Biển Hồ cạn dần

Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến các quốc gia ven sông Mê Công. Tình trạng khô hạn kéo dài từ Trung Quốc, Lào, Thái Lan đến Campuchia và nước ta. “Túi nước” Biển Hồ cũng không thoát cảnh khô hạn, không chỉ ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất ở Campuchia, mà còn tác động mạnh mẽ đến ĐBSCL: Khô hạn khốc liệt, mặn xâm nhập sâu chưa từng thấy. ĐBSCL - vựa lúa an ninh lương thực, sản lượng thủy sản và trái cây lớn nhất cả nước đã và đang chịu tác động ảnh hưởng kép từ các hồ chứa thủy điện thượng lưu và mực nước biển dâng.
Biển Hồ cạn dần

Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến các quốc gia ven sông Mê Công. Tình trạng khô hạn kéo dài từ Trung Quốc, Lào, Thái Lan đến Campuchia và nước ta. “Túi nước” Biển Hồ cũng không thoát cảnh khô hạn, không chỉ ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất ở Campuchia, mà còn tác động mạnh mẽ đến ĐBSCL: Khô hạn khốc liệt, mặn xâm nhập sâu chưa từng thấy. ĐBSCL - vựa lúa an ninh lương thực, sản lượng thủy sản và trái cây lớn nhất cả nước đã và đang chịu tác động ảnh hưởng kép từ các hồ chứa thủy điện thượng lưu và mực nước biển dâng.

Cạn kiệt chưa từng có

Mùa khô năm nay, nguồn nước trên sông Mê Công dần cạn kiệt, Biển Hồ theo đó cũng cạn theo, nguồn cá tôm từ đó cũng cạn dần, cuộc sống của những người “ăn theo” con nước từ đó cũng bị khốn khó. Cứ tưởng khô hạn chỉ gây khó cho người dân ở trên bờ, nào ngờ, bao phận người sống nhờ vào dòng sông, con nước cũng lâm vào cảnh khó khăn, điêu đứng trong kiếp mưu sinh.

Để đến xóm người Việt ở Kampong Chhnang, Seam Reap sống trên Biển Hồ, nhóm phóng viên Báo SGGP phải đi một vòng hơn 400km. Ngày 8-4, bắt đầu từ  Phnom Penh, chúng tôi xuôi theo đường số 5, xuyên qua tỉnh Kampong Chhnang với chiều dài gần 180km để đến chợ KraKor (thuộc tỉnh Kampong Chhnang). Từ đây, đi thêm gần 8km theo con đường đất đỏ mới đến cái “xóm nhà lá” của người Việt, nhưng để đến tận nơi, phải đi xuồng máy thêm gần 1km, vì “xóm nhà lá” này sống trên mặt hồ.

Đến nay, chưa có một thống kê chính thức nào nói về số lượng người Việt đang sinh sống, mưu sinh trên Biển Hồ, nhưng chỉ tính riêng xóm người Việt ở Kampong Chhnang, ở Seam Reap đã có trên hàng ngàn người. Theo quy định của chính quyền sở tại, mỗi năm người dân chỉ được đánh bắt cá từ đầu tháng 10 năm trước đến đầu tháng 6 năm sau. Điều mà họ lo lắng nhất hiện nay là thời gian cấm đánh bắt cá đã gần kề, nhưng số tiền họ tích cóp được từ nguồn bán cá mà họ đánh bắt được trong mấy tháng qua là quá ít. Theo họ, nguyên nhân là do nước trên Biển Hồ cạn nên cá đánh bắt được ít hơn trước đây.

Anh Nguyễn Văn Lợi, 47 tuổi, quê ở Khánh An (An Giang), theo cha qua đây sinh sống từ năm 1981 đến nay, cho biết: “Mấy năm gần đây, nước Biển Hồ có cạn chút ít, nhưng năm nay nước “dựt” hơi nhiều, nên cá mắm cũng không còn nhiều như trước”.

Ông Kharim, một người dân Campuchia ở Biển Hồ thì bảo: “Tao canh thử, năm nay nước nó cạn hơn 5-6 tấc tay, cho nên con cá ít vào bờ, tao không thể ra xa đánh bắt được nên đành chịu”.

Không chỉ những ngư dân trên Biển Hồ than nước cạn nên ít cá, mà những người thả lưới trên sông Tonle Sap (nhánh chảy vào Biển Hồ), thả lưới trên sông Mê Công cũng than như thế.

Ông Kharim, một người dân Campuchia kiểm tra lại chài trước khi đi “kiếm cơm” ở Seam Reap

Ông Mách Sum (45 tuổi, người Campuchia) một ngư dân sống bằng nghề câu lưới lâu năm trên nhánh sông Tonle Sap, than vãn: “Lúc trước, ngày nào cũng bắt được 40 - 50kg cá, gần đây, nước xuống thấp quá nên một ngày kiếm được có mấy ký, không đủ sống”. 

Còn anh Ka Ghim (22 tuổi, người Campuchia gốc Việt), một ngư dân với kinh nghiệm đánh bắt cá gần 12 năm trên sông Mê Công đoạn qua thành phố Phnom Penh, cũng than: “Hôm nay “quần” cả ngày trên sông mà chẳng được gì. Lúc trước, chỉ cần vài tiếng trên sông là kiếm cả chục ký cá các loại. Không hiểu tại sao bây giờ cá biến đi đâu hết”. Cũng theo anh Ka Ghim, lúc trước mỗi ngày vợ chồng anh kiếm được 300.000 - 400.000 đồng tính theo tiền Việt, còn bây giờ hên lắm là được 30.000 - 40.000 đồng.

