Biến dịch châu chấu thành cơ hội

Hàng tỷ con châu chấu sa mạc từ bán đảo Arab bay đến và càn quét các quốc gia châu Phi. Chúng ăn hầu như tất cả thảm thực vật trên đường di chuyển, một đàn 40 triệu con thì lượng thức ăn của chúng tương đương số lương thực dành cho 35.000 người/ngày.

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO) cho biết, đại dịch châu chấu ở châu Phi, đặc biệt là khu vực Đông Phi, khiến 19 triệu người bị đói do mất đi mùa màng. Dự báo làn sóng dịch châu chấu thứ hai có thể sẽ tăng gấp nhiều lần do khí hậu biến đổi là điều kiện khiến châu chấu sinh sản thuận lợi.

Theo tạp chí Nature của Anh, châu chấu sa mạc là loài nguy hiểm nhất trong số tất cả loài di cư gây hại vì khả năng sinh sản nhanh và tốc độ tàn phá mùa màng. Châu chấu trưởng thành có kích cỡ bằng ngón tay trỏ của người lớn. Châu chấu cái có thể đẻ hơn 150 quả trứng trong một bọc trứng.

Sau 2 tuần, trứng nở thành châu chấu non. Những châu chấu non không cánh phát triển trong một tháng trước khi có thể bay, trưởng thành rồi lại đẻ trứng theo vòng tuần hoàn. Khi nguồn thức ăn dồi dào, châu chấu sa mạc sinh sôi nảy nở và gia nhập cuộc sống bầy đàn; phát triển trở thành đàn lớn có thể đạt số lượng tối đa 80 triệu con/km2 và di chuyển trong phạm vi rộng lớn. Châu chấu trưởng thành có thể ăn số thức ăn trong thảm thực vật bằng trọng lượng của nó.

Biến dịch châu chấu thành cơ hội ảnh 1 Nông dân Kenya bắt châu chấu sống tại một cánh đồng

Những bầy châu chấu khổng lồ ở Đông Phi đã phá hủy nghiêm trọng thảm thực vật, cây nông nghiệp tại ít nhất 8 quốc gia châu Phi. Đây là dịch châu chấu sa mạc nghiêm trọng nhất tại Đông Phi trong 70 năm qua, cộng thêm đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh từ đầu năm 2020 đến nay đã gây ra những rủi ro chưa từng có đối với khu vực này. Dự báo kịch bản xấu nhất là có khoảng 40 triệu người ở các quốc gia bị châu chấu hoành hành đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực.

Trước thực trạng trên, các quốc gia châu Phi đã ban bố tình trạng khẩn cấp để đối phó đại dịch châu chấu. Lực lượng quân sự, máy bay chuyên dụng được huy động để phun thuốc trừ sâu.

Mới đây, công ty nông nghiệp tái sinh châu Phi The Bug Picture đã tìm ra giải pháp giúp các nông dân ở Kenya. Chuyên về protein từ côn trùng, bền vững với môi trường, họ đã tìm ra cách biến châu chấu sa mạc thành thức ăn gia súc và phân bón. Các trang trại bị ảnh hưởng được khuyến khích thu hoạch châu chấu sống và nhận thanh toán ngay lập tức thông qua nền tảng di động.

Người sáng lập công ty Laura Stanford khẳng định: “Chúng tôi đang trao quyền cho mỗi cá nhân để đóng góp vào một giải pháp hiệu quả. Đây chỉ là một biện pháp bổ sung tại những khu vực không thể phun thuốc do quy mô bầy đàn nhỏ, các khu định cư và khu vực thâm canh cây trồng”.

Giới chuyên gia cho rằng, đại dịch châu chấu có thể sẽ lan rộng sang cả Trung Quốc cũng như các nước châu Á khác nếu không được dự liệu chính xác để ngăn chặn kịp thời. Theo CNN, trong vài tháng gần đây, nhiều đàn châu chấu sa mạc số lượng hàng tỷ con đã bay tới các khu vực mới ở Yemen, Pakistan và Ấn Độ.

Nông dân và nhà chức trách các nước trên đang lo ngại dịch châu chấu gây thiệt hại mùa màng, tàn phá môi trường và ảnh hưởng tới nguồn cung cấp lương thực, trong bối cảnh vẫn đang phải gồng mình đối phó với đại dịch Covid-19.

Tin cùng chuyên mục