Bệnh thường gặp ở vận động viên

Bệnh thường gặp ở vận động viên

Vận động viên (VĐV) là người phải dùng tổng lực rất lớn để tập luyện và thi đấu vì vậy rất dễ bị các bệnh rất nặng về cơ, xương, khớp, tim mạch… Các trường hợp hay gặp nhất là: say nắng, chuột rút, choáng ngất, hạ đường huyết…

* Làm thế nào để phòng và tránh một số bệnh xảy ra với VĐV trong quá trình luyện tập và thi đấu?

- Để phòng tránh các bệnh liên quan đến luyện tập và thi đấu, điều quan trọng là VĐV cần phải tập luyện nghiêm túc theo hướng dẫn của huấn luyện viên.

Chế độ dinh dưỡng đầy đủ theo thực đơn dành cho VĐV, nhằm tăng cường dinh dưỡng để tạo máu, phòng chống thiếu máu suy tim, cung cấp đầy đủ lượng calci cho xương chắc khỏe phòng tránh tổn thương xương, cung cấp cho khối cơ nguồn năng lượng dồi dào, ngoài ra phải bổ sung đầy đủ nước trong quá trình tập luyện và thi đấu, ngủ đủ giấc. Không để cơ thể mệt vì thiếu ngủ, thiếu nước, thiếu dinh dưỡng... khi tập luyện hay khi thi đấu, nhằm tránh choáng ngất, chuột rút, hạ đường huyết hoặc xảy ra tai nạn chấn thương hệ cơ xương, khớp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe VĐV.

* Những môn thể thao nào dễ xảy ra choáng ngất và suy tim trong quá trình tập luyện và thi đấu?

- Những môn như chạy điền kinh, đá bóng, đua xe đạp... đòi hỏi các khối cơ nhất là cơ bắp phải vận động co rút liên tục, rất cần lưu lượng máu đến nuôi dưỡng các khối cơ nhiều hơn, nên lượng máu về tim rất thấp dễ dẫn đến suy tim, máu về nuôi não ít khiến não thiếu oxy đột ngột gây choáng ngất và mất tri giác trong thời gian ngắn. Để giảm thiểu những trường hợp trên, VĐV cần chú ý thực hiện đúng hướng dẫn của huấn luyện viên, nên hít thở đều trong khi hoạt động, không dừng đột ngột khi về đến đích để tránh những nguy hiểm cho VĐV.

* Những VĐV nào hay gặp tình trạng chuột rút, say nắng, trong quá trình tập luyện và thi đấu?

- Những VĐV tập luyện và thi đấu những môn đòi hỏi cường độ cao, dưới thời tiết nóng bức trong thời gian dài như đá bóng, đua xe đạp, chạy việt dã... sẽ bị mất nước, mất muối và mất một số khoáng vi lượng, làm giảm thể tích máu đến nuôi các khối cơ nên xảy ra tình trạng bị vọp bẻ xoắn vặn khối cơ rất đau, làm cho VĐV khó tiếp tục thi đấu, ngoài ra dễ bị say nắng như: vã mồ hôi lạnh, mặt đỏ nhừ, chóng mặt, nặng hơn là ngất lịm, hôn mê rất nguy hiểm đến tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời. Vì vậy, trong quá trình thi đấu, cần bổ sung đầy đủ nước uống giúp hạn chế các tình trạng trên.

* Những VĐV nào dễ bị hạ đường huyết trong lúc luyện tập và thi đấu?

- Hạ đường huyết thường gặp trong các hoạt động thể lực cao độ trong thời gian dài như: chạy việt dã, bơi đường trường và đua xe đạp, do phải vận động khối cơ bắp co rút liên tục nên tiêu hao rất nhiều năng lượng dự trữ từ nguồn glucose trong cơ thể, dẫn đến hiện tượng hạ đường huyết gây bủn rủn chân tay, chóng mặt, toát mồ hôi, sắc mặt tái nhợt, nặng hơn là co giật toàn thân, hôn mê. Nếu được nghỉ ngơi, uống nước đường, uống nước trái cây hoặc nước uống trong thể thao sẽ giúp hồi phục.

Tóm lại, VĐV cần đảm bảo ăn, uống, nghỉ ngơi đầy đủ, luyện tập hợp lý để có sức khỏe dồi dào, thi đấu đạt kết quả cao và phòng tránh một số bệnh nguy hiểm.

BS Đỗ Thị Nga
Chuyên gia Tư vấn Dinh dưỡng NutiFood
Nguyên Trưởng Phòng khám TTDD Trẻ em TPHCM

Tin cùng chuyên mục