Biển báo giao thông tại TP Hồ Chí Minh - Hàng hiếm !

Vừa lái xe vừa dò đường
Biển báo giao thông tại TP Hồ Chí Minh - Hàng hiếm !

Trong khi, trên địa bàn TPHCM thừa các biển báo cấm, biển báo hiệu lệnh thì biển báo chỉ dẫn vẫn còn rất thiếu nếu không muốn nói là “của hiếm”. Mặt khác, một số tuyến đường dù đã được lắp biển báo chỉ dẫn nhưng nằm khuất giữa cây cối, nhà dân như đánh đố người điều khiển phương tiện.

Vừa lái xe vừa dò đường

Anh bạn tôi từ Long An lên TPHCM chơi rất bức xúc vì biển báo chỉ dẫn quá bất cập. Từ vòng xoay An Lạc (quận Bình Tân) chạy theo quốc lộ 1A, dù anh cố quan sát bên đường xem có biển chỉ dẫn hướng đi vào Bến xe Miền Đông hay không nhưng mãi đến gần ngã tư Bình Phước mới thấy 1 biển báo chỉ dẫn nhỏ xíu ngay chân cầu vượt Bình Phước. Đi xe máy với tốc độ chậm quan sát còn khó, huống gì người điều khiển các phương tiện xe ô tô.

Biển báo chỉ dẫn kiểu này dừng xe lại đọc đã khó huống gì tài xế đang chạy xe (ảnh chụp trên đường Xuyên Á – quận Thủ Đức)

Biển báo chỉ dẫn kiểu này dừng xe lại đọc đã khó huống gì tài xế đang chạy xe (ảnh chụp trên đường Xuyên Á – quận Thủ Đức)

Quan sát trên quốc lộ 13, từ Bến xe Miền Đông đến gần cầu vượt, chúng tôi cũng không thấy biển báo chỉ dẫn hướng đi cho các phương tiện (đi thẳng, rẽ trái, rẽ phải, đi đâu…), thay vào đó chỉ có mỗi biển báo hiệu lệnh vòng xoay nhỏ xíu đứng trơ trọi bên đường.

Cách đó không xa, tại ngã tư Gò Dưa, một biển báo to đùng được đặt bên đường chỉ rõ hướng đi Bình Dương, xa lộ Hà Nội và Thủ Đức. Thế nhưng, không ít tài xế đã mắc bẫy bởi biển chỉ dẫn này. Anh Phạm Hữu Hoài, tài xế, đã ngớ người ra khi bị CSGT thổi phạt.

“Tôi đi đúng theo hướng của biển báo chỉ dẫn rẽ trái vậy mà vẫn bị phạt. Thắc mắc thì được anh CSGT dắt bộ sang phía lề phải chỉ vào biển cấm quẹo trái được đặt gần ngã tư mà những tài xế xe du lịch như chúng tôi chắc chắn không thể nhìn thấy được vì đã bị che khuất bởi các xe tải nặng đi làn bên cạnh đang dừng chờ đèn đỏ. Biển báo kiểu như vậy thì chẳng khác nào đánh đố tài xế”, anh nói.

Trông người lại ngẫm đến ta

Anh Nguyễn Hữu Kha, một Việt kiều Đức cho biết, anh thường lái xe qua lại giữa các nước châu Âu, dù không hiểu ngôn ngữ nhưng cứ theo các biển báo trên đường là lái xe một cách dễ dàng. Một số nước khác cũng vậy, các biển báo đều được chuẩn hóa. Đối với đường có nhiều làn thì họ có biển báo riêng cho từng làn đường và thường để trên cao để tài xế dễ nhìn nhất.

Nhiều tài xế đều có chung nhận xét là các biển báo chỉ dẫn giao thông hiện nay quá ít, lại nhỏ, đặt ở vị trí khó nhìn thấy, khó đọc. Chưa kể, trên những tuyến đường có nhiều làn xe, biển báo lại được cắm ở phía lề đường bên phải nên tài xế rất khó nhìn thấy, nhất là với cánh tài xế xe du lịch vì bị chắn tầm nhìn bởi các xe hàng, xe container chạy ở làn bên cạnh.

Trong khi đó, ở nước ta dù lái xe chuyên nghiệp nhưng từ tỉnh này sang tỉnh khác đôi khi chỉ còn cách hỏi đường. Việc lái xe ít được hỗ trợ thông tin trên đường không chỉ gây bất tiện mà còn thêm phần gây mất an toàn giao thông (vì phải để mắt tìm lối rẽ nên thiếu tập trung quan sát các phương tiện đang lưu thông trên đường dẫn đến phanh gấp, rẽ ngoặt bất ngờ).

Hiện tại, nhiều tuyến đường được nâng cấp mở rộng với nhiều làn xe chạy nhưng theo “thói quen”, các biển báo giao thông lại dựng ở ngã tư và trên lề đường. Vì vậy, rất dễ xảy ra tình trạng không nhìn thấy biển báo để xử lý tình huống…

Đi thực tế trên các tuyến đường Nguyễn Văn Linh, Trường Chinh, xa lộ Hà Nội, quốc lộ 1A…, chúng tôi ghi nhận rất nhiều phản ánh của tài xế về những bất cập như đã nêu trên, đó là chưa kể nhiều biển báo “núp” hẳn trong lùm cây, biển báo này che biển báo khác... Mặt khác, nhiều biển báo hiện nay chuẩn hóa về kích cỡ, cái to, cái nhỏ… loạn xạ.

HỒ VIỆT

Tin cùng chuyên mục