Biến đổi khí hậu: Đầu tư dài hạn để giảm tổn thất

Theo kết quả nghiên cứu giám sát, tính dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu (BĐKH) năm 2012 của Việt Nam thuộc Chương trình Sáng kiến về tính dễ tổn thương bởi khí hậu do DARA International và Diễn đàn các nước dễ bị tổn thương vì BĐKH CVF (Climate Vulnerable Forum) vừa công bố, trong 20 năm tới, Việt Nam có thể thiệt hại về kinh tế tăng gấp đôi so với hiện tại do BĐKH gây ra. Báo cáo này được cho là đánh giá tổng quát nhất về môi trường và BĐKH tại Việt Nam.
Biến đổi khí hậu: Đầu tư dài hạn để giảm tổn thất

Theo kết quả nghiên cứu giám sát, tính dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu (BĐKH) năm 2012 của Việt Nam thuộc Chương trình Sáng kiến về tính dễ tổn thương bởi khí hậu do DARA International và Diễn đàn các nước dễ bị tổn thương vì BĐKH CVF (Climate Vulnerable Forum) vừa công bố, trong 20 năm tới, Việt Nam có thể thiệt hại về kinh tế tăng gấp đôi so với hiện tại do BĐKH gây ra. Báo cáo này được cho là đánh giá tổng quát nhất về môi trường và BĐKH tại Việt Nam.

Năm 2030, có thể thiệt hại 11% GDP

Trên cơ sở đánh giá giám sát, nhóm nghiên cứu ước tính tác động của BĐKH đã làm giảm đáng kể tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Các tác động được ước tính ở đây sẽ tăng mạnh về mức độ nghiêm trọng trong vòng 20 năm tới. Tại Việt Nam, BĐKH ước tính đã làm thiệt hại 5% GDP (tương đương 15 tỷ USD/năm). Nếu không có những biện pháp giải quyết hiệu quả, những tác động của BĐKH sẽ khiến Việt Nam tổn thất nhiều hơn nữa, có thể lên đến 11% GDP vào năm 2030. Cụ thể, nước biển dâng gây thiệt hại ước tính 4 tỷ USD. Hàng năm, BĐKH làm chi phí năng suất lao động thiệt hại 8 tỷ USD, ngành ngư nghiệp 1,5 tỷ USD, ngành nông nghiệp 0,5 tỷ USD, lũ lụt và lở đất 200 triệu USD và 150 triệu USD chi phí hạ nhiệt phát sinh khi nhiệt độ tăng lên.

Biến đổi khí hậu: Đầu tư dài hạn để giảm tổn thất ảnh 1

Tòa nhà xanh làm tăng hiệu quả sử dụng năng lượng. Ảnh: HUY ANH

Theo Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP), Việt Nam xếp thứ 6 trong số các nước trên thế giới có tỷ lệ dân số cao sống ở các vùng đất thấp ven biển. Ngập lụt có thể đẩy người dân dễ tổn thương di cư tạm thời hoặc vĩnh viễn, gây ra tình trạng di dời tiềm tàng của hàng triệu người. Nhiều người nghèo sống ven biển sẽ bị ảnh hưởng bởi ngập lụt. Phụ nữ, trẻ em, người già đặc biệt dễ tổn thương trước ngập lụt. Khu vực ĐBSCL của Việt Nam - vựa lúa của cả nước - là vùng dân cư đông đúc, đóng góp 1/2 lượng gạo của cả nước và thậm chí hơn một nửa thủy sản và sản phẩm trái cây. Đến năm 2030, mực nước biển dâng ở ĐBSCL (nơi có khoảng 4 triệu người sống trong đói nghèo) sẽ khiến 45% diện tích đất của vùng này bị tổn thương trước mặn hóa cực đoan  và thiệt hại cây trồng, với năng suất lúa giảm  9%. Báo cáo này cho rằng, kinh tế vĩ mô Việt Nam có nguy cơ bị tổn thương bởi BĐKH tương đối cao so với các nền kinh tế phát triển hơn, vì ngành nông nghiệp chiếm 20% GDP và sử dụng hơn một nửa lực lượng lao động.

Cần nguồn tài chính lớn

Theo đánh giá của DARA, nhận thức được nguy cơ và cũng là thể hiện quan điểm phát triển bền vững, Việt Nam đã hệ thống cơ sở pháp lý, cơ chế chính sách tương đối đầy đủ cho ứng phó với BĐKH như: Chiến lược quốc gia về BĐKH, chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH, chiến lược phát triển xanh, kế hoạch hành động quốc gia, kịch bản BĐKH... Tuy nhiên, Việt Nam là một trong số những nước chịu tác động rất lớn của BĐKH, do đó, nhu cầu tài chính đầu tư cho ứng phó BĐKH là thách thức rất lớn. Nguồn tài chính này sẽ phải đầu tư cho 2 loại hoạt động chính là giảm nhẹ và thích ứng với BĐKH. Giảm nhẹ là những hoạt động dẫn tới giảm thiểu lượng khí thải nhà kính, bao gồm tăng hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm tiêu thụ năng lượng (giao thông, thiết kế tòa nhà…), giảm chất thải và tăng mức độ loại bỏ carbon ra khỏi khí quyển. Thích ứng là những hoạt động để con người, xã hội thích nghi với biến đổi khí hậu, bao gồm thay đổi mùa vụ, thủy lợi, xây dựng đê kè ngăn nước biển, di dân khỏi các vùng thấp. Đây là đầu tư mang tính dài hạn vì nếu được tính toán ngay giai đoạn đầu, chi phí cho thích ứng với BĐKH sẽ giảm rất nhiều so với điều chỉnh sau khi xây dựng.

Thực tế cho thấy, kinh phí cho các chương trình thích ứng BĐKH rất tốn kém, chỉ riêng kinh phí thực hiện các hoạt động trong Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH giai đoạn 2009 -2015, số tiền này lên tới gần 2.000 tỷ đồng, trong đó chưa tính đầu tư hạ tầng và kinh phí triển khai chương trình hành động của các bộ, ngành và địa phương. Do đó, trong điều kiện hiện nay, để ứng phó với BĐKH, Việt Nam cần tới nguồn lực quốc tế, bao gồm vốn, công nghệ và kinh nghiệm, nhất là Việt Nam bước vào giai đoạn hành động theo Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH. Thời gian qua, Việt Nam đạt được nhiều kết quả tích cực trong linh vực hợp tác quốc tế liên quan đến BĐKH. Trong năm 2012, một loạt nước đã cam kết cung cấp tài trợ cho Việt Nam ứng phó với BĐKH như Mỹ (trên 40 triệu USD), Đức (180 triệu USD), Ngân hàng Thế giới (70 triệu USD), Australia (15 triệu AUD), Nauy (4,5 triệu USD)… Theo DARA, tiềm năng huy động nguồn tài chính quốc tế cho ứng phó BĐKH còn rất lớn, ước tính có giá trị hàng trăm tỷ USD/ năm thông qua các quỹ toàn cầu. Chính vì thế, Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH nên xác định hợp tác quốc tế là giải pháp quan trọng để tạo nguồn tài chính cho ứng phó với BĐKH, đồng thời đào tạo nhân lực và cơ chế để đón nguồn quỹ này.

HÀ PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục