Biến đổi khí hậu “đe dọa” rừng ngập mặn ĐBSCL

Có 3 nguy cơ chính có thể xảy ra ở ĐBSCL từ tác động của BĐKH. Đó là lũ và nước dâng; xâm nhập mặn và hạn; bão và áp thấp nhiệt đới.

Có 3 nguy cơ chính có thể xảy ra ở ĐBSCL từ tác động của BĐKH. Đó là lũ và nước dâng; xâm nhập mặn và hạn; bão và áp thấp nhiệt đới.

Lũ nếu xảy ra ở ĐBSCL chủ yếu là do lũ thượng nguồn sông Cửu Long đổ về. Nước lũ kết hợp triều cường hoặc kết hợp mưa bão sẽ càng làm cho mực nước dâng cao, gây ngập úng. Chẳng hạn như tỉnh Bến Tre, những năm gần đây đỉnh triều của các sông vào tháng triều cường cao hơn đỉnh triều trung bình của các năm từ 15-20cm.

Người ta dự báo nếu mực nước biển dâng 0,75-1m thì khoảng 60-70% diện tích tự nhiên của tỉnh Bến Tre bị ngập, trong đó các huyện Ba Tri, Bình Đại hầu như sẽ bị ngập hoàn toàn. Dù thế nào, lũ và nước dâng cũng sẽ gây ngập úng cục bộ, sạt lở bờ sông, bờ biển. Lũ và nước dâng cũng làm thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp, bao gồm đất trồng lúa, cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản.

Trong khi đó một trong những ảnh hưởng lớn nhất, cụ thể nhất của BĐKH đến tài nguyên nước ở khu vực ĐBSCL là tình trạng xâm nhập mặn ngày càng rộng và lấn sâu vào nội đồng. Những năm gần đây, theo tính toán sơ bộ, có những vùng những nơi mà độ mặn 4‰ đã xâm nhập sâu vào đất liền trên hàng mấy chục kilômét tính từ cửa sông. Hạn hán, xâm nhập mặn đưa lại hệ lụy là thiếu nước ngọt sinh hoạt và ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, gây thêm khó khăn cho đời sống của cộng đồng dân cư trong vùng bị ảnh hưởng BĐKH. Thiếu nước sinh hoạt, lúa bị mất trắng hoặc giảm năng suất, cây giống bị hư hại hoặc bị chết yểu, cây trái bị rụng non, thủy sản tôm cá bị thiệt hại về sản lượng… là những con số kết toán trong giai đoạn từ 1995-2008 tại khu vực ĐBSCL.

Bão và áp thấp nhiệt đới thì sao? Tuy bão và áp thấp nhiệt đới ít khi ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực ĐBSCL thế nhưng những năm gần đây tình hình thời tiết, khí hậu đang có chiều hướng diễn biến phức tạp. Khi hiện tượng thiên tai này xảy ra, hậu quả của nó cũng sẽ rất khốc liệt, đặc biệt các vùng ven biển: nhà cửa, công trình công cộng bị hư hỏng, tốc mái thậm chí bị sập; thiệt hại diện tích sản xuất nông nghiệp…

Theo đánh giá của các nhà khoa học trong nước và quốc tế, biện pháp đối phó hữu hiệu nhất với những thiên tai do BĐKH ở khu vực ĐBSCL chính là tận dụng chức năng phòng hộ của các hệ sinh thái tự nhiên. Các cánh rừng ngập mặn trong khu vực bấy giờ sẽ đóng vai trò vùng đệm tối ưu giúp nâng cao hiệu lực ngăn ngừa và giảm thiểu sức tàn phá của gió bão, triều cường, sóng lớn và nước biển dâng, đất đai xói lở, các cấu trinh sinh cảnh đa dạng sinh học bị hủy diệt…

Bởi vì trong quần thể rừng ngập mặn phân bố ven biển vào sâu các cửa sông ở khu vực ĐBSCL, người ta thấy sự hiện diện của những loài cây mắm, đước, bần và nhiều loài khác, cộng với thảm thực vật rừng phong phú, đặc trưng. Quần thể thực vật này đem lại nhiều hữu ích bất ngờ. Chẳng hạn như loại cây bần phát triển mạnh, ưu hợp trên vùng đất bùn cát ven cửa sông, độ mặn nước không cao, ngả sang lợ và lũ từ nguồn Mekong đổ về ngập tràn mùa nước nổi. Chính rừng bần đã đem lại tác dụng phòng hộ đa năng cho vùng cửa sông.

TRUNG KHANH

Tin cùng chuyên mục