
Bây giờ em hỏi anh lần cuối. Anh có cưới em không?” – Em hỏi tôi với ánh nhìn đau đáu. “Anh sẽ cưới, nhưng chưa phải bây giờ” – tôi đáp. “Thế anh có yêu em không?”. “Em biết anh yêu em thế nào mà”. “Thế anh có phải là gay không?”. “Trời, em hỏi gì kỳ vậy?”. “Vậy nói một tiếng đi, anh không cưới thì để em đi lấy chồng. Đàn ông các anh có thể đợi được, nhưng đàn bà thì không. Em không muốn có con đầu lòng sau tuổi 30”.

Nói sao cho em hiểu? Tôi chưa sẵn sàng cho gia đình riêng của mình. Hàng đêm tôi vẫn gặp ác mộng của những ngày tháng cũ trong gia đình.
Người ta hay ước ao có một trí nhớ tốt. Còn tôi chỉ muốn quên đi những hồi ức đau buồn chất chứa theo thời gian. Nhưng chúng lại trở về sống động, rõ mồn một trong bóng đêm, đánh thức tôi giữa giấc ngủ.
* * *
Hai mươi năm trước, tôi còn là một cậu bé hay qua nhà ngủ cùng ông nội. Đơn giản vì nhà nội có giường, có nền xi măng. Nhà tôi sát nhà nội nhưng nền đất lồi lõm, chắp vá tường rào, che chắn tạm bợ, hở trước trống sau. Một lần, giữa đêm, tôi bị đánh thức bởi giọng thảng thốt của ba từ ngoài khe cửa: “Ba má ơi, thằng Quang chết rồi!”. Quang là em trai tôi, mới 7 tuổi, bị tiêu chảy từ mấy bữa trước. Tôi co rúm người. Không có động tịnh gì một hồi. Bà nội ở giường bên tằng hắng: “Cái thằng này. Con mày chết rồi thì để sáng nói. Mày muốn làm mọi người mất ngủ sao?”. “Má ơi, nhà con không còn đồng nào…”.
Đó là một buổi sáng ảm đạm nhất mà tôi từng thấy trong đời. Bà nội chậm rãi móc vài tờ giấy bạc ra đếm, cho ba mẹ mượn để lo hậu sự cho đứa con vắn số. Tôi thẫn thờ nhìn thằng em nằm bất động, lạnh ngắt trên tấm ván kê giữa nhà. Chỉ mới ngày hôm trước, tôi còn lén húp bớt bát cháo thịt bằm mà mẹ nấu dành riêng cho nó.
Chỉ một năm sau, Quỳnh – em gái 5 tuổi của tôi cũng ra đi vì căn bệnh tiêu chảy đáng căm thù. Tôi chỉ còn lại một em trai – Quốc khi đó mới 6 tuổi. Và tôi là anh trai vừa tròn 9 tuổi. Tôi có phải là anh trai đảm không, khi đã biết lui cui phụ ba mẹ gạn cơm sôi lấy nước cơm cho các em uống thay sữa?
Nhà tôi có sự thay đổi lớn từ đấy: không còn uống nước chưa nấu sôi nữa. Tôi không qua nhà nội ngủ nữa. Mẹ vẫn sáng sáng cắp thúng đi bán xôi, chiều chiều bán khoai dạo. Mẹ mang về nhà những củ khoai sứt sẹo mua rẻ ngoài chợ, gọt đi những khúc bị hà, luộc chín. Một phần đem bán, một phần nấu độn cơm ăn ở nhà. Thỉnh thoảng, mẹ nhặt nhạnh những quả dưa bị dập ngoài chợ đem về. Và tôi được bữa khoái khẩu với những miếng dưa mát lịm.
Một buổi tối. Mẹ về nhà khóc rấm rứt, mắt đỏ ngầu. Ba đang nhậu cóc ổi trước cửa, hỏi: “Bà sao dzậy?”. “Tui bán hết rồi, đang đi về, thấy mấy cành củi khô. Tui đặt thúng xuống, lượm một hồi, mới nhớ bó tiền bán được để trong thúng. Quay lại thì mất rồi, mất hết…”. “Đồ ngu! Mày dzậy sao khá nổi?!”.
