
Tôi định giữ những câu chuyện này lại cho mình, chép vào một quyển vở đẹp để dành, khi nào thích ai lắm mới kể cho nghe.
Một đêm, khuya thật khuya, tôi kể cho con Thằn Lằn Đen nghe. Bạn biết tại sao không? Con Thằn Lằn Đen đang buồn!
***

Nửa đêm nó tặc lưỡi:
- Chán quá! Đêm gì mà dài lê thê.
Lúc ấy tất cả đều đang ngủ, nên tiếng tặc lưỡi của con Thằn Lằn Đen vang lên rồi chìm lỉm vào bóng tối. Căn phòng chỉ còn tiếng thở nhẹ nhàng, đều đều của hai đứa bé.
Con Thằn Lằn Đen bò tới bàn học để tìm bạn. Nơi đây thường có một chung cư Dế, gồm cả chục hộp thuốc lá và hàng tá Dế đủ loại đủ cỡ, lúc nào cũng lẵng nhẵng, lúc nào cũng sinh sự, không đánh nhau u đầu sứt trán thì cũng cãi nhau re ré.
Nhưng sao giờ cả phố Dế cũng im lìm? Thằn Lằn Đen bò quanh những hộp thuốc lá, tặc lưỡi:
- Nhóc nhóc! Ra chơi nhóc ơi.
Không có tiếng trả lời. Thằn Lằn Đen bò lên những cái hộp, nằm trên nắp hộp nghe ngóng, rồi bò đi. Bỗng một con Dế nào đó nằm mơ chợt nói sảng:
- Ré ré ré ré re...
Thằn Lằn Đen bò ngay đến nhà con Dế ấy, tặc lưỡi và nghe ngóng.
Nhưng con Dế ấy chỉ mớ trong giấc ngủ, chứ đâu có nghe được tiếng Thằn Lằn Đen.
Lại lặng thinh.
Thằn Lằn Đen buồn quá. Nó chậm rãi bò lên tường. Đây là cái sân chơi rộng mênh mông của Thằn Lằn Đen. Nó chạy ngang rồi chạy dọc, cứ chạy một quãng lại tặc lưỡi mấy tiếng. Bây giờ nó thực sự nhớ con Thằn Lằn Hường.
Mấy hôm trước Thằn Lằn Hường ở phòng kế bên sang chơi. Hai con Thằn Lằn rượt đuổi nhau trên bức tường này. Chạy sang Đông rồi chạy sang Tây, chui dưới bức tranh rồi lại trèo qua bóng đèn. Hai con Thằn Lằn chơi cút bắt suốt ngày, cười đùa khanh khách.
Cậu bé đang học bài, ngẩng đầu nhìn theo hai con Thằn Lằn chơi mê mải. Cậu bé bảo cậu em:
- Lấy ná thun cho anh.
Hai con Thằn Lằn nghe thấy, nhưng không hiểu cái ná thun nguy hiểm như thế nào. Chúng cứ nhởn nhơ chơi đuổi bắt trên tường.
Con Thằn Lằn Hường luôn chạy trước Thằn Lằn Đen. Khi thì Hường giả bộ đuối sức chạy chậm lại cho con Đen theo kịp. Nhưng con Đen vừa đuổi tới nơi thì con Hường phóng vọt đi trong tiếng cười hinh hích tinh nghịch. Con Đen cũng giả bộ chán muốn bỏ cuộc chơi. Nó tảng lờ không thèm đuổi theo con Hường, quay qua ngắm con Nhện giăng tơ ở góc phòng, như thể nó đang mưu toan một ý đồ gì với con Nhện ấy. Thế là con Hường mắc bẫy. Nó tò mò lại gần, toan hỏi con Đen chuyện gì thế. Nhưng nó há miệng ra, chỉ kịp kêu một tiếng “A!” rồi bật ra khỏi tường rơi xuống sàn một cái “bịch” trong tiếng reo hò của hai đứa bé:
- Rồi đời một con!
Thằn Lằn Đen sửng sốt chưa hiểu sự thể ra sao, nhưng theo bản năng, nó phóng vọt vô sau bức tường núp ở đó cả buổi.
