Biển lành, cua hội

Đi cào cua giống
Biển lành, cua hội

Trước năm 1995, phong trào nuôi cua biển nổi lên khá rầm rộ tại các tỉnh ven biển ĐBSCL, thế nhưng sau đó xu hướng nuôi cua bị lấn át bởi làn sóng nuôi tôm sú vì nuôi tôm sú thì lợi nhuận cao hơn rất nhiều lần so với nuôi cua. Có điều, nuôi tôm sú “năm ăn, năm thua”.

Nhiều người phát lên nhờ tôm sú nhưng cũng nhiều người đã và đang lận đận vì con tôm sú. Vì vậy, nhiều hộ ngư dân Nam bộ nay lại trở về với nghề nuôi cua biển.

Đi cào cua giống

Biển lành, cua hội ảnh 1
Tiến ra cửa sông Hàm Luông “săn” cua giống. Ảnh: P.L.H.H

Gia đình bên vợ tôi bán tiệm tạp hóa ngay sát sông Băng Cung (xã An Thạnh, Thạnh Phú, Bến Tre) nên việc tôi muốn hội nhập với những người đi rập cua, cào cua ở đây không khó gì. Mỗi chuyến đi bắt cua giống chừng đôi ba ngày, rất đông ngư dân lại đến tiệm nhà tôi mua gạo và nhiều thứ cần thiết khác để chuẩn bị cho chuyến đi…

Tôi bắt chuyện với anh Nguyễn Văn Tài (Tư Tài), làm nghề cào cua trên sông Băng Cung, anh xởi lởi: “Hồi nào giờ tôi chỉ đi rập cua, còn “cào cua” mới xuất hiện trong năm nay. Đi rập cua là để bắt những con cua biển lớn cỡ nắm tay trở lên. Rập cua làm bằng hai thanh tre uốn cong, buộc xéo nhau thành hình chữ X, phía dưới là khoảng lưới vuông vức khoảng 3 gang tay.

Chính giữa chữ X, tụi tôi treo mồi chình (con chình) vì cua rất thích mùi tanh của chình. Khi thả rập cua xuống đáy sông, nghe mùi chình, thế là các chú cua xông tới giành mồi. Trên xuồng, bất thần, mình giựt cái rập và kéo lên, cua “hết hồn” rơi hết xuống lưới. Còn đi cào cua là bắt cua giống ở các bãi, bờ ven sông.

Chẳng là, một hai năm gần đây, cua con sinh sản nhiều vô số kể ngoài cửa biển rồi theo con nước lớn, cua con tràn vào rất sâu trên các sông ở vùng ven biển ĐBSCL; cua con quếnh thành từng dề, đeo bám vào các bập lá dừa nước ven sông.

Để dễ bắt cua giống, cứ chèo xuồng thả men theo hai bên bờ sông, chờ lúc nước ròng, chỉ cần khoảng lưới dài chừng thước tây, thế là cào bắt cua con ở những bập lá hay những bãi triền ven sông. Hiện nay, có người mỗi ngày đi cào cua giống bán được ba, bốn trăm ngàn đồng. Của trời cho, ham lắm…”.

Tôi xuống xuồng anh Lê Văn Thơm (Sáu Thơm) đi thử một chuyến rập cua cho biết. Sáu Thơm nhắc khéo: “Có mang theo… nước không?”. Tôi hiểu  ý anh nhắc tôi mang theo “nước mắt quê hương”, tức là rượu! Sáu Thơm chép miệng: “Tối, luộc cua, tôi với ông lai rai… Đêm trên sông nước, lạnh lắm ông ơi!”.

Bước vào tháng 3 Âm lịch, bầu trời xanh cao trong vắt, gió chướng muộn thổi thông thống trên sông Băng Cung. Nước sông ngày càng mặn lè. Trên sông từng đoàn xuồng nối đuôi nhau đi rập cua. Mỗi đoàn có khoảng 30 chiếc, mà theo Sáu Thơm cho biết, để tiết kiệm sức chèo, cả đoàn hùn tiền lại rồi mướn một chiếc ghe máy làm “đầu tàu” kéo đi từ điểm này đến điểm khác.