Còn chị Huoth Chany, một người bán cá khô lâu năm ở chợ Phnom Penh cho biết, cá năm nay rất ít, nên cố gắng gom từ nhiều nơi cũng chỉ đủ bán tại đây chứ không có xuất qua Việt Nam như những năm trước.

Cạn dòng Cửu Long

Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân sâu xa gây ra khô hạn, xâm nhập mặn khốc liệt ở ĐBSCL hiện nay. Nhìn lại, năm 2015 do mùa mưa đến trễ, kết thúc sớm, tổng lượng mưa trên lưu vực thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 20% - 50%. Mực nước Biển Hồ ở Campuchia rất thấp, trung bình khoảng 1,96m so với chuỗi số liệu trung bình nhiều năm thời kỳ 1980-2013 và thấp hơn cùng kỳ năm 2014-2015 trung bình gần 1,1m. Biển Hồ đã cạn nước, mất khả năng điều tiết bổ sung ngay từ cuối tháng 12 (so với mọi năm là tháng 3-4) nên lượng nước về ĐBSCL càng ít.

Nhiều thuyền câu lưới phải neo đậu vào bờ tại ngã tư sông Bắc Sác - Mê Công - Biển Hồ đoạn qua thành phố Phnom Penh vì ít cá  Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN

Tiến sĩ Tô Văn Trường, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, cho biết: “Năm 2015, hạn ở ĐBSCL đã được coi là hạn lịch sử. Lũ năm 2015 là năm lũ nhỏ và nếu tính tần suất lũ từ năm 1961 trở lại đây thì vào khoảng trên 99%, và theo tài liệu quan trắc lưu lượng tại Kratie, vượt mức đảm bảo tưới theo tiêu chuẩn Việt Nam là 85%, do vậy hạn và xâm nhập mặn là điều không thể tránh khỏi. Họa vô đơn chí, năm 2016 được coi là hạn kiệt khốc liệt nhất trong vòng 100 năm nay như thanh gươm Damocles treo lơ lửng trên đầu chúng ta!”. Theo ông, gần đây có thông tin rất đáng quan ngại phía Thái Lan đang tiến hành dự án lấy nước sông Mê Công lên tưới vùng Đông Bắc của Thái Lan sẽ càng làm cho tình hình nguồn nước sông Mê Công thê thảm hơn. Thái Lan còn kế hoạch lấy nước từ dòng nhánh sông Mê Công của Lào, hậu quả càng khó lường vì hiện nay dung tích các đập thủy điện dòng nhánh sông Mê Công còn lớn hơn nhiều dung tích của 11 đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Công của Lào và Campuchia cộng lại.

Theo Bộ NN-PTNT, xâm nhập mặn ở ĐBSCL đã xuất hiện ở mức độ cao hơn trung bình nhiều năm  từ 5-15g/lít, vào sâu trong đất liền từ 50-90km, sâu hơn trung bình nhiều năm từ 10-20km. Dự báo, trong thời gian tới, mặn tiếp tục xâm nhập, ảnh hưởng đến sản xuất và dân sinh, khả năng kéo dài đến đầu mùa mưa (khoảng cuối tháng 5-2016). Ở vụ mùa và thu đông năm 2015, có khoảng 90.000ha lúa bị ảnh hưởng đến năng suất, trong đó thiệt hại nặng khoảng 50.000ha. Vụ đông xuân 2015-2016, có 104.000ha lúa bị ảnh hưởng nặng đến năng suất. Dự kiến, trong thời gian tới, diện tích bị ảnh hưởng khoảng 340.000ha. Trong bối cảnh đó, Campuchia và ĐBSCL đang bị kẹp giữa 2 gọng kềm khô hạn và xâm nhập mặn, với tình thế ngày một thêm khó khăn.

* Sông Mê Công sau khi từ địa phận tỉnh Champasak (Lào) đổ xuống thác Khone vào khu vực Stungsteng - Kratie của Campuchia theo hướng Bắc Nam thì rẽ vào dòng Tonle Sap rồi tách ra thành 2 dòng riêng biệt và chảy xuôi theo hướng Tây Bắc - Đông Nam xuống Việt Nam qua 2 ngã Tân Châu (sông Tiền) và Châu Đốc (sông Hậu).

Theo TS Lê Anh Tuấn (Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu Trường ĐH Cần Thơ), Tonle Sap là một vùng trũng lớn, có chế độ thủy văn sông - hồ. Giữa dòng chảy là một một hồ chứa thiên nhiên lớn, mang tên là Biển Hồ. Biển Hồ là một hồ điều tiết lớn, vào mùa lũ nó có dung tích chứa hơn 60 tỷ m3 nước trải ra ở một vùng có chiều dài 150km, bề ngang nơi rộng nhất là 32km, với diện tích mặt thoáng là 11.000km². Biển Hồ là nơi cung cấp nguồn cá chủ yếu cho Campuchia và Việt Nam. Nhờ tác dụng điều tiết của Biển Hồ mà cường độ lũ trên sông Mê Công ở Việt Nam không lớn lắm. Đặc điểm khác biệt lớn nhất về lũ lụt của sông Mê Công so với các con sông khác ở Việt Nam là nước lên chậm và rút cũng chậm (khoảng 2 tháng). Chính nhờ Biển Hồ mà lũ lụt không phải là một tai họa thực sự to lớn đối với ĐBSCL.

MINH TRƯỜNG - ĐĂNG NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục