Bệnh viện lại thiếu thuốc, cạn kiệt vật tư

Mặc dù Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo Bộ Y tế, các bộ, ngành khẩn trương giải quyết tình trạng khan hiếm thuốc, vật tư y tế thời gian qua, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, các địa phương đang đối mặt với việc thiếu thuốc, thiếu hóa chất xét nghiệm, vật tư y tế và thậm chí cả thiếu máu…

Chuyển phác đồ điều trị bệnh tay chân miệng

Thời gian gần đây, các tỉnh, thành phố phía Nam như An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ có số ca mắc tay chân miệng tăng cao, nhưng thiếu các thuốc thiết yếu như: Immunoglobulin, Phenobarbital, Milrinone... khiến nhiều bệnh nhi nặng phải chuyển lên TPHCM điều trị. Từ đó dẫn đến hậu quả một số trẻ không được điều trị kịp thời, biến chứng nặng, thậm chí tử vong.

Theo thống kê của Viện Pasteur TPHCM, từ đầu năm đến nay, số ca tay chân miệng ở phía Nam tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, và đã có 23 trường hợp tử vong. Số ca mắc đạt đỉnh lần thứ nhất vào cuối tháng 7, đầu tháng 8, sau đó giảm dần, đến đầu tháng 9 bắt đầu tăng trở lại và tăng mạnh liên tục cho đến nay. Tuần qua, số ca mắc tay chân miệng vượt đỉnh thứ nhất của năm và vẫn đang tiếp tục tăng.

Trong bối cảnh đó, các chuyên gia đề nghị các bệnh viện tuyến cuối khẩn trương mua sắm đầy đủ thuốc và vật tư trang thiết bị y tế thiết yếu để điều trị bệnh, đảm bảo việc chẩn đoán, điều trị, chăm sóc bệnh nhân tại chỗ. Chủ động hội chẩn từ xa các ca bệnh khó với các bệnh viện tuyến cuối, hạn chế tình trạng chuyển viện không an toàn.

Khám bệnh tay chân miệng cho bệnh nhi ở Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM

Khám bệnh tay chân miệng cho bệnh nhi ở Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM

Sở Y tế các địa phương hỗ trợ, đôn đốc và giám sát các bệnh viện trong việc cung ứng thuốc và vật tư trang thiết bị. Theo một số chuyên gia, đối với phác đồ điều trị tay chân miệng do Bộ Y tế ban hành, hiện nay các thuốc điều trị bệnh tay chân miệng thông thường cơ bản đáp ứng đủ công tác điều trị.

Tuy nhiên, có 2 có loại thuốc đang gặp khó khăn về cung ứng là thuốc Immunoglobulin và Phenobarbital dùng cho các trường hợp bệnh nhân nặng. Cả 2 loại thuốc này hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Do vậy, Bộ Y tế tiếp tục thúc đẩy những doanh nghiệp, nhà phân phối tăng cường nhập khẩu, cung ứng 2 loại thuốc trên cho các đơn vị, địa phương để bảo đảm có đủ thuốc điều trị bệnh.

Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương chủ động hơn nữa trong công tác phòng chống dịch bệnh, như tăng cường giám sát, xử lý ổ dịch; đẩy mạnh truyền thông để người dân hiểu rõ và thực hiện các biện pháp phòng dịch. Các cơ sở điều trị thực hiện nghiêm túc việc phân luồng, phân loại bệnh nhân, hỗ trợ bệnh nhân chuyển tuyến phù hợp.

“Hụt” vaccine, thiếu thuốc thiết yếu

Hiện nguồn vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng tại TPHCM và cả nước dần cạn kiệt. Nhiều trạm y tế ở TPHCM đã “khát” vaccine tiêm chủng mở rộng từ lâu vì không đủ cung cấp tiêm phòng bệnh cho trẻ.

Chị Nguyễn Thị Mai Hương (32 tuổi, ngụ quận 12) chia sẻ, chị đã đưa con đến Trạm Y tế phường Đông Hưng Thuận, quận 12 để tiêm vaccine “5 trong 1” (ngừa 5 bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván - viêm gan siêu vi B - viêm màng não mủ do Hib). Tuy nhiên, nhân viên y tế thông báo đã hết vaccine “5 trong 1” và khuyên nếu có điều kiện, chị nên tiêm ngừa đúng lịch cho con bằng vaccine dịch vụ với giá hơn 1 triệu đồng/mũi.

Theo Sở Y tế TPHCM, hiện nguồn vaccine thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng tại thành phố đang cạn dần, như: vaccine DPT-VGB-Hib (vaccine “5 trong 1”), ngừa sởi - Rubella, ngừa sởi, ngừa uốn ván, ngừa viêm gan siêu vi B… chỉ đủ dùng cho vài ngày tới. Sở Y tế TPHCM đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) tiếp tục điều phối hợp lý nguồn vaccine còn lại giữa các địa phương trên địa bàn và hướng dẫn các trạm y tế phường, xã rà soát, quản lý chặt chẽ danh sách trẻ đến lượt tiêm mới, tiêm nhắc lại và tiêm sớm nhất khi nguồn vaccine được cung ứng trở lại. Không chỉ vaccine tiêm chủng mở rộng, các thuốc điều trị các bệnh thông thường cũng đang trong tình trạng thiếu hụt tại nhiều nơi.

Ở Bệnh viện Đa khoa Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, dù còn lượng thuốc dự trữ đến quý hết 4-2023 nhưng hiện thuốc chưa thể đảm bảo đầy đủ cho nhu cầu khám chữa bệnh, nhất là số bệnh nhân ngày càng tăng cao. Loại thuốc thiết yếu không thiếu nhưng loại thuốc điều trị thông thường lại rất thiếu. Bệnh viện phải sử dụng các loại thuốc thay thế trong công tác điều trị và giải thích cho bệnh nhân nắm bắt tình hình.

Bệnh viện Đa khoa Vũng Tàu cũng đang trong tình trạng thiếu thuốc, nhất là thuốc đông y. Đại diện Sở Y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, nguyên nhân là do các gói thầu mua thuốc tập trung (quốc gia và địa phương) chưa đảm bảo tiến độ như dự kiến ban đầu, vì vậy các cơ sở khám, chữa bệnh có phần bị động trong công tác mua sắm, cung ứng thuốc tại đơn vị. Mặt khác, các mặt hàng thuốc tăng giá cao hơn so với kết quả trúng thầu được công khai trên cổng thông tin điện tử của Cục Quản lý Dược, nên các nhà thầu không dự thầu.

Đồng bằng sông Cửu Long khan hiếm máu Bệnh viện Huyết học - Truyền máu TP Cần Thơ cũng có công văn gửi các cơ sở y tế ĐBSCL về việc tạm dừng giao chế phẩm máu, do gặp khó khăn trong công tác đấu thầu mua sắm hóa chất, vật tư, trang thiết bị y tế năm 2023-2024. Là đơn vị cung ứng máu cho 74 bệnh viện, cơ sở y tế trong khu vực, nhưng đến ngày 17-10, bệnh viện chỉ còn 86 đơn vị máu trong kho (nhu cầu cung cấp máu mỗi tuần cho ĐBSCL là 2.800-3.000 đơn vị máu, tương đương mỗi tháng cần 12.000-15.000 đơn vị máu).

Tin cùng chuyên mục