Ba sửa xe ở đầu hẻm, bữa có khách bữa không. Nhưng ba lai rai đều mỗi chiều, dù chỉ một mình với một chai rượu đế, một ly, một chén cháo. Có những chiều đi học về, mới tới đầu hẻm tôi đã nghe lớn tiếng từ nhà mình. Ba mẹ đang “tao, mày” chuyện cơm áo gạo tiền. Mẹ là người đàn bà nóng tính, mỗi khi ba ngầu là ngầu lại, uýnh là uýnh lại.
Có lẽ vì vậy mà nhà nội không ưa nhà tôi. Các chú thím đều buôn bán, làm ăn có tiền, sống cạnh bên nhưng hạn chế qua lại. Tôi ghét bà nội. Những lần tôi đang chơi chung với mấy em họ, bà nội gọi tụi nó lại, chia bánh kẹo và chỉ mặt tôi bảo thẳng: “Không cho thằng này, con của mấy đứa đáng ghét, đồ khố rách áo ôm!”.
* * *
“Anh, em ly dị nó rồi!” – Quốc nói gọn lỏn. “Nó” ở đây là Thảo – vợ của Quốc. “Trời, mày lấy nó bao lâu rồi?”. “Tháng tới là một năm ngày cưới”. “Hôn nhân với mày sao giỡn chơi vậy?”. “Chẳng lẽ em chịu đựng nó hoài?”. “Chuyện gì?”. Quốc hạ giọng, nói khẽ: “Một bữa… xong chuyện đó, nó mới bảo: “Thật ra tôi lấy ông để quên đi người cũ, nhưng giờ tôi mới biết là tôi không thể quên, ngay cả khi làm chuyện đó với ông, tôi cũng nghĩ đến người cũ”. Đó có lẽ là lần duy nhất nó thật lòng với em, nên thôi, nghỉ nhau sớm là tốt, may mà không có con”.
Tôi nhìn Quốc, gương mặt thằng em bình thường nhìn thấy lúc nào cũng hồ hởi, nay đã chớm nét buồn buồn, già già. “Hồi mày bán sống bán chết đòi cưới nó gấp, ai cản được mày… Mà sao tòa xử lẹ vậy?” – tôi hỏi. “Phải chạy đấy anh ơi, 5 triệu, không thì gọi tới gọi lui hòa giải lằng nhằng lắm”. “Giờ mày tính sao?”. “Chẳng tính sao cả, không có nó, em vẫn sống, vẫn vui. Mà chẳng phải mình em, mấy đứa bạn cưới cùng lúc, trước đó đều đã ly dị rồi, có đứa đã kịp cưới lần hai…”. “Tao sợ tụi mày thật, mới 25 – 26 tuổi mà đã lấy nhau, bỏ nhau như đùa”. “Mà nói anh nè, đừng có rớ vô mấy con PR như nó, lúc nào miệng lưỡi cũng dẻo quẹo, chẳng biết khi nào nó nói thật nữa, dù đã là vợ chồng với nhau”. “Tao không vơ đũa cả nắm như mày đâu… Mà mày nói ba mẹ biết chưa?”. “Nói rồi, ba mẹ bảo thôi thì mày lớn rồi, tự mày biết nên thế nào, nhưng lần sau nhớ suy xét cẩn thận khi cưới người ta. Em nể ba mẹ thật”.
Tôi cũng nể ba mẹ. Cuộc hôn nhân giữa hai người có sóng gió, có yêu thương. Sau những ngày tháng bĩ cực, bươn chải nuôi con, ba mẹ vẫn còn bên nhau, dành sự quan tâm cho nhau. Một buổi sáng, trước giờ đi làm, tôi giỏng tai nghe lỏm mấy câu của ba mẹ sau bếp: “Tôi để lon bia cho ông trong tủ lạnh, thêm đĩa bắp bò hầm đậu nữa”. “Để chiều tôi chở bà đi uốn tóc nghe, tôi thấy tóc bà mất hết nếp rồi”…
Còn nhớ ngày Quốc cưới, ba mẹ cứ đi ra đi vào trước giờ rước dâu, bồn chồn còn hơn cả chú rể. Sắp đặt mọi thứ đâu vào đấy, chợt mẹ quay qua tôi, bảo: “Coi, mày để thằng em mày qua mặt rồi. Tao với ba mày cứ nghĩ mày mới là đứa cần lấy vợ sớm đó”.
