Biến đổi khí hậu tác động xấu đến cộng đồng

Sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến những yếu tố cơ bản đảm bảo cuộc sống như nước, không khí, an ninh lương thực và nơi cư trú an toàn là điều khó tránh khỏi. Những khu vực hứng chịu nhiều thiệt hại nhất từ biến đổi khí hậu chính là vùng trũng, vùng duyên hải và các đô thị ở các nước đang phát triển. Riêng tại Việt Nam, TPHCM chính là một trong những thành phố hứng chịu nặng nề nhất sự ảnh hưởng này.
Biến đổi khí hậu tác động xấu đến cộng đồng

Sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến những yếu tố cơ bản đảm bảo cuộc sống như nước, không khí, an ninh lương thực và nơi cư trú an toàn là điều khó tránh khỏi. Những khu vực hứng chịu nhiều thiệt hại nhất từ biến đổi khí hậu chính là vùng trũng, vùng duyên hải và các đô thị ở các nước đang phát triển. Riêng tại Việt Nam, TPHCM chính là một trong những thành phố hứng chịu nặng nề nhất sự ảnh hưởng này.

Sự thay đổi môi trường gây tác động đến việc ngập lụt tại TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Sự thay đổi môi trường gây tác động đến việc ngập lụt tại TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Biến đổi khí hậu = thảm họa thiên nhiên + dịch bệnh

Ông Vũ Xuân Đán, đại diện Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động - môi trường, Sở Y tế TPHCM cho biết, những nghiên cứu gần đây đã chỉ rõ biến đổi khí hậu gây nên hàng loạt thảm họa thiên nhiên như sự gia tăng nhanh chóng về nhiệt độ, tăng những tác nhân gây ô nhiễm không khí, gia tăng tình trạng ngập lụt, hạn hán và ô nhiễm nguồn nước. Những thảm họa thiên nhiên này chính là những tác nhân gây nên những xáo trộn bất lợi cho cuộc sống xã hội. Đơn cử như sự gia tăng nhiệt độ và thay đổi lượng mưa trong những năm gần đây là nguyên nhân gây suy giảm năng suất lương thực, gây mất an ninh lương thực. Biến đổi khí hậu cũng sẽ làm gia tăng tần suất xuất hiện các cơn bão nghiêm trọng, mưa lớn và sóng nhiệt. Nếu không có các giải pháp cải thiện, đến năm 2080, mực nước biển dâng cao sẽ ảnh hưởng đến số lượng người gấp 10 lần so với hiện nay (khoảng 100 triệu dân).

Điều đáng quan ngại hơn, biến đổi khí hậu, thảm họa thiên nhiên sẽ tạo nên hàng loạt dịch bệnh mà con người khó có thể kiểm soát được như bệnh ngoài da, sốt rét, sốt xuất huyết và nhất là bệnh tiêu chảy. Trên thực tế, bệnh tiêu chảy vẫn là một trong những bệnh làm thiệt mạng nhiều trẻ em nhất. Không chỉ vậy, sự bất thường của thiên nhiên cũng dẫn đến sự chuyển biến bất thường, biến tướng các chủng loại virus và vi khuẩn. Hệ quả là làm phát sinh nhiều loại dịch bệnh mới, lạ với hệ thống miễn dịch của cơ thể. Trong khi đó, hệ thống dịch vụ y tế chưa có kinh nghiệm kiểm soát và chữa trị các bệnh này, dẫn đến mức độ tác động của bệnh lên sức khỏe con người hết sức nghiêm trọng. Thực tế thời gian qua cho thấy, hàng loạt đợt dịch bệnh sởi, viêm não Nhật Bản, sốt xuất huyết khiến nhiều người tử vong một phần xuất phát từ những yếu tố thay đổi bất thường của khí hậu. 

Tạo lối sống tiêu thụ ít cácbon

Lượng mưa được dự báo sẽ giảm trong mùa khô và tăng trong mùa mưa. Nhiệt độ trung bình được dự báo sẽ tăng 1oC và mực nước biển dự kiến sẽ tăng 30cm cho đến năm 2050. Đến năm 2100, nhiệt độ sẽ tăng thêm 2,6oC và mực nước biển dâng thêm 1m… Cộng hưởng tất cả những yếu tố trên, TPHCM sẽ chịu ảnh hưởng hỗn hợp các yếu tố là tăng nhiệt độ kéo suy giảm chất lượng không khí, nguồn nước, gia tăng các sự cố vỡ đê bao và tần suất ngập lụt… Chưa hết, sự phát triển nhanh chóng của thành phố còn gây nên áp lực đối với khoảng không gian xanh. Giao thông với đặc trưng các phương tiện giao thông cá nhân tăng nhanh dẫn đến thường xuyên bị kẹt đường và ô nhiễm không khí ngày càng nặng nề. Một thách thức khác nữa là biến đổi khí hậu diễn biến một cách từ từ chậm rãi, khó thấy ngay nguy cơ trước mắt nên rất khó để thay đổi nhận thức của mọi người.

Từ những tác hại do môi trường sống bị thay đổi trên, người dân TPHCM sẽ phải đối mặt với những nguy cơ như bão lụt gây thương vong và tàn phá các công trình y tế, làm cản trở sự chăm sóc sức khỏe người dân; ô nhiễm không khí làm gia tăng bệnh về hô hấp và tăng nguy cơ lây lan các dịch bệnh hô hấp khác; gia tăng nguy cơ bùng phát các dịch bệnh như sốt xuất huyết, tiêu chảy và các bệnh truyền nhiễm khác; gia tăng bệnh ngoài da; di cư khỏi những vùng trũng gây tác động đến sức khỏe tâm thần…

Để có thể giảm thiểu những tác động của biến đổi khí hậu đến sức khỏe cộng đồng, theo ông Phạm Xuân Mai, Trường Đại học Bách khoa TPHCM, thành phố cần phải áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp xanh. Cụ thể trong lĩnh vực giao thông nên ứng dụng mô hình giao thông thông minh như sử dụng khí CNG cho hệ thống xe buýt với những chính sách ưu đãi đặc thù. Riêng GS Nguyễn Văn Phước, Viện Môi trường và Tài nguyên, cho rằng, song song với quá trình phát triển của thành phố, vấn đề xử lý chất thải hiện cũng rất đáng quan ngại. Cần thiết định hướng chuyển xử lý chất thải sang chuyển hóa thành năng lượng sạch tái sử dụng để giảm thiểu hiệu quả lượng lớn khí phát thải ô nhiễm do hoạt động chôn lấp rác thải gây ra. Riêng ngành y tế phải được xem là ngành giữ vai trò quan trọng nhất trong việc giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu đến sức khỏe người dân. Trong đó, nhanh chóng ưu tiên cho đầu tư phát triển hệ thống y tế dự phòng đủ khả năng ứng phó với các sự cố, thảm họa thiên nhiên và dịch bệnh phát sinh quy mô lớn. Đối với người dân và doanh nghiệp thì cần đẩy mạnh lối sống ít tiêu thụ cácbon như sử dụng sản phẩm ít phát thải chất thải sau sử dụng, sử dụng nguyên liệu sản xuất thân thiện môi trường, tăng cường đổi mới công nghệ để giảm thiểu sử dụng nguồn năng lượng hóa thạch… Có như thế mới mong giảm thiểu những tác hại đến sức khỏe của cộng đồng mà nguyên nhân từ biến đổi khí hậu gây ra.

MINH XUÂN

Tin cùng chuyên mục