Biến đổi khí hậu đã “sát sườn”

Tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện nay đã chứng minh rằng biến đổi khí hậu (BĐKH) là tai họa có thật với những tác động khó lường.

Tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện nay đã chứng minh rằng biến đổi khí hậu (BĐKH) là tai họa có thật với những tác động khó lường.

Theo GS-TS Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, khoảng 5 - 10 năm trước, nghe nói đến BĐKH mọi người cứ tưởng đâu xa xăm lắm, nhưng bây giờ thì đã sát sườn rồi. Thậm chí, những dự báo cho năm 2020 hay 2030 thì hiện nay đã xảy ra, rõ ràng nhất là tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn tại ĐBSCL. Theo dõi diễn biến xâm nhập mặn của ĐBSCL, ông Phùng nhận xét giai đoạn 2011-2015 không có biến động đáng kể, nhưng đến năm 2016 thì mức độ xâm nhập mặn tăng đột biến. Cụ thể, từ ngày 27-2 đến ngày 11-3, độ mặn ở Bến Tre là 12,8g/l (tăng 7,5g/l so với cùng kỳ năm ngoái), ở Sóc Trăng là 25,8g/l (tăng 7,8g/l), cao nhất là Cà Mau với 30,6g/l (tăng 2,7g/l). Xâm nhập mặn cùng với việc thiếu nước do trời không mưa và các đập thượng nguồn giữ nước khiến 160.000ha lúa bị thiệt hại, khoảng 800.000 người dân thiếu nước sinh hoạt, 400.000ha lúa vụ hè thu không xuống giống đúng thời vụ. Tính đến thời điểm này đã có 12 trong tổng số 13 tỉnh, thành ĐBSCL công bố tình trạng thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn.

 Là một trong 10 đô thị lớn bị ảnh hưởng của BĐKH, mùa khô năm nay TPHCM chịu nhiều tác động. Từ cuối tháng 2 đến đầu tháng 3-2016, độ mặn trên các sông có sự gia tăng đột ngột so với các năm trước, độ mặn nhất đo được tại sông Đồng Điền (Nhà Bè) là 15,5g/l (tăng 2,9g/l so với cùng kỳ năm ngoái). Ông Rik Dierx, Giám đốc dự án BĐKH và cung cấp nước ĐBSCL, cho biết độ mặn tại trạm bơm Hòa Phú trên sông Sài Gòn luôn vượt ngưỡng cho phép về cấp nước (theo quy chuẩn Việt Nam, nồng độ chloride phải thấp hơn 250mg/l), một điều chưa bao giờ thấy trong lịch sử của thành phố.

Một thiệt hại khác của BĐKH đối với TPHCM là tình trạng sạt lở đất. Ông Phùng cho biết, nhiều kết quả phân tích ảnh viễn thám cho thấy vịnh Đồng Tranh, ven biển Cần Giờ, các sông đều có nguy cơ sạt lở. Bên cạnh nước biển dâng gây xói lở thì vấn nạn khai thác cát cũng góp phần làm trầm trọng hóa tình trạng này.

Điều đáng lo ngại, tổng nhu cầu nước cho sinh hoạt và sản xuất của TPHCM vào năm 2015 khoảng 4,3 triệu m3/ngày, năng lực cấp nước của các nhà máy vào khoảng 4,4 triệu m3/ngày. Tuy vậy, do tác động của BĐKH, trong tương lai lưu lượng dòng chảy trên sông Sài Gòn và Đồng Nai có xu hướng giảm. Dự báo, năm 2020 lưu lượng dòng chảy giảm từ 0,65% - 3%, năm 2030 giảm từ 0,91% - 4,5% và đến năm 2070 tỷ lệ giảm khoảng 1,7% - 8,2%. Việc giảm lượng nước trên các sông cũng khiến xâm nhập mặn gia tăng vào mùa khô và ảnh hưởng đến chất lượng nước cấp cho hoạt động sinh hoạt, sản xuất của thành phố.

Giải pháp xây dựng các hồ chứa được các chuyên gia trong và ngoài nước nhận xét là một biện pháp chủ động và thích ứng với BĐKH về lâu dài. Ông Bạch Vũ Hải, Phó Giám đốc Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV, cho biết đơn vị này đang nghiên cứu thêm về phương án xây hồ dự trữ nước thô dung tích khoảng 1,3 triệu m3. Nguồn nước này dùng để thay thế trong trường hợp khẩn cấp hoặc trong thời gian Nhà máy nước Tân Hiệp ngưng vận hành để bảo dưỡng. Trong điều kiện bình thường, hồ này làm chức năng lắng lọc, để giảm bớt sử dụng hóa chất cũng tốt. Ngoài ra, thành phố cũng cần nghiên cứu thêm các hồ chứa nước đa mục tiêu, có thể chứa nước mưa để chống ngập, điều tiết lũ và có nguồn nước bổ cập trong mùa hạn, đồng thời tạo cảnh quan, điều hòa khí hậu trong khu vực. Tuy nhiên, bên cạnh phương án xây dựng các hồ chứa nước dự trữ thì điều cần thiết nhất là thay đổi thói quen sử dụng nước. Người dân vốn quen với hình ảnh sông nước mênh mông, có tâm lý nguồn nước không bao giờ cạn nên chưa ý thức bảo vệ và sử dụng tiết kiệm nguồn nước chưa cao, cần thay đổi thói quen này.

KHÁNH LÊ

Tin cùng chuyên mục