Thằng Quốc lấy vợ chóng vánh và nhẹ nhõm. Sau khoảng nửa năm quen nhau, nó và Thảo thành vợ chồng. Hai đứa thành đôi đẹp trai, đẹp gái, có công ăn việc làm ổn định. Chức danh của nó là senior sales executive nghe rất oai, ăn mặc lại bảnh bao, nhưng hỏi đến lương bổng và dành dụm là nó cười thay cho câu trả lời. Thỉnh thoảng nó lại rủ tôi đi uống cà phê và… hỏi mượn chút đỉnh. Nhiều lúc nhìn thằng em cao lớn, tôi lại bật cười, mấy ai biết nó là con nhà nghèo, một thời còm cõi, cả năm cứ đợi mấy ngày tết vì được thỏa thích ăn nhiều miếng thịt kho thật dày.
* * *
Tôi ghé qua căn hộ của em. Sau những hờn giận, lửa tình giữa hai đứa lại thêm nồng đượm. Căn hộ độc thân của em nằm trong một chung cư cao cấp, cửa sổ phòng ngủ nhìn ra ban công có những khóm hoa vàng đượm. Có thể miêu tả về em trong một câu: dáng rất mượt, mặt rất tươi, tóc rất mềm, giọng rất êm. Hiếm có cô gái 25 tuổi nào được như em: tốt nghiệp ngành kinh doanh tại Úc và đang là director marketing tại một khách sạn ở Sài Gòn. Nhìn em lui cui dọn dẹp trong bếp sau bữa tối, tôi bất giác nghĩ: “Đúng là em đang cần có một người chồng và ít nhất một đứa con để chăm sóc, yêu thương”. Nhưng…
“Ông kia, nhìn xa xôi gì đó, lại đang nghĩ bậy, bày mưu tính kế hại người phải không?” – em dịu dàng bước tới ngồi cạnh tôi. “Em nữa, cứ nghĩ người ta giống mình!” – tôi trêu. Hai đứa bình thường chuyện trò rất vui, tâm đầu ý hợp. Nhưng mỗi lần em đả động đến chuyện làm đám cưới là “ý lớn không chịu gặp nhau”.
“Sao vậy anh?” – em nhìn vào mắt tôi, ánh dịu dàng… kinh khủng. “Thật sự… anh hơi lo. Anh thấy em yêu anh… nhưng ít quan tâm đến gia đình anh… lại có vẻ không thoải mái mỗi lần đến nhà anh chơi”. “Trời, tưởng gì… vậy lần sau em sẽ hỏi han từng người kỹ hơn, mẹ anh, em anh… để ý coi họ có gì khác trước hen?”. “Anh nghĩ sự quan tâm đáng quý ở chỗ nó tự nhiên… không phải là do ai sắp đặt, mình miễn cưỡng làm theo”.
“Nữa… em nói rồi” – Em quay đi, giọng chút dỗi hờn - “Từ nhỏ đến lớn, em có gia đình, bố mẹ đầy đủ đâu mà quan tâm này nọ? Em còn chưa biết rõ gương mặt bố em thế nào… chưa hiểu mẹ em nghĩ gì khi bỏ con lại cho ông bà ngoại để vội vã đi lấy chồng mới… Gia đình em đã tan đàn xẻ nghé từ khi em mới 7 – 8 tuổi thôi, anh ạ!”.
“Thôi… mà anh cũng nghĩ chắc tại em lớn lên bên đó, tự lập từ sớm… Trước khi về đây, chắc cuộc sống của em chỉ có những mối giao tế trong công việc, ngoài xã hội. Bận rộn nên ít có thời gian ở nhà, lâu dần không quen trò chuyện, hỏi han người thân…”.
