Cần tham gia đối thoại thực chất
Bài viết nêu rõ, hành động của Trung Quốc tại biển Đông đã bị nhiều quốc gia và tổ chức phi chính phủ lên án. Mỹ đã chỉ trích các hành động đơn phương, mang tính khiêu khích của Trung Quốc. Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU), Pháp, Đức, Anh, Canada, Australia và một số quốc gia khác cũng chỉ trích các hành động đơn phương của Trung Quốc tại biển Đông và kêu gọi bảo vệ một trật tự dựa trên luật pháp quốc tế. Theo tác giả bài viết, việc đầu tiên và quan trọng nhất mà ASEAN và cộng đồng quốc tế cần làm là lên án các hành động khiêu khích đơn phương của Trung Quốc. ASEAN cần đoàn kết, tạo ra nhận thức chung trong khối về vấn đề biển Đông. Ngoài ra, ASEAN cần xúc tiến việc thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) để giảm căng thẳng và tránh xung đột, đồng thời nhanh chóng tiến đến một Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC) hiệu quả, ràng buộc về mặt pháp lý, dựa trên UNCLOS và các quy tắc quốc tế khác. Bài viết cũng đánh giá cao việc Việt Nam mạnh mẽ yêu cầu Trung Quốc rút ngay các tàu của họ ra khỏi khu vực bãi Tư Chính.
Trong khi đó, báo The Times of India của Ấn Độ đăng bài viết cho rằng, các hành động của Trung Quốc ở biển Đông là yếu tố thúc đẩy các nước phối hợp để giải quyết vấn đề này. Theo bài viết, Trung Quốc đã và đang thực hiện những hành động đơn phương đe dọa hòa bình và an ninh khu vực. Bài viết cũng cho rằng, các quốc gia Đông Nam Á và những nước có lợi ích ở biển Đông đã có những tín hiệu cứng rắn. Tờ báo kêu gọi Trung Quốc kiềm chế ở biển Đông, tham gia đối thoại thực chất với tất cả các bên liên quan mà không kèm theo điều kiện tiên quyết, duy trì các quy tắc quốc tế và cùng đảm bảo an ninh cho biển Đông. Trung Quốc phải phối hợp với ASEAN thúc đẩy COC có tính ràng buộc về mặt pháp lý.
Liên tiếp vi phạm
Đánh giá các động thái đơn phương của Trung Quốc tại biển Đông, tiến sĩ Gerhard Will, chuyên gia về biển Đông thuộc Quỹ Khoa học và chính trị Đức (SWP), cho rằng, trong những tuần qua Trung Quốc đã có thêm những động thái vi phạm luật pháp quốc tế tại biển Đông. Việc EU ngày 28-8 ra tuyên bố về biển Đông và 3 nước Đức, Anh, Pháp cùng ra tuyên bố chung ngày 29-8 là những động thái rất đáng chú ý. Theo ông Gerhard Will, khác với việc trước kia biển Đông chỉ là một trong nhiều vấn đề trong một bản tuyên bố chung, lần này EU đã ra một tuyên bố chỉ đề cập đến tình hình biển Đông, điều đó cho thấy châu Âu đã nhìn nhận vấn đề này theo một chuẩn mực mới, đó là đưa biển Đông trở thành vấn đề quốc tế. Theo tiến sĩ Gerhard Will, mục đích của động thái này nhằm nhấn mạnh rằng, biển Đông không chỉ liên quan tới lợi ích khu vực mà còn bao gồm cả lợi ích quốc tế. Ngoài ra, việc châu Âu ra tuyên bố chung về biển Đông còn chứng tỏ cộng đồng quốc tế mong muốn giải quyết vấn đề này theo luật pháp quốc tế.
Đề cập đến tình hình biển Đông tại hội thảo Ấn Độ Dương diễn ra tại thủ đô Male của Maldives, ông Harry Harris, cựu chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương và hiện là Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc, cũng đã kịch liệt chỉ trích Trung Quốc về một loạt các vấn đề, trong đó có hành động quân sự hóa ở biển Đông bất chấp luật pháp quốc tế.