. Thậm chí, bệnh có thể gây tử vong cho trẻ nếu không được chăm sóc và điều trị kịp thời”, bác sĩ Lê Hồng Nga chỉ rõ.

Bộ Y tế đã có công văn khẩn, khuyến cáo người dân và cộng đồng thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống bệnh TCM. Cụ thể, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em); thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống, đồ chơi chưa được khử trùng; thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Đồng thời không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

Tại TP Hà Nội, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết, từ đầu năm đến nay, TP ghi nhận 82 trường hợp mắc TCM ở 28 quận, huyện, thị xã. Số ca mắc có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây và bệnh này có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới, chủ yếu là ở trẻ nhỏ. Bác sĩ Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em, BV Nhi Trung ương, cho biết, từ đầu năm 2021 đến nay, trung tâm tiếp nhận điều trị cho trên 130 trường hợp trẻ mắc TCM, cao gấp 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. 

Tại tỉnh Lâm Đồng, từ đầu năm 2021 đến nay có 259 ca mắc TCM, tăng 216 ca so với cùng kỳ.

Tại tỉnh Đồng Tháp, bác sĩ Dương Ân Hận, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết, trên địa bàn tỉnh ghi nhận trên 1.300 ca mắc TCM, có 1 ca tử vong. Trong đó, ca nặng cũng có chiều hướng tăng so với năm trước, mức độ 2B là gần 50 ca, mức độ 3 là 9 ca. 

Tại tỉnh Bến Tre cũng xuất hiện khoảng trên 200 ca bệnh TCM, chủ yếu ở trẻ nhỏ, tập trung ở huyện Mỏ Cày Nam và Thạnh Phú. So với quý 1 cùng kỳ năm rồi thì số ca bệnh tăng, nhưng không ghi nhận ca tử vong, ca nặng mà chỉ mới biểu hiện sốt, lở miệng ở mức độ nhẹ.

Tin cùng chuyên mục