“Anh bày đặt phân tích tâm lý làm chi. Em nghĩ quan tâm đến người này người nọ cũng tốt… Nhưng em cũng lo lo… Quan tâm đến người nhà anh quá thì họ có nghĩ em làm phiền không? Nói anh nghe, trước đây em còn rất cảnh giác khi ai đó quan tâm, hỏi thăm em sống ra sao”.
“Em nghĩ vậy kỳ lắm đấy, cục gạch!”.
“Lắm lúc em còn nghĩ – em luồn tay vào mái tóc cụt lủn của tôi – em đâu cần lấy chồng… Hay là em cứ có con, nuôi con một mình cũng tốt. Em lớn lên trong một nền văn hóa khác, đâu sợ dư luận… Anh nghĩ sao hả?”.
“Thôi, em bỏ tư tưởng chói sáng ấy giùm tôi! Người ta làm ca sĩ, nhà thiết kế, diễn viên… mới được có con một mình… nghe chưa? Em làm nghề gì mà đua đòi thế? Mà anh cũng thấy em lạ, làm marketing gì mà chẳng thấy khéo ăn khéo nói mọi lúc mọi nơi như mấy cô làm nghề này…”
“Xin thưa… em mà giống mấy cô ấy thì chắc không tới phiên em. Anh thích yêu cô nào khác người chút chút mà, phải không?”.
* * *
Trở về từ đám tang của Huân, tôi cảm thấy nghẹt thở. Huân là bạn thân của tôi – 29 tuổi, đang là kiến trúc sư tại một công ty xây dựng có tiếng. Có ai ngờ một thanh niên đang ở tuổi xuân phơi phới, tràn đầy sức sống, sự nghiệp đầy triển vọng lại quyết định tự kết liễu cuộc đời. Chỉ vì hai chữ: lụy tình.
Huân đã một lần dại dột uống hơn hai chục viên thuốc ngủ, nhưng… may mà mua phải thuốc giả. Còn lần này, bạn đã được toại nguyện. Hai lần tìm đến cái chết cũng chỉ vì một cô gái. Một cô không xứng đáng với tình yêu mà bạn dành cho. Nhưng con tim có lý lẽ, sự mù lòa của riêng nó, người ngoài chẳng thể hiểu nổi tại sao.
Tôi đã gặp cô gái ấy. “Em có biết là Huân yêu em lắm không, sao em cứ dằn vặt nó thế?” – tôi hỏi. Gương mặt rất xinh, ánh mắt và khóe môi rất kiêu hãnh buông lời đáp: “Chẳng phải mình ảnh đâu anh!”. “Thế em có yêu nó không?”. “Lúc đầu có thể là có… nhưng nói thật, em không chịu nổi tíùp đàn ông quá yêu, quá yếu mềm… Tình cảm mà ảnh dành cho em quá nhiều, khiến em như bị ngộp, không thở nổi”. “Mới đây anh còn nghe hai đứa tính chuyện cưới nhau, sao lại chia tay?”. “Chỉ mình ảnh tính thôi, anh. Ảnh tính buộc em vào hôn nhân. Nhưng em mới 23, em còn nhiều việc phải làm hơn là lấy chồng… Em đã nói thẳng với ảnh, không phải em ngủ với anh là em sẽ lấy anh. Bây giờ là thời nào rồi mà anh còn quan niệm cổ hủ vậy?”.
Sẽ là phí lời nếu tiếp tục cuộc nói chuyện với cô gái này. Ngày đưa Huân đi hỏa táng, cô gái ấy không có mặt, có lẽ đang bận đi shopping, rong chơi đâu đó. Bố mẹ của Huân đã cạn khô những dòng nước mắt tiếc thương đứa con trai dại dột, vắn số. Lâu nay, ông bà chờ ẵm cháu nội chứ đâu có ngờ cái kết cục khắc nghiệt này?