Khi Thằn Lằn Đen ló đầu ra, căn phòng thật yên tĩnh. Hai đứa bé đã đi học rồi. Căn phòng vắng vẻ an toàn. Nhưng mảng tường sân chơi của Thằn Lằn trống trải. Thằn Lằn Đen bò khắp tường, khắp trần nhà, khắp mọi ngóc ngách, luôn miệng tặc lưỡi gọi bạn, mà con Thằn Lằn Hường vẫn mất tăm.
Thằn Lằn Đen muốn có bạn. Nó đã cố làm quen với con Gián, con Nhền Nhện và cả con Dế nữa. Nhưng Dế chỉ chơi với Dế, Gián thì sợ Thằn Lằn, còn Nhện thì không thèm chơi với ai hết.
Con Thằn Lằn Đen buồn lắm, suốt ngày nó tặc lưỡi:
- Chán thật! Ngày gì mà dài lê thê!
Đến đêm nó cũng bò quanh quẩn mà than:
- Chán quá! Đêm gì mà dài lê thê!
***
Đêm đó, Thằn Lằn Đen đến làm quen với tôi.
Từ trên trần nhà bỗng nhiên nó buông mình rơi một cái bịch xuống giữa trang sách. Ban đầu nó nằm im giả đò chết trong một phút rồi mở mắt liếc chung quanh. Thấy tôi làm thinh nó có vẻ chán lắm, toan bò đi chỗ khác chơi. Tôi bèn trở cán viết chặn đầu nó lại. Nó lùi ba bước, giả bộ quay sang trái nhưng thình lình vụt chạy sang phải. Cây viết của tôi đuổi theo nó vòng vòng cái bàn.
Chơi được một lát, cả hai - Thằn Lằn Đen và tôi - đâm thích nhau. Nó kể tôi nghe nhiều lắm về con Thằn Lằn Hường, về thời tụi nó còn nhỏ xíu chơi với nhau cứ bị đứt đuôi hoài. Sau đó lại thi coi đứa nào mọc đuôi lẹ hơn. Nó biết cả chuyện con Gián nữa.
Nguyên con Gián ấy thường lảng vảng gần mấy cái kệ và tủ. Trong tủ, Áo Quần luôn luôn được giặt giũ và ủi phẳng phiu trước khi được xếp ngay ngắn hay treo vào móc. Trên kệ, những Quyển Sách được bao bìa cẩn thận, thỉnh thoảng vẫn được lấy ra phủi bụi. Bức Tranh trên tường được lồng kiếng hẳn hoi. Và Bóng Đèn được lau chùi thường xuyên nhất. Như thế Đèn mới sáng.
Đối với Gián, Bóng Đèn có vẻ kênh quá, còn Bức Tranh thì thật là bí hiểm. Nhưng Sách và Quần Áo có vẻ hiền từ vì ở chung chen chúc như thế bấy lâu mà không hề nghe thấy một tiếng cãi cọ nào.
Gián định hôm nào sẽ đến chơi đằng Sách và Áo Quần. Nhưng bọn Chuột cứ rủ rê Gián đi chơi dưới cống và kẹt vách. Ở đó cũng vui. Gián tha hồ chơi trò lăn - lê - lết. Rồi lại đến trò bò - luồn - chui. Cả trò xịt nước, quăng đất, chọi gạch cũng được bọn Chuột bày cho Gián chơi. Những trò ấy đã chơi là quên cả ngày giờ và người ngợm suốt ngày cứ đen thủi đen thui.
Mãi hôm nay, gián mới có dịp đến chơi kệ Sách và tủ Quần Áo. Vừa mon men tới đầu kệ, Gián nhận thấy các Quyển Sách đều hốt hoảng nhìn Gián trân trân. Gián vừa mới bò đến gần một Quyển Sách, Quyển Sách này đã tái ngắt và run lẩy bẩy. Gián mở miệng chào nhưng các Sách đều nín thở bậm môi lại không ai đáp lễ lấy một câu. Ồ, một lũ câm ư? Gián nhún vai bỏ sang tủ Quần Áo. Vừa rời kệ Sách, Gián nghe một loạt tiếng thở ra và hắt xì sau lưng cùng những tiếng xì xào.
- Ôi, hôi quá.
- Eo ơi, chân hắn làm lấm vạt áo tôi rồi này.