Xuồng chúng tôi ra đến vàm Ông Lễ trên sông Hàm Luông thì dừng lại ở đó, Sáu Thơm chọn địa điểm “ngon ăn” rồi lần lượt thả  rập cua xuống sông. Giọng Sáu Thơm khẽ khàng: “Khi nước sông bắt đầu dâng lớn hoặc sắp giựt ròng, tức khi nước chảy mạnh là lúc cua đi tìm mồi”.

Hoàng hôn buông nhanh nơi cửa sông Hàm Luông, con nước trên sông cũng bắt đầu nhửng lớn. Sáu Thơm chèo xuồng đến chỗ một chiếc phao trắng thả nổi sóng sánh trên mặt sông-những chiếc phao làm dấu cho những rập cua vừa được thả xuống nước. Trên xuồng, Sáu Thơm chồm người xuống, tay vớ lấy sợi dây từ cái rập rồi giựt mạnh lên. Sáu Thơm cười đắc chí: “Vô mánh. Con cua này chắc chừng nửa ký lô…”.

Tới giờ lai rai, đứng trên xuồng, Sáu Thơm gọi í ới qua những xuồng bạn đang rập cua gần đó: “Tựu, tựu… mấy cha ơi…”. Trong lúc lúi húi luộc cua, Sáu Thơm tâm sự: “Ở vùng này bây giờ ai cũng nuôi tôm, ruộng lúa cứ hẹp dần nhưng ngặt nỗi, nuôi tôm như… mua vé số. Tôi cũng là một người từng muốn… chết giấc vì tôm.

Thế, may thay! Trước đây, giống cua biển rất hiếm, muốn có con giống để nuôi, mua giá mắc thấy mồ. Với các nhà khoa học cũng vậy, họ nặn đầu để cho cua đẻ nhân tạo nhưng cua đẻ nhân tạo cũng đâu đủ cung cấp cho người nuôi. Còn bây giờ, bỗng dưng…”. “Không phải “bỗng dưng” đâu anh Sáu à. Chắc là biển lành, cua mới tựu về, sinh sản như rươi”, tôi nói với anh Sáu.

Trước nguồn cua giống xuất hiện nhiều vô kể, thời gian gần đây, những người đi rập cua biển (cua lớn) tiện thể làm luôn rập cua giống. Chiếc rập cua giống chẳng khác gì chiếc rập cua lớn, chỉ có phần lưới dưới rập là dùng lưới có khoảng hở nhỏ hơn.

Còn mồi để “dụ” cua giống, thay vì cua lớn là mồi chình thì cua giống là con ruốc… Sáu Thơm khấp khởi: “Cua giống cỡ đầu đũa tôi bán cho người nuôi 500 đồng/con, cỡ bằng ngón tay 1.000 đồng/con, mỗi chuyến đi rập cua tôi bán cho họ cả thùng thiếc, kiếm được lắm…”.

Nhà nhà nuôi cua

Biển lành, cua hội ảnh 2

Rập cua nơi ven biển.

Hai năm qua, diện tích nuôi cua biển ở Bến Tre, Trà Vinh,  Sóc Trăng, Cà Mau đều tăng nhanh. Hiện nay, ở  những vùng ven biển nói trên nhà nhà nuôi cua. Hai nguyên nhân chủ yếu khiến diện tích nuôi cua tăng mạnh thứ nhất là do nguồn cua giống từ thiên nhiên rất dồi dào, giá rẻ; và nguyên nhân không mong muốn thứ hai là hiện tôm sú bị chết tràn lan nên nông dân trở bộ sang nuôi cua với hy vọng gỡ gạc. Vả lại, chẳng lẽ bỏ đất trống (?)

So với trước đây (lúc phong trào nuôi cua trong vuông rộ lên ở ĐBSCL, khoảng năm 1993), môi trường nuôi cua trong vuông bây giờ đã được cải thiện hơn trước rất nhiều, nhất là hệ thống cấp-thoát nước vào vuông nuôi cua-thừa hưởng từ hệ thống thủy lợi mặn nuôi tôm sú.