Đêm về, tôi choàng tỉnh bởi một cơn ác mộng. Tôi thấy mình trở lại những ngày tháng cũ. Năm 12 tuổi, chính tôi cũng từng có ý định tự tử. Đó là một buổi chiều đi học về, nhìn mặt mẹ bầm tím, mắt sưng húp sau một trận đòn thừa sống thiếu chết của ba. Chỉ tại ba hết tiền mua rượu, mẹ hết tiền về dự đám giỗ ngoại ở Sa Đéc, hết tiền sửa lại mái nhà dột, chống lại cột nhà sàn đã bắt đầu xiêu vẹo… Đã nghèo lại mắc cái eo. Tiếng bà nội sa sả từ nhà bên: “Tụi bay nghỉ nhau đi… Lấy nhau làm gì… toàn là thứ đáng khinh bỉ… một cắc cũng không có… Sống với nhau, đày đọa nhau làm gì?”.
Lúc đó, tôi đang học lớp 6, buổi tối toàn ngồi dưới cột đèn đường gần hẻm nhà để học bài vì ở nhà ánh sáng vàng vọt, tiếng ba mẹ gấu ó nhau liên miên. Một vài ý nghĩ rồ dại lóe ra trong đầu tôi: “Hay mình kết thúc đi… Có phải tại mình là gánh nặng? Bớt đi một miệng ăn chắc ba mẹ thôi hành hạ nhau?”. Tôi đã tính bỏ nhà đi hoặc treo cổ trên cây xoài trước cửa nhà nội. Nhưng tôi đã không đủ dũng khí làm những chuyện đó. Tôi quá hèn nhát.
* * *
Chuyến đi Thái Lan khảo sát tour du lịch đầy đủ “văn võ bá quan” từ các công ty lữ hành đang ăn nên làm ra trong thành phố. Đời sống khấm khá, người ta ngày càng có nhu cầu đi chơi xa hơn. Đi tour famtrip ngoài chuyện tính đường làm tour thu hút khách hơn, còn là dịp để người làm du lịch ăn chơi nhảy múa ngoài vòng kiểm soát của “hậu phương”. Hầu hết người trong đoàn là trưởng, phó phòng outbound của các công ty du lịch. Hỏi ra anh chị nào cũng con cái đề huề, số người còn độc thân đếm trên đầu ngón tay.
Buổi tối tự do trong chương trình tại Bangkok, cánh đàn ông hơn 10 người kéo nhau đi giải khuây trong Chinese Rose hotel. Bar nằm ngay tầng trệt, dập dìu những váy áo, da thịt lồ lộ, ánh mắt lả lơi chào mời. Tôi chỉ cần một chai bia để nhâm nhi nỗi nhớ em, và quan sát người mua kẻ bán trong phiên chợ tình. Tiếng anh Lợi oang oang nói với thằng Phúc: “Mày chọn con nhỏ kia đi, mày nhìn ngực nó coi… phải biết… Tao khoái con này, mẹ, sao da nó trắng thế!”. Hai “con nhỏ” mà anh Lợi bình phẩm chắc không lớn tuổi hơn hai đứa con gái của anh đang ở nhà là mấy. Tôi đã từng đến nhà anh chơi, thấy được niềm tự hào về người đàn ông thành đạt trong mắt vợ và hai con gái anh.
Lần lượt từng người bắt cặp và đi “giải quyết khúc mắc” ngay tại tầng trên. Mỗi tour là một hiệp 45 phút. Quả là một công nghệ khép kín tại một đất nước mà sex là một trong những yếu tố được tính đến trong ngành du lịch. Chỉ còn tôi và Hoàng - người ngủ chung phòng với tôi - ngồi lại tại bàn. Hoàng mới 24, đi tour thay cho sếp, mặt mũi sáng láng, độc thân. “Sao anh không chọn em nào dắt lên đó chơi?” - Hoàng dò hỏi. “Anh không có hứng. Còn em?”. “Hì… Gu em khác, em đâu có thích đàn bà!”. “Trời, xạo hay thiệt dzậy em?”. “Thiệt!”. “Đừng làm anh sợ nhe, chắc lát về anh phải đổi phòng, không dám ngủ chung với mày nữa!”. “Anh yên chí đi, em đâu phải là thứ bạ đâu làm đó…”.