- Ghê! Giống gì mà ở dơ quá!
Gián nghe mà giận muốn điên lên. Mồm mép lu loa vậy mà cũng gọi là Sách.
Gián quyết định sẽ kể cho Áo Quần nghe thái độ bất lịch sự của Sách. Nhưng tất cả Áo Quần cũng đều im thin thít và nép vào nhau, sợ chết điếng đi được khi thấy Gián. Thậm chí những chiếc khăn mùi soa còn bật khóc nức nở. Gián chào:
- Ê, khỏe không?
Chẳng có một tiếng trả lời. Gián toan bắt tay một chiếc Áo, nhưng râu Gián vừa ngo ngoe, Áo đã thất đảm thét lên:
- Cứu tôi với!
Các Áo Quần khác cũng hò theo:
- Cứu! Cứu chúng tôi với, ông bà chủ ơi! Gián sắp gặm cắn chúng tôi đây!
Nghe la ơi ới, Gián sợ hãi bay vù vào kẹt vách.
Gặp Chuột, Gián kể chuyện tủ Quần Áo, Chuột cười hô hố:
- Hô hô! Bọn Áo Quần bị tao cắn nát phen ấy đã biết sợ cho tới giờ. Hẳn là thấy mày hay chơi với tao, chúng cho là cùng một giuộc nên chúng sợ mày lại cắn phá chúng như tao. Hô hô!
Gián hiểu rằng mình đã không biết chọn bạn mà chơi nên mới ra nông nỗi này. Gián buồn rầu xấu hổ quá nên trốn biệt trong xó tối, chỉ đến khuya mới len lén bò ra.
***
Tôi nói:
- Mà đúng là con Gián hôi thật. Chơi dơ quá mà lại quậy ve kêu nữa.
Thằn Lằn Đen nghểnh đầu suy nghĩ:
- Ve kêu là sao?
- À... nghĩa là... hết sẩy, là quá xá, là... bá cháy, là... tới bến luôn.
Thằn Lằn Đen cười hinh hích vì nghe một loạt tiếng lóng mà người ta bây giờ hay dùng. Người ta nói riết quen miệng chứ nhiều khi ý nghĩa chẳng ăn nhập gì cả.
- Vậy Ve có kêu không?
- Có chứ. Ve kêu hay lắm.
- Mà con Ve dễ thương không?
- Dễ thương. Nói chung là dễ thương, dù có con vầy con khác.
Tôi có biết một câu chuyện về bốn con Ve.
***
Số là mùa hè rồi tôi đã đến dự buổi ca nhạc tổ chức trong vườn Chôm Chôm, nhờ đó quen bốn con Ve này. Cả bốn đều là ca sĩ nổi tiếng. Sân khấu được dựng ngoài trời, trong vườn Chôm Chôm trĩu trái chín vàng rực, đỏ ối, cạnh những trái còn xanh tươi.
Trước buổi trình diễn, các Ve tập trung ở hậu trường, hồi hộp nhóng qua cánh gà xem khán giả đến đông đủ chưa và có những quan khách nào ngồi ở hàng ghế danh dự. Bên ngoài sân khấu thật tưng bừng nhộn nhịp. Trong năm chỉ có dịp này là hội đủ đông đảo các loài hoa và trái mùa hè.
Mặc chiếc áo dài đỏ rực đến xem ca nhạc là Hoa Phượng. Hoàng Điệp đội chiếc nón vàng tươi đi cạnh Ô Môi che cây dù tím lịm. Chị em Hoa Giấy mặc áo đủ màu sắc. Hoa Sứ đơn giản mà thơm ngát, Hoa Trang dịu dàng và Hoa Quỳnh vô cùng thanh khiết. Sầu Riêng ngồi tít đằng xa vì e các hoa đang phơi phới ấy vô tình chạm phải gai mình sẽ đau. Mít Tố Nữ cũng kín đáo ngồi trong một góc vườn. Dù vậy mùi thơm của hai trái cây này vẫn bắt mọi người đặc biệt chú ý. Kéo đến dự đông nhất, từng chùm, từng chùm là Dâu Da, Bòn Bon, Mận, Khế. Măng Cụt đến đủ một chục, Xoài chỉ đi một cặp thôi.