Đây là điều kiện tốt giúp con cua phát triển nhanh, ít bệnh bởi theo những người nuôi cua “bật mí”, con vật bò ngang này vốn ăn tạp nhưng chúng lại chọn chỗ ở “rất sang” (sạch). Nuôi cua bắt đầu từ con giống nhỏ cỡ đầu đũa, với hình thức nuôi rất thoáng: trên một vuông nuôi, người ta khỏi cần vừng vách lá hay lưới bao quanh vuông, cứ thả nuôi, cho cua ăn mồi, để cua tự do cư trú, bao giờ cua chớm lớn thì mới vừng lưới quanh vuông để giữ cua lại.

Một hình thức nuôi khác là thả cua nuôi xen trong ao nuôi tôm sú quảng canh hay bán công nghiệp. Đầu tư thức ăn cho cua cũng nhẹ hơn gấp nhiều lần so với thức ăn dành cho tôm sú, thường cua rất thích con ruốc tươi hoặc ruốc khô. Cua cũng rất thích ăn… cá biển ươn thối. Song, người nuôi ngại cho cua ăn những thứ trên vì dễ làm nước bị ô nhiễm.

Cua giống từ nhỏ cỡ đầu ngón tay, nuôi chừng 6 tháng sẽ trở thành cua Y (cua vô hạng để bán một con khoảng 1/2 kg), nuôi khoảng 8 tháng cua sẽ có gạch điều. Theo chu kỳ sinh sản của cua, dịp Tết Trung thu là thời điểm chín muồi cua có gạch điều nên bán được giá nhất trong năm…Anh Tám Em, một gia đình nuôi thủy sản tại xã An Thạnh, thổ lộ: “Năm 2006, khi nuôi tôm  sú, mấy đứa em gái tôi thả thêm cua giống xuống ao tôm.

Kết quả: “tôm chai” (nuôi lâu lớn và chết!), còn cua thì lại “về ngược”. Lúc thu hoạch cua, vài ba bữa đã thấy em nó mang ra chợ một hai bao cua, bán 1-2 triệu đồng, cứ vậy mà tụi nó bắt cua lên dài dài, bán lai rai đôi ba tháng, thu chục triệu như chơi…”.

Quả vậy, “cái khó ló cái khôn”, rất nhiều người nuôi thủy sản ở ven biển ĐBSCL đang gỡ gạc lại những mùa tôm thất bát bằng con cua biển. Mừng thì quả là có mừng nhưng tôi và anh Tám Em còn cũng có một mối lo: “Nếu nhà nhà cùng nuôi cua thì cung nhiều hơn cầu là cái chắc, bởi lẽ, cua đang xuất khẩu là cua sống, nguyên con (nhưng số lượng cũng hạn chế), chớ cua chế biến xuất khẩu để tạo đầu ra giá trị kinh tế cao thì chưa nghe nói đến nhiều…”.

Tám Em tư lự: “Sau Tết Trung thu 2006, cua gạch điều có lúc lên trên 100.000 đồng/kg, còn cua Y từ 50.000 - 60.000 đồng/kg, người nuôi hốt bạc nhưng không biết thời gian tới sẽ ra sao?”…

Cuối năm, giá cua ở huyện biển Thạnh Phú tuy giảm so với hồi sau Tết Trung thu nhưng vẫn ở mức cao: cua gạch 80.000 đồng/kg, cua Y 50.000 đồng/kg. Chị Nguyễn Thị Ru, chủ vựa thu mua cua biển xuất khẩu tại xã Giao Thạnh, nói với tôi như cùng chia sẻ niềm vui với người nuôi cua: “Cua trúng mùa nhưng không… dội chợ. Giá cua cỡ đó là năm nay bà con nông dân ở vùng ven biển ăn Tết khỏe re rồi…”.

PHAN LỮ HOÀNG HÀ

Tin cùng chuyên mục