Một lát, cô gái đi với anh Lợi trở xuống, điềm nhiên kéo lại dây áo, cất những tờ baht vào bóp đầm và ăn tiếp tô mì nguội lạnh, bỏ dở trước lúc mắc đi khách.
Xe về lại khách sạn… Tôi nghĩ mông lung về vợ của những người đàn ông trong đoàn. Giờ này các chị đang làm gì nhỉ, có mảy may nghĩ rằng đức ông chồng của mình mới xong một trò vui?
Cách đây khoảng 10 năm, có một người đàn bà đã nói với tôi rằng “chẳng có người đàn ông nào là của riêng mình hoài, chỉ biết vợ mình thôi”.
Người đàn bà ấy rất tốt với tôi – thằng con trai 18 tuổi ngày ấy. Chị ở gần nhà thằng Hải – bạn ngồi cạnh tôi trong lớp. Hải trổ mã, cao ráo, có vẻ đàn ông nhất trong đám bạn lớp 12 của tôi. Mắt nó đa tình không giấu giếm. Thỉnh thoảng, nó rủ tôi về nhà chơi. Sau này nhớ lại, tôi bật cười vì mình thích tới chơi vì nhà nó khá giả, có đầy đủ ti vi, tủ lạnh chứa đầy đồ ăn, xa lông ngồi rất êm. Một bữa, thằng Hải dắt tôi qua làm quen chị hàng xóm.
Chị tên Hân, khoảng 30 tuổi, đã có chồng và một con. Da chị rất trắng, tóc dài mượt, mắt to tròn, thường diện váy dài. Có ông xã làm trong sân bay, cuộc sống của chị khá thảnh thơi: mọi việc trong nhà từ trông con đến nấu cơm đã có người giúp việc lo. Chị hết coi phim bộ lại rủ người này người kia đến nói chuyện cho vui vì chồng chị chẳng mấy khi có mặt ở nhà.
Tôi thấy chị giống như bông hoa điểm trang trong căn nhà tiện nghi còn hơn nhà thằng Hải. Nhưng chị là người vui vẻ, tốt tính. Chị hỏi han chuyện học, chuyện nhà của tôi, với vẻ rất quan tâm như một người chị. Tôi còn nhớ mình đã vui sướng như thế nào khi chị hay gói cho tôi những bộ đồ cũ của chồng chị. Bạn sẽ hiểu cảm giác này nếu chỉ có một hai cái quần tây, áo sơ mi trắng cho cả tuần đi học. Chị còn nói giúp một người thầy dạy thêm cho tôi miễn phí, cũng như cho tôi mượn tiền đóng học phí những lần mẹ tôi không đủ tiền.
Nhưng hình như giữa chị và thằng Hải có một bí mật. Thằng Hải có lần úp úp mở mở, chọc quê tôi là đồ con nít, chưa nếm mùi đời. Lúc đó, tôi còn ngây thơ hỏi lại “mùi đời là mùi gì?” khiến nó cười ngất. Rồi một buổi chiều cúp cua, nó khoát tay bảo: “Mày đi với tao, chị Hân sẽ cho mày biết mùi đời!”. Khi tôi bước vào cửa nhà đã thấy sẵn một bàn đầy bia và thức ăn thơm phức. Tôi rất ghét uống bia vì hình ảnh ba say xỉn mỗi ngày luôn ám ảnh tôi. Nhưng tôi nể chị Hân mời “uống với chị một ly cho vui”, và tôi cũng tò mò…
Chị cạn ly, thằng Hải cạn ly, tôi cạn ly… Rót đầy, rót đầy, rót đầy… Chợt chị bảo: “Buồn lắm hai em ạ… Chồng chị có bồ nhí… Ổng còn bảo, “bà biết điều thì yên phận đi, chẳng mấy người ngồi mát ăn bát vàng như bà đâu. Còn không biết điều thì cứ cuốn gói đi ra khỏi cái nhà này”.
