Bệnh viện chuyên khoa gặp khó vì Thông tư 40

Thông tư 40/2015 do Bộ Y tế ban hành ngày 16-11-2015, quy định việc đăng ký khám chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) ban đầu và chuyển tuyến đang gây ra những khó khăn cho bệnh viện chuyên khoa các tỉnh khi công suất sử dụng giường bệnh liên tục giảm, ảnh hưởng đến đời sống, thu nhập của y bác sĩ. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ khó đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh ở nhiều bệnh viện.     
Máy cấy vi khuẩn lao hiện đại được Nhà nước đầu tư tại Bệnh viện Phổi Đồng Nai. Ảnh: VĂN PHONG
Máy cấy vi khuẩn lao hiện đại được Nhà nước đầu tư tại Bệnh viện Phổi Đồng Nai. Ảnh: VĂN PHONG
Bệnh viện thưa thớt bệnh nhân
Trong năm 2019, người viết bài này đã nhiều lần đến điều trị vật lý trị liệu ở Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Đồng Nai. Ấn tượng ban đầu là cơ sở vật chất khá khang trang, thoáng mát, nhưng thưa thớt bệnh nhân nếu so với quy mô của một bệnh viện tuyến tỉnh. Bác sĩ Phùng Văn Thanh, Giám đốc bệnh viện, than thở: Trước đây, khi chưa có Thông tư 40 thì bệnh viện đông bệnh nhân lắm, nhiều lúc phải kê thêm giường, nhưng từ ngày có quy định lại về đăng ký KCB bằng thẻ BHYT thì bệnh viện được xếp là tuyến cuối của y học cổ truyền nên bệnh nhân BHYT không thể đăng ký KCB ban đầu hoặc chuyển tuyến dễ dàng như trước. Chỉ có những ca bệnh nặng từ dưới chuyển lên nên bệnh viện đang rơi vào tình cảnh rất khó khăn.
Công suất sử dụng giường bệnh liên tục giảm từ sau khi có Thông tư 40: năm 2015 công suất là 71,4%, năm 2016 giảm còn 54%, năm 2017 là 31% và năm 2018 chỉ còn 23%. Hiện số thẻ đăng ký KCB ban đầu quá ít, đa phần là những đối tượng có công cách mạng, người cao tuổi, người có bệnh mãn tính phải uống thuốc thường xuyên, dẫn đến việc bệnh viện thường xuyên vượt quỹ, vượt trần chi khám chữa bệnh BHYT.
Còn tại Bệnh viện Phổi Đồng Nai, một bệnh viện chuyên khoa về phòng chống bệnh lao, phổi và hen phế quản thì tình hình chưa đến mức “báo động đỏ”, nhưng công suất sử dụng giường bệnh cũng đang sụt giảm rõ rệt. Nếu trước thời điểm Thông tư 40 ra đời, công suất sử dụng giường bệnh là 73,25% thì đến năm 2018 giảm còn 56,25% và 11 tháng của năm 2019 chỉ còn 49,81%. Bác sĩ Nguyễn Ngọc Khánh, Giám đốc bệnh viện, cho biết thêm: “Trước đây, khi chưa có Thông tư 40, bệnh nhân khám vượt tuyến còn được BHYT chi trả một phần, giờ thì không được hưởng gì, trong khi tuyến y tế cơ sở chưa theo kịp yêu cầu của người bệnh”. 
Tình hình cũng tương tự tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Bình Dương, vào đúng giờ hành chính nhưng chúng tôi khá ngạc nhiên khi nơi đây rất vắng vẻ. Đi vào các khu khám bệnh, khu điều trị thì có nơi nhân viên y tế nhiều hơn bệnh nhân. 
Gây khó cho cả bệnh nhân lẫn bệnh viện
Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Khánh, quan điểm của bệnh viện là “chỉ muốn khám, chẩn đoán ban đầu xong trả về cho tuyến dưới điều trị lâu dài” nhưng không thể thực hiện được vì vướng quy định của Thông tư 40. Việc các bệnh viện sử dụng chưa hết 50% công suất giường bệnh là một sự lãng phí lớn so với kinh phí đầu tư của Nhà nước, xã hội cho cơ sở vật chất và nguồn lực. Đồng thời, các bệnh viện cũng không có điều kiện để thu dịch vụ, thực hiện tự chủ tài chính và không có nguồn để cải thiện thu nhập đảm bảo đời sống của đội ngũ thầy thuốc nên họ không thể yên tâm công tác, phục vụ sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân nói chung và thực hiện chỉ tiêu KCB được giao hàng năm.
TS Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, phân tích: Theo điểm a, khoản 1, Điều 9 của Thông tư 40 thì người tham gia BHYT đang thường trú, tạm trú hoặc làm việc trên địa bàn quận huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh không có cơ sở KCB tuyến xã, huyện, hoặc có nhưng các cơ sở đó không đáp ứng được việc KCB ban đầu cho người tham gia BHYT thì được đăng ký KCB ban đầu tại bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh. Nhưng để thực thi được thì tại điểm b, khoản 1 của điều này lại quy định là “những người này phải được giám đốc sở y tế và giám đốc bảo hiểm xã hội tỉnh thống nhất bằng văn bản”. Như vậy, người có thẻ BHYT không có quyền đăng ký KCB ban đầu tại bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh; còn bệnh viện thì phải đợi bệnh nhân từ các cơ sở KCB tuyến xã, huyện chuyển lên.
Những quy định nói trên chẳng khác nào ràng buộc thêm thủ tục hành chính đối với người bệnh, tạo thêm rào cản cho bệnh nhân - không được tự do lựa chọn, tiếp cận và thừa hưởng chất lượng dịch vụ KCB ở các bệnh viện tuyến trên. Và như vậy, BHYT đang phần nào mất đi tính nhân văn. Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cần có sự phối hợp hài hòa và thay đổi về chính sách đóng, hưởng BHYT theo hướng có nhiều mức đóng khác nhau, để bệnh nhân có thẻ BHYT có quyền tự do chọn lựa nơi KCB ban đầu.

Tin cùng chuyên mục