Đó là chỉ kể những khán giả nhìn thấy được từ góc trái cánh gà sân khấu, chứ kể cho hết thì không thể kể xiết. Chủ nhà là Chôm Chôm cứ tíu tít ở mọi chỗ, bận rối rít với những chùm đèn treo khắp cành trang điểm cho khu vườn thêm lộng lẫy.
Khi Chôm Chôm chín đỏ thì buổi ca nhạc bắt đầu.
Tiết mục đầu tiên là phần trình diễn của Ve Kim. Màn vừa kéo lên, khán giả hoan hô nhiệt liệt. ve Sầu thấy thế, lập tức quay lại nói với tôi:
– Để con bé loắt choắt ấy mở đầu chương trình, không khéo làm thất vọng khán giả mất!
Nhưng Ve Kim tuy nhỏ xíu mà giọng cao, trong veo, nghe thánh thót thật là thú vị. Khán giả say mê nghe như uống từng giọng nhạc. Chỉ riêng Ve Sầu bĩu môi:
– Cái giọng eo éo thế mà cũng lên sân khấu!
Dứt bài ca, Ve Kim cúi rạp mình chào khán giả đang nồng nhiệt cổ vũ.
Tiếp tục chương trình là Ve Mọi.
Ngồi bên cạnh, Ve Sầu huých vào hông tôi một cái, cười khúc khích:
– Ve véo gì mà đen thủi đen thui?!
Quả thật Ve này đen nên dân gian gọi là Ve Mọi, và được yêu mến từ lâu bởi giọng trầm độc đáo vừa du dương vừa sâu lắng, làm xúc động mọi người nghe, trừ Ve Sầu. Suốt thời gian Ve Mọi trình diễn, Ve Sầu luôn cười cợt nhạo báng cái giọng “như ma rên”.
Đến khi Ve Chuông lên sân khấu Ve Sầu càng chế giễu táo tợn hơn. Giữa chừng bài ca đang ngân nga như tiếng chuông đồng, Ve sầu cười hô hố.
– Hát hò gì mà như bò rống ấy!
Sốt ruột chờ tới phiên mình, Ve Sầu cứ giục Ve Chuông:
– Thôi xuống đi, quê xệ rồi!
Dù khán giả hai bên kêu “bis” để yêu cầu Ve Chuông hát thêm bài nữa, Ve Chuông vẫn khiêm tốn cúi chào và giới thiệu ca sĩ tiếp tục chương trình: Ve Sầu.
Ôi đến tiết mục của mình rồi! Ve Sầu trịnh trọng bước lên sân khấu, nhắm mắt hít một hơi dài, cất tiếng hát: Ve ve ve ve ve...
Lúc đầu khán giả còn chú ý nghe, rồi cố gắng nghe cho lịch sự, lác đác vài người ngáp, cuối cùng một nửa số khán giả ngủ gục. Nửa còn lại thì thầm bảo nhau:
– Sao mà đều đều, không trầm không bổng, không ngân nga. Chỉ một giọng ve ve như vầy nghe chán chết!
Tuy nhiên khi Ve Sầu dứt bài hát vẫn được một tràng vỗ tay khích lệ.
Đinh ninh mình phải được toàn thể khán giả công kênh, Ve Sầu chưng hửng trước những tiếng vỗ tay lẹt đẹt rời rạc ấy. Cho rằng có điều gì đó mờ ám, Ve Sầu len lỏi trong đám đông khán giả lúc tan buổi diễn để lắng nghe xem người ta nói gì về mình. Và Ve Sầu nghe:
– Mình thích nhất giọng trầm của Ve Mọi, nghe xúc động lạ lùng.
– Ôi, giọng Ve Kim mới mê ly làm sao!
– Nhưng có lẽ bài hát Ve Chuông trình bày là hay nhất! nghe sôi nổi, giục giã...
Ve Sầu sốt ruột lắng nghe tiếp, nhưng các Hoa và Trái đều bàn tán về Ve Kim, Ve Chuông và Ve Mọi, chớ giọng ve ve đều đều không để lại ấn tượng gì cho khán thính giả! Ve Sầu tức uất lên, kêu rầm là Hoa - Trái chẳng hiểu âm nhạc gì cả!...
Trích đăng truyện đồng thoại của Lý Lan