Tôi lặng nhìn chị, không biết rượu nói hay người nói. Sao ngộ vậy ta, nghèo thì không hạnh phúc đã đành. Nhà cao cửa rộng, vợ chồng xứng đôi, đứa con kháu khỉnh, mà lại cũng không hạnh phúc? Nhưng tôi không biết, và cũng không thích triết lý về hạnh phúc. Với tôi, chỉ cần có niềm vui là đã quá đủ.
Giữa bữa, bất chợt thằng Hải chuồn về. Tôi dợm đứng lên, nhưng chị kéo lại: “Nó về kệ nó, ngồi chơi với Hân…”. Ngồi chơi thì ngồi chơi, uống thì uống, nhưng chị nói chi toàn chuyện buồn buồn? “Mà Hân nhận ra rồi… Chẳng có gã đàn ông nào là của riêng mình hoài, chỉ biết vợ mình thôi… Chẳng lẽ chỉ có thằng đàn ông mới được quyền làm thế?” – chị thở ra, đặt tay lên vai tôi, vuốt nhẹ xuống cánh tay tôi… đùi tôi đang ở dưới gầm bàn.
… Nhột thật… lạ thật… mùi hương từ tóc chị, da chị tỏa ra ngây ngây… Rồi chị hôn tôi, hơi thở nồng nhiệt, gấp gáp. Tôi không nghĩ mình bị say vì rượu. Nhưng chị “tấn công” tôi như thế này thì… kỳ thật. Chị bắt đầu làm tôi thấy… sợ rồi.
Tối hôm đó tôi đã không thật sự biết “mùi đời”. Bởi tôi… nói sao nhỉ… choáng quá nên bị đơ. Tôi co giò chạy như bay về nhà, để quên cái nón ở nhà chị Hân mà không bao giờ quay trở lại lấy. Bữa sau gặp lại thằng Hải, mặt nó tỉnh rụi khi nói: “Mày vừa là thằng khùng vừa là thằng khờ!”.
Tôi bây giờ còn lại mấy phần “khùng và khờ” của ngày hôm qua? I’m not half the man I used to be… - câu hát của The Beatles đã vận vào người tôi từ bao giờ?
* * *
Cuộc đời không ai biết được chữ ngờ. Tình yêu không ai biết được chữ bền. Em và tôi chia tay nhau sau lần “Em hỏi anh lần cuối: Hôn nhân: yes or no?”. Chỉ trong vòng 2 tháng tạm “ly thân tình yêu”, em lặng lẽ đổi số điện thoại, nick chat, địa chỉ e-mail, chuyển sang vị trí quản lý tại một công ty bảo hiểm quốc tế, thậm chí bán cả căn hộ để dọn đi nơi khác. Những người thân, bạn bè của em đều kín như bưng khi tôi hỏi thăm. Tuy vẫn sống trong cùng một thành phố, nhưng tôi đã mất dấu em ngay sau khi buột miệng: “I’m not ready, you see” (Em thấy đấy, anh chưa sẵn sàng).
Bất ngờ và đường đột, 2 tháng sau, tôi nhận tin em làm đám cưới. Ngày cưới của em là một ngày… kỳ cục trong đời tôi vì những biến cố - không - chờ - đợi lại xảy đến cùng lúc: người yêu cũ lên xe hoa, bà nội mất, tôi được thăng chức.
Tôi không có mặt ở đám cưới của em. Vì tôi không được mời, và cũng không muốn em mất vui khi nhìn thấy tôi. Khi tôi cảm thấy mình ngu ngốc và dại dột vì cái tội chần chừ thì đã muộn. Mọi sự không thể cứu vãn. Tôi biết em không phải là người bốc đồng, lập tức lấy chồng như một cách trả thù tôi bởi quanh em lúc nào cũng có sẵn “vệ tinh”, chỉ đợi em gật đầu là tiến tới. Tôi không vội vã bắt đầu một mối quan hệ mới vì trong những giấc mơ, bên cạnh nỗi ám ảnh về quá khứ, gia đình, tôi vẫn thấy gương mặt và nụ cười xinh tươi của em.
