Theo thỏa thuận Copenhagen của gần 200 quốc gia vào cuối năm 2009 trong giai đoạn 2010 - 2012, các nước phát triển dành 30 tỷ USD đầu tư các dự án ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH) và phát triển năng lượng sạch. Số tiền này sẽ tăng dần và đến năm 2020 sẽ huy động 100 tỷ USD/năm cho các mục đích tương tự. Tuy thế, đây chỉ là một phần trong hàng loạt những nguồn quỹ khổng lồ trên thế giới, được thành lập ngày càng nhiều, với nguồn vốn ngày càng lớn, để tài trợ cho việc ứng phó với BĐKH…
Quỹ nào cũng... lớn
“Theo số liệu từ văn phòng Chương trình mục tiêu Quốc gia ứng phó với BĐKH, hiện nay, Việt Nam đã nhận được một số cam kết ban đầu về viện trợ không hoàn lại của Đan Mạch, UNDP, UNEP, ADB… tổng cộng khoảng 120 triệu USD và cam kết cho vay ưu đãi của JICA, AFD, ADB, WB… tổng cộng khoảng 800 triệu USD”. |
Bà Trần Thị Minh Hà, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài nguyên - Môi trường là người rất am hiểu về vấn đề tài trợ quốc tế cho BĐKH. Một trong những công việc rất quan trọng của bà hiện nay là làm sao tìm được nhiều nguồn tài trợ, dưới những hình thức tài trợ khác nhau, cho các dự án liên quan đến BĐKH tại Việt Nam.
Trong công việc có vẻ như đầy ắp thách thức ấy, bà Hà và các đồng sự đang có một thuận lợi khá lớn, vì hiện nay có rất nhiều nguồn quỹ và những hợp tác song phương, đa phương liên quan đến BĐKH đang ngày càng được xúc tiến nhiều hơn. “Chúng ta đã có những tài trợ rất quan trọng và rất có triển vọng tài trợ nhiều hơn trong tương lai như Hà Lan, Vương quốc Anh, Ngân hàng Thế giới, ADB, UNDP… Những tổ chức này không chỉ tài trợ kinh phí mà còn hỗ trợ khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm, kiến thức…”, bà Hà nói.
Đóng vai trò rất quan trọng trong việc tài trợ các gói kinh phí rất lớn có thể tác động mạnh đến việc thích ứng với BĐKH tại Việt Nam, theo bà Hà, còn là các nguồn quỹ quốc tế. Hiện nay có rất nhiều nguồn quỹ, với những nguồn vốn khổng lồ, tài trợ cho các dự án liên quan đến BĐKH. Họ tài trợ trên nhiều lĩnh vực liên quan đến môi trường và BĐKH như năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng; các công trình thích ứng với BĐKH như đê biển, đường…; sản xuất sạch hơn và các công nghệ ít phát thải carbon…
Trong số các nguồn quỹ Việt Nam đã và đang nỗ lực tiếp cận, đáng chú ý nhất là Quỹ Đầu tư BĐKH (CIF), là quỹ ủy thác của 8 nước phát triển: Mỹ, Anh, Úc, Pháp, Đức, Nhật Bản, Tây Ban Nha và Thụy Điển. CIF bao gồm Quỹ Khí hậu chiến lược (SCF) và Quỹ Công nghệ sạch (CTF), trong đó CTF ủy thác, cung cấp vốn vay ưu đãi đồng tài trợ với các khoản vay của ngân hàng phát triển đa phương (MDBs) tạo các động lực khuyến khích tăng quy mô triển khai và chuyển giao công nghệ carbon thấp có tiềm năng lớn đối với viêc cắt giảm phát thải khí nhà kính. CTF có tổng vốn 5 tỷ USD và hiện nay Việt Nam đề xuất sử dụng 250 triệu USD trong số đó, trong thời hạn 3 năm, từ 2011 - 2013.
Đáng nói, Quỹ CIF không phải là nguồn quỹ khổng lồ duy nhất. Những thống kê từ Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài nguyên - Môi trường cho thấy đang có rất nhiều nguồn quỹ rất quan trọng như vậy. Có thể kể đến Quỹ Khí hậu xanh Copenhagen (CGCF), nguồn vốn trong giai đoạn đầu (2010-2012) là 30 tỷ USD; Quỹ Đối tác vì một Trái đất mát lành với số vốn hiện tại là 10 tỷ USD do Nhật Bản khởi xướng 2008; Quỹ Thích ứng với BĐKH (AF), tổng số vốn hiện nay là 63 triệu USD ủy thác cho WB…
Cạnh tranh
Là một trong những quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng nhất của BĐKH, rõ ràng việc tiếp cận các nguồn quỹ, tìm được những nguồn tài trợ cho BĐKH là điều hết sức quan trọng đối với Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, cũng như thỏa thuận tại Copenhagen (COP 15) vào cuối năm 2009, mặc dù các nước phát triển có những cam kết cụ thể về tài trợ cho các nước đang phát triển chịu nhiều tác động của BĐKH, thì cơ hội này cũng không được chia đều cho mọi quốc gia. Việc tài trợ hiện nay được tiến hành theo rất nhiều kênh và dưới nhiều hình thức: không hoàn lại, cho vay lãi suất thấp, hỗ trợ đầu tư, hỗ trợ kỹ thuật…
Để tiếp cận và tiếp nhận được các tài trợ, các quốc gia phải có những kế hoạch hành động, những chương trình mục tiêu, những chương trình hành động cụ thể và cơ chế phối hợp, cơ chế sử dụng nguồn vốn tài trợ. Với quan điểm “cơ hội không được chia đều cho các quốc gia”, có thể thấy, với các quốc gia đang phát triển chịu nhiều tác động của BĐKH, đang có một cuộc cạnh tranh về năng lực kêu gọi tài trợ cho BĐKH.
Những cam kết tài trợ và cho vay ưu đãi, theo các thống kê đã lên tới gần 1 tỷ USD cho Việt Nam. Theo diễn tiến của thế giới, dòng tiền tệ này còn có xu hướng tăng dần lên theo thời gian. Tuy nhiên, những cam kết đó vẫn chỉ là cam kết. Từ cam kết cho đến lúc những khoản tiền đó về đến nơi là những chặng đường dài. Trong khi việc kiếm được nguồn tài trợ vẫn đang là bài toán tiếp tục cần phải giải, thì một lo âu cũng được các chuyên gia vạch ra ngay từ bây giờ: câu hỏi kiếm tiền bao nhiêu, từ đâu là chưa đủ; vấn đề khó khăn còn là kế hoạch sử dụng tiền được lên như thế nào. Đặc biệt, khi các nguồn tài trợ cho BĐKH ngày càng nhiều, thì việc lựa chọn nguồn tài trợ nào cũng là một câu hỏi cần được chuẩn bị chu đáo.
Khi dòng chảy của các nguồn tài trợ như những cơn lũ khổng lồ đang chuẩn bị ào ào trút tới, tỉnh táo để khai thác tốt nhất lợi ích của nó, để không bị cuốn vào đó, là rất cần thiết. Đồng tiền, vốn dĩ cũng có những mặt khác nhau…
Minh Tú