Tôi chỉ ghé lại nhà nội thoáng qua để thắp cho bà nội một nén nhang. Ngay cả khi bà vừa nằm xuống, các con của bà vẫn tị nạnh nhau về chi phí làm đám ma, dò xét nhau về số tiền, vàng bà cất giấu, cũng như ồn ào chuyện bán và chia tiền căn nhà cũ. Tôi cảm thấy nhẹ nhõm khi ba mẹ tôi không dự phần vào cuộc thừa kế “cười ra nước mắt” này.
Cũng trong ngày không thể quên ấy, như người ta thường nói, “đen tình đỏ bạc”, ở tuổi 30, tôi đã nhận được quyết định đề bạt, bổ nhiệm làm outbound manager (trưởng phòng du lịch nước ngoài) tại công ty. Nhưng sự thành đạt với tôi bây giờ không còn nhiều ý nghĩa, khi mà tôi đã đánh mất tình yêu, cũng như thay đổi cái nhìn về cái sự được – mất của cuộc đời.
* * *
Một năm sau, tôi tình cờ chạm mặt em tại Hùng Vương Plaza. Em đang cùng chồng – một người đàn ông ở tuổi 40, ăn mặc lịch lãm, đi sắm đồ cho đứa con sắp chào đời. Nhìn em, tôi thấy hạnh phúc đong đầy qua mắt, không cần nói thành lời. Sau phút giới thiệu xã giao, trong lúc ông xã lui cui chọn nôi, xe đẩy em bé, em nói nhỏ vào tai tôi: “Em đã nghĩ, với hôn nhân thì tốt nhất nên lấy người yêu mình, và mình tập yêu người đó. Đến bây giờ, em càng ngày càng nghĩ mình đúng!”.
Thế là tôi biết mình không thể mong hôn nhân của em tan vỡ để bước vào cuộc đời em lần thứ hai. Có những cơ hội ngàn năm một thuở mà một khi đã bỏ lỡ, bạn chỉ có thể càng nghĩ càng tiếc.
* * *
Một năm nữa trôi qua. Tôi đã hẹn hò trở lại. Người yêu và cũng là vợ sắp cưới của tôi có một bí mật: trước khi gặp tôi, cô ấy đã chọn là một bà mẹ đơn thân.
Ở tuổi 28, và là giám đốc điều hành một công ty quảng cáo, cô ấy đã thề là không tin vào hôn nhân và tự mình có thể nuôi dạy thằng nhóc Bi đến lớn. Nhưng khi nhìn Bi, 2 tuổi, với gương mặt và ánh mắt trong veo giống hệt thằng Quang – đứa em bất hạnh ngày trước, tôi đã tha thiết muốn được nó gọi mình là “Ba”.
Chẳng có gì kỳ lạ khi mẹ tôi không phản đối khi con trai đưa về ra mắt một phụ nữ đã có con. Mãi sau này, tôi mới biết, trước khi nên duyên với ba, mẹ đã có một đời chồng ở Sa Đéc. Mẹ đã có hai con gái trước lúc người chồng chết trận. Cái nghèo đã đẩy mẹ tôi phải để con lại cho ngoại, bươn chải khắp nơi, rồi kiếm đường lên Sài Gòn mưu sinh sau năm 1975. Đến bây giờ, một trong những nỗi đau của mẹ là về quê ngày giỗ ngoại, hai đứa con gái đã yên ấm chồng con, gia cảnh khá giả, vẫn nhìn mẹ như người xa lạ. Tôi chưa có dịp nào gặp hai chị-cùng-mẹ ấy. Nhưng tôi tin là thời gian sẽ làm thay đổi cái nhìn của họ, như chính tôi đã thay đổi.
Trong lòng mình, tôi nhớ mãi một lời dặn của mẹ: “Sau này, gia đình riêng của con có thể gặp những biến cố, mất mát này nọ. Cuộc đời sẽ thử thách con đến giới hạn chịu đựng cuối cùng khi đẩy người thân yêu của con vào bệnh tật, chết chóc. Nhưng con phải biết chấp nhận, vượt qua nỗi đau đó. Vì những cung bậc thăng trầm của một gia đình lắm khi không nằm trong tay của con người…”.
Hoàng Bản
(SGGP Thứ bảy)